Thông tin thuê bao di động phải chính xác mới được dùng Mobile Money
Ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, những thuê bao muốn được cung cấp dịch vụ Mobile Money phải có thông tin chính xác.
Thông tin thuê bao di động phải chính xác mới được dùng Mobile Money.
Theo đó, nhà mạng được cung cấp dịch vụ đến các khách hàng có chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định. Các số thuê bao di động có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Nhà mạng thực hiện thí điểm phải chịu trách nhiệm định danh khách hàng (KYC) sử dụng Mobile Money. Cụ thể, xây dựng công cụ để quản lý rủi ro và quy trình KYC đảm bảo chỉ những khách hàng đủ điều kiện quy định mới được đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Theo đó, nhà mạng quyết định cho khách hàng đăng ký mở và sử dụng dịch vụ trực tiếp hoặc online. Trong trường hợp không gặp mặt trực tiếp, doanh nghiệp thí điểm phải xây dựng và ban hành quy trình, thủ tục đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định của pháp luật; đảm bảo có các biện pháp hình thức và công cụ để nhận biết, định danh khách hàng, đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin khách hàng.
Nhà mạng cần có quy trình xác thực đối với mỗi giao dịch của tài khoản Mobile Money; xây dựng phương án quản lý đối với trường hợp một cá nhân sử dụng nhiều tài khoản Mobile Money. Ngoài ra, phải có biện pháp nhằm hạn chế, loại bỏ tình trạng SIM có thông tin không chính xác, không đầy đủ trên thị trường.
Trước đó, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo cho phép thử nghiệm dịch vụ Mobile Money, quy định chỉ những thuê bao di động định danh mới được mở tài khoản dịch vụ này.
“Bản chất đây là sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh để mở tài khoản di động. Vì vậy, chúng ta không quá lo lắng về việc SIM rác. Những thuê bao di động định danh rồi mới được mở tài khoản Mobile Money”, ông Phạm Tiến Dũng nói.
Mobile Money được thí điểm 2 năm và triển khai trên phạm vi toàn quốc. Nhưng các nhà mạng phải ưu tiên triển khai dịch vụ Mobile Money tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp chỉ được cung ứng các dịch vụ Mobile Money để chuyển tiền, thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định hiện hành để phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân. Dịch vụ Mobile Money chỉ áp dụng với các giao dịch nội địa và không thực hiện cho những dịch vụ xuyên biên giới.
Nhà mạng thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile Money được sử dụng để nạp tiền mặt vào tài khoản Mobile Money tại các điểm kinh doanh, nạp tiền từ tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc ví điện tử của khách hàng và rút tiền mặt từ tài khoản Mobile Money tại các điểm kinh doanh, rút tiền từ tài khoản Mobile Money về tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử.
Video đang HOT
Khách hàng được thanh toán khi giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ của các đơn vị chấp nhận thanh toán bằng tài khoản Mobile Money và giao dịch chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile Money của khách hàng trong cùng hệ thống của doanh nghiệp thực hiện thí điểm, giữa các tài khoản Mobile Money của khách hàng với tài khoản thanh toán ngân hàng hoặc ví điện tử do doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung cấp. Hạn mức giao dịch đối với dịch vụ Mobile Money không quá 10 triệu đồng/tháng với mỗi tài khoản cho tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.
Đại diện VNPT và MobiFone cho hay, họ đang rà soát lại thông tin thuê bao và yêu cầu các thuê bao đăng ký lại nếu không chính xác để “làm sạch” thông tin của mình. Tuy nhiên, các nhà mạng cho rằng nếu được hỗ trợ từ Bộ Công an để đối soát thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu dân cư thì việc làm sạch thông tin sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều.
Theo MobiFone, nhà mạng có thể cung cấp dịch vụ đến tay khách hàng trong 1 – 2 tháng tới sau khi thử nghiệm kỹ thuật.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết, ngoài VNPT và MobiFone, sắp tới Viettel sẽ được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho thử nghiệm dịch vụ Mobile Money.
Viettel, VinaPhone, MobiFone cùng bắt tay tuyên chiến với SIM rác
Dưới sự điều phối của Cục Viễn thông, 3 nhà mạng lớn đã bắt tay nhau cùng ký kết kế hoạch quản lý thông tin thuê bao, tiến đến việc xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác, SIM kích hoạt sẵn.
Nhà mạng sẽ cùng nhau giải câu chuyện SIM rác
Thực hiện Nghị định 49/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong 2 năm vừa qua, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông - TT&TT) đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm xử lý tình trạng SIM kích hoạt sẵn.
Số liệu thống kê của Cục Viễn thông cho thấy, trong thời gian qua, các nhà mạng đã thu hồi tới 26 triệu SIM rác. Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đánh giá cao đối với kết quả này. Theo đó, số lượng SIM kích hoạt sẵn trên thị trường ngày càng giảm theo thời gian, ngành viễn thông đã ngăn chặn một cách đáng kể tình trạng SIM rác.
Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2021, tình hình SIM rác đang có dấu hiệu phức tạp trở lại. Trước tình hình đó, Cục Viễn thông và 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đã trao đổi, tiến tới thống nhất bổ sung thêm các biện pháp nhằm tăng cường xử lý SIM rác.
Đây là động thái thiết thực nhằm gia tăng tính hiệu quả của bản kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn và xử lý SIM rác mà các nhà mạng đã ký năm 2019.
Các nhà mạng lớn ký bổ sung kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động và ngăn chặn, xử lý SIM rác.
Theo đó, việc kích hoạt thuê bao từ nay sẽ được thực hiện trên hệ thống tập trung của doanh nghiệp, do chính nhân viên của doanh nghiệp thực hiện. Nhân viên đại lý chỉ được hỗ trợ bán hàng, nhập liệu thông tin thuê bao (nếu có).
Ngoài ra, theo bản kế hoạch này, 3 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone sẽ triển khai các giải pháp công nghệ như video call để xác thực khách hàng trước khi kích hoạt thuê bao. Bản kế hoạch mới cũng bổ sung trách nhiệm xử lý cá nhân, đơn vị của doanh nghiệp nếu để xảy ra sai phạm.
Hơn ai hết, những người lãnh đạo của các nhà mạng hiểu rõ việc xử lý SIM rác sẽ tạo tiền đề để phát triển các dịch vụ mới như Mobile Money, từ đó tạo ra không gian tăng trưởng mới. Do vậy, các nhà mạng đều thể hiện sự quyết tâm trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn và xử lý SIM rác.
Động thái nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng rác viễn thông
Ngành viễn thông đã tuyên chiến với vấn nạn SIM rác trong nhiều năm. Các kết quả hiện nay đáng ghi nhận, tuy nhiên vấn đề này chưa được giải quyết triệt để và vẫn còn nổi cộm.
Theo đó, vấn nạn tin rác có chiều hướng ngày càng tăng. Đặc biệt, xuất hiện hiện tượng tin nhắn từ nước ngoài qua mạng Internet được đổ qua SIM rác và gửi tới các thông bao trong nước.
Sau một thời gian dài tiến triển, tình trạng SIM rác, SIM kích hoạt sẵn đang có chiều hướng phức tạp trở lại trong những tháng đầu năm 2021.
Trong những tháng đầu năm 2021, theo khảo sát của Cục Viễn thông, hiện tượng SIM rác, SIM kích hoạt sẵn đang có dấu hiệu quay trở lại. Tỷ lệ thuê bao mới trong 3 tháng đầu năm 2021 tăng 10%, cao hơn hẳn tốc độ bình quân trong cả năm 2020 (6%).
Thực tiễn cho thấy, SIM kích hoạt sẵn vẫn còn tồn tại trên thị trường. Tuy nhiên đó lại là các SIM được đăng ký thông tin thuê bao hợp pháp. Điều này cho thấy, việc quản lý thuê bao di động trả trước hiện vẫn còn lỗ hổng.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, giải quyết vấn nạn rác viễn thông không chỉ cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có trách nhiệm hoàn thiện thêm khuôn khổ pháp lý của mình.
Với việc ký kết hợp tác, các doanh nghiệp đã thể hiện cam kết và quyết tâm của mình một cách rõ ràng hơn. Theo thỏa thuận, sẽ có một quy chế xử phạt nội bộ nghiêm khắc. Bộ sẽ căn cứ vào mức độ thực thi để đánh giá cam kết và quyết tâm của các nhà mạng.
Việc ký kết thỏa thuận thể hiện quyết tâm của các doanh nghiệp viễn thông trong việc xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác.
Thứ trưởng đề nghị tổ công tác dưới sự điều phối của Cục Viễn thông có biện pháp đảm bảo môi trường bình đẳng để các doanh nghiệp viễn thông thực hiện nghiêm túc thỏa thuận này.
Sự quyết tâm của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản, thực chất trong vấn đề quản lý thông tin thuê bao di động trả trước, từ đó xóa sạch tình trạng SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Bên cạnh việc triển khai các biện pháp theo bản kế hoạch đã được ký kết, trong năm 2021, Bộ TT&TT sẽ hoàn thiện trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 49/2017/NĐ-CP.
Khi được triển khai, Nghị định mới sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, từ đó đưa ra các biện pháp cụ thể để doanh nghiệp có thể xử lý tình trạng SIM rác.
Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp trao đổi với Bộ Công an để thúc đẩy việc kết nối đối soát thông tin giữa CSDL thuê bao với CSDL dân cư. Đây là những hành động cụ thể nhằm tạo ra một môi trường không gian mạng an toàn, tin cậy.
Tại sao phải "khai tử" thẻ từ ATM để chuyển sang thẻ chip? Nhiều người dùng thắc mắc việc chuyển đổi 100% sang thẻ ATM chip sẽ tốn không ít thời gian, công sức và tiền bạc, nhưng tại sao chúng ta vẫn phải đổi? Mới đây, nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã chính thức gửi thông báo đến người dùng về việc các thẻ ATM từ sẽ chính thức bị ngừng hỗ trợ và...