Thông tin cũng có thể gây nghiện, đó là lý do mọi người thích hóng chuyện trên mạng xã hội
Đôi khi, bạn nhận ra mình đang đọc những thông tin vô nghĩa, chỉ để khiến bản thân cảm thấy thoải mái.
Chúng ta có rất nhiều chứng nghiện, từ nghiện thuốc lá, cờ bạc, cho đến nghiện sô cô la, caffeine và cả nghiện game. Nhưng liệu có chứng nghiện gì gọi là “ nghiện thông tin” hay không?
Một nghiên cứu mới đăng trong Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ cho thấy: Thông tin cũng có thể hoạt động như một chất kích thích tới não bộ. Tiếp nhận những thông tin dù vô ích cũng có thể khiến chúng ta thấy hưng phấn.
Giống với việc tiêu thụ đồ ăn vặt dù không hề thấy đói, đôi khi bạn nhận ra mình đang đọc những thông tin vô nghĩa chỉ để cảm thấy thoải mái. Đó là lúc não bộ của bạn đói thông tin, và bạn sẽ lao vào ngấu nghiến từng từ từng chữ trong những câu chuyện kịch tính, những “ drama” kích thích não bộ bạn tiết dopamin.
Nhiều khả năng, chứng nghiện thông tin là có thật.
Thông tin cũng có thể gây nghiện, đó là lý do mọi người thích hóng chuyện trên mạng xã hội
“ Não bộ coi bản thân thông tin là một phần thưởng của riêng nó, mà không để ý- thậm chí chẳng cần quan tâm thông tin đó có hữu ích hay không“, nhà khoa học thần kinh Ming Hsu đến từ Đại học California cho biết.
“ Cũng giống như cách chúng ta thích calo rỗng đến từ đồ ăn vặt, não bộ có thể đánh giá quá cao những thông tin không hữu ích nhưng lại khiến chúng ta hưng phấn – hiện tượng mà một số người có thể gọi là rảnh rỗi sinh hiếu kỳ”.
Cùng với một đồng nghiệp của mình, nhà thần kinh học Kenji Kobayashi cũng đang công tác tại Đại học California, Hsu đã phân tích ảnh quét não fMRI của 37 tình nguyện viên khi họ đang tham gia vào một trò chơi đánh bạc.
Trong đó, người chơi phải quyết định trả bao nhiêu tiền để biết trước tỷ lệ cược trên một loạt xổ số, trước khi chọn có tham gia trò xổ số đó hay không. Về cơ bản, đó là một hành động định giá thông tin.
Video đang HOT
Trong một số trường hợp – nếu tỷ lệ cược trên trò xổ số thấp – thông tin đó được coi là hữu ích. Thế nhưng, nhìn chung các tình nguyện viên có xu hướng đánh giá quá cao thông tin về tỷ lệ cược mà họ trả tiền để có được.
Trò xổ số với mức cược càng cao sẽ càng khiến mọi người tò mò muốn có nhiều hơn thông tin về nó. Họ sẵn sàng trả tiền để biết trước tỷ lệ cược, ngay cả khi thông tin đó chẳng ảnh hưởng gì đến quyết định xuống tiền của họ cho trò xổ số hay không.
“ Nghiên cứu của chúng tôi đã cố gắng đi tìm câu trả lời cho hai câu hỏi“, Hsu nói. “ Đầu tiên, liệu chúng ta có thể dung hòa các quan điểm kinh tế và quan điểm tâm lý học về sự tò mò, những lý do khiến mọi người tìm kiếm thông tin được hay không? Thứ hai, sự tò mò trông như thế nào trong não bộ?”
Đôi khi bạn nhận ra mình đang đọc những thông tin vô nghĩa chỉ để cảm thấy thoải mái.
Sự tò mò dưới góc nhìn kinh tế sẽ là một công cụ giúp chúng ta có được các thông tin hữu ích. Còn dưới quan điểm tâm lý học, sự tò mò là bản năng bẩm sinh, chúng ta luôn tò mò về nhiều thứ – bất chấp sự tò mò đó có giúp ích gì cho chúng ta hay không.
Trong thí nghiệm của Đại học California, cả hai quan điểm này dường như đều góp mặt.
Ví dụ, ngay cả khi một tình nguyện viên đã quyết định không tham gia vào trò xổ số trừ trước, anh ta vẫn trả tiền để biết tỷ lệ cược của nó là bao nhiêu. Thông tin về tỷ lệ cược khi đó đã bị đánh giá quá cao.
Nó tương tự với nhiều tình huống trong cuộc sống. Chẳng hạn như khi bạn nộp đơn xin việc vào một công ty, bạn chắc chắn mình sẽ không đi làm cho công ty đó dù có trúng tuyển, nhưng vẫn cứ nộp chỉ để xem mình có được tuyển hay không.
Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu trên động vật trước đây, cho thấy thông tin tự nó đã là một phần thưởng với não bộ, ngay cả khi chúng ta không nhận được bất kỳ lợi ích hữu hình nào khi tiếp nhận các thông tin đó.
Nhưng nghiên cứu mới cũng có một bước tiến, khi xác định được hoạt động định giá thông tin xảy ra trong bộ não. Nghĩa là não bộ dường như cũng biết các thông tin có giá trị ra sao.
Mặc dù nghiên cứu chỉ có sự tham gia của một số lượng nhỏ tình nguyện viên, ảnh quét não mà các nhà khoa học thu thập được đã cho thấy hoạt động định giá và sự tò mò liên quan đến nhau như thế nào.
Dữ liệu fMRI phản ánh những kích thích trong vùng vân và vỏ não trước trán (VMPFC) khi tình nguyện viên nhận được thông tin về tỷ lệ cược của trò xổ số. Trước đó, vùng não này đã được biết là có liên quan đến các hoạt động định giá.
Dữ liệu fMRI phản ánh những kích thích trong vùng vân và vỏ não trước trán (VMPFC) khi chúng ta tiếp nhận thông tin
Thông qua phân tích học máy, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra các “ mã thần kinh” mà chúng ta sử dụng để đánh giá phần thưởng tiền tệ cũng được sử dụng để đánh giá tỷ lệ cược cho trò xổ số. Đó là minh chứng cho việc bộ não chúng ta có thể quy thông tin thành những giá trị cụ thể.
“L ần đầu tiên chúng tôi đã chứng minh được sự tồn tại của một mã thần kinh chung của thông tin và tiền bạc, điều này đặt ra một số câu hỏi thú vị về cách mọi người tiêu thụ và đôi khi tiêu thụ quá mức thông tin“, Hsu nói.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều thông tin rót vào đầu chúng ta mỗi ngày, hiểu cách não bộ chúng ta phản hồi với dạng tài nguyên đặc biệt này là một nhiệm vụ rất quan trọng.
Nó có thể giải thích nhiều hiện tượng trong đời sống hàng ngày, khi bạn tiếp xúc và xử lý thông tin. Chẳng hạn như: Tại sao chúng ta rất khó cưỡng lại việc lướt Facebook trong giờ làm việc, mở điện thoại lên ngay khi có một tin nhắn mới hoặc bị cuốn hút bởi những câu chuyện, “ drama” chẳng ảnh hưởng gì đến mình trên mạng xã hội.
Theo tri thức trẻ
Mỹ thúc đẩy đạo luật ngăn chặn đại dịch nghiện mạng xã hội
Thượng viện Mỹ chuẩn bị đề xuất đạo luật nhằm hạn chế tình trạng nghiện sử dụng mạng xã hội trong giới trẻ, với việc cấm chức năng autoplay (tự động phát) trên Facebook và YouTube.
Đã bao giờ bạn tự hỏi bản thân về việc nghĩ rằng sẽ lướt Facebook trong vòng 5 phút, nhưng cuối cùng 2 tiếng sau bạn nhận ra là mình vẫn đang cuộn, cuộn nữa, cuộn mãi mà không hết? Điều này rất có thể sẽ không còn nữa, nếu một đạo luật sắp tới ở Mỹ được ban hành với mục đích hạn chế việc sử dụng mạng xã hội.
Theo Guardian, tính năng tự động phát (autoplay) trên Youtube, việc cuộn xuống vô tận trên newsfeed của Facebook, và tính năng Snapstreak của Snapchat có thể sẽ bị cấm ở Mỹ theo một đạo luật mới được đề xuất.
Đạo luật về công nghệ nhằm giảm nghiện sử dụng mạng xã hội (SMART) sẽ nhắm vào các kỹ thuật và tính năng mà theo người đề xuất - Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley - được tạo ra để khuyến khích và khiến các hành vi gây nghiện càng lún sâu hơn.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley cho rằng các công ty công nghệ Mỹ có mô hình kinh doanh dựa trên việc làm người dùng nghiện sử dụng sản phẩm của họ.
Đạo luật nhắm vào "các biện pháp được sử dụng để khai thác tâm lý con người hoặc sinh lý não để cản trở đáng kể quyền tự do lựa chọn và đặc biệt cấm 4 tính năng.
Tính năng thứ nhất là cuộn xuống mãi mãi hoặc tự động làm đầy nội dung, giống như những gì bạn làm khi cuộn newsfeed của Facebook hoặc Twitter cùng các mạng xã hội khác như Reddit hay 9gag. Tính năng này sẽ tự động tải nội dung mới khi người dùng xem gần hết nội dung hiện tại dù không có yêu cầu cụ thể nào từ người dùng.
Thứ hai, đạo luật cũng nhằm vào ngăn chặn tính năng tự động phát, điều xảy ra khi trang web tự động phát nhạc hoặc nội dung video mà "không có yêu cầu cụ thể từ người dùng". Đây là điều diễn ra hàng ngày trên Youtube và Facebook. Tuy nhiên đạo luật loại trừ trường hợp tự động phát cho các nội dung quảng cáo, điều mà nhiều người dùng không có mấy thiện cảm.
Thứ ba, cấm những thông tin về thời gian sử dụng nền tảng. Snapchat là mạng xã hội tai tiếng nhất về điều này với tính năng Snapstreak, khi thông báo cho người dùng biết họ đã tương tác với một người dùng khác trong thời gian bao nhiêu ngày liên tục. Các bậc phụ huynh phàn nàn rằng cơ chế đó của Snapstreak dẫn tới những hành vi đáng lo ngại của trẻ nhỏ khi chúng sợ hãi tình bạn của mình bị ảnh hưởng nếu Snapstreak bị phá vỡ.
Thứ tư là cấm xóa bỏ các điểm dừng tự nhiên. Điều này sẽ được đặt ra cho tất cả các trang web tải nhiều nội dung hơn một người dùng bình thường xem trong vòng 3 phút "mà không có yêu cầu trực tiếp đến từ phía người dùng".
"Các công ty công nghệ lớn đã sử dụng việc gây nghiện làm mô hình kinh doanh. Những 'đổi mới sáng tạo' của họ không được thiết kế để tạo ra một sản phẩm tốt hơn, mà để giữ lấy sự chú ý của người dùng bằng các kỹ thuật tâm lý khiến cho họ không thể quay đi khỏi màn hình. Đã đến lúc để đòi hỏi nhiều hơn và tốt hơn từ Thung lũng Silicon", Thượng nghị sĩ Hawley cho biết trong thông báo của mình.
Theo Zing
Đánh giá My Friend Pedro: Gây nghiện và cực vui ngay từ màn chơi đầu tiên My Friend Pedro là sự kết hợp của Max Payne, Deadpool, The Matrix, Total Overdose... trên nền platform hóa ra thú vị hơn bạn tưởng rất nhiều. Tác giả đã có vài giờ trải nghiệm với tựa game này trước khi bắt đầu bài review ngắn dưới đây. Game thực sự rất cuốn từ những giây phút đầu tiên. Nó cho bạn trải...