Thơm giòn bánh đa làng Kế
Quê tôi ở miền Trung cũng có bánh đa nhưng chiếc bánh đa chỉ mỏng mảnh và lớn bằng chiếc vung nồi đất.
Chính vì vậy, lần đầu tiên về thành phố Bắc Giang – tỉnh Bắc Giang – thấy chiếc bánh đa nướng cong hình yên ngựa, lớn như những vành nón cái hoặc chiếc mâm, một người có thể ăn no hoặc bẻ chia phần cho trẻ con rất tiện, tôi không khỏi reo lên thú vị… Khi hỏi giá, thấy hơi đắt nên một người bạn đi cùng tôi có ý so đo.
Cô hàng bánh đa một tay phe phẩy quạt, một tay xoay trở bánh đang nướng trong bếp than củi di động liếc nhìn chúng tôi và nói như có vẻ ngâm nga:
“Bánh đa làng Kế nhất vùng
Không mua thì chớ xin đừng chê bai”…
Thì ra đây là bánh đa làng Kế “đắt xắt ra miếng”, một đặc sản làng nghề truyền thống nổi tiếng của xã Dĩnh Kế, huyện Dĩnh Trì từ bao đời nay.
Không giống như bánh đa ở nơi khác có thể làm bằng bột gạo, bột mì kèm lạc, dừa… bánh đa Kế có một công nghệ và nguyên liệu, kiểu dáng khác hẳn: Gạo làm bánh đa ở đây được chọn bằng loại gạo cũ để sau này bánh dễ tráng, nở xốp một cách tự nhiên. Khi vo đãi không cần vo kỹ để lượng đạm trong cám vẫn giữ lại được nhiều. Vo xong, gạo được ngâm cho có độ chua vừa phải rồi vớt ra xay hai, ba lần thành bột nước thật sánh nhuyễn, không còn gợn. (Người ta có thể xay gạo lẫn với cơm nấu để nguội cho thật đều làm bột). Công đoạn tráng bánh đa cũng giống như bánh mướt (bánh cuốn), nhưng phải tráng hai lần lên khuôn mặt vải bịt căng trên miệng nồi nước sôi. Lần đầu tráng bột chín tới, lại múc tiếp lớp bột khác tráng lên cho bánh dày đều hai mặt. Sau đó rắc vừng đen và lạc nhân giã nhỏ lên trên, đậy vung lại. Khi bánh chín, có màu trong suốt, người ta dùng một ống nứa tròn to nhúng nước, cuộn nâng bánh lên đưa ra phơi trên liếp tre thưa mỏng. Lúc bánh se mặt phải bóc gỡ nhẹ khỏi dính vào liếp và trở bánh từ dưới lên trên cho đến khi thật khô đều…Bánh đa thành phẩm được xếp vào bao, túi ni lông cho kín hơi, chống ẩm, bảo đảm độ thơm giòn được lâu…
Nướng bánh cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm và khéo tay. Nếu quạt mạnh quá, bánh sẽ cháy sém ở ngoài, không đủ độ chín ở trong, ăn khét, cứng, lại dai nhách mất ngon. Quạt nhẹ quá, hoặc than không hồng bánh cũng không vàng rộm đều và hay lỏi. Khi nướng, cần trở bánh luôn tay từng vạt một để bánh đừng cong vênh quá về một bên, sẽ khó nướng mặt kia. Muốn vậy lại phải dùng cán quạt đè ấn, uốn cho nó chùng võng hoặc bằng phẳng theo ý muốn của mình…
Video đang HOT
Chiếc bánh đa Kế rắc vừng lấm tấm như một bầu trời nhỏ đầy sao, có mặt khắp trong Nam ngoài Bắc.Nó là một thứ quà quê nhưng không kém phần giá trị và sang trọng ở các nhà hàng, thành thị, gần gũi với mọi người. Bẻ từng miếng bánh đa Kế vỡ vụn, giòn tan, nhai nhỏ nhẻ và uống với ngụm nước chè hay li rượu, cảm giác ngọt bùi béo ngậy, thơm dậy một vẻ thuần khiết mãi trong ta…
Theo thời gian và cuộc sống, tôi bén rễ xanh cây, lấy vợ quê ở Bắc Giang. Chiếc bánh đa Kế đối với tôi ngày càng trở nên thân thuộc. Bà con ở đây những khi đi chơi thăm nhau không quên mua vài cặp bánh đa làm quà cho trẻ con, người lớn. Chiếc bánh đa đi vào bữa ăn, sinh hoạt của cuộc sống con người. Mỗi lần về quê ngoại, vợ chồng tôi không quên ghé vào quán chợ ven bến sông Thương mua mấy xấp bánh đa làm quà cho cả hai bên gia đình – ông bà nội ngoại tuy tuổi cao nhưng rất thích loại bánh đa dân dã ấy… Năm nay tôi lại về thăm Bắc Giang. Cha mẹ vợ tôi đã mất. Thân phụ, thân mẫu tôi cũng đã thành người thiên cổ. Nhìn những dãy bánh đa Kế bày bán la liệt ở chợ đầu cầu thành phố, không hiểu sao chân tôi dừng lại ngập ngừng không dám bước vào mà chỉ đứng lặng nhìn, mặc cho nước mắt trào ra như nhớ về kỷ niệm đầy thiêng liêng thân thiết. Lúc ấy lòng cứ nghĩ rằng: nếu ta không giữ, không nâng niu nhẹ nhàng với điều gì như là hồn quê ấy, nó sẽ biến mất, vỡ tan…
Trương Quang Thứ
Bánh đa làng Kế - đặc sản của du lịch Bắc Giang
Có dịp đến Bắc Giang, ngang qua Dĩnh Kế bạn sẽ choáng ngợp trước khung cảnh hàng trăm chiếc phên phơi bánh đa bên quốc lộ 1 - món bánh dân dã mà chỉ ăn một lần ai cũng nhớ mãi.
Đến Bắc Giang bạn sẽ bắt gặp hình ảnh quen thuộc những chiếc phên phơi bánh đa - Ảnh: Huyền Trần
Đi ngang qua Dĩnh Kế, bạn sẽ choáng ngợp trước khung cảnh hàng trăm chiếc phên phơi bánh đa bên đường quốc lộ 1. Và trong đường làng, ngõ xóm, sân nhà, đâu đâu ta cũng gặp những chiếc bánh đa tròn trĩnh, ngon lành như thế.
Làng Kế là ngôi làng cổ thuộc xã Dĩnh Kế của thành phố Bắc Giang. Xã có 11 thôn, trong đó có 6 thôn làm bánh đa, nhưng người dân trong vùng thường gọi là bánh Kế, bởi bánh đa của làng Kế làm ra có hương vị đặc thù không giống với bánh đa ở bất cứ nơi đâu.
Nói đến Bắc Giang hẳn ai cũng sẽ nghĩ tới những đồi vải bạt ngàn Lục Ngạn, những trái cam sành căng mọng Bố Hạ, rượu làng Vân lâng lâng lòng người... Và thật khuyết điểm cho những ai từng đặt chân qua đây mà không thưởng thức đặc sản bánh đa Kế, món bánh dân dã mà chỉ ăn một lần ai cũng nhớ mãi bởi nó có một sức hấp dẫn lạ kỳ.
Hương vị thơm ngọt của gạo, béo bùi đậm đà của lạc, vừng là cảm nhận đầu tiên mà thực khách nhận thấy khi thưởng thức bánh đa Kế. Cùng với đó, khi thưởng thức những âm thanh giòn rụm vui tai vang lên khi nhai cũng làm cho món quà này trở thành cuốn hút.
Dưới bàn tay của người nghệ nhân Dĩnh Kế, món bánh đa tưởng chừng khô khốc ấy lại trở nên giòn rụm, ngon khó lẫn vào đâu được. Dân làng Kế làm bánh đa quanh năm, đặc biệt tấp nập vào những lúc nông nhàn.
Nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm bánh đa Kế là gạo tẻ loại ngon, ngoài ra còn có các loại phụ gia khác như vừng, lạc, khoai lang. Nhưng nguyên liệu thôi chưa đủ, để hoàn thiện và cho ra lò những chiếc bánh đa toàn hảo phải trải qua những công đoạn khá cầu kỳ, đòi hỏi sự cần mẫn và khéo léo của đôi bàn tay.
Đến Bắc Giang bạn sẽ bắt gặp hình ảnh thân thuộc những chiếc phên phơi bánh đa - Ảnh: Huyền Trần
Theo những người dân trong làng, khâu quan trọng là tráng bánh, khâu đòi hỏi kỹ thuật khéo léo của người thợ không phải ai cũng làm được. Phải tráng nhẹ tay, bánh phẳng, đều phụ gia thì những chiếc bánh ra lò mới đều tăm tắp, tròn trịa, không méo, không rách.
Đặc biệt, bánh đa Kế được tráng hai lần. Sau khi lớp đầu tiên đã chín nhưng vẫn còn ướt, lớp thứ hai sẽ được trải đều ngay trên lớp một. Người làm bánh phải nhẹ nhõm, đều tay và đảm bảo cho bánh phẳng.
Sau khi tráng, khéo léo lấy bánh ra khỏi nồi hơi bằng cách quấn lớp tráng quanh một ống nứa to và dài rồi trải đều ra phên.
Với bánh đa ở các vùng miền khác, vừng thường được rắc ở khu vực trung tâm. Nhưng nét độc đáo của bánh đa Kế là vừng và lạc sống sẽ được giã giập rồi phủ kín lên một mặt bánh, tập trung ở tâm bánh và rải đều ra chung quanh.
Người làng Kế thường rắc một lượt vừng đen cùng lạc sống giã giập khi bánh còn bốc hơi và nóng hổi, sau đó mới đem bánh ra phơi.
Bánh đa Kế - món ăn đậm chất dung dị, dân dã - Ảnh: Huyền Trần
Sau khi phơi bánh được cất vào túi nilông để tránh bị mốc - Ảnh: Huyền Trần
Bánh tráng xong được đem phơi hai lần cho khô kiệt. Phải phơi bánh dưới nắng không quá nhạt nhưng cũng không quá gắt. Khi đã se mặt nhưng vẫn còn dẻo, bánh sẽ được kịp thời gỡ khỏi phên. Lúc này phải tránh không để bánh bị vỡ hoặc thủng.
Sau đó, lật sang mặt còn lại và phơi tiếp. Phải thế bánh mới giòn rụm và ngon. Sau khi phơi, bánh sẽ được cất ngay vào túi nilông để tránh ẩm mốc.
Khâu cuối cùng là quạt để tạo hình dáng cho bánh. Người thợ Dĩnh Kế quạt bánh thủ công bằng than hoa nên chiếc bánh nở đều, đầy đặn, không bị méo mó, cháy sém.
Khi bánh chín sẽ dậy lên một mùi rất đặc biệt đó là vị thơm, béo của vừng đen, vị bùi bùi của lạc, vị thơm nhè nhẹ của gạo hòa lẫn với khoai lang, vị đậm đà của muối tinh... Thưởng thức có thể cảm nhận được hương vị đó cùng với độ giòn rụm của bánh. Chính hương vị này đã làm đắm say biết bao lữ khách.
Có dịp ghé qua Bắc Giang, bạn nhớ mua một vài chiếc bánh đa gốc làng Dĩnh Kế để về làm quà cho người thân, gia đình.
Cắn một miếng bánh đa và nhâm nhi chén nước trà xanh, chắc chắn bạn sẽ được trở về không gian miền quê, với hình ảnh những phiên chợ quê vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ, nơi các bà các mẹ vẫn hay đi chợ mua bánh đa Kế về làm quà cho con cháu.
Theo Internet
Mẹ HN bán bánh đa kê vỉa hè 20 năm tấp nập người mua, bán 1000 miếng không xuể Trung bình một ngày cô Chí bán được khoảng 1000 miếng bánh đa kê, mỗi miếng giá 10 nghìn. Nhắc đến kê, mọi người thường nghĩ đến thức ăn dành cho chim. Thế nhưng nguyên liệu ấy kết hợp cùng với những nguyên liệu đi kèm như bánh đa, đậu xanh, đường, dừa trong món bánh đa kê đã trở thành một món...