Thoái vốn, cổ phần hóa đang ngày một khó hơn
Nhiều quy định mới trong các văn bản được ban hành gần đây trong con mắt của giới luật sư và nhà đầu tư nước ngoài đang khiến cho tiến trình thoái vốn, cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn…
Khó kiếm nhà đầu tư chiến lược
Tại Hội thảo “Doanh nghiệp cần làm gì để thu hút các nhà đầu tư chiến lược thông qua giao dịch M&A” do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức cuối tuần qua, luật sư Sung Mee Hong, thành viên phụ trách nghiệp vụ M&A – Công ty Luật Lee & Ko (Hàn Quốc) nhận xét:
Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn thành công ty cổ phần, khoản ký quỹ mà nhà đầu tư chiến lược được yêu cầu thực hiện tăng từ 10% lên 20% tổng giá trị cổ phần được đăng ký theo quy định cổ phần hóa là quá cao so với hầu hết các giao dịch M&A quốc tế.
Theo quy định, nếu có từ 2 nhà đầu tư chiến lược trở lên và họ đăng ký mua số lượng cổ phần lớn hơn số lượng được đề xuất bán cho nhà đầu tư chiến lược trong kế hoạch cổ phần hóa đã được phê duyệt, thì việc bán cổ phần sẽ được thực hiện thông qua đấu giá trên sở giao dịch chứng khoán.
Điều này, theo luật sư Sung Mee Hong, sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư chiến lược trong việc đàm phán các quyền lợi và sẽ không có quy trình thẩm định, gây cản trở các nhà đầu tư tiềm năng khi họ xem xét tham gia vào quy trình đấu thầu.
Cũng theo Nghị định 126/2017, chỉ có doanh nghiệp mà Nhà nước tiếp tục nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ (sau cổ phần hóa) mới được quyền chào bán cổ phiếu của mình cho các nhà đầu tư chiến lược và ít nhất 20% số cổ phần trong 1 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa phải được bán thông qua hình thức công khai; 1 nhà đầu tư chiến lược không được nắm giữ hơn 30%.
“Đây là tỷ lệ cổ phần quá thấp. Hầu hết các nhà đầu tư chiến lược của Hàn Quốc, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược hoạt động cùng ngành đều mong muốn có được quyền cổ đông đa số”, luật sư Sung Mee Hong nói và bình luận thêm:
“Nghị định 126/2017 dường như loại trừ khả năng đầu tư của các nhà đầu tư tài chính khi đặt ra yêu cầu nhà đầu tư chiến lược phải có lợi nhuận trong ít nhất 2 năm và phải có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp…”.
Ông Vũ Quang Thịnh, Tổng giám đốc Dynam Capital cho biết, để thực hiện một thương vụ M&A, chi phí là rất đắt, phải mất hàng trăm ngàn USD để thuê luật sư, kiểm toán, mức phí thuê tư vấn M&A từ 2-8% giá trị thương vụ…
Video đang HOT
“Vì vậy, giá thực tế để mua 1 cổ phần là không hề rẻ, nên không dễ dàng để các nhà đầu tư nước ngoài ra quyết định ‘chốt’ một thương vụ. Thông thường, họ phải rà soát, trao đổi, thẩm định doanh nghiệp vô cùng kỹ lưỡng”, ông Thịnh nói.
Doanh nghiệp tâm tư khi Nhà nước thoái vốn
Trong khi các quy định ngày một chặt chẽ và khó khăn cho quá trình tìm kiếm nhà đầu tư lớn, bản thân các doanh nghiệp cũng chưa sẵn sàng với quá trình thoái vốn, cổ phần hóa. Điều này thể hiện khá rõ ở Hội nghị công tác đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp của SCIC tổ chức cuối tuần qua tại Đà Nẵng.
Ông Đoàn Đình Duy Khương, Quyền Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang bày tỏ, SCIC có đóng góp quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. Hệ thống quản trị hiện đại mà Dược Hậu Giang đang áp dụng có công lớn của SCIC trong việc đóng góp ý kiến, xây dựng và phát triển.
Người đại diện vốn cần xác định tâm thế trở thành một nghề chuyên nghiệp. Nếu người đại diện chuyên nghiệp, luôn tạo ra giá trị và hiệu quả doanh nghiệp cao, thì Nhà nước hay ông chủ nào khác cũng đều cần người đại diện như vậy.
Theo ông Khương, trong giai đoạn đầu triển khai chiến lược mới, Dược Hậu Giang cần sự ổn định. Vì vậy, Dược Hậu Giang mong được kéo dài thời gian quá trình thoái vốn để SCIC tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp.
Trường hợp nếu phải thoái vốn thì “đề xuất SCIC giúp cho Dược Hậu Giang tìm được đối tác gắn bó với chiến lược của doanh nghiệp trong trung và dài hạn, để Công ty tiến tục phát triển đúng định hướng, trở thành thương hiệu, niềm tự hào của Việt Nam”.
Bởi trên thực tế, từng xuất hiện việc đối tác bên ngoài mua doanh nghiệp và biến doanh nghiệp thành công cụ cho họ, khiến cho thương hiệu doanh nghiệp không phát triển…
Ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo Minh cho biết, việc Nhà nước thoái vốn khỏi Bảo Minh đã mang đến nhiều tâm tư cho cán bộ công nhân viên rằng, họ sẽ đi đâu, về đâu.
“Anh em rất dao động trong làm việc, chưa chăm chút cây họ đang trồng và mong SCIC có định hướng cụ thể”, ông Thành nói.
Ông Lê Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Nhựa Việt Nam cũng cho biết, Tổng công ty nằm trong diện SCIC sẽ thoái vốn toàn bộ, nên tâm tư, nguyện vọng của người lao động bị dao động.
“Có thời điểm Tổng công ty rất khó khăn, không biết đi đâu về đâu. Nhiều khi chỉ đạo của Ban Giám đốc không ai nghe. Người đại diện cũng có băn khoăn, có lúc muốn rút lui khỏi công việc…
Ban lãnh đạo doanh nghiệp phải họp với người lao động và quán triệt tư tưởng rằng, Nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa là để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả cao hơn, trường hợp chủ mới không thuê thì chấp nhận. Hiện tại, về cơ bản, người lao động đã ổn định tư tưởng”, ông Hoàng nói.
Theo ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, ý kiến của doanh nghiệp muốn SCIC giữ vốn lâu dài tại doanh nghiệp để người đại diện, người lao động yên tâm, nhưng SCIC cũng phải chấp hành chủ trương của Chính phủ trong việc thoái vốn những ngành nghề không cần nắm giữ.
Cũng theo ông Chi, để không ảnh hưởng tới người đại diện khi SCIC thoái vốn, người đại diện vốn cần xác định tâm thế trở thành một nghề chuyên nghiệp.
Nếu người đại diện chuyên nghiệp, luôn tạo ra giá trị và hiệu quả doanh nghiệp cao, thì Nhà nước hay ông chủ nào khác cũng đều cần người đại diện như vậy. Chủ tịch SCIC cũng nhấn mạnh rằng, bản thân người đại diện phải trau dồi bản lĩnh và năng lực để thích ứng với sự thay đổi tại doanh nghiệp.
Khẩu vị của nhà đầu tư “cá mập”
Nhìn nhận về khẩu vị của các nhà đầu tư lớn đối với danh mục thoái vốn của SCIC, ông Lê Thanh Tuấn, Trưởng Ban Đầu tư 4 (SCIC) cho biết, các doanh nghiệp mà SCIC sở hữu trên 25% vốn thường là mục tiêu M&A của nhà đầu tư, bởi với việc nắm giữ tỷ lệ này, quyết định của nhà đầu tư có thể ảnh hưởng lớn đến chiến lược, định hướng tăng vốn của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có thị phần lớn trên thị trường cũng dễ tìm kiếm nhà đầu tư hơn.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ, theo ông Tuấn, đối tượng tìm đến chủ yếu là nhà đầu tư tài chính, bởi họ nhắm vào tài sản của doanh nghiệp là đất đai, bất động sản.
Đối với doanh nghiệp mua quyền sử dụng đất, giá bán có thể cao hơn nhiều so với giá khởi điểm với kỳ vọng là có thể đầu tư cao ốc ở khu vực đó.
Chẳng hạn, Khách sạn Kim Liên có giá khởi điểm 30.600 đồng/cổ phần, nhưng giá bán thành công lên tới 274.200 đồng/cổ phần; tương tự, mỗi cổ phần của CTCP Xuất nhập khẩu văn hóa phẩm có giá khởi điểm là 13.000 đồng, nhưng giá bán thành công là 255.000 đồng/cổ phần.
“Yếu tố khiến một doanh nghiệp trở thành mục tiêu M&A hấp dẫn là doanh nghiệp hoặc rất tốt, hoặc rất xấu, chẳng hạn: Doanh nghiệp có lợi thế sản xuất, nhưng tiềm năng dưới ngưỡng trung bình; công ty chưa phải đại chúng có nợ vay nhiều…”, ông Lê Thanh Tuấn nhận xét.
Anh Việt
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Chính phủ chỉ đạo gỡ vướng cho cổ phần hóa
Chính phủ cho phép linh hoạt trong áp dụng các quy định về cổ phần hóa...
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 121/NQ-CP xử lý vướng mắc trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, để hoàn thành tiến độ cổ phần hóa theo đúng kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2017, trong thời gian Nghị định số 126/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần chưa có hiệu lực thi hành, Chính phủ cho phép các doanh nghiệp đang tiến hành cổ phần hóa theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Các doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa trước ngày Nghị định số 126/2017 có hiệu lực và các doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2017 nhưng chưa được phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai, thì được tiếp tục thực hiện cổ phần hóa theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP nhưng phải hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất trước thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu.
Báo cáo của Văn phòng Chính phủ, cho biết theo kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, sẽ tiến hành cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2017-2020 theo từng năm. Riêng năm 2017, cả nước sẽ phải cổ phần hóa 45 doanh nghiệp nhà nước trong số này.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã hoàn thành cổ phần hóa 6 doanh nghiệp nhà nước; công bố giá trị doanh nghiệp và đang xây dựng phương án cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 14 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu rất lớn như 3 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) có tổng giá trị vốn chủ sở hữu gần 90.000 tỷ đồng, 1 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có giá trị vốn chủ sở hữu khoảng 24.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, đang tiến hành xác định giá trị của 20 doanh nghiệp. Dự kiến sẽ hoàn thành cổ phần hóa 40 doanh nghiệp trong tổng số 45 doanh nghiệp của kế hoạch năm 2017.
Theo Bảo Quyên
Vì sao doanh nghiệp nhà nước vẫn được 'bao bọc' sau cổ phần hóa TheLEADERTrong nhiều thông điệp của mình, Chính phủ đã nhấn mạnh quan điểm, doanh nghiệp nhà nước phải theo nguyên tắc thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tuy nhiên, trên thực tế, không nhiều doanh nghiệp làm được điều này. Nhà máy phân bón DAP số 2 tại tỉnh Lào Cai của Vinachem Nặng nề cơ chế xin - cho Tập...