Thổn thức những lời tri ân của học trò lớp 12
“Năm nay là năm thứ tư con không còn mẹ trên đời. Nhưng 14 năm trước lúc ra đi mẹ cũng đã dạy con mọi thứ, kể cả việc bước đi một mình khi không còn mẹ nữa… Con đã 18 tuổi rồi mẹ à”.
Cô con gái gửi lời hứa đến mẹ ở chốn thiên đường: “Con biết mẹ luôn ở cạnh theo dõi con. Con sẽ nỗ lực để đậu đại học, đi làm và thay mẹ chăm sóc ba. Con lớn rồi không còn vô tâm như trước, mẹ đừng lo nhé!”.
Giây phút nghẹn ngào của mẹ và con gái trong lễ tri ân tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM.
Một đoạn được trích ra từ bức thư của cô học trò Khánh Linh được đọc lên trong lễ tri ân trưởng thành cho học sinh (HS) khối 12 của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM diễn ra vào sáng nay 21/5. Nhiều phụ huynh, giáo viên và cả các em HS mắt đỏ au, nhiều người vội quay mặt, đưa tay lau những giọt nước mắt…
Điều chúng con nói
Trong lễ tri ân của mình, 567 HS lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai gửi thư cho cha mẹ, bày tỏ tình cảm, suy nghĩ mà đôi khi ngày thường, cả hai không dễ nói được bằng lời với nhau.
“Mẹ biết con là người sống thực tế, ít thể hiện tình cảm ra bên ngoài nên việc con biết thư hẳn mẹ sẽ rất bất ngờ nhưng đây là điều con mong ước đã lâu. Xin lỗi mẹ con suy nghĩ và hành động bốc đồng, thích chứng tỏ bản thân nên làm mẹ buồn. Hôm nay, trước ngưỡng của vào đời, con lại ước mình thật nhỏ bé như xưa để mãi được mẹ yêu thương, bảo bọc”, tâm sự của của một nữ sinh gửi đến mẹ Nguyễn Thu Trang.
Phụ huynh cùng con có những giây phút vỡ òa trong lễ tri ân.
Video đang HOT
Nữ sinh Thụy Vy, lớp 12A1 nghẹn ngào khi tuổi đời bố mẹ không còn trẻ, khi con 18 thì bố mẹ đã bước qua tuổi 60. Độ tuổi này bố mẹ vẫn lam lũ, chăm lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ, luôn cố giấu bao mệt mỏi, khó khăn để con cái yên tâm.
Học trò Mai Khanh, lớp 12A6 chia sẻ sự cảm phục đến cha của mình: “Trong mắt con, ba là một người đàn ông hiền lành lại hết mực yêu thương con. Ba không dùng uy quyền để răn dạy con cái mà ở ba là sự chu toàn, hết lòng” – người mà theo em, có đi hết thế gian này cũng không thể tìm được người thứ hai như ba.
Hình ảnh một người cha có thể kiên nhẫn ngồi hàng giờ đồng hồ lắng nghe con kể đủ thứ chuyện trên trời là niềm tự hào của chàng trai Lê Ngọc Toàn, lớp 12A2. Đó cũng là cơ sở để Toàn tin rằng ông có thể kiên nhẫn lắng nghe con cả đời và là người hùng trong thế giới của con.
“Ba là người đàn ông vĩ đại trong con vậy mà để nói ra ba tiếng Con yêu ba sao lại khó quá. Ba cho con được nói điều đó qua trang thư này nhé!”, Toàn viết.
Bông hoa tri ân được những người con tuổi 18 cài lên áo bố mẹ.
Bên dưới sân trường, nghi lễ con cài hoa báo hiếu bố mẹ – nhiều giọt lăn tràn thổn thức của những đứa con cũng là giọt nước mắt xúc động, hạnh phúc của những ông bố bà mẹ. Với không ít người, đây là lần đầu tiên, họ được nghe con bộc lộ tình cảm.
Cảm xúc được đẩy đến tột cùng khi một học trò nói qua loa động viên những ai đó còn ngại ngần: “Hãy thể hiện, hãy yêu thương đừng chờ đợi đến ngày mai vì có thể sẽ muộn”. Những vòng tay, những cái ôm giữa tình cha mẹ và con siết chặt hơn.
Biết ơn thầy cô
Trong lễ tri ân, các em HS cũng đánh dấu sự trưởng thành bằng những tình cảm gửi đến thầy cô. Không đơn thuần chỉ là những lời cảm ơn, nhiều học trò chia sẻ những suy nghĩ, cả những lời “thú tội” đáng yêu đến người thầy mình kính trọng.
“Thầy ơi, thầy còn nhớ con không? Con học Toán bình thường nhưng rất hay đùa giỡn, nói chuyện nhiều trong giờ học và rất thích xung phong lên bảng trong giờ dạy của thầy”, Quỳnh Như, lớp 12A13 gửi thầy Trương Tiếu Hoàng.
Học trò cài hoa tri ân, cảm ơn cô giáo.
Ánh Linh, lớp 12A2 không chỉ yêu quý mà còn bày tỏ sự ngưỡng mộ đến cô giáo chủ nhiệm Liên Phượng bởi “cô có một phong thái nhẹ nhàng với nhụ cười luôn thường trực, chúng em luôn thấy gần gũi. Cô thật giống với câu hát “Cô giáo dục như mẹ hiền” đó cô”.
Lời tri ân của bạn Ngô Xuân An, 12A13 gửi đến cô giáo dạy nghề khi cô là người thầy để lại ấn tượng nhiều nhất cho mình. Theo An đó là người thầy đã “thổi hồn” cho môn Thủ công công nghệ. Không chỉ giúp học trò háo hức tự tay làm những món đồ có giá trị thẩm mỹ mà trong mỗi giờ học của cô, HS được học cách ứng xử, cách làm người và được thư giãn đầu óc.
Mỗi người thầy đã mang đến cho các em những kỷ niệm, ký ức đẹp của tuổi học trò. Những điều đó sẽ là hành trang tiếp sức cho các em bước tiếp trên con đường phía trước.
Mẹ con cùng trao thư
Niềm vui bất ngờ của cô Hồ Thị Thanh Tuyết khi nhận được lá thư của con gái Lữ Thụy Hồng Phúc. Từ xa vào cô cũng mang theo một lá thư gửi con. Từ Bình Thuận bắt xe vào TPHCM dự lễ tri ân trường thành của con, cô Hồ Thị Thanh Tuyết (mẹ em Lữ Thụy Hồng Phúc) mang theo lá thư của mình viết cho con. Con ở xa, thường ngày cô cũng hay viết thư như vậy. Con cô chưa dùng điện thoại vì theo cô Tuyết là chưa cần thiết, lúc cần hai mẹ con nói chuyện qua điện thoại bàn của người quen. Vậy nhưng, chưa lúc nào mẹ nhận được thư con. Hôm nay, khi hai mẹ con trao thư cho nhau, người mẹ nghẹn ngào: “Trước khi lên xe, dù vào đây gặp con, tôi vẫn ngồi viết thư cho con. Nhưng bất ngờ và hạnh phúc lớn là tôi nhận được thư cháu viết cho mình”. Cầm lá thư của con, người mẹ vuốt vuốt, đặt vào lòng, không bóc ngay, nói rằng để dành về nhà mới đọc.
Theo Dantri
3.000 học sinh tiếp cận với thư viện số lưu động
3.000 học sinh tiểu học và THCS ở TPHCM sẽ được tiếp cận với chương trình Thư viện số lưu động "Bánh xe tri thức" do Quỹ Quốc tế Singapore (SIF) phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM (GSL) tổ chức vừa được khởi động.
Dự án kéo dài trong thời gian 3 năm bao gồm các kỹ năng học tiếng Anh, các kỹ năng về công nghệ thông tin và những khóa tập huấn đặc biệt về quản lý thư viện.
Theo đó, có khoảng 300 tình nguyện viên Singapore sẽ sang Việt Nam tham gia các lớp giảng dạy giao tiếp tiếng Anh, kỹ năng công nghệ thông tin và tạo điều kiện giao lưu văn hóa cho 3.000 học sinh (HS).
Học sinh Trường THCS Lê Minh Xuân (Bình Chánh, TPHCM) tìm hiểu cùng thư viện số lưu động.
Trong thời gian diễn ra, cứ một tháng 4 chuyến xe, thư viện số lưu động "Bánh xe tri thức" sẽ cung cấp các tài liệu giáo dục, các nguồn lực công nghệ thông tin và phương tiện học tập cho 5 trường học và 3 trung tâm văn hóa ở huyện Bình Chánh.
Ngoài ra, các tình nguyện viên sẽ thực hiện các lớp tập huấn cho nhân viên của Thư viện Khoa học Tổng hợp, các thủ thư và giáo viên về kỹ năng công nghệ thông tin và quản lý thư viện nâng cao.
Mục tiêu của dự án nhằm cung cấp cho HS, SV và cộng đồng địa phương ở các huyện ngoại thành TPHCM việc truy cập những tài liệu giáo dục, công nghệ thông tin và những phương tiện hỗ trợ học tập; hình thành và phát huy thói quen đọc và tự học thông qua các hoạt động tại các trường học và trung tâm văn hóa để khuyến khích việc học tập suốt đời.
Chương trình hướng tới việc phát triển những khả năng, sự tự tin trong giao tiếp và những kỹ năng học tập cho trẻ em để dễ dàng hòa nhập với sự phát triển nhanh chóng của thế giới. Đây cũng là hoạt động xây dựng tình hữu nghị giữa Singapore và Việt Nam.
Dự án "Bánh xe tri thức" của SIF trước đây đã được thực hiện tại Hà Nội và Bandung (Indonesia), mang lại lợi ích thiết thực cho 8.000 HS của hai nước.
Theo Dantri
Du học sinh về nước, khoan vội... "hét" lương Có nhiều lợi thế so với sinh viên học trong nước nhưng khi quay về lập nghiệp, du học sinh cần nhìn nhận thực tế lương khởi điểm ở Việt Nam không cao. Muốn bám trụ, họ cần kiên trì với mục tiêu nghề nghiệp lâu dài. "Đi để học tập - đi để trở về" là chủ đề của Ngày hội du...