Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Đây cũng là vòng đàm phán áp chót của các bên tham gia xây dựng thỏa thuận toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa. Nước chủ nhà Canada đang nỗ lực để có thể đảm bảo đạt được 70% sự đồng thuận trước khi đi tới thống nhất vào cuối năm 2024 ở Busan, Hàn Quốc.
Mục tiêu đầy tham vọng là như vậy, nhưng việc chấm dứt rác thải nhựa sẽ không thể đạt được nếu trong bộ công cụ pháp lý quốc tế nêu trên không đưa ra được những giới hạn đối với việc sản xuất nhựa. Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada Steven Guilbeault cũng đã đề cập tới vấn đề này khi phát biểu rằng một thỏa thuận nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa sẽ thất bại nếu không bao gồm một số giới hạn đối với ngành sản xuất nhựa.
Ý tưởng về việc xây dựng một thỏa thuận toàn cầu về chống ô nhiễm nhựa được đưa ra tháng 3/2022, với mục tiêu tiến hành 5 vòng đàm phán để đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay. Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), bà Inger Andersen, đánh giá đây sẽ là thỏa thuận quốc tế quan trọng nhất mà thế giới đạt được trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu kể từ sau Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, bởi ô nhiễm nhựa đang là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt. Theo số liệu của UNEP, hiện thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa mỗi năm và chưa đến 10% số này được tái chế. Hơn 25% lượng rác thải nhựa được vứt bừa bãi ra môi trường và đang gây hại cho con người cùng môi trường thiên nhiên.
Tuy nhiên, sau 3 vòng đàm phán, các bên vẫn chưa thống nhất được cách tiếp cận toàn diện để giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa, từ hợp chất polyme đến sản xuất sản phẩm, đóng gói và thải bỏ. Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Canada và Kenya… kêu gọi có một hiệp ước mạnh với các điều khoản mang tính ràng buộc nhằm giảm việc sản xuất và sử dụng nhựa nguyên sinh, được tạo ra từ quá trình chưng cất phân đoạn dầu mỏ, cũng như xóa bỏ hoặc hạn chế các loại nhựa gây ô nhiễm. Quan điểm này vấp phải sự phản đối từ các nước xuất khẩu dầu mỏ, sản phẩm hóa dầu và nhựa. Theo những quốc gia này, hiệp ước cần tập trung vào việc tái chế và tái sử dụng nhựa, thông qua khái niệm “tuần hoàn nhựa”, bởi nguồn gốc của ô nhiễm nhựa là “việc quản lý chưa hiệu quả” nhựa và chất thải nhựa. Do đó, tại vòng đàm phán thứ tư diễn ra trong tuần này, các bên phải tìm cách thu hẹp bất đồng, thống nhất được một số vấn đề chung trước khi diễn ra vòng đàm phán cuối mang tính quyết định (INC-5) vào tháng 11 tới tại Busan.
Cho tới nay, khoảng 130 nước ủng hộ mạnh mẽ việc yêu cầu các công ty nhựa phải công bố số lượng nhựa đang sản xuất cũng như các loại hóa chất sử dụng trong quy trình này. Với dự kiến, sản lượng nhựa có thể sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2060, những người ủng hộ cho rằng những thông tin như vậy là bước cơ bản đầu tiên trong việc kiểm soát rác thải nhựa có hại.
Video đang HOT
Giám đốc UNEP Inger Andersen nhận xét các nước đang có sự đồng thuận trong việc loại bỏ sử dụng nhựa trong những lĩnh vực có thể dùng sản phẩm khác thay thế. Thế giới vẫn tiếp tục cần nhựa cho những mục tiêu cụ thể như công nghệ năng lượng tái tạo. Nhưng ngày càng xuất hiện nhiều tiếng nói rằng việc sử dụng nhựa một lần và ngắn hạn nên kết thúc.
Theo các nhóm môi trường, có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy việc giảm lượng sản xuất nhựa là cách duy nhất để loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi môi trường. Greenpeace – nhóm môi trường hoạt động nổi trội tại vòng đàm phán này, đang mong muốn vận động để thỏa thuận sẽ gồm việc giảm 75% sản lượng nhựa vào năm 2040. Nhưng các nhà sản xuất nhựa lại cho rằng chưa cần phải có ngay hạn định bởi các vật liệu thay thế có giá thành cao và tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để cho ra sản phẩm.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Ottawa, nhà vận động không rác thải nhựa Marian Ledesma của Greenpeace cho rằng với việc giảm sản xuất nhựa, điều các chính phủ có thể làm là đảm bảo cho người lao động trong ngành này được chuyển đổi sinh kế. Hiện là thời điểm thích hợp để áp dụng các hệ thống tái sử dụng hay tái tạo vì chúng cũng mang lại cơ hội về việc làm, khả năng tiếp cận và lợi ích cho toàn bộ cộng đồng, chứ không chỉ riêng cho một ngành nào.
Giám đốc chương trình về nhựa Karen Wirsig của Tổ chức Bảo vệ Môi trường Canada nhận xét thế giới đang phải đối mặt với tác hại của số lượng sản phẩm nhựa và bao bì ngày càng tăng do các nhà sản xuất chỉ quan tâm tới lợi nhuận.
Đã đến lúc phải kết thúc thực trạng gây hại cho môi trường này. Tuy nhiên, cách tiến hành và lộ trình thực hiện như thế nào cũng là điều rất quan trọng do mỗi quốc gia có một trình độ phát triển và hoàn cảnh riêng, không thể áp dụng một công thức chung.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam tham dự INC-4, nêu rõ là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam ủng hộ thỏa thuận toàn cầu để giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Đây sẽ là bộ khung để các quốc gia thành viên xây dựng hành động giảm ô nhiễm nhựa và cùng nỗ lực giải quyết các thách thức về môi trường xung quanh vấn đề rác thải nhựa. Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng cần bao gồm cả trách nhiệm của các quốc gia, với những mức độ khác nhau và phù hợp với trình độ cũng như năng lực phát triển của nước đó. Việt Nam mong muốn có một sự cân bằng vì bên cạnh những biện pháp kiểm soát, cũng phải tính tới phương pháp thực hiện, trong đó có việc hỗ trợ về tài chính, công nghệ hay năng lực để các nước đang phát triển đảm bảo tốt hơn những đóng góp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Nói cách khác, giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa là trách nhiệm chung, song cần có sự phân biệt và bảo đảm chuyển đổi công bằng trên cơ sở hoàn cảnh, trình độ phát triển và năng lực của từng nước, tránh tạo ra gánh nặng và nghĩa vụ quá cao cho các nước đang phát triển. Việc chấm dứt ô nhiễm nhựa sẽ diễn ra theo lộ trình, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của quốc gia. Đó có thể là hướng tiếp cận toàn diện để giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa.
Như nhận định của Bộ trưởng Guilbeault, việc đạt được thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa vào cuối năm nay sẽ đánh dấu một trong những quyết định môi trường quan trọng nhất và có ý nghĩa lớn, bởi đây là thỏa thuận đầu tiên nhằm đoàn kết thế giới xung quanh mục tiêu chung là chấm dứt ô nhiễm nhựa.
Giảm gánh nặng cho hành tinh
"Hành tinh của chúng ta đang ngập ngụa trong rác thải". Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) đã mở đầu như vậy trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Quốc tế Không rác thải (Zero Waste Day 30/3) năm nay.
Rác thải nhựa tràn ngập tại Lahore, Pakistan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Lời cảnh tỉnh mạnh mẽ này không chỉ phản ánh thực trạng đáng lo ngại hiện tại của "hành tinh Xanh", là rác thải đang trở thành gánh nặng khổng lồ đối với Trái Đất, mà còn nêu bật sự cấp thiết phải hành động để tăng cường quản lý khủng hoảng.
Các dữ liệu công bố cho thấy thế giới đang chứng kiến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về rác thải. Mỗi năm, các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và nhà cung cấp dịch vụ công cộng tạo ra từ 2,1 tỷ đến 2,3 tỷ tấn chất thải rắn đô thị - từ bao bì và đồ điện tử đến nhựa và thực phẩm. Tuy nhiên, các dịch vụ quản lý chất thải toàn cầu không được trang bị đầy đủ để giải quyết vấn đề này, với 2,7 tỷ người không được tiếp cận với dịch vụ thu gom chất thải rắn và chỉ 61-62% chất thải rắn đô thị được xử lý. Ở các nước thu nhập thấp, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn, ước tính có khoảng 90% lượng rác thải không được xử lý đúng cách. Ô nhiễm chất thải đe dọa đáng kể đến sức khỏe con người, sự thịnh vượng kinh tế và làm trầm trọng thêm "bộ ba" cuộc khủng hoảng của hành tinh gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.
Theo Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), nếu không có hành động khẩn cấp, đến năm 2050, khối lượng rác thải toàn cầu có thể lên đến 3,8 tỷ tấn, kéo theo gánh nặng kinh tế cao gấp đôi, có thể lên đến 640 triệu USD vào năm 2050 (từ mức 361 triệu USD năm 2020). Con số này cũng đã tính tới những "chi phí ẩn" liên quan đến việc xử lý rác kém hiệu quả dẫn tới ô nhiễm, suy giảm sức khỏe và biến đổi khí hậu.
Để giải quyết vấn đề cấp bách này, cuối năm 2022, Hội đồng Bảo an LHQ đã tuyên bố ngày 30/3 hằng năm là Ngày quốc tế Không rác thải. Ngày Quốc tế Không rác thải năm nay nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tăng cường quản lý chất thải trên toàn cầu và tầm quan trọng của các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững. Sự kiện tôn vinh các sáng kiến "không rác thải" ở mọi cấp độ, góp phần thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.
Theo LHQ, "không rác thải" là cách tiếp cận nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, xử lý rác thải trong một hệ thống tuần hoàn và khép kín, tài nguyên được tái sử dụng nhiều nhất có thể và hạn chế ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước. Các sáng kiến "không rác thải" có thể thúc đẩy quản lý rác thải hiệu quả, giảm thiểu và ngăn chặn rác thải, giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng của hành tinh, bảo vệ môi trường, tăng cường an ninh lương thực và cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của con người. Theo giới chuyên gia, các sáng kiến "xanh" có thể giúp các chính phủ tiết kiệm 70 tỷ USD vào năm 2040 và tạo thêm 700.000 việc làm. Nếu có các biện pháp hiệu quả, chi phí do rác thải gây ra trên toàn cầu mỗi năm có thể giảm xuống còn 270 tỷ USD vào năm 2050. Thậm chí, LHQ lưu ý mục tiêu này có thể nâng cao hơn, bằng cách chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó phát triển kinh tế không đồng nghĩa là rác thải tăng. Có thể kể đến như việc áp dụng các thông lệ kinh doanh bền vững, quy trình xử lý rác thải hoàn thiện hơn, có thể mang về khoản thu ròng hơn 100 tỷ USD mỗi năm.
Hiện nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực giảm rác thải thông qua các biện pháp thúc đẩy mô hình sản xuất-tiêu dùng bền vững và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Ngày 15/3 vừa qua, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua dự luật mới của EU về cắt giảm rác thải bao bì và cấm đồ nhựa dùng một lần từ ngày 1/1/2030. Thỏa thuận cũng mở đường cho việc thiết lập các hướng dẫn về xử lý chai nhựa và lon hộp. Đến năm 2029, các quốc gia thành viên phải đảm bảo thu gom riêng biệt ít nhất 90% các loại bao bì này mỗi năm. Tại châu Á, Israel hồi đầu năm nay thông báo sẽ tiếp tục cấp 15 triệu NIS (khoảng 4 triệu USD) trong năm thứ hai liên tiếp, để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu tiên phong tận dụng năng lượng từ rác thải. Thái Lan sáng chế kỹ thuật biến rác thải thực phẩm thành than sinh học, trong khi một công ty Nhật Bản tái chế rác thải xây dựng thành nhiên liệu hàng không bền vững.
Hàng chục tấn rác thải vây kín đầm nước mặn Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Ảnh (chụp tháng 8/2023): Phạm Cường/TTXVN
Tại Việt Nam, chính phủ nhận thức rõ "không rác thải" là một giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn, với mục tiêu xử lý 85% lượng rác thải nhựa và giảm 50% lượng rác thải nhựa ra biển và đại dương. Việt Nam cũng xây dựng Chương trình hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương với mục tiêu giảm 75% đến năm 2030.
Để đạt "không rác thải", Việt Nam cho rằng cần có cách tiếp cận toàn diện, toàn xã hội với sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội, nâng cao nhận thức của nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, để đạt được mục tiêu thế giới không rác thải đòi hỏi phải có hành động ở mọi cấp độ từ tất cả các bên liên quan. Người tiêu dùng có thể thay đổi thói quen tiêu dùng và tái sử dụng, sửa chữa sản phẩm càng nhiều càng tốt trước khi thải bỏ đúng cách. Chính phủ, cộng đồng, các ngành công nghiệp và các bên liên quan khác phải cải thiện hoạt động tài chính và hoạch định chính sách, đặc biệt khi cuộc khủng hoảng rác thải tác động không tương xứng đến những người bị thiệt thòi, người nghèo ở thành thị, phụ nữ và thanh niên.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế Không rác thải năm nay, cũng cho rằng tương lai "không rác thải" cần phải có sự chung tay của cộng đồng quốc tế. Ông kêu gọi thế giới đoàn kết và nỗ lực đạt được một hiệp ước mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa để "kết thúc vòng đời của rác thải, một lần và mãi mãi".
Liên hợp quốc kêu gọi chung tay hành động vì một tương lai không ô nhiễm nhựa Nhân Ngày Môi trường Thế giới 5/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới chung tay hành động để giảm thiểu rác thải nhựa. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres Ảnh: IRNA/TTXVN Trong thông điệp qua video, phát tại sự kiện kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới tại trụ sở LHQ ở New...