Thời đại ‘ai nói gì cũng được’ trên Internet chấm dứt từ tuần trước?
Tuần qua, trong 48 giờ, những công ty Internet lớn nhất đã ra những quyết định mà chỉ vài tháng trước còn là không tưởng – như một sự ‘tức nước vỡ bờ’, theo New York Times.
Reddit, trang mạng mà lâu nay vốn cho phép mọi người “nói gì cũng được”, quyết định cấm hàng nghìn cuộc thảo luận có nội dung kỳ thị, bao gồm một diễn đàn ủng hộ Tổng thống Trump lớn nhất trên mạng Internet.
Twitch – nền tảng chơi điện tử do Amazon sở hữu – tạm ngưng tài khoản chính thức của Tổng thống Trump vì “các hành vi thù hận”, trong khi YouTube xóa một số các kênh phân biệt chủng tộc có lượng lớn người theo dõi.
Facebook, dưới sức ép bị tẩy chay ngày càng lớn, gỡ bỏ một mạng lưới những kẻ chống chính phủ có xu hướng bạo lực, vốn đã mở một cửa hàng trên đây.
Những thay đổi trên có vẻ như việc xử lý vi phạm thường ngày trên các mạng xã hội. Nhưng xảy ra cùng một lúc, đây là dấu hiệu của sự chuyển dịch lớn hơn: thời đại của Wild Wild Web (tạm dịch: web hoang dã), tức sự lớn mạnh không kiểm soát của các nền tảng online một thập kỷ qua, đang đi tới hồi kết.
Thay vào đó là một văn hóa web mới có trách nhiệm hơn, hiểu rõ hơn về chính mình, theo New York Times.
Tổng thống Trump trở thành tâm điểm chú ý tuần qua khi các nền tảng Internet ra quyết định chặn nội dung độc hại.
Thay đổi văn hóa “ai nói gì cũng được”
Sự chuyển dịch đó có thể thấy trong bình luận của những người nắm công nghệ như giám đốc điều hành của Reddit, Steve Huffman. Gần đây ông đã bác bỏ một trong những giá trị lõi của Wild Wild Web: rằng các nền tảng Internet được sinh ra để ai nói gì cũng được, dù có độc hại tới đâu.
Ông Huffman nói giờ đây ông nhận ra rằng một số kiểu tự do ngôn luận – thù ghét, quấy nhiễu, công kích – tước đi tự do ngôn luận của người khác. Ông nhận ra rằng các nền tảng thiếu kiểm soát thường trao thời lượng cho những kẻ có ngôn từ thiếu văn minh nhất.
Reddit hay các công ty công nghệ khác khó có thể giải quyết toàn bộ vấn đề sau một đêm. Nhưng theo New York Times, văn hóa của ngành công nghệ đang thay đổi. Từ chỗ ngợi ca sự mạo hiểm, bất cần, “chạy thật nhanh, phá vỡ mọi thứ”, giờ đây là thế hệ mới các kỹ sư trẻ hơn và nhận thức hơn về chính trị, muốn các sản phẩm của mình phản ánh giá trị sống của mình.
Chưa hết, các nhà làm luật và nhà hoạt động đã nhận ra ảnh hưởng ghê gớm của công nghệ, và đang tìm được đà để thúc đẩy cải cách. Người dùng cũng tinh ý hơn, và một thế hệ người trẻ lớn lên trên web đang đòi hỏi môi trường có kiểm soát hơn.
Video đang HOT
Steve Huffman, giám đốc điều hành của Reddit. Ảnh: New York Times.
Sự dịch chuyển quyền lực về tay “big tech”
Khó có thể nói chính xác thời kỳ Wild Wild Web, hoang dã và mất kiểm soát như hiện nay, bắt đầu từ khi nào. Có ý kiến đánh dấu tháng 9/2006, khi Facebook có chức năng News Feed – một “bảng tin” các hoạt động của bạn bè người dùng, do thuật toán tập hợp, nhằm lôi cuốn sự chú ý và làm người dùng “nghiện” Facebook. Đó trở thành hình mẫu cho hầu hết công ty Internet thành công của thập niên 2010.
Wild Wild Web không hoàn toàn tiêu cực. Đã có những tác động tích cực: mở rộng việc tiếp cận thông tin, sự tiện lợi, loại đi những “người gác cổng” đối với thông tin, dân chủ hóa thông tin, cũng như tăng trưởng kinh tế. Nhưng mỗi lợi ích đều có cái giá của nó.
Cũng chính những nền tảng luôn “phục vụ” các nội dung riêng cho từng cá nhân đó đã khắc sâu sự phân hóa về chính trị, làm tin giả lan truyền rộng (viral) và xóa đi quyền riêng tư. Các nền tảng để mọi thứ tự do, không can thiệp đã tạo môi trường cho cả một thế hệ những nhân vật reo rắc sự thù ghét, kỳ thị mà vẫn thu về lượt theo dõi, hưởng ứng từ người dùng, và kèm theo đó là quyền lực.
Wild Wild Web cũng gây ra sự dịch chuyển về quyền lực, từ các chính phủ và các ông trùm già nua của các tập đoàn Fortune 500 sang các kỹ sư công nghệ cũng như các sếp của họ. Những người này không hề sẵn sàng làm chủ các đế chế. Họ không muốn nhận trách nhiệm đó về mình.
Thậm chí, Facebook dường như vẫn muốn giữ lập trường là mạng xã hội chỉ phản ánh những gì diễn ra trong thực tế, thay vì gây ảnh hưởng lên ngoài đời thực. Nhưng giờ đây, dư luận không còn ngây thơ về quyền lực, ảnh hưởng khổng lồ của công nghệ, và họ đang lắng nghe những nhà phê bình luôn vận động các ông trùm công nghệ phải có trách nhiệm hơn.
Khó để nói chắc những gì đã dẫn đến thay đổi này. Joan Donovan, nhà nghiên cứu tại Trường Harvard Kennedy, viết trên Wired rằng đại dịch Covid-19 làm tăng hậu quả của sự thờ ơ từ các nền tảng mạng xã hội. “Chứng kiến hậu quả đáng sợ của những thông tin y tế sai sự thật, những công ty này hiểu tầm quan trọng của thông tin kịp thời, chuẩn xác, có tính địa phương”.
Các nhà làm luật, nhất là phía Dân chủ, đang hào hứng kiểm soát chặt hơn các công ty Thung lũng Silicon, và một số hãng công nghệ có thể đang “chơi bài an toàn” phòng kịch bản ông Trump thất cử vào tháng 11 tới.
Qua phong trào biểu tình vừa qua, các nhân viên ngành công nghệ cảm thấy dám lên tiếng đòi hỏi công ty mình có trách nhiệm hơn.
Kiểm soát mạng xã hội – xu thế không thể đảo ngược?
Nếu thời kỳ Wild Wild Web đi tới hồi kết, không hẳn tất cả đều tích cực. Giai đoạn tiếp theo của Internet nhiều khả năng sẽ phân mảnh hơn, khi một số nước như Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường kiểm soát biên giới số.
Việc kiểm soát các mạng xã hội chặt hơn ở Mỹ có thể khiến chúng phân chia theo ý thức hệ, làm gia tăng sự phân cực và bất ổn. Không có gì bảo đảm những quy tắc, kiểm soát mới sẽ không dẫn đến thêm những hành vi kỳ thị, phản xã hội.
Nhưng sự dịch chuyển sẽ không thể đảo ngược. Những người tạo ra công nghệ không thể nói họ chỉ tạo ra công cụ hay nền tảng, mà phải chịu trách nhiệm về nội dung độc hại. Các chính phủ từng mời chào công nghệ giờ nhận ra rằng để cho người khác xây dựng các app trong nước mình đồng nghĩa với cho phép họ can thiệp, điều khiển chính xã hội của mình.
Tuần qua, Ấn Độ cấm TikTok và hàng chục ứng dụng Trung Quốc khác để “bảo vệ chủ quyền”.
Người dùng cũng đã sẵn sàng sống trong môi trường Internet có trách nhiệm hơn. Đã qua cái thời đại mà Internet được coi là môi trường ảo, không có chung những phức tạp của đời thực, để rồi có thể có những quy tắc hoàn toàn khác với đời thực.
Thay vào đó, Internet không còn tách biệt với thế giới thực. “Chúng ta đều sống trên mạng, và đã đến lúc thế giới trên màn hình của chúng ta phải được kiểm soát đầy đủ, một cách có trách nhiệm, như đường xá, trường học và bệnh viện của chúng ta”, New York Times bình luận.
Điều luật 230 bảo vệ các công ty Internet của Mỹ thế nào
Điều 230 trong luật về Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ bảo vệ các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook, YouTube khỏi các vụ kiện về nội dung.
Điều 230 được ban hành năm 1996 và là một phần của đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (Communications Decency Act). Hầu hết nội dung trong luật này đã bị tòa án Mỹ bác bỏ qua nhiều năm vì vi phạm hiến pháp về tự do ngôn luận, nhưng riêng Điều 230 vẫn tồn tại.
Trump sau khi ký sắc lệnh về mạng xã hội hôm 28/5. Ảnh: AP.
Điều 230 bảo vệ bất kỳ trang web hoặc dịch vụ nào lưu trữ nội dung - như phần bình luận của các trang tin tức, dịch vụ video của Youtube, các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Twitter - khỏi các vụ kiện về nội dung được đăng lên bởi người dùng.
Khi luật đã được viết, chủ sở hữu một số trang web cũng lo lắng rằng họ có thể bị kiện nếu thực hiện bất kỳ việc kiểm soát nào với những gì xuất hiện trên trang web của mình. Vì vậy, luật có thêm điều khoản quy định - miễn là các trang web hoạt động với sự "thiện chí", họ có thể xóa các nội dung gây khó chịu hoặc phản cảm.
Tuy nhiên, đạo luật này không bảo vệ việc vi phạm bản quyền hoặc một số loại hành vi tội phạm, đặc biệt, các nội dung nhạy cảm . Người dùng đăng nội dung bất hợp pháp vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngành công nghệ từ lâu đã coi Điều 230 là sự bảo vệ quan trọng, dù đạo luật này ngày càng gây tranh cãi khi "quyền lực mềm" của các công ty Internet đã tăng lên đáng kể.
Điều luật 230 ra đời như thế nào
Thời điểm Điều 230 ra đời, người dùng Internet mới chỉ ở con số 40 triệu, thấp hơn nhiều so với lượng người dùng một ứng dụng như Snapchat hiện nay (229 triệu tài khoản) và Facebook (hơn 2,6 tỷ thành viên). Nhưng khi đó, các trang web đã phải đối mặt với nhiều rắc rối kiện tụng với hai trường hợp đặc biệt thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp Mỹ.
Trường hợp đầu tiên xảy đến với một nhà cung cấp dịch vụ Internet có tên CompuServe, không đặt giới hạn cho những gì người dùng có thể đăng. Khi công ty bị một người kiện tội phỉ báng do nội dung của một người khác đăng lên, tòa án đã ra phán quyết có lợi cho công ty. Vị thẩm phán lý giải CompuServe rơi vào trường hợp giống một hiệu sách hoặc quầy bán báo - lưu trữ những nội dung mà người khác mang đến và hoàn toàn kiểm soát, không phải chịu trách nhiệm.
Trường hợp thứ hai, một công ty dịch vụ trực tuyến có tên Prodigy đã cố gắng duy trì một trang web thân thiện bằng việc kiểm duyệt nội dung người dùng đăng lên. Nhưng một lần nữa, công ty vẫn bị kiện tội phỉ báng do nội dung của một người khác đăng lên. Tòa án lần này lại ra phán quyết ngược lại khi tuyên Prodigy phải chịu trách nhiệm pháp lý. Công ty đã thực hiện việc kiểm soát nội dung, biên tập nội dung người dùng đưa lên và nó giống như một tờ báo và chủ sở hữu của nó phải chịu trách nhiệm.
Ngành công nghiệp Internet non trẻ khi đó đã lo lắng việc phải chịu "tai bay vạ gió" và một loạt dịch vụ mới sẽ không thể phát triển. Để tạo điều kiện cho Internet phát triển, quốc hội Mỹ cuối cùng đã đồng ý và thêm vào Điều 230 trong Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông.
Điều 230 thành "cái gai" trong mắt Trump
Tổng thống Trump và những người ủng hộ cho rằng Điều 230 đã trao cho các công ty Internet quá nhiều sự bảo vệ pháp lý và cho phép họ trốn tránh trách nhiệm về các hành vi của mình. Ông cũng cáo buộc rằng các nội dung đăng lên Facebook, Twitter phải chịu sự kiểm duyệt ngầm nhưng thường bị các công ty này phủ nhận.
Điều 230 thường bị hiểu sai khi nhiều cá nhân, công ty, nghĩ rằng luật yêu cầu phải giữ quan điểm trung lập trong chính trị, đặc biệt các chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống. Tuy nhiên, thực tế luật chỉ quy định các công ty này giữ quyền tự do ngôn luận của người dùng thay vì nỗ lực thể hiện quan điểm chính trị trung lập.
Trong xung đột gần nhất giữa Twitter và Trump, Tổng thống Mỹ cáo buộc mạng xã hội này kiểm duyệt thông tin cũng như "bịt miệng" những tiếng nói bảo thủ khi dán nhãn hai dòng tweet của ông là "không có căn cứ" và thêm vào những biểu tượng dấu chấm than màu xanh nhạt cảnh báo. Trong khi đó, Twitter cho rằng họ chỉ lo lắng thông tin của Trump có thể gây hiểu nhầm về cách thức bầu cử.
Số phận của Điều 230 sau sắc lệnh của Trump
Thực tế, sắc lệnh mới ký của Trump không thể khiến Điều 230 bị thay đổi hay biến mất ngay lập tức, bởi điều này chỉ Quốc hội Mỹ mới có thể thực hiện được. Năm 2018, luật từng có sự thay đổi khi áp dụng thêm quy định có thể truy tố các nền tảng được sử dụng bởi những kẻ buôn bán tình ái . Khi sức ảnh hưởng của các công ty về mạng xã hội tăng lên, một số ý kiến trong Quốc hội Mỹ cũng cho rằng nên thay đổi để các công ty này có trách nhiệm hơn trong việc vẫn để truyền bá các nội dung ăn mừng hành động khủng bố hoặc sử dụng ngôn từ kích động, thù địch...
Bản dự thảo của Trump trong tháng 5 kêu gọi Bộ Thương mại yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang đưa ra các quy định mới làm rõ khi nào hành vi của một công ty vi phạm Điều 230, khiến các công ty công nghệ có thể dễ dàng bị kiện hơn. Nếu có hiệu lực, sắc lệnh của Trump sẽ thay đổi tiền lệ từ hàng chục năm qua, coi những nền tảng mạng xã hội trên Internet là nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm với nội dung do người dùng tạo ra.
Nga vừa thử nghiệm ngắt kết nối Internet với toàn cầu Chính phủ Nga vừa tuyên bố đã kết thúc thành công một loạt thử nghiệm ngắt hoàn toàn kết nối Internet giữa nước này với toàn cầu. Theo ZDNet, chính phủ Nga vừa tuyên bố hôm 23/12 đã kết thúc thành công một loạt thử nghiệm ngắt hoàn toàn kết nối Internet giữa nước này với toàn cầu. Thử nghiệm đã được tiến...