Thông tư 30: Cô chưa nhớ hết tên trò, nhận xét sao chính xác?
VOV.VN -Theo GS.Đào Trọng Thi: Thực hiện Thông tư 30 sẽ đầy đủ hơn nếu sĩ số học sinh đạt chuẩn, chế độ đãi ngộ giáo viên đồng bộ…
Năm học vừa qua, các trường tiểu học trong cả nước đã triển khai thực hiện Thông tư 30. Theo đó, giáo viên không dùng điểm số để đánh giá học sinh thường xuyên, mà đánh giá năng lực học tập của các em bằng cách ghi nhận xét. Đề án này sau đó đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Theo Giáo sư Đào Trọng Thi, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, với sĩ số học sinh đông, giáo viên chưa được tập huấn kỹ càng, chế độ đãi ngộ thiếu đồng bộ… việc thực hiện Thông tư này chắc chắn chưa được đầy đủ, trọn vẹn.
GS. Đào Trọng Thi: Thông tư 30 cần thí điểm rộng rãi
Cô chưa nhớ hết tên trò sao nhận xét chính xác?
PV: Việc không chấm điểm học sinh tiểu học mà thay bằng nhận xét đã được ngành Giáo dục triển khai được một năm và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Giáo sư nhận xét như thế nào về phương pháp này?
GS. Đào Trọng Thi: Phương pháp này đã được nhiều nước áp dụng, tuy nhiên ta muốn làm theo thì phải có sự chuẩn bị kỹ càng. Tôi nghĩ trong một số nội dung thì chưa chắc chúng ta đã có đầy đủ điều kiện như các nước.
Thứ nhất, giáo viên của họ phải được đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp đánh giá học sinh theo kiểu mới.
Video đang HOT
Thứ hai, lớp học của họ ít học sinh, bởi vậy giáo viên có thể quan tâm trực tiếp đến từng em. Còn lớp học ở Việt Nam thì sĩ số đông, thậm chí cô chưa nhớ tên học sinh thì làm sao biết em nào khá hay giỏi?
Ngày trước cho điểm là giúp giáo viên khi chấm bài thì nhớ “em này 5 điểm thì kém, em kia 9 điểm thì giỏi”. Nhưng với việc “chấm” bằng nhận xét, giáo viên phải biết từng em như thế nào. Ở Việt Nam là hơi khó, vì sĩ số lớp học không biết đến bao giờ mới rút xuống con số chuẩn.
Thứ ba, đánh giá theo kiểu nhận xét yêu cầu công việc của giáo viên nặng nề hơn rất nhiều, năng lực của người giáo viên phải cao hơn rất nhiều, phương pháp đánh giá của giáo viên phải tốt hơn rất nhiều.
Nếu như chúng ta không chuẩn bị các điều kiện tốt, chu đáo; không hướng dẫn thật chi tiết thì rất có thể giáo viên không theo kịp được. Như thế thì cô giáo sẽ làm hời hợt, có khi chẳng đánh giá gì cả. Vì đã có rất nhiều giáo viên đã quy ra như 10 điểm là loại gì, nhận xét viết bằng chữ gì, thậm có con dấu “cộp” vào thì có khác gì cho điểm đâu?
Nhưng như thế còn khá hơn là “chấm thầm” trong đầu số điểm để quy đổi, viết bừa là tốt, trung bình thì còn tệ hại hơn. Cho nên tôi nói tại sao không có sự chuẩn bị là vì thế. Ở đây là sự chuẩn bị về tâm lý, vừa về phương pháp, vừa về nghiệp vụ cho người giáo viên.
Không nên vội vàng, cần thí điểm
PV: Bây giờ chúng ta không thể quay lại cách chấm điểm như cũ, tuy nhiên nếu tiếp tục theo cách làm mới thì phải thay đổi thế nào, thưa Giáo sư?
GS. Đào Trọng Thi: Thứ nhất, không thể đòi hỏi yêu cầu cao của phương pháp mới. Phải xem đây là một quá trình; phải có tiến độ, lộ trình, còn nếu yêu cầu cao quá một lúc chắc không ai đạt được.
Thứ hai, phải tập huấn cho giáo viên về phương pháp, nghiệp vụ; đúc rút kinh nghiệm để trao đổi rộng rãi giữa các giáo viên để họ làm tốt hơn. Qua đó, từng bước giáo viên sẽ tiếp cận phương pháp đánh giá mới và càng ngày càng thực hiện tốt hơn.
Thay vì chấm điểm, các cô giáo sẽ ghi nhận xét chung chung như thế này
Tuy nhiên, vấn đề này sẽ nặng nề cho giáo viên hơn. Vì thế có khi chế độ cho giáo viên cũng phải khác đi, sĩ số học sinh phải giảm bớt, quy định giờ chuẩn giảm bớt. Tôi lấy ví dụ ngày trước ra bài thi, giáo viên chấm điểm trong 1 ngày, giờ phải 4 ngày. Hiện tại, nếu vẫn phải bắt giáo viên làm theo khối lượng như cũ thì rất khó và một trong những cách họ phản ứng lại là chỉ làm đến mức quỹ thời gian cho phép thôi. Tất cả những điều đó dẫn đến hệ thống chính sách phải liên quan đến việc này. Đó là thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo tôi, chúng ta là không nên vội vàng làm mà cần thí điểm. Vì trong quá trình thí điểm sẽ đúc kết được những kinh nghiệm để hình thành nên hệ thống chính sách và pháp luật, trên cơ sở đó mới mở rộng ra.
Trong trường hợp này, ngay cả chuyện điều chỉnh chính sách, quy định của pháp luật cũng rất khó khăn vì không có định hướng. Khi thí điểm thì cần nhấn vào nội dung gì, còn bây giờ làm cùng một lúc thì rất nhiều vấn đề, cho nên không biết đánh giá đúng hay sai, tổng kết rất khó. Việc này làm cho các cơ quan Nhà nước thêm khó khăn.
PV: Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có giám sát chuyên đề về việc này không, thưa Giáo sư?
GS. Đào Trọng Thi: Trước mắt thì chưa, vì ngành Giáo dục mới làm thì giám sát cái gì? Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng thường giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, có nghĩa chúng tôi phải xem họ ban hành những văn bản gì, có đúng pháp luật không. Ban hành văn bản rồi thì thực hiện văn bản đó có đúng hay không. Hiện nay, tất cả cái này chưa có nên Ủy ban chưa giám sát.
Tôi nghĩ, các cấp quản lý giáo dục đang ở giai đoạn triển khai, kiểm tra để đôn đốc thực hiện; sau một thời gian sẽ đánh giá, tổng kết lại mới đi đến những vấn đề tầm vĩ mô hơn mà Ủy ban cần phải quan tâm. Tức là khi đã được đúc kết thành chính sách pháp luật, thì lúc đó kiểm tra xem chính sách đó có phù hợp hay không, hiệu quả hay không và việc thực hiện có nghiêm hay không?
Giấy khen học sinh tiểu học cần ghi thống nhất
PV: Tổng kết cuối năm vừa qua, việc xếp loại học sinh cũng rất khác nhau ở các trường, biểu hiện ở việc ghi trên giấy khen và học bạ của các cháu không thống nhất. Theo Giáo sư, có phải các trường có sự hiểu nhầm về Thông tư 30?
GS. Đào Trọng Thi: Tôi nghĩ không có sự nhầm lẫn, mà ở đây chẳng có hướng dẫn gì cả, các trường chẳng biết làm theo cái gì thì mỗi người nghĩ một kiểu. Tôi nghĩ, tất cả những cái đó cơ quan quản lý Nhà nước phải quy định rõ. Ví dụ quy định vẫn xét học sinh theo giỏi, khá… thì phải quy định giỏi như thế nào, khá ra sao? Tiêu chuẩn bây giờ có thể không còn điểm số thì sẽ là cái khác, nhưng vẫn đánh giá là giỏi, khá…
Còn mình sợ chữ giỏi, khá vẫn còn dáng dấp của việc cho điểm sẽ chuyển sang đánh giá học sinh là gì đó, nhưng con chữ phải gắn với một nội hàm, tiêu chí đánh giá cụ thể chứ không phải tùy tiện. Học sinh có thể năm nay học trường này, sang năm học trường kia, bởi vậy khi chuyển trường thì toàn bộ học bạ của các em phải chuyển theo. Cho nên hệ thống đánh giá phải thống nhất trong toàn hệ thống.
PV: Thưa Giáo sư, ở cấp bậc tiểu học chúng ta không nặng về điểm, nhưng lên bậc THCS các em phải đối mặt với việc đánh giá cao hơn về điểm số. Vậy sự “thống nhất” trong hệ thống như ông vừa đề cập nên hiểu như thế nào?
GS. Đào Trọng Thi: Các hệ thống bao giờ cũng phải có tính liên tục và kế thừa, phát triển. Bởi vậy, nếu chuyển từ hệ thống không chấm điểm sang hệ thống ngay từ đầu đã quá nặng nề về điểm thì sẽ không tốt, mà nên từ từ.
Có thể là lớp 6 thì bắt đầu chấm điểm, nhưng việc này cần nhẹ nhàng rồi dần dần nâng lên, như vậy sẽ hợp lý hơn.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!./.
Đại biểu Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn): Năm học vừa qua, bên cạnh mặt tích cực, còn những ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Nhất là việc khen thưởng cuối năm ở các trường. Tình trạng một số giáo viên đánh giá khắt khe, học sinh chỉ được giấy khen xuất sắc nếu có giải thưởng ở cấp thành phố, quận huyện, nhà trường. Nhưng cũng có trường rất rẻ. Em nào cũng khen, kể cả viết chưa đẹp.
Đặc biệt trong năm nay ở các đơn vị hành chính sự nghiệp của cha mẹ học sinh có con học tiểu học không biết khen thưởng các cháu như thế nào, vì không có xếp học lực học sinh loại giỏi.
Theo VOV