Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT có kẽ hở để giáo viên dạy thêm o ép học sinh?
Quy định kiểm tra, đánh giá thường xuyên không giới hạn liệu có trở thành cái roi lùa học sinh đi học thêm?
Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành đang nhận được sự đồng thuận của đội ngũ giáo viên trên cả nước.
Từ năm học này, giáo viên sẽ giảm hẳn số bài phải chấm khi đánh giá học trò, đặc biệt là giáo viên các môn Văn, Toán.
Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT đã gỡ bỏ được áp lực phải làm nhiều bài kiểm tra cho học trò và phải chấm nhiều bài kiểm tra cho giáo viên là có thật.
Liệu Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT có gỡ bỏ được áp lực học thêm cho học sinh?
Học sinh phải học thêm từ 2 lên … 6 lần?
Học thêm dạy thêm hiện nay, phải nói thẳng, nói thật là tệ nạn của giáo dục nước ta hiện nay. Chỉ mới nhập học hai tuần, thế nhưng trên khắp các địa phương cả nước, học thêm, dạy thêm đã vào nề nếp! [1]
Thông tư 26 có giảm áp lực học thêm cho học sinh? (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Lã Tiến)
Kiểm tra, đánh giá thường xuyên không giới hạn là cái roi lùa học sinh đi học thêm?
Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT quy định: Số lần KTđk (Kiểm tra định kỳ) được quy định trong kế hoạch dạy học, bao gồm cả kiểm tra các loại chủ đề tự chọn.
Ngoài kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút trở lên giáo viên phải lên lịch trong kế hoạch giảng dạy; học sinh biết rõ số bài kiểm tra của mình phải làm, làm khi nào, giáo viên khó lấy số bài kiểm tra để lùa học sinh đến lớp học thêm.
Thế nhưng học sinh vẫn suốt ngày “cày ở lớp học thêm”, nay Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT giảm số bài kiểm tra, thế nhưng áp lực học thêm không giảm, không muốn nói là tăng lên.
Video đang HOT
Điểm 1 Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ghi rõ:
“a) Kiểm tra, đánh giá thường xuyên:
Số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên không giới hạn bởi số điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này”.[2]
Như vậy giáo viên bộ môn có thể chủ động số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên, nhưng khi vào sổ điểm chỉ vào đúng số con điểm quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này.
Ví dụ cụ thể: Môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học: 2 ĐĐGtx (Điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên); giáo viên bộ môn có thể kiểm tra 3, 4, 5… lần; nhưng vào sổ 2 con điểm.
Kiểm tra lần 1 học sinh A (không đi học thêm) được 2, học sinh B (đi học thêm) được 6. Kiểm tra lần 2 học sinh A được 6, học sinh B được 6. Kiểm tra lần 3 học sinh A được 7, học sinh B được 7.
Giáo viên có thể vào sổ học sinh A điểm 2; 6 hoặc 6;7, học sinh B chắc chắn sẽ là 6; 7 do đi học thêm. Trong Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT không hề có quy định chọn con điểm nào vào sổ, nên giáo viên hoàn toàn tự quyết.
Chính vì vậy, giáo viên dạy thêm không trong sáng có thể phân biệt “con đẻ, con ghẻ” vào điểm; thông báo với học trò “ngày mai sẽ kiểm tra”, học sinh bao giờ cũng chuẩn bị “ngày mai sẽ kiểm tra”, bước chân học trò lại “lối cũ đi về số lần không giới hạn”.
Giải pháp nào hạn chế tiêu cực dạy thêm?
Việc phải làm ngay, dễ làm nhất, ngành giáo dục làm được, phải quy định “giáo viên chọn điểm số cao nhất của học trò vào sổ điểm để tổng kết” để tránh tình trạng “con ghẻ, con đẻ”.
Số lần kiểm tra phải quy định cụ thể, giới hạn, với trường hợp nào thì tăng số lần kiểm tra, nếu không sẽ xảy ra tình trạng “ngày mai sẽ kiểm tra” lùa học sinh đi học; ngoài ra đây cũng là lổ hổng để giáo viên nâng điểm vô tội vạ.
Đặc biệt, đề kiểm tra phải xây dựng trên ma trận, có bản đặc tả của đề, đáp ứng các mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong chương trình, công khai.
Ra đề theo yêu cầu như thế này, giáo viên sẽ phải cân nhắc có hay không tăng số lần kiểm tra thường xuyên.
Vì vậy đề kiểm tra kiểm tra thường xuyên phải xây dựng trên ma trận, có bản đặc tả của đề, đáp ứng các mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong chương trình, công khai hóa cũng là giải pháp hạn chế dạy thêm.
Mục tiêu của đổi mới giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, trong đó “tự chủ và tự học” là một trong ba năng lực cơ bản.
Dạy thêm, học thêm triệt tiêu hoàn toàn năng lực “tự chủ và tự học”, vì vậy còn “dạy thêm chính khóa”, đổi mới phương pháp đánh giá, đổi mới phương pháp giảng dạy chỉ nằm trên khẩu hiệu và báo cáo cuối năm của nhà trường.
Dạy thêm là nguồn thu nhập lớn của giáo viên, nhà trường. Dịch Covid-19 đang tàn phá thu nhập của phụ huynh, lý ra thầy cô giáo phải hiểu điều đó, dạy thêm miễn phí hay giảm tiền học thêm cho học sinh, hoặc tập trung dạy chính khóa thay vì dành để dạy thêm, đó mới thực sự là người thầy.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://phunuvietnam.vn/cuoc-dua-hoc-them-dau-nam-hoc-moi-20200922201301204.htm
[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-giao-vien-o-thanh-pho-ho-chi-minh-van-day-them-trong-truong-hoc-post212508.gd
[2]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-58-2011-TT-BGDDT-Quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-133268.aspx
[2]https://moet.gov.vn/van-ban/vanban/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1364
Cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học: Trường hồ hởi triển khai, trường vẫn cấm tiệt!
Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 1/11. Đáng chú ý, Thông tư cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học phục vụ tìm kiếm tài liệu dưới giám sát của giáo viên.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, trên lớp, giáo viên sẽ giao cho học sinh nhiệm vụ, có học sinh lên mạng tra cứu thêm thông tin nhưng cũng có học sinh không cần đến mạng vẫn hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Việc thay đổi này nhằm phù hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học nhưng để phục vụ cho việc học tập và phải được sự đồng ý của giáo viên giảng dạy.
Vậy các trường triển khai quy định mới trên ra sao?
Ảnh minh họa
Trao đổi với Infonet, thầy Trần Đức Ngọc - Hiệu trưởng THPT Lê Quý Đôn (Hải Phòng) cho biết việc cho học sinh sử dụng điện thoại để tìm kiếm tài liệu học tập đã được triển khai từ lâu chứ không phải bây giờ mới có.
"Có một số bộ môn đặc thù như môn ngoại ngữ thì giáo viên cho học sinh sử dụng điện thoại để tra cứu còn các bộ môn khác thì tùy vào nội dung mỗi tiết học mà giáo viên sẽ quyết định cho học sinh sử dụng điện thoại hoặc không.
Ví như môn Giáo dục Công dân, ở nội dung liên quan đến luật pháp hay những chính sách mới thì giáo viên cho học sinh sử dụng điện thoại để cập nhật thêm thông tin, tra cứu kỹ lưỡng; hay môn Văn học có nội dung liên quan đến tiểu sử tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, trong sách giáo khoa chưa đầy đủ thì giáo viên cho học sinh tìm hiểu thêm thông qua điện thoại di động", thầy Ngọc cho hay.
Theo thầy Ngọc, từ nhiều năm nay, các em tra cứu tài liệu học tập theo hướng dẫn, theo đường link giáo viên cung cấp sẵn. Hiện nay khi Thông tư 32 có hiệu lực, học sinh được tra cứu một cách tự do hơn nhưng dưới định hướng của giáo viên.
"Nhà trường kiểm soát rất chặt việc học sinh sử dụng điện thoại cho việc cá nhân không liên quan đến việc học. Nếu học sinh vi phạm thì nhà trường sẽ mời phụ huynh lên làm việc và sau đó trả điện thoại lại cho phụ huynh.
Hiện nay ở Hải Phòng đã thí điểm kiểm tra, đánh giá qua máy tính còn điện thoại thì cũng thử nghiệm kiểm tra qua điện thoại ở nội dung khảo sát kiểm tra chất lượng cuối năm của học sinh lớp 12", thầy Ngọc cho hay.
Cô Phí Thị Thu Hương - Hiệu trưởng trường THCS Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: "Về việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học để tìm kiếm tài liệu, nhà trường cũng đã đưa chủ trương đến từng giáo viên. Tuy nhiên, để thực hiện được là rất khó".
Theo phân tích của cô Hương, khi Thông tư 32 có hiệu lực, nhà trường sẽ triển khai cho phép học sinh sử dụng điện thoại nhưng có sự kiểm soát của giáo viên môn học.
"Một lớp có tới 40, để các em thao tác, lắng nghe thầy cô giảng thì được chứ để khai thác tài liệu trên mạng mà giáo viên kiểm soát được cả 40 em là vô cùng khó.
Bởi lẽ, một thao tác trên điện thoại thông mình rất nhanh, 30 giây các em có thể bình luận trên facebook rồi, sao kiểm soát được? Rồi việc dùng điện thoại để khai thác tài liệu cũng chưa thành một thói quen nên tìm kiếm ở đâu, khai thác ra sao cũng không hề dễ.
Về cơ bản thì nhà trường không cấm học sinh sử dụng điện thoại nhưng không khuyến khích khi chưa thể kiểm soát, bởi có Thông tư rồi nhưng mà dùng khi nào cần và dùng làm gì phải có một quy trình quản lý được điện thoại, phải có hướng dẫn rõ ràng" - cô Ngọc nhận định.
Còn theo lãnh đạo trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) thì từ nhiều năm nay học sinh không đươc phép sử dụng điện thoại trong giờ học. Học sinh mang điện thoại đến trường phải cất trong tủ để đảm bảo các em tập trung cao độ nhất cho giờ học.
Khi Thông tư 32 có hiệu lực, trước mắt năm học này, trường THCS - THPT Lương Thế Vinh vẫn duy trì quy định cũ là không cho học sinh dùng điện thoại. Theo lãnh đạo trường này, việc sử dụng điện thoại là câu chuyện dài hơi, phải có tập huấn kỹ lưỡng cho cả giáo viên và học sinh về kỹ năng sử dụng điện thoại tích cực thì mới triển khai vào thực tế được.
Còn băn khoăn việc học sinh dùng điện thoại trên lớp Từ ngày 1-11, Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chính thức có hiệu lực, trong đó cho phép học sinh (HS) THCS, THPT được sử dụng điện thoại trong giờ học phục vụ việc tìm kiếm tài liệu dưới sự giám sát của giáo viên (GV). Tuy nhiên, nhiều trường vẫn không cho HS sử dụng điện thoại...