“Thời khắc nguy hiểm”
Mỹ đang tiến tới “thời khắc nguy hiểm” – vỡ nợ, song chính phủ Tổng thống Barack Obama thuộc đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà vẫn đối đầu nhau gay gắt trong cuộc khủng hoảng ngân sách.
Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ vẫn bất đồng về vấn đề ngân sách
Cuộc gặp mới nhất giữa Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa John Boehner với Tổng thống Barack Obama nhằm tháo ngòi nổ “quả bom” nợ công đã thất bại khi hai bên không đạt được bất kỳ thỏa hiệp nào. Cho dù trước cuộc gặp, phe Cộng hoà kiểm soát Hạ viện có đưa ra giải pháp được cho là tình thế nhằm chấm dứt tình trạng đóng cửa các cơ quan chính phủ liên bang.
Trong đề xuất đưa ra ngày 11-10, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Susan Collins đề nghị cấp ngân sách 6 tháng cho chính phủ mở cửa hoạt động trở lại sau 11 ngày đóng cửa trước khi hai bên có thể đi đến thống nhất cho một phương án dài hơi hơn về vấn đề ngân sách của tài khóa mới. Cũng theo đề xuất này, phe Cộng hoà tán đồng gia hạn quyền vay nợ cho Bộ Tài chính đến hết ngày 31-1-2014.
Theo giới phân tích, điểm quan trọng khiến Tổng thống Obama bác bỏ đề xuất của đảng Cộng hoà là do bản kế hoạch này đi kèm việc hoãn đánh thuế thiết bị y tế 2 năm, vốn được áp dụng theo đạo luật chăm sóc sức khỏe mới của ông Obama. Trong khi đó, đạo luật này vốn được Tổng thống kỳ vọng rất nhiều kể từ khi lên cầm quyền nên còn được gọi là Đạo luật ObamaCare.
Video đang HOT
Nhằm tránh cho nước Mỹ bị đẩy tới vực thẳm vỡ nợ, Thượng viện nước này đã tiến hành phiên họp hiếm hoi vào chủ nhật 13-10 theo giờ Washington, trước thời điểm các thị trường khắp thế giới có thể bắt đầu có biến động lớn khi mở cửa vào thứ hai 14-10. Các thượng nghị sỹ đảng Dân chủ cảnh báo rằng thị trường chứng khoán sẽ sụt mạnh vào ngày mở cửa nếu Quốc hội Mỹ không thể đạt được sự đồng thuận.
Tính ra chỉ còn vài ngày nữa là tới thời hạn chót 17-10 phải nâng mức trần nợ công lên trên mức 16.700 tỷ USD. Nếu 2 phe Dân chủ và Cộng hoà không thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này, nước Mỹ sẽ lần đầu tiên rơi vào tình trạng vỡ nợ vốn được dự báo sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới này vào một thảm họa chưa từng có.
Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị thường niên của Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington ngày 12-10, Chủ tịch WB Jim Yong Kim cảnh báo nước Mỹ đang tiến tới tình thế nguy hiểm khi mà các chính trị gia nước này tiếp tục bất đồng trong việc giải quyết tình trạng bế tắc liên quan đến ngân sách và trần nợ công. Ông Jim Yong Kim nhận định thời điểm này rất nguy hiểm, có thể sẽ gây tác động đối với thế giới đang phát triển và thậm chí gây tổn hại đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Vì thế, Chủ tịch WB Jim Yong Kim kêu gọi các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần có giải pháp nhanh chóng trong bối cảnh chỉ còn 5 ngày nữa sẽ đến thời hạn chót 17-10. Đồng quan điểm, các Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) nhóm họp trước đó một ngày tại Washington cũng hối thúc chính quyền Mỹ hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng bế tắc chính trị hiện nay liên quan đến ngân sách và trần nợ công của nước này. Các Bộ trưởng Tài chính G-20 cảnh báo rằng bế tắc tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế toàn cầu vẫn còn tồn tại nhiều nguy cơ và nhiều nước đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao ở mức không thể chấp nhận.
HOÀNG TUẤN
Theo ANTD
WB bắt tay cải cách
Ngân hàng Thế giới (WB) đang tiến hành cuộc cải cách khá sâu rộng không chỉ nhằm tiết kiệm chi phí hoạt động hàng trăm triệu USD mỗi năm mà còn tăng hiệu quả của hoạt động trợ giúp xoá đói giảm nghèo và phát triển trên toàn cầu.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho rằng định chế này phải cải cách để hiệu quả và tiết kiệm hơn
Thông tin ngày 8-10 từ WB cho biết, thể chế tài chính này đã đặt mục tiêu tiến hành cải cách mạnh phương thức hoạt động của định chế tài chính lớn nhất thế giới trợ giúp các nỗ lực chống đói nghèo trên toàn cầu trong 3 năm tới đây. Theo WB, nếu mục tiêu này đạt được đúng như kế hoạch sẽ giúp thể chế này tiết kiệm được tổng cộng 400 triệu USD, tức hơn 130 triệu USD/năm.
Với số tiền hơn 130 triệu USD tiết kiệm được mỗi năm, WB có thể tái đầu tư nhằm giúp Ngân hàng Tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD thuộc WB) huy động thêm được 1 tỷ USD hỗ trợ các dự án xóa đói giảm nghèo trên khắp thế giới. Hiện tại ngân sách cho hoạt động của WB và 5 chi nhánh, trong đó có IBRD, là khoảng 500 tỷ USD/năm với lực lượng nhân viên khoảng 10.000 người tại 120 quốc gia.
Trong khi đó trong chiến lược dài hạn của mình, WB đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ xóa bỏ hoàn toàn tình trạng đói nghèo cùng cực trên toàn cầu và tăng thu nhập cho những người nghèo nhất thế giới, hiện chiếm khoảng 40% dân số thế giới. Theo các nhà hoạch định chính sách của WB, để làm được điều này, thể chế tài chính này cần thay đổi phương thức hoạt động theo hướng cho vay có chọn lọc hơn với tiêu chí cốt yếu là hiệu quả của dự án, tập trung vào các nước kém phát triển.
Việc đặt ra các mục tiêu cải cách trên nằm trong nỗ lực cải cách sâu rộng hoạt động của WB sau khi ông Jim Yong Kim ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch thể chế tài chính này tháng 7-2012. Ông Jim Yong Kim từng nhấn mạnh rằng WB cần có kế hoạch cải cách sâu rộng để thể chế tài chính này hoạt động hiệu quả hơn trong nỗ lực chấm dứt nạn đói nghèo trên toàn cầu.
WB phải cải cách thay đổi chiến lược hoạt động sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến cho nguồn ngân sách ngày càng eo hẹp hơn trong khi cuộc cạnh tranh trong việc tìm kiếm các nguồn quỹ phát triển cũng dần trở nên gay gắt. WB thừa nhận chỉ còn nguồn lực rất hạn chế trong việc giúp đỡ các nước đang phát triển, nơi chỉ riêng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng đã cần số tiền đầu tư lên tới hơn 1,5 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Chính vì thế, WB phải thay đổi chiến lược hoạt động theo hướng cho vay có chọn lọc hơn, chủ yếu tập trung vào các nước kém phát triển, khu vực Nam Sahara, Đông Nam Á và một số khu vực khác chịu tác động lớn từ tình trạng đói nghèo.
Bên cạnh đó, WB không chỉ chú trọng tới số tiền tài trợ cho các quốc gia mà nhấn mạnh tới việc thực hiện hiệu quả các dự án tài trợ. Định chế tài chính này đang dần chuyển đổi mô hình hoạt động từ hỗ trợ phát triển thành một ngân hàng "giải pháp" để không chỉ cung cấp nguồn lực tài chính mà cả những kiến thức và kinh nghiệm đối phó với những thách thức phát triển chung như y tế, giáo dục, môi trường, biến đổi khí hậu...
HOÀNG TUẤN
Theo ANTD
Obama: 'Hỡi tất cả người dân Mỹ: Tôi xin lỗi' Tổng thống Mỹ Barack Obama xin lỗi toàn dân Mỹ vì bế tắc tài khóa khiến chính phủ đóng cửa một phần, nhưng tiếp tục quy trách nhiệm cho phe Cộng hòa. Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp báo hôm qua tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP "Tôi biết người Mỹ đã mệt mỏi vì nó (việc chính phủ đóng cửa). Hỡi...