Thông điệp của LHQ và WHO nhân Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12
Nhân Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12 được Liên hợp quốc (LHQ) thành lập theo sáng kiến của Việt Nam, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã gửi thông điệp kêu gọi tất cả các quốc gia cùng chung tay nỗ lực để bảo đảm thế giới được trang bị và sẵn sàng ứng phó với những thách thức về y tế trong thời gian tới.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng Thư ký LHQ António Guterres cũng nhắc lại những tác động to lớn trên nhiều mặt của đại dịch COVID-19 và cho rằng COVID-19 sẽ không phải là dịch bệnh hay đại dịch cuối cùng mà loài người phải đối mặt. Do đó, ông António Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế ghi nhớ những bài học sâu sắc từ đại dịch COVID-19 và đầu tư mạnh mẽ hơn vào việc chuẩn bị, phòng ngừa và ứng phó với đại dịch. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy sự tiếp cận bình đẳng vaccine, điều trị, chẩn đoán và công nghệ cứu mạng người cho tất cả các quốc gia.
Đặc biệt, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gửi thông điệp ghi hình tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Trong thông điệp ghi hình, Tổng Giám đốc WHO cảm ơn Việt Nam đã đi đầu trong việc đề xuất thành lập Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh quan trọng này, đồng thời đánh giá cao những cam kết, nỗ lực, vai trò dẫn dắt và sự hợp tác của Việt Nam vì một thế giới mạnh khỏe hơn và an toàn hơn. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng chúc mừng chính phủ và nhân dân Việt Nam đã kiểm soát thành công đại dịch COVID-19.
Nhân dịp này, Tổng Giám đốc WHO kêu gọi các quốc gia tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm chuẩn bị, phát hiện và ứng phó nhanh chóng với các dịch bệnh và đại dịch trong tương lai; đồng thời khẳng định, trong những năm tới, WHO sẽ ưu tiên hỗ trợ các quốc gia nâng cao năng lực y tế ở cấp quốc gia và cấp địa phương.
Năm 2020, Việt Nam đã khởi xướng đề xuất Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ thông qua một nghị quyết về việc thành lập Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12. Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Ngày 7/12/2020, ĐHĐ LHQ khóa 75 đã thông qua nghị quyết này bằng đồng thuận và có tới 112 quốc gia đồng bảo trợ nghị quyết.
Với nghị quyết này, ĐHĐ LHQ kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên LHQ, các tổ chức của hệ thống LHQ, các tổ chức toàn cầu, khu vực và tiểu khu vực khác, khu vực tư nhân và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức học thuật, các cá nhân và các bên liên quan khác tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12 hàng năm, thông qua các hoạt động giáo dục và nâng cao nhận thức, nhằm làm nổi bật tầm quan trọng của việc phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và hợp tác ứng phó với các dịch bệnh.
WHO: Đợt bùng phát dịch Ebola mới nhất gây thiệt hại nặng nề cho Uganda
Ngày 5/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Uganda ghi nhận 63 ca mắc và nghi mắc virus Ebola trong đợt bùng phát dịch mới nhất, trong đó có tới 29 ca tử vong.
Nhân viên y tế làm việc tại khu vực cách ly dành cho bệnh nhân Ebola ở Mubende, Uganda, ngày 24/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu họp báo tại Geneva, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết đợt bùng phát tại Uganda lần này gây thiệt hại lớn cho ngành y tế. 10 nhân viên y tế nhiễm bệnh và 4 người đã tử vong. Có 4 trường hợp đã bình phục và đang tiếp tục được theo dõi sức khỏe. Ngoài ra, theo số liệu của Bộ Y tế Uganda, ít nhất 65 nhân viên y tế đang được cách ly sau khi tiếp xúc với các ca mắc bệnh.
Ông Ghebreyesus nhấn mạnh WHO đang hỗ trợ Chính phủ Uganda ứng phó với đợt bùng phát dịch Ebola hiện đã lây lan tại 4 quận ở quốc gia Đông Phi này. Cho đến nay, WHO đã giải ngân 2 triệu USD trong quỹ dự phòng dành cho các trường hợp khẩn cấp và đang làm việc với các đối tác để hỗ trợ Bộ Y tế Uganda bằng cách cử thêm chuyên gia, hỗ trợ thêm vật tư và các nguồn lực bổ sung.
Cũng theo Tổng Giám đốc WHO, mặc dù các vaccine được sử dụng phòng dịch Ebola gần đây tại nước láng giềng CHDC Congo không phát huy hiệu quả đối với chủng virus đang lưu hành tại Uganda, nhưng có một số vaccine đang được phát triển nhằm ngăn ngừa căn bệnh này. Có 2 vaccine trong số đó có thể sẽ bắt đầu được thử nghiệm tại Uganda trong những tuần tới.
Mỹ: Giới chuyên gia nhận định dịch đậu mùa khỉ có thể đã đạt đỉnh Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở một số thành phố lớn của Mỹ dường như đang giảm dần, phù hợp với xu hướng hiện nay ở châu Âu. Các chuyên gia Mỹ lạc quan một cách thận trọng rằng dịch đậu mùa khỉ có thể đã đạt đỉnh ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các ban đỏ nổi...