Thoái hết vốn khỏi Vinamilk, SCIC được gì?
Theo TS Nguyễn Minh Phong, nếu bán cổ phần cho nhà đầu tư giúp Vinamilk tăng vốn, hoạt động hiệu quả, nhà nước lại thu được nhiều thuế hơn.
Theo các chuyên gia, việc SCIC thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp sẽ mở ra cơ hội phát triển cho doanh nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Buông “con gà đẻ trứng vàng”
Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa ký văn bản 1787/TTg-ĐMDN cho ý kiến về Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Theo đó, việc nắm giữ vốn, đầu tư dài hạn đối với 19 doanh nghiệp tại đề án chiến lược của SCIC sẽ được thực hiện theo lộ trình. SCIC tiếp tục nắm giữ vốn đầu tư dài hạn đối với 9 doanh nghiệp đồng thời thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp.
Trong 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM), Công ty Cổ phần FTP (FPT), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMC), Bảo Minh (BMI)…
SCIC tiếp tục nắm giữ vốn đầu tư dài hạn đối với 9 doanh nghiệp đồng thời thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp (ảnh minh họa nguồn: Tạp chí Tài chính).
Trong số 10 doanh nghiệp này, việc thoái vốn tại Công ty Cổ phần sữa Việt Nam được quan tâm nhiều nhất. Tính theo thị giá cổ phiếu ngày 13/10, vốn hóa thị trường của 10 doanh nghiệp này khoảng 7 tỷ USD, phần SCIC đang sở hữu có giá trị khoảng gần 3 tỷ USD. Riêng với 45,1% cổ phần sở hữu Vinamilk có giá trị thị trường 2,46 tỷ USD.
Động thái SCIC thoái hết vốn tại Vinamilk cũng như một số doanh nghiệp nhà nước lớn đặt ra câu hỏi lợi ích của nhà nước nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong danh sách thoái vốn đang là “con gà đẻ trứng vàng”. Cùng với đó, cũng có những lo ngại việc nhà đầu tư ngoại đổ vốn nắm giữ điều hành hoạt động tại các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn sẽ ảnh hưởng đến thị trường.
Tuy nhiên trái với lo ngại trên, trao đổi với phóng viên PGS.TS Bùi Quang Bình – Tạp chí Khoa học kinh tế (Đại học Kinh tế Đà Nẵng) khẳng định: SCIC thoái vốn sẽ mở ra thời kỳ phát triển mới cho các doanh nghiệp, chắc chắn doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn.
“Thống kê của Ban cải cách Chính phủ chỉ rõ, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn đều hiệu quả tốt hơn, tuy nhiên hiệu quả đến đâu còn tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh cụ thể”, PGS.TS Bùi Quang Bình nói.
SCIC thoái vốn mở ra cơ hội phát triển mới cho Vinamilk
Nêu cụ thể trường hợp Vinamilk, PGS.TS Bùi Quang Bình phân tích: Thời điểm Vinamilk tiến hành cổ phần hóa năm 2003, không ít nhà đầu tư cả trong và ngoài nước nguồn nhảy vào thay thế nguồn vốn nhà nước nắm giữ. Với sự phát triển vượt bậc giai đoạn 2004 – 2014, Vinamilk luôn duy trì vị trí số 1 thị trường sữa trong nước, số vốn năm 2014 tăng lên gấp 10 lần 2004…
Đầu tháng 7 vừa qua, Vinamilk đã chi tạm ứng cổ tức 2015 khoảng 4.000 tỷ đồng, trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 40% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%, người sở hữu 5 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới. Chỉ riêng tiền mặt, SCIC đã thu về 2.164 tỷ đồng trong đợt này. Năm 2013, số tiền cổ tức thậm chí còn lớn hơn khi đạt 2.597 tỷ đồng.
Video đang HOT
Những con số thống kê trên khiến nhà đầu tư tiếc nuối nếu không mua được cổ phần tại Vinamilk. Vì vậy quyết định thoái vốn bán lại cổ phần nhà nước đang sở hữu tại Vinamilk sẽ mở ra cơ hội đầu tư lớn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, một cuộc cạnh tranh quyết liệt sẽ diễn ra nhằm sở hữu cổ phần một trong các thương hiệu hàng đầu Việt Nam.
Tuy hấp dẫn nhà đầu tư nhưng theo PGS.TS Bùi Quang Bình, với số vốn chiếm giữ lên đến 2,5 tỷ USD tại Vinamilk, nhà nước không dễ để tìm được nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính và sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để đầu tư.
“Có thể sẽ chia nhỏ số vốn để bán cho từng nhà đầu tư theo nguyên tắc chọn nhà đầu tư chiến lược có tiềm năng, có công nghệ, am hiểu ngành sữa nhằm đảm bảo Vinamilk tiếp tục phát triển”, PGS.TS Bùi Quang Bình cho biết.
Cũng theo PGS.TS Bùi Quang Bình, nên có phương án riêng với nhà đầu tư muốn mua lại cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước muốn thoái vốn. Ví dụ nếu nhà đầu tư A muốn mua lại cổ phần Vinamilk phải chứng minh nguồn vốn, công nghệ, các phương hướng phát triển doanh nghiệp, cam kết đầu tư dài hạn… Điều này tránh việc nhà đầu tư “ăn xổi” mua đi bán lại cổ phần gây lũng đoạn doanh nghiệp.
Sẽ mang lại nguồn lợi lớn hơn
Cùng chung quan điểm trên, chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Minh Phong cho rằng chủ trương thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp là đúng đắn: “Trước đây, chúng ta sai lầm khi chỉ thoái vốn tại doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, khi đó vốn cổ phần nhà nước vừa khó bán cho nhà đầu tư hoặc bán nhưng với giá rẻ. Nay việc thoái vốn cả doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả như Vinamilk sẽ thu hút nhà đầu tư, tăng vốn cho doanh nghiệp để phát triển”.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, cái lợi của nhà nước trong việc bán và không bán cổ phần ở chỗ với doanh nghiệp phát triển như Vinamilk, nếu giữ nguồn vốn nhà nước được hưởng lợi từ lợi cổ tức hàng năm của doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu bán cổ phần cho nhà đầu tư giúp Vinamilk tăng vốn, hoạt động hiệu quả, nhà nước lại thu được nhiều thuế hơn.
“Nền kinh tế đất nước dựa vào nguồn lực doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp phát triển tốt trở lại đóng thuế tăng ngân sách cho đất nước. Mục tiêu cuối cùng phải thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp”, TS Phong cho biết.
Về nguyên tắc bán cổ phần, TS Phong cho rằng nên tổ chức đấu giá công khai đảm bảo minh bạch và công bằng với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán cho thấy, hầu hết các cổ phiếu doanh nghiệp nằm trong danh sách thoái vốn mà SCIC vừa công bố đều tăng mạnh với thanh khoản đột biến trong phiên 14/10. Nhựa Bình Minh tăng trần, cổ phiếu Vinamilk có lượng giao dịch tăng gần 700% so với phiên trước đó, hay thậm chí tới 1000% như cổ phiếu FPT…
Vì vậy thông tin SCIC thoái vốn khỏi doanh nghiệp trên đang nhận được phản ứng tích cực. Các nhà đầu tư đang chờ lộ trình thoái vốn cụ thể từ SCIC để vào đầu tư.
Cùng với quy định nới room (nâng tỷ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư ngoại có hiệu lực, theo dự báo thị trường Việt Nam sắp đón luồng tiền lớn từ nhà đầu tư ngoại thế chân nhà nước nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp lớn mà SCIC đang có ý định thoái vốn.
Mai Anh
Theo giaoduc
Câu chuyện TPP với thương hiệu sữa số 1 Việt Nam
Có mặt tại 26 quốc gia, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 62%... con số này giúp Vinamilk có thể cạnh tranh với bất kỳ doanh nghiệp sữa nào trong khối TPP.
Vinamilk tiên phong khai trương cửa hàng "Tự hào hàng việt Nam"Gia nhập TPP, thách thức cho ngành sữa Việt NamVinamilk, công ty có vốn hóa lớn nhất Việt Nam
Lo ngại TPP là thừa khi...
Việc Việt Nam hoàn thành đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt ra lo ngại ngành sữa Việt Nam nói chung và doanh nghiệp sữa Việt Nam nói riêng.
Những lo ngại này xoay quanh việc doanh nghiệp sữa Việt Nam phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhậu khẩu đặc biệt từ quốc gia cũng thuộc TPP là Australia và Newzeland. Trong khi theo điều khoản TPP, đến năm 2018 thuế nhập khẩu sản phẩm sữa trong khối TPP sẽ bằng 0. Khi đó, sản phẩm sữa nhập ngoại sẽ xâm lấn thị trường, cạnh tranh về giá với sản phẩm sữa nội gây ra khó khăn cho doanh nghiệp sữa nội.
Tuy nhiên nếu nhìn vào sự bức tranh ngành sữa nói chung, đặc biệt ở doanh nghiệp sữa đứng đầu Việt Nam như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) thì vấn đề này lại... không đáng ngại.
Sản phẩm của Vinamilk hiện đã có mặt tại 26 quốc gia trên thế giới.
Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng hơn 240.000 con bò sữa. Các trang trại bò sữa trong nước không những hiện đại về thiết bị chuồng trại, qui mô mà còn tiên tiến trong các mô hình quản lý vận hành, tuân thủ các yêu cầu khắc khe nhất của ngành sữa, ngành thực phẩm thế giới như Viet Dairy GAP, Global Gap, ISO...
Riêng hệ thống trang trại sữa Vinamilk là trang trại đầu tiên tại khu vực châu Á đạt chuẩn Global Gap. Điều này cho thấy, lo ngại về việc phụ thuộc vào nguồn sữa nhập khẩu với doanh nghiệp sữa như Vinamilk không đáng lo ngại bởi chiến lược phát triển các trang trại chăn nuôi bò dọc từ Bắc vào Nam nhằm chủ động nguồn nguyên liệu sữa cho thấy cái nhìn xa của doanh nghiệp trước thời điểm hội nhập sâu.
Về nhà máy chế biến sữa, Vinamilk vẫn đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất. Đặc biệt trong năm 2013, Vinamilk đã đầu tư hai siêu nhà máy sữa lớn hiện đại bậc nhất thế giới tại tỉnh Bình Dương là Nhà máy Sữa bột Việt Nam có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, hoạt động từ tháng 4/2013 và Nhà máy Sữa Việt Nam (chuyên sản xuất sữa nước) có vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng, khánh thành vào tháng 9/2013.
Hai nhà máy được đầu tư công nghệ thuộc loại tiên tiến nhất của ngành sữa, để các sản phẩm có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường.
Không chỉ nỗ lực nâng cao thị phần trong nước, Vinamilk còn đang vươn ra một số thị trường khác. Công ty đã nhận được giấy phép đầu tư nhà máy sữa tại Campuchia. Công ty còn có cổ phần tại một nhà máy sữa ở New Zealand, nhà máy này không chỉ sản xuất sữa bột phục vụ địa phương sở tại, năm 2013 đã nhập hàng về phục vụ thị trường Việt Nam.
Một yếu tố tiên quyết giành thắng lợi trên thị trường sữa Việt Nam là việc am hiểu thị trường, sản phẩm sữa có thương hiệu chất lượng và quen thuộc. Các yếu tố này Vinamilk luôn là doanh nghiệp hàng đầu.
Thống kê thị phần của Vinamilk tại Việt Nam trong phân khúc sữa đặc có đường là 75%, sữa nước gần 50%, sữa bột gần 30% và sữa chua lên đến gần 90%. Theo khảo sát của Kantar World Panel (công bố ngày 10/5/2013), tại Việt Nam, Vinamilk là thương hiệu số 1, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là các sản phẩm sữa nước, hầu như có mặt ở mọi gia đình Việt Nam (cứ 100 gia đình Việt Nam thì có đên 94 gia đình trong nhà có sử dụng 1 sản phẩm của Vinamilk).
Trên thế giới Vinamilk đang có mặt tại 26 quốc gia, đặc biệt năm 2013, Vinamilk được FDA (Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ) cấp số đăng ký để được phép xuất khẩu hàng vào Mỹ (một quốc gia thuộc khối TPP). Theo đó, việc hàng rào thuế quan trong khối TPP được xóa bỏ sẽ mở ra cơ hội cho Vinamilk thâm nhập thị trường khó tính này và nâng cao vị thế của thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam.
...Vinamilk biết "dụng nhân"
Thành công Vinamilk có được cho đến thời điểm này luôn gắn với cái tên Mai Kiều Liên - nguyên Chủ tịch HQT, Tổng giám đốc Vinamilk.
Được coi là người khai mở ngành công nghiệp sữa của Việt Nam, bà Liên đã thành công trong việc đưa Vinamilk trở thành doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán vào ngày 25/9/2015 (Vốn hóa Vinamilk đạt 121.225 tỷ đồng trong khi cổ phiếu có lượng vốn hóa lớn thứ hai là VCB chỉ đạt 117.261 tỷ đồng).
Tốt nghiệp kỹ sư công nghệ chế biến sữa ở Nga, năm 1976 bà Liên về làm việc cho Công ty sữa và cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk, và có nhiều đóng góp trong đưa công ty trở thành doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Từ công việc ban đầu là kỹ sư, cùng với thời gian, bà Mai Kiều Liên lên chức Trưởng ca, rồi Phó Giám đốc Kỹ thuật, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh tế và đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến tháng 7/2015.
Bà Mai Kiều Liên, nguyên Chủ tịch HQT, Tổng giám đốc Vinamilk
Sự phát triển của Vinamilk đã tạo thành bước ngoặt vào năm 2003, khi bà Mai Kiều Liên chính thức trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk).
Với việc áp dụng các mô hình quản trị theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, bà Mai Kiều Liên đã xây dựng Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu có lợi nhuận lớn của Việt Nam cũng như có tên tuổi khắp châu Á. Cũng là quãng thời gian, Vinamilk trở thành doanh nghiệp tạo ra được một cuộc cách mạng trong thói quen ăn uống của người Việt cũng như phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành.
Bên cạnh đó Vinamilk biết dụng nhân, trong điều hành của mình bà Mai Kiều Liên luôn tỉ mẩn trong công việc, biết lo xa, giả định trường hợp xấu nhất với Vinamilk. Vì thế các kịch bản đối phó luôn được doanh nghiệp này chủ động.
Quan điểm phải nỗ lực sáng tạo, tìm ra các phân khúc thị trường mới, đưa ra những sản phẩm mới cộng với việc tái bố trí nhân lực, giảm chi phí các khâu trung gian đã minh chứng cho thực tế Vinamilk đã biết cách tự cứu trước khi nhờ người khác cứu trong bối cảnh kinh tế và sức mua giảm. Kết quả, trong bối cảnh tình hình kinh tế suy giảm, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành điêu đứng Vinamilk luôn vững vàng với tốc độ tăng trưởng hơn 20%. Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng.
Bà cũng thừa nhận, Vinamilk thành công ngoài việc nỗ lực tìm kiếm và tạo ra những cái mới, không đi theo lối mòn, không theo xu hướng đám đông, thậm chí nhiều khi đi ngược với xu thế, đó chính là nhờ biết sử dụng người tài.
"Mọi người trong công việc có gì chưa chuẩn thì tôi hướng dẫn họ làm, đào tạo họ chứ không bỏ người. Quan trọng nhất là tôi thống nhất được mọi người thành một khối để phát huy sức mạnh của tập thể", nữ tướng Mai Kiều Liên từng chia sẻ.
Thành công của Vinamilk đã được các tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận
Năm 2010, Vinamilk là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được công nhận là 1 trong 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất châu Á do tạp chí Forbes Asia bầu chọn. Liên tiếp hai năm 2012- 2013, bà Mai Kiều Liên được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân xuất sắc nhất châu Á. Đầu tháng 9/2013, Tạp chí Forbes Việt Nam công bố danh sách 50 công ty tốt nhất trên thị trường chứng khoán, trong đó Vinamilk đứng đầu.
Trong danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố năm 2013, Vinamilk đứng vị trí thứ 2 trong top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam và nằm trong top 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam.
Mai Anh
Theo giaoduc
Vinamilk khai trương điểm bán hàng 'Tự hào hàng Việt' Ngày 12/10 Vinamilk khai trương điểm bán hàng "Tự hào hàng Việt Nam" tại TP. Vinh (Nghệ An), trưng bày và bán hơn 200 sản phẩm các loại của Vinamilk đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Điểm bán hàng "Tự hào hàng Việt" của Vinamilk được thực hiện theo mục tiêu của đề án phát triển thị...