Thoát ly văn mẫu: Đột phá từ kiểm tra, đánh giá
Học sinh tham khảo văn mẫu để hỗ trợ cho quá trình học tập sẽ tốt. Tuy nhiên, nếu phụ thuộc đến mức học thuộc lòng văn mẫu sẽ đi ngược lại với mục tiêu của môn học.
Cô Chử Thị Minh Hiền, giáo viên môn Ngữ văn – Trường THCS thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường – Lai Châu) trao đổi bài với học trò. Ảnh: ĐP
Kỹ thuật ra đề sẽ hạn chế được tình trạng văn mẫu
Một giáo viên Ngữ văn thường xuyên đi chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT lớp 12 ở Đà Nẵng kể: “Cách đây gần chục năm, khi đi chấm thi vào lớp 10, rất dễ bắt gặp những bài thi mà phần mở bài và kết luận không khác gì nhau. Học sinh vẫn truyền tai nhau có những trung tâm luyện thi mà giáo viên cung cấp sẵn bài văn mẫu, sẽ có người dò bài để kiểm tra mức độ “nhuần nhuyễn” của học sinh”.
Tuy nhiên, khi Sở GD&ĐT Đà Nẵng thay đổi cách ra đề, những bài văn không bám sát, không hiểu được yêu cầu của đề, chép thuộc những đoạn văn mẫu bất kỳ có điểm rất thấp. Với cách học tủ, học thuộc văn mẫu, chỉ cần đề thi đòi hỏi học sinh phải có lập luận, so sánh giữa hai tác phẩm, hai đoạn trích, trình bày chính kiến, có tranh luận, phản biện sẽ gây khó cho thí sinh.
Thầy Nguyễn Đình Hòa – giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) – cho biết: “Việc ra đề thế nào để hạn chế văn mẫu nằm trong khả năng của giáo viên và cũng tùy thuộc vào ý muốn của giáo viên ngay trong các đề kiểm tra đánh giá thường xuyên chứ không cần đến sự chỉ đạo chuyên môn của ban giám hiệu”.
Theo thầy Hòa, bản thân không phản đối việc học sinh đọc văn mẫu, vì đây là những chuẩn mực để học sinh hướng tới. Có lớp học, nếu học sinh có ý thức tốt, thầy Hòa cho học sinh sử dụng sách tham khảo để xem.
“Các em có thể lấy ý, luận điểm để làm bài. Nhưng tuyệt đối không được chép lại văn mẫu. Chỉ cần phát hiện ra trong bài có khoảng vài đoạn bê nguyên từ các bài văn mẫu, học sinh sẽ nhận điểm thấp” – thầy Hòa chia sẻ. Trong cung cấp tài liệu cho học sinh tham khảo, thầy Nguyễn Đình Hòa thường chọn những tài liệu chỉ triển khai dưới dạng gạch đầu dòng chứ không cung cấp những bài văn hoàn chỉnh. Bởi giữa các gạch đầu dòng là cơ hội để học sinh thể hiện được sự sáng tạo trong triển khai ý, chuyển đoạn…
Học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn trà, TP Đà Nẵng) trong giờ học Ngữ văn.
Thầy Nguyễn Thái Phong – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) – nhận xét rằng, vấn nạn văn mẫu không chỉ có ở bậc học THCS, THPT mà ngay cả bậc tiểu học, cũng có nhiều giáo viên áp cho học sinh học theo văn mẫu. “Sự sáng tạo của học sinh đã bị “thui chột” ngay từ khi làm quen với môn Tiếng Việt, Tập làm văn sẽ dần hình thành thói quen phụ thuộc vào văn mẫu của học sinh” – thầy Phong khẳng định. Chính vì vậy, nhiều trường học, ban giám hiệu chỉ cần một kỹ thuật nhỏ trong ra đề tập làm văn là biết ngay giáo viên có bắt học sinh học thuộc hay không để yêu cầu điều chỉnh cách dạy.
Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã trao quyền cho giáo viên trong ra đề các bài kiểm tra đánh giá thường xuyên. “Giáo viên chủ động trong sử dụng hình thức kiểm tra như phỏng vấn nhanh, làm bài tập nhóm, thuyết trình, dự án học tập. Kết cấu đề kiểm tra định kỳ theo đề chung của toàn khối. Ngoài đề mở ở câu nghị luận xã hội, cách ra đề cũng có những kỹ thuật để tránh việc học sinh học thuộc văn mẫu. Chẳng hạn, đề nghị luận văn học có thể yêu cầu học sinh chỉ phân tích, cảm nhận về một ý nhỏ, một đoạn trích trong tác phẩm để làm nổi bật quan điểm, nhận xét…” – thầy Nguyễn Quang Hưng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Video đang HOT
Tiết dạy văn của thầy Nguyễn Đình Hòa, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Vai trò của người dẫn đường
Em Lê Minh Bảo Châu, cựu học sinh Trường THPT Trần Phú, TP Đà Nẵng, đoạt giải Nhất môn Ngữ văn, kỳ thi học sinh giỏi thành phố Đà Nẵng năm học 2020 – 2021, nhận xét: “Đọc văn mẫu không hẳn là không tốt cho việc học văn. Cách đọc và mục đích đọc như thế nào mới là điều quan trọng. Đọc để tích luỹ thêm một số tri thức, không đọc để rập khuôn tư duy và giới hạn sức sáng tạo của bản thân”.
Theo Bảo Châu, cách dạy và kiểm tra, đánh giá của giáo viên sẽ ảnh hưởng đến quyết định đến việc học sinh học thuộc văn mẫu hay chỉ dùng văn mẫu để tham khảo. “Thầy cô là người truyền tải kiến thức, tri thức cũng như cảm hứng đến học sinh. Nếu thầy cô không dạy theo hướng gợi mở, tạo điều kiện cho học sinh phát triển tư duy, cảm xúc và sức sáng tạo thì một số học sinh sẽ chọn văn mẫu là nơi để kiếm tìm kiến thức, khó tránh khỏi việc hình thành thói quen học theo văn mẫu quá nhiều dẫn đến phụ thuộc, lạm dụng”, Bảo Châu bày tỏ.
Cho rằng cách kiểm tra, đánh giá của giáo viên sẽ góp phần “đẩy” học sinh tới văn mẫu, thầy Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh – bày tỏ: Trong quá trình dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá, giáo viên nên chấp nhận và trân trọng những cảm nhận ban đầu của học sinh, có thể nó không được tròn trịa, nhưng đó là cách cảm nhận riêng của các em. Nếu đặt yêu cầu cao hơn mặt bằng tiếp nhận, diễn đạt thông thường, buộc học sinh phải tìm tới văn mẫu để lấp đầy những gì các em đang thiếu hụt.
Thầy Nguyễn Quang Hưng ví dụ, lâu nay, giáo viên vẫn mặc định hình ảnh đoàn tàu trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” là biểu hiện cho khát vọng, ước mơ. Nhưng ở mức độ cảm nhận của học sinh đại trà, nếu không tiếp cận văn mẫu, các em có thể chỉ cảm nhận ở mức đó là sự tò mò, háo hức của nhân vật. “Nếu giáo viên cứ yêu cầu học sinh diễn đạt một cách hoa mỹ, tròn trịa, học sinh buộc phải học thuộc văn mẫu”.
Thầy Nguyễn Đình Hòa cũng cho rằng, với những bài văn của học sinh học theo văn mẫu, vỏ ngôn ngữ của các em sẽ rất “đẹp”, có thể một vài bài đầu đọc sẽ rất thích. Nhưng dần dà, học sinh rất khó để có thể diễn đạt những suy nghĩ, cảm nhận của bản thân mình, không chỉ đối với một tác phẩm văn học mà với nhiều vấn đề trong cuộc sống.
Theo nhận xét của thầy Nguyễn Đình Hòa, những năm gần đây, đáp án chấm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT đã theo hướng mở, không còn đóng khung nữa. Thế nhưng, với những bài văn đạt điểm 10, xã hội và cả thầy cô giáo thường đặt yêu cầu rất cao. “Đây cũng chính là áp lực khiến nhiều giáo viên không vượt qua được những rào cản tâm lý khi cho điểm tuyệt đối một bài thi môn Ngữ văn. Còn việc cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn cần có tính ổn định là đương nhiên vì nó quyết định đến tâm lý dạy học và ôn tập của giáo viên và học sinh” – thầy Hòa chia sẻ.
Cần phân biệt sao chép văn mẫu với học theo phương pháp mẫu
Phải bỏ cách học sao chép văn mẫu, học tủ nhưng điều này khác với việc tham khảo văn mẫu để học theo phương pháp mẫu, phát huy năng lực sáng tạo cho học sinh.
Chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu đối với môn Ngữ văn là một trong những yêu cầu được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Quan điểm của Bộ trưởng được đông đảo các giáo viên ủng hộ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có những giải pháp cụ thể để thực hiện yêu cầu này.
Học theo văn mẫu do cách ra đề, chấm thi theo lối cũ
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Loan - Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (Hà Tĩnh) nhận định, đây là một quan điểm chỉ đạo đúng đắn, hướng tới mục tiêu đổi mới, phát triển phẩm chất năng lực người học, trong khi hiện nay, thực trạng học sinh sao chép văn mẫu, học thuộc lòng, học tủ vẫn chiếm một tỷ lệ không nhỏ, đặc biệt đối với phần nghị luận văn học.
Cô Nguyễn Thị Loan - Tổ trưởng Tổ Ngữ Văn, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi. (Ảnh: NVCC)
Theo cô Loan, việc học sinh sao chép văn mẫu, bài mẫu xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Mặc dù chúng ta đang trong quá trình đổi mới giáo dục nhưng cách ra đề thi vẫn chưa đổi mới, chưa tạo ra được sự đột phá. Ngay trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, phạm vi ngữ liệu đề thi vẫn giống các năm trước, chỉ xoay quanh các tác phẩm văn học lớp 12, hoặc liên hệ, so sánh với các tác phẩm hiện đại trong chương trình lớp 11.
"Một nguyên nhân nữa là do điểm số vẫn luôn là tiêu chí quan trọng trong các kỳ thi, xét tuyển vào các trường. Để trúng tuyển vào các trường đại học, điểm số là yếu tố quyết định, trong khi cách ra đề, chấm thi chưa thay đổi, giáo viên vẫn buộc phải "cày nhuyễn" kiến thức để có số điểm chắc chắn cho học sinh.
Bên cạnh đó, một bộ phận giáo viên vẫn chưa hoàn toàn tích cực trong tiếp nhận những ý tưởng mới, đột phá, sáng tạo của học trò khi bài viết chưa đủ ý như đáp án. Cách chấm thi vẫn theo lối mòn cũ, dựa theo các ý mà đáp án đưa ra. Đó cũng là lý do buộc học sinh phải học theo mẫu một cách rập khuôn, khó phát huy tính sáng tạo", cô Loan cho biết.
Một khi ngành giáo dục vẫn chịu ảnh hưởng bởi căn bệnh chỉ tiêu thành tích, dùng điểm số học sinh để đánh giá giáo viên thì việc dạy môn Ngữ văn còn khó đổi mới.
Điều quan trọng là cần định hướng học bộ môn Ngữ Văn nhằm giúp học sinh hình thành những kỹ năng trong cuộc sống sau này, bồi dưỡng tâm hồn, giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em thì chúng ta lại chỉ mải chạy theo điểm số.
Ủng hộ chấm dứt học theo bài mẫu, văn mẫu nhưng cô Loan cho rằng, cần phải phân biệt hai cách học: học sao chép, bê nguyên văn mẫu và học theo cách làm mẫu để phát triển năng lực sáng tạo.
Học theo cách sao chép là học thuộc, bê nguyên những gì bài văn mẫu phân tích để đưa vào bài làm văn của mình, cách học này sẽ thủ tiêu tính sáng tạo tích cực của học trò.
Tuy nhiên, nếu học sinh tham khảo văn mẫu, học theo phương pháp mẫu để tiếp nhận những góc nhìn sâu sắc về tác phẩm văn học, để mở rộng, làm giàu vốn từ cũng như khả năng diễn đạt thì sẽ giúp các em phát triển hiệu quả năng lực sáng tạo của mình. Bởi lẽ, trong các phương pháp kỹ thuật dạy học tích cực có phương pháp dạy học làm mẫu.
"Trên thị trường hiện nay, văn mẫu rất nhiều, tràn lan và khó kiểm soát được chất lượng. Có những cuốn sách đúng thực sự là văn mẫu, nội dung hay, sâu sắc nhưng cũng không ít những cuốn sách văn mẫu không đảm bảo chất lượng, nhạt nhẽo, thậm chí sai kiến thức.
Bên cạnh biết cách học sáng tạo từ văn mẫu thì cần phải chọn lọc sách, tài liệu mẫu. Sử dụng đúng phương pháp, văn mẫu sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng, giúp học sinh mở rộng vốn từ, phát triển năng lực phản biện và có suy nghĩ sâu sắc hơn", cô Loan khẳng định.
Cần đổi mới đồng bộ
Theo cô Nguyễn Thị Loan, để học sinh không bị lệ thuộc vào văn mẫu mà từ bài văn mẫu để phát triển tốt năng lực của mình thì đòi hỏi giáo viên cần tích cực đổi mới về phương pháp dạy học.
Môn Ngữ văn là một môn học phát huy tối đa khả năng sáng tạo cho học sinh, giáo viên không thể đem tư duy của mình làm chuẩn mực và áp đặt vào suy nghĩ của các em. Giáo viên phải khuyến khích học sinh suy nghĩ sáng tạo, mạnh dạn với những ý tưởng đột phá, đồng thời phải đổi mới cách đánh giá học sinh và chấm điểm bài làm.
Song, muốn thực sự chấm dứt việc học theo bài mẫu đối với môn Ngữ văn cũng như học tủ với các môn học khác thì cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Cô Loan chia sẻ: "Chúng ta đang tiến tới đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa. Nhưng quan trọng hơn là đổi mới cách ra đề, kiểm tra, đánh giá, chấm thi. Đề thi không nên bị giới hạn ngữ liệu trong sách giáo khoa, ra đề thi phải theo hướng mở để học sinh phát triển tư duy, năng lực sáng tạo của mình.
Cách chấm thi cũng cần thay đổi, giáo viên phải ghi nhận những ý mới và hay, sáng tạo, những góc nhìn, cách cảm nhận của các em trong mỗi bài viết. Chỉ khi được ghi nhận sự sáng tạo thì học sinh mới phát huy được tính sáng tạo, giáo viên cũng áp dụng được nhiều phương pháp dạy học mới.
Một điều không kém phần quan trọng là cần tạo môi trường giáo dục tích cực để giáo viên tự giác, phấn khởi với đổi mới, phải làm sao để giáo viên nhận thấy đổi mới là nhu cầu tự thân chứ không phải hoài nghi hay là tâm thế bị ép buộc.
Một khi giáo viên vẫn phải lo lắng về 'cơm áo gạo tiền' thì họ sẽ không thể toàn tâm cho công việc, khó đủ thời gian để trau dồi chuyên môn, thực hiện đổi mới".
Nói đến vai trò của giáo viên trong hoạt động đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, cô Loan cho biết, quá trình này cần phải thực hiện thường xuyên, mang tính tự giác, tích cực.
Giáo viên phải tự chủ trong xây dựng kế hoạch dạy học đã phát huy được hiệu quả trong nhà trường, đa dạng các hình thức dạy học như dạy học trên lớp, dạy học gắn liền với hoạt động trải nghiệm...
Bên cạnh đó, cần vận dụng các phương pháp dạy học tích cực như dạy học dự án, đóng vai, hoạt động nhóm... để phát triển tốt năng lực học sinh. Đồng thời đổi mới đánh giá không chỉ dừng lại ở tái hiện kiến thức, bài viết như cũ mà phải tăng cường tương tác, để học sinh phát triển tư duy phản biện, khả năng sáng tạo của mình.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế và tổ chức bài học cũng sẽ đem lại hiệu quả giảng dạy tốt hơn, giúp học sinh hào hứng, không còn áp lực, không nhàm chán với môn Ngữ văn.
Ngoài ra, nhà trường cũng phải thể hiện vai trò của mình để đồng hành cùng giáo viên trong đổi mới dạy học.
Cơ sở giáo dục cần tổ chức chuyên đề đổi mới về phương pháp dạy học, thiết kế bài học theo các bước giúp giáo viên hiểu và áp dụng có hiệu quả. Mỗi trường cần có quỹ riêng dành cho hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Mỗi môn học nên có ít nhất một hoạt động trải nghiệm trong một năm học.
Việc sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học cần được tổ chức, thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, đúng mục đích, tính chất, đồng nghĩa phát huy vai trò của tổ chuyên môn, sẽ là yếu tố quan trọng góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng bộ môn. Giờ thao giảng nên tổ chức nhẹ nhàng, hạn chế việc "diễn" của giáo viên. Những người tham dự giờ thao giảng cần chú ý vào hoạt động của học trò, cách tổ chức bài giảng của người dạy, để từ đó đánh giá hiệu quả, tìm ra nguyên nhân, giải pháp.
"Đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập là điều quan trọng cần làm. Song, đổi mới là cả quá trình đòi hỏi về thời gian. Muốn chấm dứt học theo bài mẫu, văn mẫu cần phải đi từ đổi mới trong cách ra đề, đánh giá, chấm thi.
Chúng ta phải thực hiện từng bước và đồng bộ các giải pháp, nhưng cũng cần lưu ý, không nên bị động, hình thức, hô hào theo số đông, cũng không nên lấy đề thi của quốc gia này, đất nước nọ làm chuẩn để so sánh, để bắt chước một cách cứng nhắc. Tôi cho rằng, đã đổi mới, sáng tạo thì vẫn phải giữ được bản sắc riêng cho giáo dục Việt Nam", cô Loan khẳng định.
Làm sao chấm dứt văn mẫu? Một khẩu lệnh mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đưa ra cho năm học mới 2021 - 2022 là phải chấm dứt học và học theo văn mẫu. Văn mẫu đang là một vấn nạn của ngành giáo dục. Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn xuất thân từ khoa Văn của...