Thời gian lý tưởng giữa hai lần mang thai là ít nhất một năm
Phụ nữ muốn sinh con ở độ tuổi 30 và 40 thường phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan về thời gian chờ đợi giữa hai lần mang thai. Các bác sĩ thường khuyên nên để khoảng cách từ 18 đến 24 tháng. Nhưng nguy cơ thai nghén lại gắn liền với tuổi tác.
Chờ ít nhất 12 tháng giữa hai lần mang thai làm giảm nguy cơ
Một nghiên cứu mới đây trên tờ Journal of the American Medical Association (JAMA), dựa trên 150.000 trường hợp mang thai tại Canada từ năm 2004 đến 2014, kết luận rằng khoảng cách giữa hai lần mang thai chưa đầy một năm làm tăng nguy cơ, bất kể tuổi của người phụ nữ.
Tuy nhiên, sau một năm, có rất ít sự khác biệt về nguy cơ.
“Thông điệp rút ra từ nghiên cứu này là khoảng cách giữa hai lần mang thai gần nhau sẽ nguy hiểm cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi”, Laura Schummers, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học British Columbia, tác giả của nghiên cứu, cho biết.
“Chúng tôi nhận thấy rằng nguy cơ đối với người mẹ chỉ dành cho phụ nữ từ 35 tuổi trở lên, chứ không gặp ở phụ nữ trẻ hơn, trong khi nguy cơ đối với em bé hiện diện ở cả phụ nữ độ tuổi 20 đến 34 và phụ nữ từ 35 tuổi trở lên.
Nguy cơ là như nhau giữa 12 và 24 tháng, và “chúng tôi nhận thấy sự giảm thêm rất nhỏ giữa 12 và 18 tháng,” Schummers nói.
Video đang HOT
Thời gian giữa hai lần mang thai được tính là khoảng thời gian từ ngày sinh em bé trước đến ngày thụ thai em bé sau.
Đối với phụ nữ trên 35 tuổi, nguy cơ biến chứng của mẹ là cao nhất đối với thai kỳ bắt đầu từ ba, sáu hoặc chín tháng sau lần sinh trước.
Đối với em bé, nguy cơ tăng khi các thai kỳ sát nhau bất kể tuổi của người mẹ.
Những nguy cơ này bao gồm thai lưu, tử vong ở trẻ trong năm đầu sau khi sinh, cân nặng sơ sinh thấp và đẻ non, xảy ra ở 2% số trẻ trong nghiên cứu.
Khi thai kỳ lần sau bắt đầu sáu tháng sau khi sinh, nguy cơ đẻ non tăng 59% so với thai kỳ bắt đầu 18 tháng sau lần sinh trước.
Các bác sĩ ở Mỹ thường khuyên người mẹ chờ ít nhất 18 tháng giữa lần sinh trước và lần mang thai sau.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo ít nhất 24 tháng.
“Kết quả của chúng tôi cho thấy khoảng thời gian tối ưu ngắn hơn so với quan điểm trước đây (12-24 tháng) đối với phụ nữ ở mọi lứa tuổi,” nghiên cứu kết luận.
“Phát hiện này có thể giúp trấn an, đặc biệt là đối với phụ nữ lớn tuổi phải cân nhắc nguy cơ giữa tuổi cao với khoảng thời gian giữa các lần mang thai dài hơn (bao gồm vô sinh và bất thường nhiễm sắc thể) và nguy cơ của khoảng cách giữa các lần mang thai ngắn”.
Cẩm Tú
Theo AFP
Phẫu thuật cấp cứu kịp thời cho sản phụ bị nhau bong non hiếm gặp
Sản phụ mang thai lần 1, thai 33 tuần. Trước đó một ngày sản phụ đau bụng, đi khám và phát hiện thai lưu, nhau bong non thể nặng/rối loạn đông máu, tiên lượng rất nặng.
Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh phẫu thuật cấp cứu
Tin từ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh cho hay, bệnh nhân Vũ Thị H. (23 tuổi), trú tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình được chuyển cấp cứu vào Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Trước đó một ngày, bệnh nhân bị đau bụng, đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên phát hiện thai lưu.
Tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, qua khám lâm sàng các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và chỉ định chuyển phòng mổ cấp cứu khẩn cấp. Kết quả khám lâm sàng và siêu âm cho thấy hình ảnh thai khoảng 33 tuần lưu, ngừng phát triển, tim thai âm tính, nhau bám mặt trước tử cung, mép trên bánh nhau có khối hỗn hợp khối máu tụ.
Qua hộii chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán: thai lưu nhau bong non thể nặng/rối loạn đông máu, tiên lượng bệnh nhân nặng.
Bệnh nhân nhanh chóng được khởi mê, đặt nội khí quản. Sau khoảng 1 giờ phẫu thuật, thai phụ đã qua nguy kịch. Đến ngày 2/2, tình trạng thai phụ ổn định, tự thở, da môi hồng, huyết động ổn định, tử cung co chắc, không có dấu hiệu bất thường, được theo dõi đặc biệt tại Khoa Gây mê hồi tỉnh bệnh viện.
Thăm khám cho sản phụ sau khi phẫu thuật
BS. Nguyễn Thành Công - Khoa sản, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh cho biết, rất đáng tiếc cho trường hợp bệnh nhân H. do thai lưu trước đó. Tuy nhiên cũng rất may mắn khi kíp phẫu thuật bảo tồn được tử cung cho bệnh nhân.
Theo BS. Công, nhau bong non là một bệnh lý cấp cứu sản khoa ít gặp và rất nguy hiểm. Đây là tình trạng nhau bám đúng vị trí, nhưng bị bong sớm trước khi thai nhi chào đời. Tai biến này do khối huyết tụ sau nhau gây ra. Khi hình thành, khối huyết tụ lớn dần làm bong bánh nhau ra khỏi thành tử cung, cắt đứt sự nuôi dưỡng giữa mẹ và thai nhi. Tình trạng này thường xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ hoặc lúc chuyển dạ. Tai biến này xảy ra đột ngột, diễn tiến rất nhanh chóng, có thể gây tử vong mẹ và con.
Đối tượng dễ mắc nhau bong non gồm những người nghiện thuốc lá và sử dụng ma tuý; tiêu thụ một lượng lớn rượu trong khi mang thai; tăng huyết áp khi mang thai, hoặc tăng huyết áp mãn tính; dinh dưỡng kém, phụ nữ sinh nhiều con, phụ nữ trên 35 tuổi...
Các chuyên gia cảnh báo, khi có triệu chứng bất thường trong thai kỳ như đột ngột đau bụng, ra máu âm đạo, ra nước âm đạo, hoa mắt, chóng mặt... thai phụ nên đến bệnh viện ngay, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Theo thegioitiepthi
5 cách để giảm nguy cơ thai lưu Có tới 50% số trường hợp thai lưu xảy ra bất ngờ và không thể xác định rõ nguyên nhân. Trong khoảng 1/3 số trường hợp, thiếu chất lượng chăm sóc trong khi mang thai và chuyển dạ đóng một phần vai trò. Có thể đạt được mục tiêu này bằng cách tập trung vào 5 thực hành dựa trên bằng chứng cho...