Thời đại 4.0: Việt Nam thiếu hụt lao động cấp cao, có kỹ năng chuyên biệt
Chia sẻ về mặt bằng nghề nghiệp tại Việt Nam trước cách mạng công nghiệp 4.0, ông Trần Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế cho biết, thời gian gần đây Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động cấp cao, có các kỹ năng chuyên biệt.
250 đại biểu từ 22 quốc gia vừa tụ hội tại cơ sở Nam Sài Gòn, Đại học RMIT Việt Nam tham dự hội thảo quốc tế “Định hướng phát triển nghề nghiệp trong thời đại 4.0″
Hội thảo quốc tế với chủ đề “Định hướng phát triển nghề nghiệp trong thời đại 4.0″ của Hiệp hội Hướng nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (APCDA) vừa được Đại học RMIT đưa về tổ chức tại Việt Nam lần đầu tiên, diễn ra trong 3 ngày từ 22-24/5 tại cơ sở Nam Sài Gòn của trường.
Thu hút sự tham gia của 250 đại biểu từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada, Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Sri Lanca, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Philippine, Việt Nam…, hội thảo là dịp để các đại biểu cùng chia sẻ và thảo luận về những phương thức hướng nghiệp tốt nhất trong thời đại công nghiệp 4.0.
APCDA là một diễn đàn danh tiếng nơi các thành viên có thể chia sẻ ý tưởng cũng như cách phát triển sự nghiệp ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, đồng thời lan tỏa điều này với thế giới.
Từ hội thảo đầu tiên được tổ chức năm 2013, APCDA mong muốn đẩy mạnh hợp tác giữa những người làm công tác hướng nghiệp tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, truyền cảm hứng để những người đang và sẽ làm công tác hướng nghiệp thực hiện công việc của mình dựa trên lý thuyết và kết quả nghiên cứu, đẩy mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực hướng nghiệp, đồng thời ủng hộ những chính sách và phương thức thực hiện theo hướng tạo công ăn việc làm tử tế dành cho tất cả mọi người.
APCDA hiện có 22 Giám đốc quốc gia/khu vực và 188 thành viên.
Bà Carla Siojo – Chủ tịch APCDA tin rằng Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang hiển hiện và có nhiều điều cần thực hiện. Bà hy vọng rằng hội thảo sẽ làm giàu vốn sống và tái kiến tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn qua những hoạt động hướng nghiệp ý nghĩa.
Bà Felicity Brown – Trưởng bộ phận tư vấn và hướng nghiệp thuộc Phòng Hướng nghiệp và Quan hệ doanh nghiệp, RMIT Việt Nam cho biết, đại diện RMIT Việt Nam đã có mặt tại hội thảo của APCDA từ năm đầu tiên ở Seoul, Hàn Quốc vào năm 2013. Thành viên tham dự hội thảo này gồm các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp và tư vấn viên trường học, chuyên gia đào tạo tư vấn viên, chuyên gia phát triển nguồn lực, chuyên gia nhân sự và chuyên gia hướng nghiệp ở mọi độ tuổi cũng như trong mọi lĩnh vực.
“Chúng tôi đưa hội thảo năm nay về Việt Nam với mong muốn giúp các trường trung học, đại học và những doanh nghiệp có hứng thú với hướng nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với kho tàng phương thức thực hiện phong phú trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, bà Brown cho hay.
Bà Brown cũng nhấn mạnh rằng hội thảo thường niên của APCDA cho thành viên tổ chức này cơ hội phát triển chuyên môn tuyệt vời cũng như tham gia vào mạng lưới giao lưu kết nối giá trị trong lĩnh vực đang nổi này. Sự kiện năm nay còn là diễn đàn để RMIT Việt Nam phô diễn những hoạt động khác nhau của trường trong việc hỗ trợ sinh viên thiết lập các kỹ năng công việc.
Khẳng định RMIT đang nắm giữ vị trí đầu tàu trong mảng hướng nghiệp ở Việt Nam, bà Brown cho biết: RMIT Việt Nam đã cung cấp dịch vụ tư vấn hướng nghiệp cá nhân trong hơn 10 năm cho sinh viên đang và sắp theo học tại trường, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động chuẩn bị kỹ năng công việc khác nhau như Hoàn thiện kỹ năng cá nhân – chương trình phát triển kỹ năng chuyên môn ứng dụng với bộ hồ sơ năng lực kỹ thuật số, những chương trình tập huấn kỹ năng mềm cho sinh viên đi thực tập, và chương trình hướng đến cộng đồng như CLB Nâng cao vị thế phụ nữ.
Video đang HOT
Các bài thuyết trình tại hội thảo APCDA bao hàm nhiều chủ đề khác nhau như lên kế hoạch nghề nghiệp, hướng nghiệp hoặc giới thiệu nghề nghiệp tại trường trung học, đại học và các trường tư thục, cũng như thị trường lao động, các vấn đề của lực lượng lao động và quốc tế.
Theo dự đoán của ông Trần Anh Tuấn, nhu cầu một số nhóm nghề sẽ cao như CNTT, công nghệ sinh học, tự động hóa, quản trị, tài chính, logistics, du lịch và khách sạn, ngành sáng tạo.
Đáng chú ý, tại hội thảo này, ông Trần Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế đã chia sẻ với các đại biểu tham dự về mặt bằng nghề nghiệp tại Việt Nam trước cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, về tình hình sa thải và thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động trình cấp cao, cần kỹ năng chuyên biệt, mà Việt Nam gặp phải trong những năm qua.
“Việc thiếu hụt là hệ quả của việc chọn ngành học. Một số ngành được đánh giá cao dù không đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong khi đó, hệ thống dự đoán nhu cầu nguồn nhân lực, thông tin thị trường lao động và các hoạt động đào tạo nghề không mang tính đồng bộ và không liên kết hiệu quả với đào tạo nghề, việc đào tạo nghề hiện có và nhu cầu của nhân công”, ông Tuấn lý giải.
Vị Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế cũng đưa ra dự đoán nhu cầu một số nhóm nghề sẽ cao như CNTT, công nghệ sinh học, tự động hóa, quản trị, tài chính, logistics, du lịch & khách sạn, cùng ngành sáng tạo.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội thảo còn có cơ hội nghe Tiến sĩ Alvin Leung – Trưởng khoa Giáo dục và Giáo sư Tâm lý học giáo dục tại ĐH Trung Quốc Hồng Kông nói về “CLAP for Youth @ JC”, chương trình hướng nghiệp toàn diện tại ở Hồng Kông nhằm trang bị năng lực phát triển nghề nghiệp cho các bạn trẻ để theo đuổi khát vọng bản thân trong một xã hội không ngừng đổi thay, thời mà tài năng và thành công trong giáo dục cũng như sự nghiệp bị gán ghép một cách hạn hẹp theo những hướng thành công hạn định.
Vân Anh
Theo ictnews
Buổi họp phụ huynh cuối năm lạ lùng
Đó là buổi họp phụ huynh của Trường THPT Việt Nhật (TP.HCM).
Cuối tuần qua, tôi có dịp được dự buổi họp phụ huynh của Trường THPT Việt Nhật tại TP.HCM.
Là một phụ huynh nhưng con còn nhỏ, vì vậy với cuộc họp này, tôi là người ngoại đạo. Tôi tới bởi muốn biết cuộc họp phụ huynh cuối năm ở các trường như thế nào, khi lâu nay câu chuyện "đầu năm đóng góp, cuối năm chốt tiền" đã trở nên quen thuộc.
Mặt khác, tôi cũng tò mò khi cuộc họp phụ huynh được diễn ra dưới sự chủ trì của vị hiệu trưởng từng là Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - ông Phạm Ngọc Thanh.
Cuộc họp phụ huynh dưới sự chủ trì của hiệu trưởng Phạm Ngọc Thanh, từng là Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
Mở đầu cuộc họp, khác với những gì tôi hình dung, hiệu trưởng nhà trường dành lời tri ân cho phụ huynh.
"Trước hết, tôi xin thay mặt nhà trường hoan nghênh các phụ huynh đã tới đúng giờ. Điều này chứng tỏ quý vị phụ huynh rất quan tâm đến việc chăm sóc, dạy dỗ con em mình nên người, điều này giúp nhà trường chúng tôi cảm thấy rất được an ủi. Phụ huynh ai cũng thương con, nhưng không phải ai cũng chăm lo cho con đúng đắn vì những tất bật cuộc sống, đến khi con xảy ra chuyện thì những hành động của phụ huynh không ápđặt được để giúp con phát triển đúng. Vậy nên sự có mặt của quý vị ngày hôm nay chúng tôi rất hoan nghênh".
Ông nói cuộc họp hôm nay sẽ là những chia sẻ mà ông tâm đắc nhất.
Rồi thầy hiệu trưởng nói về những tệ nạn xã hội gần đây, trong đó có cả việc mua điểm và chạy điểm. Ông bảo những tệ nạn đặt ra cho người thầy cũng như các phụ huynh một bài toán đáng phải suy nghĩ.
"Điều đầu tiên nhà trường muốn dạy cho học sinh là học có kiến thức để biết đúng - sai, học để có năng lực sinh tồn, và học để lòng nhân ái yêu thương, vị tha lớn hơn vị kỷ"
"Do việc chạy theo thành tích của nhà trường và phụ huynh đã tạo áp lực cho học sinh. Chúng ta không nên như vậy mà phải chấp nhận cho trẻ thất bại để từ đó đi lên. Không nên khoe khoang là con mình học thế này thế kia để khi trẻ thất bại sẽ bị áp lực rất lớn. Đến lúc đó, gia đình lại lo lót điểm để con được vào các trường tốt".
Ông chỉ ra thông thường, mong muốn của phụ huynh là con có địa vị xã hội và có nhiều tiền. "Nhưng chúng ta nên nhớ rằng nếu nhấn mạnh việc đó quá, về lâu về dài sẽ tạo ra nhiều hệ lụy. Vì tiền nên tạo ra sự gian dối, thủ đoạn. Cuộc đời sẽ không bền vững nếu chúng ta nuôi dưỡng sự gian dối, không trung thực"...
Chú ý quan sát, tôi thấy có vị phụ huynh trầm trồ tán thưởng, có phụ huynh ngồi im lặng chăm chú nghe.
Tiếp tục cuộc họp, vị hiệu trưởng chỉ ra 4 vòng tròn đào tạo. Ông nói vòng tròn đầu tiên là kiến thức - đây là cái không phải ngày một ngày hai mà gần như suốt cả cuộc đời sẽ phải học. Thứ hai là vòng tròn kỹ năng - hiện tại doanh nghiệp rất ưa chuộng, nhưng phụ huynh phải hiểu kỹ năng là biết sử dụng kiến thức đã học để làm việc. Thứ ba là vòng tròn xu hướng, tính cách - đó là mỗi người có thể giỏi mặt này hoặc mặt kia. Và vòng tròn cốt lõi là phải biết áp dụng những vòng tròn trên vào cuộc sống.
Ông bảo ở trường này, điều đầu tiên nhà trường muốn dạy cho học sinh là học có kiến thức để biết đúng - sai, học để có năng lực sinh tồn, và học để lòng nhân ái yêu thương vị tha lớn hơn vị kỷ. Bởi vì một đứa trẻ muốn phát triển phải được rèn luyện và chia sẻ. Một học sinh giỏi không hề vi phạm quy định vì đã được dạy dỗ, có cái nền nhưng khi em cũng không hề dạy lại cho các bạn và để đó giành thành tích riêng là đã tạo ra mầm mống của sự ích kỷ, sau này sẽ không muốn làm việc nhóm và có thủ đoạn để vươn lên trên người khác.
Ông dặn phụ huynh không nên so sánh giữa các học sinh. Hiện nay, điều nhà trường lo lắng là chính là "con nhà người ta".
Phụ huynh dự họp
"Tôi nói với các giáo viên là dạy để đủ đậu, riêng các em có năng khiếu thì hỗ trợ khơi gợi cho các em niềm đam mê và khả năng tự học, sẽ tạo kiến thức bền vững. Khẩu hiệu của chúng tôi là sống yêu thương, sống tự chủ, sống trách nhiệm".
"Chúng tôi sẽ tập cho học sinh nở nụ cười vào sáng thứ hai. Tôi cũng yêu cầu giáo viên trong tuần phải có một câu chuyện giáo dục đạo đức để các em biết yêu thương, thấu hiểu nhau, biết đối mặt với thất bại của chính mình, tập chấp nhận những điều không thể thay đổi...".
Cuối buổi họp, vị hiệu trưởng cam kết sẽ thường xuyên liên lạc với phụ huynh để gặp mặt, trao đổi. Trao đổi ở đây không có nghĩa là mắng vốn mà là sự báo cáo về việc học của các em, có sự tiếp xúc qua lại giữa nhà trường và gia đình.
Ông Phạm Ngọc Thanh cũng mong muốn phụ huynh tâm sự nhiều hơn với các con. "Phụ huynh hãy hỏi rằng con cảm thấy mình đã tiến bộ những gì trong năm vừa qua, không chỉ là môn học mà còn trong cuộc sống, và vì sao con lại cảm thấy như vậy. Hãy hỏi cháu về bạn bè trong lớp và thêm nhiều điều khác. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu hơn về con mình. Phụ huynh cũng nên tổ chức ăn mừng về những việc cháu đã làm được trong năm học vừa qua. Ăn mừng ở đây có rất nhiều cách, để tuyên dương và giúp các em phát triển hơn trong năm tiếp theo..." - ông dặn dò và kết thúc buổi họp.
"Tôi rất là tâm đắc vì nhà trường đã có buổi họp phụ huynh bổ ích như vậy, để chia sẻ thêm những kinh nghiệm nuôi dạy con. Nhưng nếu chỉ sinh hoạt như thế này thì hơi đơn điệu mà nên xen kẽ với những hoạt động giúp phụ huynh và con mình gắn kết hơn, sẽ đem lại lợi ích thiết thực hơn" - một phụ huynh chia sẻ.
"Tôi thấy thầy hiệu trưởng rất tâm huyết và có những chia sẻ chân tình. Tôi nghĩ một tuần hoặc một tháng nên có những buổi sinh hoạt như thế này để sự kết hợp giữa phụ huynh với nhà trường ngày càng chặt chẽ. Những cái tốt nhất nên được nêu ra để giúp học sinh học tốt và giải quyết những vấn đề tồn đọng, vướng mắc giữa nhà trường và các em" - phụ huynh Bùi Công Thành, bố của học sinh Bùi Quang Huy.
"Buổi họp phụ huynh hôm nay rất có ích, ngoài giúp chúng tôi biết cách giáo dục con cái thì nhà trường cũng thông tin những vấn đề học sinh đang được học. Các phụ huynh cũng như bản thân tôi học thêm được một bài học làm người. Dù đi họp cho con nhưng tôi có cảm giảm là mình đang được đi học" - phụ huynh Hà Thế Sự, bố của học sinh Hà Đình Thạch, lớp 12A.
Lê Huyền
Theo vietnamnet
Nhà giáo Hà Nội thay đổi vì trường học hạnh phúc Ngày 24/5/2019 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo: Nhà giáo Hà Nội thay đổi vì trường học hạnh phúc - Bắt đầu từ "7 thói quen" do Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cùng Công ty cổ phần FCE Việt Nam phối hợp tổ chức với mục đích chuẩn bị tâm thế, kĩ năng thay đổi bản thân nhà giáo...