Thiếu tổng chủ biên sách giáo khoa
Ngày 25/12, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã giải trình với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Giáo viên mầm non không được trả tiền vượt giờ
Bà Phạm Thị Hải, đại biểu tỉnh Đồng Nai, phản ảnh thực trạng hiện nay nhiều giáo viên mầm non đang phải làm việc vượt tới 300-400 giờ/năm. Trong khi theo quy định của Luật lao động thì chỉ khống chế giờ làm việc dôi dư tối đa 200 giờ/năm. Bởi thế, nhiều giáo viên mầm non phải làm vượt giờ nhưng lại không được trả tiền vượt giờ. Về điều này, ông Phạm Vũ Luận thừa nhận Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư về chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non, theo đó giáo viên mầm non chỉ phải làm việc 6 giờ/ngày. Nhưng trên thực tế giáo viên mầm non ở các địa phương đang phải làm việc trung bình 10-12 giờ/ngày. “Quy định về giờ làm việc đối với giáo viên mầm non chưa thể thực hiện được do chưa ban hành thông tư liên tịch về vị trí việc làm của giáo viên mầm non thay thế thông tư hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở mầm non công lập”- ông Luận giải thích.
Việc giải trình này liên quan đến các chính sách liên quan đến việc phổ cập mầm non 5 tuổi, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên mầm non, những bất cập và giải pháp gỡ rối cho giáo dục phổ thông.
Một tiết dạy của giáo viên lớp chồi 2 Trường mầm non Sơn Ca 11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM Ảnh: H.HG.
Thừa nhận những yếu kém trong giáo dục phổ thông
Bà Lê Thị Tám (đại biểu tỉnh Nghệ An), ông Nguyễn Trung Thu (đại biểu tỉnh Long An), ông Huỳnh Thành Đạt (đại biểu TP.HCM) nhận xét một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục còn nhiều bất cập là do chương trình – sách giáo khoa (SGK) hiện hành nặng tính hàn lâm, chuyên sâu, xa rời thực tiễn, chủ yếu phục vụ thi cử khiến giáo viên và học sinh gặp khó khăn. Tính liên thông của chương trình yếu, chưa phân luồng, hướng nghiệp có hiệu quả đối với học sinh cuối cấp. Ông Nguyễn Đắc Vinh (đại biểu tỉnh Đắk Nông) cho rằng giáo dục phổ thông hiện nay bị “lệch”. Người dạy và người học chỉ tập trung vào một số môn chính để thi cử, không quan tâm giáo dục toàn diện, đặc biệt không quan tâm đúng mức đến giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.
Video đang HOT
Người đứng đầu ngành GD-ĐT thừa nhận thực trạng mà các đại biểu phản ảnh và cho biết thêm: chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, từ chương trình cấp học đến chương trình từng môn học; không có một tổng chủ biên chương trình – SGK từ lớp 1 đến lớp 12. Việc thực hiện chương trình – SGK ở các địa phương nặng tính hành chính (giám sát theo phân phối chương trình, không theo chuẩn kiến thức, kỹ năng). Chương trình chưa thật sự chú trọng đến tính liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Hình thức phân ban kết hợp tự chọn ở cấp THPT chưa thật sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người học…
“Chương trình giáo dục phổ thông mới không ăn nhập với chương trình đào tạo ở các trường sư phạm cũng như việc đào tạo bổ sung với đội ngũ giáo viên đang làm nghề. Điều này khiến giáo viên ngại thay đổi, không thực hiện hiệu quả tinh thần đổi mới” – ông Luận nhấn mạnh. Đồng thời ông cũng thừa nhận “chất lượng giáo dục đại trà còn thấp, kiến thức cơ bản về xã hội, kỹ năng thực hành, kỹ năng sống, khả năng tự học, tự sáng tạo của một bộ phận học sinh còn kém”. Ông Luận cho biết sẽ rút kinh nghiệm từ bất cập hiện nay, kinh nghiệm của thế giới để xây dựng chương trình – SGK sau năm 2015.
Tuy nhiên trước câu hỏi của ông Đào Trọng Thi – chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội – về quan điểm của bộ trưởng Bộ GD-ĐT với chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK, ông Phạm Vũ Luận không trả lời cụ thể. “Làm giáo dục cần làm trong bình lặng, tránh những tranh cãi ầm ĩ không cần thiết. Bộ GD-ĐT xác định đây là vấn đề nghiêm túc, hệ trọng và rất khó khăn. Hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn đang nghiên cứu hướng đi này, khi nào chín muồi mới báo cáo ủy ban” – ông Luận nói.
Tách kết quả thi tốt nghiệp THPT với kiểm soát chất lượng giáo dục
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Minh Diệu (tỉnh Quảng Bình) về biện pháp giải quyết những bất cập trong kiểm tra, đánh giá ở bậc phổ thông, ông Phạm Vũ Luận cho biết “sẽ tách tỉ lệ tốt nghiệp THPT với việc kiểm soát chất lượng giáo dục phổ thông” để tránh gây áp lực cho các địa phương dẫn đến việc tổ chức thi cử gian lận, đối phó. “Chúng tôi đang tiến hành đánh giá chất lượng giáo dục theo chuẩn Pisa của châu Âu (là chương trình đánh giá học sinh quốc tế do các quốc gia công nghiệp và một số quốc gia khác tiến hành ba năm một lần – PV). Dự kiến năm 2013 sẽ công bố công khai kết quả đánh giá này làm cơ sở điều chỉnh chính sách và tạo động lực cho các địa phương triển khai các giải pháp nâng chất lượng giáo dục” – ông Luận cho biết.
Liên quan đến việc này, ông Luận cũng cho biết sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, Bộ GD-ĐT đã tiến hành họp kín với 63 tỉnh, thành. Tại cuộc họp này nhiều sở GD-ĐT khẳng định đã làm nghiêm túc, nhưng có sở thừa nhận sai sót trong coi thi, chấm thi. Bộ GD-ĐT cũng tổ chức chấm thẩm định trên 10.000 bài thi của 17 tỉnh, thành có dấu hiệu bất thường ở kết quả thi tốt nghiệp. Từ kết quả chấm thẩm định, Bộ GD-ĐT phân tích rõ nơi nào có sai sót và thông báo cho từng địa phương.
“Năm nay chúng tôi chỉ gửi thông báo mật cho các địa phương nhưng năm 2013 chúng tôi sẽ công khai kết quả kiểm tra để xã hội cùng biết”- ông Luận hứa.
Bà Tòng Thị Phóng – phó chủ tịch Quốc hội – khẳng định “sẽ thành lập ủy ban giám sát nội dung thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục mầm non và chất lượng giáo dục phổ thông” trong thời gian tới.
Theo Vĩnh Hà (Tuổi Trẻ)
Người lớn là... rào cản khi giáo dục giới tính
Theo các chuyên gia, chính sách nói "không" với tình dục tiền hôn nhân và thái độ soi xét của các vị phụ huynh cũng như giáo viên là rào cản trong vấn đề giáo dục sức khỏe giới tính vị thành niên.
Chỉ có đe dọa và cảnh báo
Theo báo cáo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, hơn 1/3 vị thành niên được hỏi cho biết đã quan hệ tình dục, nhưng đa số xem đó là biến cố bất chợt, ngẫu nhiên và ngoài tầm kiểm soát của bản thân.
Cũng theo báo cáo trên, việc vị thành niên có người yêu khá phổ biến. Thậm chí 24,27% trong số những vị thành niên đã có người yêu cho biết có đến 3 mối quan hệ trở lên. Tuy nhiên vị thành niên rất mơ hồ về vấn đề tình dục tiền hôn nhân. Đặc biệt, thiếu chủ động bảo vệ khi quan hệ tình dục. Một nửa trong số các em từ 16 đến 18 tuổi đã quan hệ tình dục cho biết lần đầu quan hệ các em không hề áp dụng biện pháp bảo vệ nào, 40% trong số này cũng cho biết lần quan hệ gần đây nhất cũng không sử dụng biện pháp bảo vệ.
Học sinh cần có sự hướng dẫn (chứ không phải lẩn tránh) của phụ huynh và giáo viên về giáo dục giới tính - Ảnh: Như Lịch
Hầu hết trẻ vị thành niên đều có mong muốn tìm hiểu thêm về vấn đề tình dục và quan hệ tình cảm từ cha mẹ và giáo viên. Họ xem giáo dục giới tính là những kiến thức quan trọng trong cuộc đời, muốn được giáo dục về lĩnh vực này ngay từ sớm - trong giai đoạn tiểu học. Tuy nhiên cái họ nhận được chủ yếu là thái độ đe dọa và cảnh báo.
Theo phản ánh của học sinh, các phụ huynh và giáo viên không đối xử công bằng với vị thành niên và không xem xét vấn đề tình yêu, tình dục của vị thành niên một cách nghiêm túc. Trong các cuộc thảo luận dành cho phụ huynh và giáo viên, thái độ này cũng được bày tỏ một cách thẳng thắn. Có phụ huynh nói: "Nếu tôi phát hiện trong túi con tôi có thuốc tránh thai, tôi sẽ nói rằng nếu con muốn trở thành con người thì nên dừng lại. Còn nếu nó muốn trở thành một người hư hỏng thì tôi sẽ để cho nó đi". Trong các cuộc thảo luận này, thái độ dứt khoát, không khoan nhượng đó của người lớn ngày càng phổ biến.
Giáo dục giới tính còn khô cứng, hàn lâm
Nhiều ý kiến cho rằng giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản không chỉ là vấn đề của trẻ độ tuổi 16 - 18 mà cần phải bắt đầu sớm hơn, từ tuổi 12.
Bác sĩ Trần Thị Hoa, một bác sĩ của Hà Nội, cho biết phòng khám nhi của chị có rất nhiều phụ huynh đưa con đến khám nhưng không phải vì các bệnh thông thường trẻ con hay mắc phải mà lại là các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Bác sĩ Hoa cho rằng chị rất ủng hộ việc mở một triển lãm về giáo dục giới tính cho vị thanh thiếu niên nhưng các nhà chuyên môn phải nghĩ cách biểu đạt hiệu quả, ấn tượng, và đặc biệt nên tận dụng những hình ảnh thật. "Qua báo chí tôi được biết gần đây ở ta có ít nhất 2 trường hợp sinh con ở tuổi 15. Triển lãm phải ghi nhận được những hình ảnh thực tế như vậy để qua đó các em cần phải nhận thức người ta có thể có con ở tuổi 15 nhưng điều đó rất là không tốt, cần phải phòng tránh nó", bác sĩ Hoa nói.
Nhiều ý kiến cho rằng giáo dục giới tính trong nhà trường hiện nay khô cứng, giáo điều, mang tính hàn lâm, thiếu hấp dẫn... Thực trạng giáo viên làm nhiệm vụ giáo dục giới tính (được lồng ghép với một số môn học khác) không có kiến thức đầy đủ về giới tính, thậm chí còn đỏ mặt khi nói về những bộ phận sinh sản là khá phổ biến. "Các trường phổ thông không hề có nhân viên xã hội trong khi nguồn đào tạo không thiếu. Theo tôi biết, hiện nay cả nước có khoảng 40 đơn vị đào tạo có ngành công tác xã hội", ông Nguyễn Hiệp Thương, Phó chủ nhiệm Khoa Công tác xã hội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thông tin.
Nhiều sinh viên cũng chia sẻ nhiều ví dụ sinh động nhằm kiến nghị Bộ GD-ĐT tìm cách thay đổi thực trạng giáo dục giới tính trong nhà trường hiện nay. Ngô Thành Đ., sinh viên Trường CĐ Y tế Hà Nội kể về một câu chuyện có thật chứng kiến khi còn là học sinh THCS. Hôm đó một bạn nữ trong lớp Đ. lần đầu có kinh nguyệt, máu loang ra quần. Không chỉ bạn nữ đó mà các bạn đều lúng túng không biết xử lý thế nào. Mặc dù hồi đó (và cả bây giờ) học sinh THCS đã được học về giới tính, nhưng giáo viên chỉ cầm tài liệu đọc, học sinh ngồi dưới thì nói chuyện riêng nên học xong chẳng có gì vào đầu. Đến khi đối mặt với thực tiễn thì cuống lên. "Tại sao không ai dạy cho các bạn nữ phải trang bị sẵn băng vệ sinh trong cặp sách?", bạn Đ. đặt câu hỏi. Tâm đắc với câu chuyện trên, bác sĩ Trần Thị Hoa kiến nghị: "Cần phải có ngay biện pháp can thiệp thay vì chỉ tác động vào nhận thức như hiện nay. Trang bị băng vệ sinh cho nữ sinh chớm tuổi dậy thì, dặn dò các em luôn để sẵn trong cặp sách là một trong các biện pháp can thiệp tuy nhỏ nhưng rất thiết thực".
Hiên Lê
Theo thanh niên
Chính phủ giải trình về chất lượng giáo dục phổ thông Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình của Chính phủ vào ngày 25.12 về việc thực hiện chính sách pháp luật giáo dục mầm non và đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm ủy ban này, cho hay: "Mục đích của...