Thói quen sai lầm của người Việt khi sử dụng tiếng Anh
Học bằng suy diễn dẫn đến đọc sai, bỏ âm cuối, quy luật hóa cách nhấn trọng âm… là những cái sai phổ biến của người Việt.
Thầy giáo Nguyễn Phương từng nhiều năm giảng dạy tại Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ về việc học tiếng Anh, nhất là phát âm của người Việt.
Thi thoảng cha mẹ học sinh phàn nàn về chuyện phát âm của thầy cô dạy tiếng Anh. Thậm chí có những phàn nàn thái quá, như “giáo viên Việt ở các trung tâm ngoại ngữ phát âm sai hết”. Thực tế không hẳn như vậy.
Một lần, để xác định tính xác thực của nhận xét như vậy, tôi bảo người có nhận xét đó ghi lại phát âm của cô giáo. Khi nghe lại, tôi bảo cô giáo phát âm không sai mà do tai nhạc của anh (cháu tôi) có vấn đề. Để thuyết phục hơn, tôi so sánh phát âm của cô giáo với âm chuẩn (của từ điển phát âm) bằng phần mềm so sánh phổ âm. So sánh khẳng định cô giáo phát âm đúng, chỉ khác âm sắc, cao độ. Tôi bảo anh phát âm theo, thì anh lại đọc không đúng.
Vậy nhận xét đúng sai về việc thầy cô phát âm không phải ai cũng phán được. Người hát sai nhạc rất có thể sẽ phán người hát đúng là hát sai!
Lại lần khác, cháu gái tôi học lớp 9 bảo: “Cô giáo cháu đọc hai từ &’cool air’ trong bài cứ như là một từ, âm cuối từ cool dính vào âm đầu từ air, đúng hay sai?”. Tôi bảo: “Khi đọc liền mạch, tự nhiên, cô giáo đọc như thế là đúng đấy”.
Đừng nghĩ giáo viên nước ngoài mới phát âm chuẩn
Một cách nôm na, phát âm sai đồng nghĩa với “ông nói gà, bà nói vịt”. Một lần tôi được mời thăm một trung tâm ngoại ngữ. Ở đó có cả thầy cô nước ngoài (bản ngữ) và thầy cô Việt dạy tiếng Anh.
Sau quan sát và trao đổi, với kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy mấy cô giáo trẻ người Việt nói tiếng Anh khá hay và lưu loát, hầu hết phát âm theo tiếng Mỹ khá chuẩn. Phải nói một cách công bằng là nhờ được tiếp cận tiếng Anh chuẩn mực bằng nhiều con đường, du học, tự trau dồi, nhờ phương tiện điện tử… giáo viên trẻ ngày nay tiến bộ rất nhiều. Họ phát âm chuẩn hơn, nói lưu loát hơn, phương pháp dạy sinh động hơn, và tự tin hơn các thế hệ đồng nghiệp trước, không kém người bản ngữ mấy.
Chất lượng giáo viên phải được xem xét ở từng người, bất kể đó là bản ngữ tiếng Anh hay Việt, chính quy hay tại chức… chứ không thể kết luận chung. Hãy tưởng tượng một người nước ngoài học tiếng Việt, tội cho học viên nào vớ phải một ông du lịch người Việt có tật nói ngọng, đặc giọng địa phương, và học vấn thấp! Nhớ rằng không phải người Việt nào cũng nói tiếng Việt chuẩn và dạy được tiếng Việt. Với ngoại ngữ cũng vậy.
Và, chuyện phát âm sai không chỉ có trong học ngoại ngữ (mà cả “nội ngữ”).
Người Việt đơn giản hóa tiếng Anh
Theo S. Huntington, chính nhờ tiếng Anh không còn mang bản sắc chủng tộc, nên nó càng ngày càng được sử dụng rộng rãi gần như trong mọi lĩnh vực. Cũng do vậy, người ta đã có thể nói đến “các loại” tiếng Anh (Englishes). Ngoài những biến thể chính là tiếng Anh nói ở Mỹ, Australia, New Zealand…, có tiếng Anh Ấn Độ, Singapore… và có lẽ sắp có Venglish?
Video đang HOT
Trong sự giao thoa với tiếng bản địa, tiếng Anh cũng có những biến dạng tạo ra những khó khăn trong giao tiếp.
Người Việt được đánh giá là có khả năng bắt chước âm tốt nhất trong khu vực châu Á. Một phần có lẽ nhờ tiếng Việt có đến 6 thanh điệu, hệ thống chữ cái Latin đủ để bao quát âm vực các âm và chữ cái của tiếng Anh, và “tai nhạc” người Việt tốt hơn? Không thấy người Việt đọc “when” là /ven/ như nhiều người Thái, hay đọc “mail” là /meo/…
Song, chính những sự gần gũi ấy lại đôi khi làm người học ngộ nhận và đơn giản hóa âm của tiếng Anh. Mặc dù tiếng Việt và tiếng Anh có những chữ viết/âm gần giống nhau, nhưng thật ra chúng có cách phát âm không hoàn toàn giống nhau. Âm Anh thường bị người nói đồng hóa trong giao thoa với âm của tiếng Việt, tức là bị “Việt hóa”.
Trong tiếng Anh, phát âm đúng rất quan trọng. Ảnh minh họa.
Những thói quen sai lầm trong phát âm
Khuôn khổ một bài báo phổ thông chỉ cho phép bàn về một số điểm tương đối điển hình để minh họa những thói quen của người Việt sử dụng tiếng Anh (không chỉ người Việt trong nước).
Chính tả và phát âm. Một trong những thói quen không tốt của người học, đó là tật học bằng suy diễn (by analogy), dẫn đến đọc sai.
Tiếng Anh có nhiều từ có chữ viết giống nhau nhưng đọc khác nhau: plough, enough, thought, though, through, borough; ace, face và preface; chore và chorus, chaotic. Không thể suy cách đọc từ “cough” để đọc từ “though” hay “through”…
Từ có cùng chữ viết nhưng cách phát âm và trọng âm khác nhau khi chúng chuyển loại từ, ví dụ động từ “export” và danh từ “export”, động từ “increase” và danh từ “increase”… khác nhau cả về cách đọc và vị trí trọng âm (chỗ nhấn); “clean” trong danh từ “cleanliness” không còn đọc như gốc… Ví dụ vừa nêu khá phổ biến trong tiếng Anh.
Người học đặc biệt không “công thức hóa” các hiện tượng ngôn ngữ, (ví dụ, không nên kết luận “cứ viết OO thì đọc là /u/; cứ viết là EA thì đọc là /i:/…; từ có hai âm tiết thì trọng âm nhấn vào âm tiêt thứ nhất…).
Thêm nữa, trong khi tiếng Anh không phải tiếng thanh điệu như tiếng Việt, ta không nên đọc từ tiếng Anh như thể nó có dấu thanh: đọc “card” là /cạc/, “source” là /suộc/… như thể có dấu nặng (.).
Đó là cách học dẫn đến sai lầm, vì từ tiếng Anh nổi tiếng là “viết một đường, đọc một nẻo”. Mọi quy luật trong tiếng Anh đều có rất nhiều ngoại lệ. Người dạy đừng “xui dại” người học theo cách đó.
Âm cuối. Tiếng Anh và tiếng Việt khác nhau còn ở cách đọc các âm cuối mỗi từ, đặc biệt là âm phụ âm.Ví dụ, khi được đọc lên, từ “write” và “ride”, “rice” và “rise” khác nhau ở âm vị cuối (/t/ vs /d/, /s/ vs /z/) khiến chúng khác nhau về nghĩa. Do từ tiếng Việt không coi trọng những đặc thù đó nên khi nói tiếng Anh, người Việt có xu hướng gần như bỏ âm cuối, một điều gây khó khăn và khó chịu cho người nghe.
Ngược lại, cũng có người quá chú trọng đến âm cuối đến mức cường điệu làm mất tính tự nhiên, ví dụ, “home” thì cường điệu đọc thành gần như “homer” (gần như thêm một âm tiết).
Tính chất âm. Mặc dù tiếng Việt, ví dụ cũng có âm /t/, nhưng không có tính chất bật hơi như trong tiếng Anh; âm /k/ trong “lúc” không đọc như trong “look” của tiếng anh… Đó là sự khác nhau về đặc tính của âm này giữa hai thứ tiếng.
Trọng âm. Trước hết là trọng âm từ, người học tuyệt đối không “quy luật hóa”, “tổng kết” cách đánh trọng âm trong tiếng Anh thành những “công thức”, như trên đã nêu ví dụ. Tương tự học phát âm, gặp từ mới hay biến thể của từ, đừng bao giờ quên xem vị trí trọng âm chính và phụ.
Vì quy luật trong tiếng Anh đều có rất nhiều ngoại lệ, nên cách tốt nhất là ghi nhớ và thực hành.
Ngữ điệu. Ngữ điệu có tự nhiên hay không phụ thuộc vào phát âm, trọng âm, và nhịp điệu đúng. Nó sẽ giúp người nói nói lưu loát. Nhưng, khá nhiều người Việt có xu hướng đọc/nói tiếng Anh bằng một giọng ngang đều đều, không nhịp điệu và điểm nhấn của câu.
Với bất cứ người học và dạy tiếng Anh nào, khi tra nghĩa từ mới, đừng bao giờ quên tra cách phát âm; không phát âm theo lối suy diễn, khái quát hóa; hãy tìm cách so sánh cách phát âm của mình với các từ trong từ điển điện tử.
Vì ngữ âm thực hành, trong đó có phát âm, trọng âm và ngữ điệu, là quan trọng đối với người học tiếng Anh, nên đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay từ năm học 2001-2002 đến nay vẫn duy trì mục kiểm tra ngữ âm thực hành, có giá trị nhắc nhở học sinh và cả thầy cô.
Cho dù xu hướng ngày càng coi trọng sự lưu loát hơn độ chính xác, việc phát âm đúng, với ngữ điệu đúng sẽ giúp người khác giao tiếp với mình dễ dàng hơn, hiệu quả hơn, và sang trọng hơn.
Học tiếng Mỹ hay tiếng Anh đều tốt, nhưng mỗi khi nghe bà Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu, cá nhân tôi vẫn cứ mê thứ tiếng Anh ấy hơn cả – “tròn vành rõ chữ” và sang trọng.
Nguyễn Phương
Theo vnexpress.net
Đầu tư Anh ngữ cho con - hãy là phụ huynh thông thái
Vai trò phụ huynh là không thể thiếu trong việc thúc đẩy và tạo một môi trường học tiếng Anh hiệu quả cho HS.
ảnh minh họa
Lúng túng và a dua trong việc đầu tư cho con
Hết học kỳ I năm học 2017 - 2018, chị Linh (Trưởng ban phụ huynh của tại một trường tư thục có tiếng ở Hà Nội) cho biết có khá nhiều phụ huynh vẫn còn mơ màng với việc học tiếng Anh của con, mặc dù đầu năm phân lớp theo trình độ tiếng Anh thì lớp con chị Linh là lớp có số HS trình độ tiếng Anh tốt đầu khối.
"Học tiếng Anh 7 tiết/tuần với GV người nước ngoài, nhưng chủ yếu là học theo giáo trình luyện IELTS - một mục tiêu lấy điểm "hot" nhất hiện nay với HS - tôi lo ngại tiếng Anh nền tảng của phần đông HS trong lớp chưa đủ tốt để tập trung vào việc luyện IELTS như vậy" - Chị Linh nhận xét.
Điểm tiếng Anh khi học ở trung tâm của HS được báo về điện thoại của phụ huynh có vẻ khả quan, nhưng điểm tiếng Anh trên lớp không cải thiện. Đóng tiền học tiếng Anh thì không hề rẻ, nhất là với những trung tâm tiếng Anh luyện IELTS thường thu tiền nhiều tháng và cả khóa học tới vài chục triệu đồng, phụ huynh không khỏi lo lắng.
"Mặc dù hầu hết các trung tâm đều có chiêu giảm giá cho từng đợt đóng tiền cho mỗi khóa học, nhưng chung quy mức tiền cho con học thêm tiếng Anh không hề rẻ"- Chị Nhung (phụ huynh của một học sinh lớp 8 và một học sinh lớp 10 ở quận Cầu Giấy) đã kinh qua việc cho con theo học nhiều kiểu trung tâm tiếng Anh nhận xét: "Thực tế học tiếng Anh ở trung tâm không bao giờ tốt như quảng cáo đâu các mẹ ạ".
Coi chừng mắc bẫy "hớt váng mỡ"
Chị Minh Anh, một phụ huynh trực tiếp tham gia việc xây dựng chương trình cho một trung tâm tiếng Anh theo chuẩn quốc tế : "Tôi cũng băn khoăn về việc học tiếng Anh trong một lớp học chính khóa, sau một học kỳ thấy rõ sự chênh lệch về mặt bằng trình độ của các học sinh, nhưng lớp vẫn dạy tiếng Anh theo một giáo trình, theo một phương pháp chung cho tất cả các học sinh trong lớp.
Điều này có thể dẫn tới việc những HS học tốt hơn vẫn có thể tiến bộ với 7 tiết học với giáo viên nước ngoài ở trường tư thục, nhưng lại vẫn có những HS học kém hơn cảm thấy ngày càng đuối so với top đầu và các HS này không chừng càng chán nản với việc học tiếng Anh. Trong khi có một thực tế là nhiều trường tư thục dù đã đầu tư giáo viên, giáo trình tiếng Anh để HS có thể luyện học IELTS, nhưng nhiều HS theo học giáo trình như vậy lại chưa đủ trình độ tiếng Anh nền (tiếng Anh học thuật) đã luyện ngay IELTS thì rất khó để học sinh nắm bắt được kiến thức và học hiệu quả".
Chị Minh Anh cho rằng hiện nay có những trung tâm tiếng Anh đang thực hiện "chiến dịch hớt váng mỡ" để có được học sinh, họ đánh vào tâm lý các phụ huynh muốn có cam kết "học tập trọn đời", HS không có được kết quả thi đầu ra như mong muốn thì có thể học lại miễn phí. Trong khi với tiếng Anh HS muốn học giỏi cần chút năng khiếu và có niềm yêu thích, học sinh phải có cảm hứng về môn học thì mới "học vào" được.
Một số trung tâm tiếng Anh để cạnh tranh và thu hút HS đã gây chú ý với phụ huynh và HS bằng việc lồng ghép vào chương trình dạy cả kỹ năng học tập, kỹ năng sống, kỹ năng mềm và kỹ năng làm bài thi IELTS.
Tuy nhiên, chất lượng thực sự của việc học tiếng Anh ở trung tâm để bổ trợ cho việc học tiếng Anh ở trường, hay nhằm đạt một mục tiêu nào đó của HS và phụ huynh ở môn tiếng Anh thì chắc hẳn phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng, dựa trên chính mong muốn và năng lực thật sự của mỗi HS.
Theo Giaoducthoidai.vn
Học sinh lớp 3 ở miền núi nói tiếng Anh khiến dân mạng thích thú Hai học sinh lớp 3 của một trường tiểu học ở miền núi Hà Tĩnh khiến nhiều người thích thú với màn dẫn chương trình bằng tiếng Anh. ảnh minh họa Sáng 2/2, cộng đồng mạng xuất hiện video ghi cảnh hai nhỏ tuổi dẫn chương trình giới thiệu các câu lạc bộ trong trường bằng tiếng Anh. Nhiều người thích thú, dành...