Thịt tươi sống nội địa bị đẩy giá cao vì các loại phí tận thu
Dù ngành thú y đã loại bỏ đến 35 loại phí và lệ phí nhưng theo thống kê, ngành này hiện vẫn còn rất nhiều loại phí và lệ phí “đánh” vào con gà, con lợn thông qua thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giết mổ, vận chuyển. Đó là một trong những lý do dẫn tới sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam bị thua hàng ngoại nhập ngay trên sân nhà.
Người chăn nuôi không nhớ nổi mình phải đóng bao nhiêu loại phí
Không nhớ nổi bao nhiêu loại phí
Theo thống nhất giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính, 35 loại lệ phí, phí trong lĩnh vực thú y sẽ được bãi bỏ nhưng nhiều doanh nghiệp và người chăn nuôi cho rằng, đây chỉ là một phần nhỏ trong số những loại phí, lệ phí mà họ đang phải gánh. Bộ Tài chính cũng đã rà soát, thống kê và kết luận, lĩnh vực nông nghiệp đang phải gánh tới khoảng 1.000 loại phí, lệ phí.
Ông Đỗ Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 8 triệu hộ dân tham gia chăn nuôi gia cầm, nhưng phần lớn là hộ nhỏ lẻ, sản phẩm thiếu sức cạnh tranh. Đặc biệt, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam làm ra rất đắt, thịt gà, thịt lợn hay thịt bò đều đắt so với các nước.
“Đắt vì phải gánh quá nhiều loại phí và lệ phí. Hiện riêng ngành chăn nuôi vẫn còn khoảng 40-50 loại phí, lệ phí”, ông Đỗ Duy Khanh thông tin. Lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam dẫn chứng, một lọ vaccine đến được tay người chăn nuôi thì ngành thú y thu 8 lần phí. Điều này lý giải vì sao, thịt gà, thịt bò từ Mỹ, Hàn Quốc… lại có thể ồ ạt tràn vào Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu tới 70.000 tấn thịt gà các loại với giá trị hơn 63 triệu USD.
Video đang HOT
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vissan, người chăn nuôi lợn không thể nhớ có bao nhiêu loại phí họ phải đóng cho một con lợn từ lúc mua con giống đến khi xuất chuồng. “Khâu nào cũng đều đóng phí, có thể kể ra như phí kiểm dịch, phí môi trường, phí kiểm soát giết mổ, phí tiêu độc, phí sát trùng phương tiện, phí chì niêm phong, phòng chống dịch bệnh… Giết mổ xong, vận chuyển trên đường lại đóng phí, mức phí vận chuyển trong tỉnh khác ngoài tỉnh, người bán thịt tại chợ lại đóng tiếp phí môi trường…”, ông Văn Đức Mười thông tin.
Giảm phí để giảm giá
Theo ông Đỗ Duy Khanh, một số loại phí doanh nghiệp đã tính vào cơ cấu giá thành chăn nuôi nhưng ngành thú y vẫn tiếp tục thu như phí vệ sinh chuồng trại, phí tiêm phòng… Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, có tình trạng này vì còn lẫn lộn giữa dịch vụ công và quản lý Nhà nước. Cơ quan Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước, không phải đơn vị làm dịch vụ. Nhiệm vụ của họ là làm việc mình phụ trách, còn những dịch vụ công thì chuyển xã hội hóa. Như vậy mới có thể minh bạch và xóa bỏ những loại phí, lệ phí vô lý, tiến tới giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi.
Ông Dương Tiến Thể, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục này đang tiếp tục rà soát, sửa đổi danh mục phí và lệ phí theo hướng không “ôm đồm” một số loại phí vệ sinh tiêu độc khử trùng, niêm phong phương tiện… Ngoài ra, sẽ kiến nghị Bộ Tài chính chuyển một số khoản thu lệ phí sang phí.
Không chỉ trong lĩnh vực chăn nuôi, mới đây Thanh tra Bộ NN&PTNT kết luận, Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Ktur đã thu của người nhận khoán 17 khoản mục giá thành đối với diện tích vườn cây của công ty như: Khấu hao vườn cây, khấu hao tài sản cố định khác, thuế, chi phí quản lý, bảo hiểm sản xuất, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chi phí lao động, vật tư phân bón, dịch vụ tưới, khấu hao máy nông nghiệp nhỏ, dụng cụ sản xuất, bảo hộ lao động, nghỉ phép cán bộ…
Đối với diện tích người dân tự đầu tư trồng, chăm sóc, Công ty thu một số khoản như: chi phí khảo sát, thiết kế khai hoang, nhà cửa các đội và công ty, máy móc thiết bị, sân phơi, kho chứa sản phẩm… với tổng số tiền lần lượt là 1,1 triệu đồng và hơn 4,2 triệu đồng tiền chi phí quản lý/ha/năm. “Công ty tự điều chỉnh phương án khoán, không thông báo, xin phê duyệt của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Rõ ràng, với kiểu thu phí, lệ phí tận thu như hiện nay, người nông dân khó có thể làm giàu, thoát nghèo bền vững trên chính mảnh ruộng, trang trại của mình.
Theo_An ninh thủ đô
Tái cơ cấu để tăng sức cạnh tranh
Manh mún, phụ thuộc nguyên liệu thức ăn đầu vào, trình độ chăn nuôi còn thấp... cũng như thiếu sự liên kết và có quá nhiều khâu trung gian là những nguyên nhân chính khiến chi phí sản xuất chăn nuôi gia cầm ở Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung luôn ở mức cao. Vì vậy, theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, chỉ có tái cơ cấu mới giúp ngành chăn nuôi nâng cao sức cạnh tranh khi bước vào hội nhập.
Mô hình liên kết chăn nuôi, tiêu thụ gà sạch ở Đồng Nai.
Gà "nội" lao đao
Với 14 triệu con gà, Đồng Nai được xem là địa phương có tổng đàn gà thuộc loại lớn nhất nước. Trong số này, đa số được nuôi theo quy mô trang trại. Do chi phí chăn nuôi cao, hiện người chăn nuôi gà ở Đồng Nai cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trước sức ép cạnh tranh của gà nhập ngoại, chứ chưa nói đến khi thời điểm Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đang đến gần.
Chỉ mới năm ngoái, anh Phạm Văn Cường, ấp Tây Kim, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) nuôi 40 nghìn con gà đẻ. Do giá trứng thời gian đó liên tục giảm mạnh, thậm chí có lúc chẳng bán được, nên anh đã chịu lỗ gần một tỷ đồng. Năm nay, do nguồn vốn hao hụt nhiều, nên anh đã giảm đàn xuống còn 25 nghìn con. Nếu tình hình thua lỗ còn tiếp diễn, anh Cường sẽ tiếp tục giảm đàn, thậm chí việc "treo" chuồng để chuyển sang công việc mới cũng đã được anh tính đến. "Thiệt thòi lớn nhất của những chủ trại gà như chúng tôi là phụ thuộc vào giá cả thị trường rất nhiều. Những năm gần đây, giá cả cứ trồi sụt thất thường nên thua lỗ nặng lắm, mà cũng không biết lúc nào lên, lúc nào xuống nên chủ yếu kinh doanh theo may rủi. Nếu thua lỗ nữa thì tôi sẽ đóng cửa trại thôi chứ không có cách nào khác", anh Cường nói giọng buồn buồn.
Nỗi lo của anh Cường cũng là tâm trạng chung của các hộ chăn nuôi gà ở Đồng Nai. Gần đây, nhiều trại gà đã phải ngừng nuôi, thậm chí có hộ đã chuyển hẳn sang công việc mới chứ không còn "treo" chuồng chờ giá lên để tái đàn như những năm trước. Sau nhiều lần chịu lỗ, không ai bảo ai, các chủ trại gà đang cân nhắc chuyển sang nghề khác, dù biết vốn "chôn" vào chuồng trại là không nhỏ.
Thực tế, trong thời gian vừa qua, người chăn nuôi gia cầm gặp khó khăn cũng có một phần nguyên nhân đến từ gà nhập khẩu bán với giá rẻ. Theo thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, với việc nhập khẩu thịt gà mỗi tháng lên đến 6.000 tấn thịt đùi, cánh gà, nếu quy đổi số lượng thịt gà này ra gà (2,5 kg/con) thì tương đương với ba triệu con gà thịt/tháng. Trong khi đó, toàn ngành chăn nuôi gà ở nước ta mỗi tháng thu hoạch khoảng 8 - 8,4 triệu con. Điều này có nghĩa là gà nhập khẩu đã chiếm khoảng 40% tổng sản lượng gà công nghiệp nuôi trong nước. Với giá bán thịt gà nhập khẩu sáu tháng đầu năm ở mức 17 đến 20 nghìn đồng/kg, ước tính gà trong nước lỗ khoảng 10 nghìn đồng/con, và trong 11 tháng qua, ngành chăn nuôi đã lỗ gần 1.376 tỷ đồng. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, thời điểm này, nếu gà nhập khẩu không bán với giá rẻ, thịt gà Việt Nam cũng khó có thể cạnh tranh với thịt gà ngoại nhập. iều này đồng nghĩa, người chăn nuôi gà trên phạm vi cả nước sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn khi Việt Nam chính thức tham gia TPP. Lúc đó, thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có các sản phẩm chăn nuôi sẽ giảm về 0% và sự yếu thế của ngành nuôi gà trong nước sẽ càng bộc lộ.
Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, cả nước có khoảng 5.000 trang trại nuôi gà với tổng vốn 15 nghìn tỷ đồng. Nếu các bộ, ngành liên quan không nhanh tái cơ cấu ngành chăn nuôi gia cầm để chủ động hội nhập thì không những ảnh hưởng đến đời sống 15 nghìn nông dân liên quan đến nuôi gà, mà còn kéo theo hệ lụy các nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy giết mổ, nhà máy thuốc thú y... cũng bị ảnh hưởng.
Phân tích về giá thành, theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá thành chăn nuôi gà được cấu thành bởi con giống, thức ăn chăn nuôi, công tác thú y, chuồng trại và trình độ kỹ thuật. Người nuôi gà trong nước chỉ có một lợi thế là giá nhân công rẻ, trong khi mọi khâu khác gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Cụ thể, ở Đồng Nai, mặc dù được xem có tổng đàn gia cầm lớn nhất nước nhưng lại không có một trại giống nào có khả năng cung cấp đủ con giống tiêu chuẩn cho người nuôi, mà chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên không chủ động được giá bán gà giống. Bên cạnh đó, tình trạng chăn nuôi hiện nay theo hướng "mạnh ai nấy làm", mỗi người một khâu, thiếu liên kết trong sản xuất khiến sản phẩm chăn nuôi từ trang trại đến tay người tiêu dùng trải qua quá nhiều khâu trung gian làm giá thành sản phẩm luôn ở mức cao.
Đó là những bất cập đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được. Theo những nhà chuyên môn, nếu không có những giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh thì ngành chăn nuôi trong nước còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Những nỗ lực thay đổi của các doanh nghiệp và người chăn nuôi là chưa đủ mà để "tiếp sức" cho gà nuôi trong nước cần hơn nữa vai trò "bà đỡ" của Nhà nước.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai (NN và PTNT) Phạm Minh Đạo cho rằng, từ những bất cập trên, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã quy hoạch, triển khai xây dựng 139 vùng chăn nuôi tập trung. Trong đó, bốn huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ được chọn để xây dựng chín vùng thí điểm chăn nuôi tập trung với diện tích hơn 1.400 ha. Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển chăn nuôi gà theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh. Hiện, đã có 180 trại gà được Cục Thú y công nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật, tám trại gà được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Qua những trang trại này, việc chăn nuôi được theo dõi, thực hiện theo quy trình chung, không những giúp người nuôi tối ưu hóa chi phí sản xuất mà còn phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, một yếu tố quan trọng để tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm từ gà khi hội nhập.
Ngoài ra, Sở NN và PTNT Đồng Nai cũng đang có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, người chăn nuôi xây dựng các chuỗi liên kết chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ gà. Hai dự án liên kết phát triển chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đang triển khai là mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm gà, vịt thịt của Công ty CP phát triển nông nghiệp Thanh niên xung phong (do Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thực hiện tại huyện Cẩm Mỹ với quy mô 50 nghìn con); và mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà thảo dược của Hợp tác xã nông nghiệp xã Phú Ngọc, huyện Định Quán với quy mô 120 nghìn con. Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2020, toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm 16,4 triệu con, trong đó có 95% chăn nuôi theo quy mô trang trại và 100% sản phẩm chăn nuôi từ gà tham gia đề án truy xuất nguồn. Bài, ảnh: CAO TÂN và DUY NAM
Theo_Báo Nhân Dân
Cần cấm dần từng nhóm kháng sinh trong chăn nuôi Lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng Việt Nam chưa thể cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi vì các nước phát triển như Hoa Kỳ vẫn cho sử dụng. Áp dụng lệnh cấm ngay sẽ xảy ra dịch bệnh rất nhiều, ảnh lượng đến sản lượng chăn nuôi. Phát biểu tại cuộc họp sơ kết công...