Thông tư 26 giúp giảm tải sổ sách để thầy cô tập trung hơn cho chuyên môn
Giáo viên mong sao lãnh đạo cấp Bộ, ngành có biện pháp giảm tải sổ sách cho giáo viên để họ tập trung vào chuyên môn dạy học cho học sinh.
Ngày 17/5 vừa qua, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội có văn bản số 1676 về việc hướng dẫn thực hiện đánh giá bằng nhận xét theo Thông tư số 26. Điều này nhằm giảm tải áp lực cho giáo viên bộ môn.
Theo cô L., một nữ giáo viên dạy môn Hóa và là lãnh đạo một trường Trung học cơ sở thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội) cho hay, cách đây ít ngày, đơn vị nhận được văn bản của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội về việc triển khai đánh giá nhận xét theo Thông tư 26.
Ảnh: Văn bản Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hà Nội gửi các Phòng, Hiệu trường trường trung học phổ thông.
Theo đó, văn bản cho phép việc bỏ phần nhận xét vào Sổ theo dõi và đánh giá học sinh và Học bạ học sinh.
Đồng thời, giáo viên thực hiện theo Thông tư 26 là chỉ ghi điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số) và kết quả xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) vào Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), Học bạ học sinh.
Việc đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập môn học, hoạt động giáo dục theo quy định được giáo viên bộ môn thực hiện trong quá trình dạy học và ghi vào Sổ đánh giá theo dõi học sinh (sổ cá nhân của giáo viên).
Nữ giáo viên cho hay, dù có chỉ đạo như vậy nhưng trường cô đang giảng dạy vẫn sẽ triển khai nhận xét đối với các em khối 9 vì đã có điểm các môn học, còn đối với các em khối 6,7,8 thì có thể nhà trường sẽ dừng.
Cô L. chia sẻ, hiện tại, việc đánh giá nhận xét và điểm trung bình môn học của học sinh được tích hợp vào phần mềm cơ sở của Bộ giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, có bất cập là khoảng một, hai năm vẫn có yêu cầu nhận xét vào sổ điểm viết tay dù đã nhập trên phần mềm, gây rắc rối cho giáo viên.
“Chúng tôi cũng thắc mắc là có sổ điểm trên phần mềm rồi thì tại sao lại phải nhận xét cả sổ điểm viết tay nữa”, nữ giáo viên chia sẻ và cho biết, tại đơn vị cô giảng dạy không thực hiện việc sổ điểm viết tay.
Tuy nhiên, việc nhận xét vào phần mềm gây khá nhiều khó khăn đối với những giáo viên dạy các môn phụ như môn Giáo dục công dân, Âm nhạc, mỹ thuật.
Cô L. lấy ví dụ, đối với giáo viên môn Toán dạy 4 tiết/tuần thì dạy một lớp học là đủ, trong khi đó đối với giáo viên dạy môn Giáo dục công dân thì phải dạy 4 lớp học mới đủ 4 tiết.
Đến hết học kì, giáo viên dạy Giáo dục công dân vừa phải nhập điểm lên dữ liệu hệ thống, vừa phải đánh giá nhận xét học sinh tại các lớp học.
Video đang HOT
“Đối với giáo viên dạy môn phụ ở ngoại thành thì lớp học ít, còn ở nội thành, số lớp học nhiều, học sinh đông, gây quá tải cho giáo viên. Bên cạnh đó, lương của họ cũng ít hơn giáo viên dạy môn chính. Tôi được biết, vì vậy nhiều giáo viên cũng đã có ý kiến việc này lên Bộ Giáo dục và đào tạo”, cô L. cho biết.
Nữ giáo viên này cho hay, việc Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội chỉ đạo việc thực hiện Thông tư 26 thì điều này giúp giảm áp lực công việc cho giáo viên bộ môn.
Theo một nam giáo viên chủ nhiệm tại bậc Trung học cơ sở, thì hiện có những môn như Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật là những môn mà học sinh được đánh giá nhận xét, còn môn phụ khác như Giáo dục công dân thì vừa phải tính điểm vừa phải đánh giá nhận xét.
Theo nam giáo viên này, anh mong sao lãnh đạo cấp Bộ, ngành có biện pháp giảm tải sổ sách cho giáo viên để họ tập trung vào chuyên môn dạy học cho học sinh.
Trái ngược với những giáo viên ở cấp Trung học cơ sở trên, cô L.K.O giáo viên môn Sử tại trường Trung học phổ thông thuộc quận Hoàng Mai cho hay, từ trước đến nay, những giáo viên bộ môn như cô chưa từng phải thực việc việc đánh giá bằng nhận xét đối với học sinh.
Cô O. chia sẻ, tại trường cô thực hiện việc đánh giá học sinh thường xuyên (thường xuyên, giữa kì và cuối kì) và được tính bằng đầu điểm.
“Ngày xưa có hình thức kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút và làm bài 1 tiết 45 phút nhưng giờ trường tôi không còn hình thức này nữa. Thay vào đó là hình thức đánh giá học sinh thường xuyên qua thực hành… hay giữa kì, cuối kì và được tính bằng đầu điểm”, cô O. chia sẻ.
Giáo viên trung học vật vã với việc đánh giá học sinh bằng nhận xét
Chỉ nên yêu cầu giáo viên chủ nhiệm ghi lời nhận xét về từng em sau khi đã hội ý tất cả giáo viên bộ môn đã giảng dạy lớp mình sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Cả tuần nay, thầy giáo H. (giáo viên dạy Sử một trường trung học cơ sở xin được dấu tên) nói rằng mình và một số đồng nghiệp phải thức đến 1-2 giờ sáng chấm bài kiểm tra, vào điểm và ghi nhận xét từng học sinh.
Những lời nhận xét căn cứ vào điểm đạt được nên dễ trùng lắp (Ảnh: Đỗ Quyên)
Chấm bài, vào điểm thì năm nào cũng làm nên cũng quen, nhưng ghi nhận xét bằng lời vào phần mềm vnedu thì quả là một cực hình.
Với giáo viên dạy Toán, Văn còn đỡ vì nhớ tên, nhớ mặt học trò. Những thầy cô giáo dạy các môn ít tiết nhưng dạy nhiều lớp thì vô cùng vất vả. Có thầy phải nhận xét từ 600-700 em học sinh trong khi gần như 2/3 số học sinh ấy chưa biết mặt, nhớ tên.
Vì sao giáo viên trung học phải ghi nhận xét học sinh bằng lời?
Ngày 26 tháng 8 năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Nhiều năm nay, các môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục đã được đánh giá bằng nhận xét kết quả học tập;
Môn Giáo dục công dân được đánh giá bằng hình thức kết hợp giữa cho điểm và nhận xét kết quả học tập. Các môn học còn lại như Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa Lý, Ngoại ngữ được đánh giá bằng việc cho điểm.
Tuy nhiên, một trong những điểm mới của dự thảo Thông tư 26 lần này là việc sẽ kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số với hầu hết những môn học còn lại.
Đánh giá bằng nhận xét hàng trăm học sinh theo tinh thần của Thông tư 26 là chuyện không tưởng
Thông tư 26 cũng quy định cụ thể: Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập.
Nhiều giáo viên dạy bậc trung học khẳng định với chúng tôi đánh giá theo đúng tinh thần của Thông tư 26 là điều không thể do những nguyên nhân sau:
Thứ nhất , do một số môn học có thời gian dạy rất ít (mỗi tuần 1 tiết) nên đa phần thầy cô không nhớ nổi mặt học sinh, không nhớ tên họ các em thì làm sao có thể nhận xét chính xác sự tiến bộ về thái độ, hành vi? Có chăng, chỉ nhận xét được kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập thông qua điểm số.
Ví như những môn Sử, Địa, Giáo dục công dân...mỗi tuần chỉ gặp lớp 1 tiết, một thầy cô giáo phải dạy hàng chục lớp nên số học sinh có khi lên tới 700 em thì làm sao nhớ mặt, nhớ tên từng em được?
Thầy giáo M. cho biết mình dạy 12 lớp và chỉ nhớ một số em học giỏi hoặc một số học sinh quá lỳ còn lại bao nhiêu thì chịu.
Thứ hai , ngồi mà nghĩ ra những lời nhận xét (không rập khuôn) để nhận xét từ 600 đến 700 em một lúc theo sự tiến bộ của từng em về thái độ, hành vi, kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của mỗi em là vô cùng khó.
Giáo viên đã làm thế nào?
Thầy giáo S. giáo viên dạy Địa cho biết, do không nhớ nổi học sinh ấy tên gì, đã học hành ra sao nên khi nhận xét chỉ chủ yếu dựa vào điểm số các em đã đạt được để nhận xét cho xong. Vì thế, những lời nhận xét thường rập khuôn, mang tính chung chung và khá trùng lắp với nhau.
Ví dụ, học sinh đạt dưới 3.5 là nhận xét có thái độ học tập chưa nghiêm túc, tiếp thu bài còn chậm. Từ 3.5 đến 4.9 ghi lời nhận xét học học yếu, chưa chăm, từ 5.0 đến 6.4 là học trung bình, còn thụ động, từ 6.5 đến 7.9 là học khá, có ý thức học tập, từ 8.0 đến 8.9 là học tốt, có sáng tạo, từ 9.0 trở lên là học xuất sắc, năng khiếu và sáng tạo...
Cô giáo D. giáo viên dạy Sử nói rằng mình cũng căn cứ vào điểm số đạt được của các em để ghi lời nhận xét chứ làm sao có thể ngồi để suy nghĩ ra hàng trăm lời nhận xét cho từng em trong khi chẳng nhớ ra em ấy thế nào?
Nhiều cách để giảm áp lực nhận xét cho giáo viên
Thấy nhiều giáo viên quá cực khi phải đau đầu mỏi cổ chỉ để nhận xét theo điểm số đạt được, đã có nhiều sáng kiến được áp dụng để giải phóng thời gian lao động vô ích cho giáo viên.
Thầy giáo A. cho biết trường mình đã làm một phần mềm cài đặt lời nhận xét. Ví như điểm giỏi sẽ là: Học xuất sắc, năng khiếu và rất sáng tạo; Học tốt, sáng tạo...
Điểm yếu sẽ là: Học chưa chăm, cần cố gắng thêm; Học yếu, còn lười; Học yếu cần cố gắng...
Thế là, sau khi nhập điểm xong, phần mềm sẽ định dạng điểm tổng kết thuộc mức nào thì những lời nhận xét được mặc định sẽ chạy kín bảng nhận xét của học sinh.
Còn cô giáo M. chia sẻ, trường mình lại xếp học sinh thành 4 nhóm như yếu, kém; trung bình, khá và giỏi. Chỉ cần nhập vào 1 em trong nhóm ấy dùng chuột kéo ra lập tức những lời nhận xét sẽ xuất hiện y chang nhau. Nhận xét khoảng 600 em chỉ chưa đầy 1 tiếng.
Nhiều chuyện buồn cười
Thầy giáo S. nói rằng do nhìn vào điểm để nhận xét cũng thường xảy ra những chuyện cười ra nước mắt. Để thuận lợi cho việc nhận xét, thầy S. đã phân điểm số vào từng nhóm như giỏi, khá, trung bình, yếu và kém.
Thế nên, học sinh A. có điểm tổng kết 9.0 nên thầy nhận xét học tốt, năng động và sôi nổi. Có phụ huynh đã thắc mắc con bé vốn thụ động, nhút nhát sao giờ thấy thầy phê sôi nổi, năng động, liệu có nhầm với bé nào đó không?
Cũng có em vốn học trung bình và lười học nhưng khi kiểm tra lại đạt điểm giỏi và được giáo viên nhận xét học giỏi tích cực và sáng tạo trong học tập.
Giáo viên bộ môn có nhất định phải nhận xét từng em?
Lực cản lớn nhất để giáo viên không thể nhận xét học sinh chính xác do thời gian gặp gỡ các em quá ít, một tuần chỉ gặp một tiết với gần 50 học sinh cũng chỉ kịp lo giảng dạy cho kịp thời gian.
Bên cạnh đó, một giáo viên mà phải ghi lời nhận xét cho mấy trăm học sinh theo đúng yêu cầu của Thông tư 26 quy định (những lời nhận xét theo sự tiến bộ của từng em về thái độ, hành vi, kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của mỗi em) thật sự là điều không tưởng.
Nên chăng, chỉ nên yêu cầu giáo viên chủ nhiệm ghi lời nhận xét về từng em sau khi đã hội ý tất cả giáo viên bộ môn đã giảng dạy lớp mình sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Giáo viên chật vật đánh giá học sinh Từ cuối năm 2020 đến nay, cô Huyền, chủ nhiệm một lớp 12 ở Vĩnh Long, liên tục nhận được câu hỏi "mặt mũi em này thế nào" từ giáo viên bộ môn. Thông tư 26/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT...