Thiếu phụ mang trọng tội đầu độc con được giải oan như thế nào?
Bệnh viện và hai phòng giám định tại Mỹ phải bồi thường hàng triệu USD do xác định sai bệnh của con trai Patricia Stalling và khiến cô bị kết tội hạ độc con.
Patricia và David Stallings sống trong một căn nhà ven hồ Wauwanoka, ngoại thành St.Louis, bang Missouri, Mỹ. David là một nhân viên làm trong lĩnh vực in ấn. Patricia làm việc tại cửa hàng tạp hóa.
Con trai Ryan của họ thường xuyên đau ốm. Ngày 7/7/1989, sau một tuần liên tục mắc các triệu chứng nôn và khó thở, đứa trẻ bốn tháng tuổi này được đưa tới Bệnh viện nhi St.Louis. Trên đường tới bệnh viện, Patricia bị lạc đường. Do tình trạng của con quá nguy cấp, cô đã phải rẽ vào khoa cấp cứu của Bệnh viện tim Glennon – một bệnh viện nhỏ tại thành phố St.Louis.
Khi nhập viện, Ryan gần như rơi vào trạng thái hôn mê và nôn liên tục. Mẫu máu và mẫu nước tiểu của đứa trẻ được gửi đến các cơ sở thí nghiệm tư nhân ngoài bệnh viện để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Tại phòng thí nghiệm Smithkline Beecham, các chuyên viên sử dụng kĩ thuật sắc ký khí để kiểm tra và kết luận tìm thấy Ethylene Glycol trong mẫu máu.
Bệnh viện nhi Glenon.
Ethylene Glycol là chất tạo ngọt không màu, thường được sử dụng làm dung môi công nghiệp và là chất trung gian trong quá trình sản xuất nhựa. Dung môi này có thể gây tử vong nếu khi sử dụng với nồng độ lớn. Cơ thể không thể tự sản sinh Ethylene Glycol, vì vậy nếu Ethylene Glycol được tìm thấy trong máu, thì chất này chắc chắn phải được đưa từ bên ngoài vào.
Sau khi nhận được kết quả này, Bệnh viện Glennon đã báo với cảnh sát bang Missouri. Cảnh sát đến lục soát nhà Patricia, nhanh chóng tìm thấy hai túi chứa chất chống đông có thành phần chính là Ethylene Glycol được cất trong bếp. Một túi đã dùng hết hơn một nửa.
Sau đó, tình trạng của cậu bé Ryan trở nên khá hơn. Tuy nhiên, tòa án không cho phép bệnh viện trả Ryan về cho gia đình mà đưa tới trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em của bang Missouri.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện Patricia còn có một người con khác, hiện 5 tuổi. Tuy nhiên bé không sống chung với Patricia mà được nuôi bởi chị gái Patricia. Chính quyền bang không cho phép Patricia nuôi đứa trẻ vì họ phát hiện thời điểm đó bé bị suy dinh dưỡng. Cô sinh bé khi còn quá trẻ, chưa đủ điều kiện về tài chính.
Ethylene Glycol, chất nghi ngờ gây độc.
Trong thời gian Ryan ở tại trung tâm chăm sóc sức khỏe, Patricia được cho phép đến thăm con mỗi tuần một lần dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Hai ngày sau lần thăm con thứ 6, Ryan bỗng nhiên có biểu hiện nôn mửa và khó thở. Một lần nữa, cậu bé được đưa vào Bệnh viện Glennon. Các xét nghiệm còn cho thấy nồng độ Ethylene Glycol trong máu thậm chí còn cao hơn lần trước: 911 mg/l.
Lần này mẫu máu được gửi tới một phòng thí nghiệm khác tại phòng nghiên cứu độc chất của Đại học St.Louis. Tại đây, các nhà khoa học sử dụng phương pháp Khối phổ nhằm xác định “chất lạ” trong mẫu máu. Lần này, họ cũng đưa ra kết luận tương tự, rằng Ryan đã bị ngộ độc Ethylene Glycol.
Video đang HOT
Mặc dù bình sữa mà Patricia cho Ryan uống vào lần thăm cuối cùng đã được rửa sạch và được pha trước sự giám sát của nhân viên y tế ở đây. Tuy nhiên, các công tố viên đã phát hiện ra rằng, nhân viên y tế này có rời đi một lúc trong khoảng thời gian Patricia thăm con. Họ cho rằng Patricia đã có thể tận dụng khoảng thời gian đó để đầu độc con trai.
Với những bằng chứng thu được, Patricia bị buộc tội “tấn công” trẻ em và bị bắt giam tạm thời chờ ngày xét xử.
Vì bị chẩn đoán rằng ngộ độc Ethylene Glycol, Ryan được điều trị theo nguyên tắc làm giảm tác động của Ethylene Glycol vào cơ thể. Tuy nhiên, sau một tuần điều trị, cậu bé không qua khỏi tình trạng này và tử vong. Tội trạng của Patricia chuyển thành giết người cấp độ 1.
Ba tháng sau, khi đang trong tù chờ phiên xử án, cảnh sát bất ngờ phát hiện ra Patricia đang mang bầu. Vào tháng 2/1990, Patricia sinh đứa con thứ hai tại một bệnh viện gần nhà tù. Patricia và chồng David đã đặt tên cậu bé là DJ.
Patricia Stalling bị bắt oan
Khi DJ vài tuần tuổi, cậu bé lại có những biểu hiện nôn mửa, co giật và khó thở mặc dù được nuôi trong trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em bang Missouri và Patricia đang bị tạm giữ trong tù.
Lần này, DJ được đưa tới Bệnh viện St.Louis – bệnh viện mà lúc đầu Patricia đã định đưa Ryan tới. Tại đây, bác sĩ đã chẩn đoán rằng cậy bé mắc một chứng rối loạn trao đổi chất cực hiếm do gene – MMA. Hội chứng này khiến cơ thể không thể tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là protein, và khiến sản sinh các chất gây độc trong máu.
Các nhà điều tra sửng sốt với kết luận này, và nghĩ rằng rất có thể Ryan đã mắc chứng bệnh tương tự. Xét nghiệm máu của Ryan được gửi cho hai phòng thí nghiệm độc lập, kết quả cùng cho thấy có chứa Ethylene Glycol. Việc khám nghiệm tử thi cũng cho thấy có tinh thể Calcium Oxalate trong não Ryan – một trong những tình trạng gây ra bởi việc nhiễm độc Ethylene Glycol.
Cùng với đó, trong phiên xử án của Patricia trước đây, luật sư bào chữa cũng không đưa ra được luận điểm minh chứng về giả thiết cái chết của Ryan gây ra bởi hội chứng MMA. Tòa án tuyên phạt Patricia tội giết người cấp độ 1 với án tù chung thân không được ân xá. Chồng Patricia sau khi nghe bản tuyên án đã suy sụp và ngất tại chỗ.
Sau khi vụ án được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, hai nhà khoa học là tiến sĩ William Sly và tiến sĩ James Shoemaker thấy có chút hoài nghi. James Shoemaker – tiến sĩ chuyên ngành hóa sinh – giám đốc phòng nghiên cứu hóa sinh thuộc Đại học St.Louis nghi ngờ về phương pháp thử của chất Ethylene Glycol tại các phòng thí nghiệm. Ông tự thực hiện kiểm tra Ethylene Glycol, sử dụng lại phương pháp sắc ký khí mà phòng thí nghiệm SmithKline đã tiến hành.
Phương pháp sắc ký khí.
Với lần thực hiện trên mẫu máu của Ryan, ông tìm thấy chất là Acid Propionic – có thời gian lưu rất gần với Ethylene Glycol. Chất này cũng có cấu tạo tương tự với Ethylene Glycol, sản sinh nhiều ở những bệnh nhân mắc hội chứng MMA. Điều tương tự cũng xảy ra khi thực hiện kiểm tra mẫu bằng phương pháp Khối phổ.
Để kiểm tra về giả thiết các phòng thí nghiệm có thể nhầm lẫn hai hợp chất này trong các xét nghiệm định tính, James đã gửi các mẫu chỉ chứa Acid Propionic mà không chứa Ethylene Glycole đến 7 phòng thí nghiệm tư nhân độc lập trong khu vực. 3/7 kết quả đã xác định mẫu xét nghiệm dương tính với Ethylene Glycol.
Gia đình Patricia nhanh chóng gửi thông tin này đến tòa án và yêu cầu phiên xét xử lại. Lần này, để làm rõ thêm các bằng chứng khoa học, cảnh sát bang Missouri đã phải nhờ đến Piero Rinaldo – chuyên gia hàng đầu thế giới về các bệnh rối loạn trao đổi chất ở Đại học Yale. Sau khi xem xét kĩ các tài liệu đã gửi, Piero đã có chung một kết luận với James Shoemaker, rằng hợp chất trong mẫu máu của Ryan thực chất là Acid Propionic chứ không phải Ethylene Glycol. Điều đó có nghĩa Ryan chết do hội chứng MMA – không phải do ngộ độc Ethylene Glycol.
Ngay sau kết luận của các nhà khoa học, cảnh sát bang Missouri đã họp báo, tuyên bố Patricia Stalling vô tội với cái chết của con trai mình. Toà án nhận đã đưa ra kết luận sai lầm do sự nhầm lẫn của các phòng thí nghiệm. Ngày 30/7/1991, Patricia được trả tự do.
Năm 1993, Patricia đã khởi kiện và được nhận khoản bồi thường hàng triệu USD từ Bệnh viện Glennon và hai phòng thí nghiệm tư nhân đã đưa ra kết luận sai khiến cô phải ngồi tù oan trong hai năm.
Theo Đặng Hương (VNE)
Vụ án được phá mà đến cơ quan điều tra cũng không thể tin được
Vụ án đã phá, nhưng động cơ gây án khiến cơ quan điều tra cũng cảm thấy rất khó tin. Đây vốn là việc hết sức bình thường, lẽ ra khi ông Lâm quát hỏi, Ngô chỉ cần giải thích vài câu là xong, vì hắn cũng không trộm cắp gì.
Quan sát kỹ các vết máu ở hiện trường, cảnh sát Trung Quốc đã tìm ra thi thể bị phi tang của ông bảo vệ già.
Năm 2012, một trung tâm thương mại đang xây dựng rộng hàng chục héc ta tại thành phố Côn Sơn, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) phải tạm dừng thi công do chủ đầu tư thiếu kinh phí.
Ngày 12/5/2015, việc xây dựng được tiếp tục, nhưng khi các công nhân đi đến công trường lại thấy cổng công trường bị khóa chặt từ bên trong. Sau khi phá cửa, họ thấy phòng bảo vệ ở cổng không có ai, dưới nền và trên tường trong phòng vương vãi vết máu. Chiếc xe đạp dựng bên ngoài cũng có vết máu, thậm chí còn có máu chảy từ trong phòng xuống dưới bậc thềm.
Căn cứ hiện trường, cảnh sát không thể khẳng định nạn nhân là bảo vệ công trường cũng có khi người này là thủ phạm tấn công. Cảnh sát chỉ có thể kết luận: Người bị tấn công rất có thể đã tử vong vì lượng máu tại hiện trường quá nhiều.
Bảo vệ duy nhất ở công trường là ông già họ Lâm, hơn 60 tuổi, trông coi từ khi dừng thi công đến nay. Vợ con ông Lâm đều sống ở quê. Ông không có mâu thuẫn về tình cảm hay có thù oán gì với ai. Khả năng giết người vì thù oán hay tình cảm sơ bộ được loại trừ.
Công trường - nơi xảy ra vụ án.
Nơi xảy ra vụ án là công trường rất rộng, mặt phía đông là một hồ nước, ba mặt còn lại giáp đường, được quây rào tôn rất cao. Công trình xây dựng chính là khu nhà gồm nhiều tòa nhà hình tròn theo kiểu đấu trường La Mã rất rộng được nối liền với nhau. Trên hồ nước phía đông công trường có một cây cầu bắc qua nhưng đã được bịt lại bằng vách tôn từ vài tháng trước.
Lối ra vào duy nhất của công trường này là cổng chính. Nhưng khi các công nhân tới thì cổng vẫn đóng chặt từ bên trong, vậy hung thủ và nạn nhân đã đi đâu? Kết quả điều tra cho thấy trên vách tôn chặn chiếc cầu có một chỗ bị bẻ cong vừa đủ để một người chui vào, cảnh sát cho rằng có thể đây chính là nơi hung thủ đã rời đi sau khi gây án. Nhưng do khe hở quá hẹp, bên kia cầu lại là một công viên nên không có khả năng hung thủ mang theo thi thể nạn nhân chui qua, có nghĩa thi thể nạn nhân vẫn ở trong công trường.
Theo kết quả giám định ADN, máu tại hiện trường là của ông Lâm. Từ phòng bảo vệ đi vào phía trong, cảnh sát phát hiện có vết máu dạng nhỏ giọt, mỗi giọt cách nhau từ hai đến năm mét. Lần theo vết máu này đến một địa điểm, đột nhiên vết máu chia làm hai, cả bên phải và bên trái đều có. Vết máu bên phải dẫn đến bãi cỏ rậm rạp, đi hết bãi cỏ sẽ đến bờ hồ, còn vết bên trái dẫn đến tòa nhà hình tròn. Nếu hung thủ muốn giấu thi thể nạn nhân thì hồ nước là địa điểm rất tốt. Đội điều tra nhờ tới sự hỗ trợ của các thợ lặn và quả nhiên tìm thấy thi thể ông Lâm.
Từ vết máu tại hiện trường và tình trạng của thi thể, thời gian tử vong của nạn nhân được xác định vào tối 11/5. Nguyên nhân tử vong do bị chém bằng vật sắc, nhưng vật sắc này lại rất đặc biệt, không phải dao làm bếp hay dao gọt hoa quả bình thường mà là một vật có lưỡi cong khá lớn. Việc điều tra theo công cụ gây án không tìm được manh mối gì.
Lần theo vết máu còn lại dẫn tới tòa nhà hình tròn, cảnh sát tìm kiếm không sót một góc nào. Tòa nhà đang xây dựng này chỉ có năm tầng nhưng diện tích rất lớn, mỗi tầng có hàng trăm phòng nên việc tìm kiếm kéo dài hơn hai ngày mới xong.
Trong quá trình này, cảnh sát phát hiện nhiều dấu vết dường như của những người lang thang vô gia cư từng vào đây ở tạm, có thể là trước khi chiếc cầu bắc qua hồ bị chặn lại. Tại một gian phòng, cảnh sát tìm thấy một đống tro có vẻ mới bị đốt cháy, vẫn có thể nhìn thấy hình thù của điện thoại di động và một số vật phẩm khác chưa hoàn toàn cháy hết. Theo nhận diện, đây chính là vật phẩm của ông Lâm.
Cảnh sát khám đống tro do hung thủ phi tang đồ vật của nạn nhân ở công trường.
Như vậy, toàn cảnh vụ án đã có thể hình dung sơ bộ. Hung thủ sát hại ông bảo vệ công trường, mang thi thể nạn nhân đi vứt xuống hồ nước rồi quay lại tòa nhà để phi tang các đồ đạc khác. Trên người hung thủ dính máu của nạn nhân nên mới có vết máu kéo đến tòa nhà.
Sau đó, hung thủ chui ra ngoài qua khe hở trên tấm tôn chắn cầu. Mặc dù các vết máu đều là của nạn nhân, nhưng cảnh sát vẫn thu thập các vật phẩm còn lại trong đống tro để gửi đến phòng thí nghiệm, hy vọng có thể tìm được manh mối do hung thủ để lại vì có thể hắn cũng bị thương trong khi tấn công nạn nhân.
Dù ban chuyên án cũng không hy vọng gì nhiều, nhưng kết quả xét nghiệm lại tìm thấy có ADN lạ còn sót lại. Đối chiếu với kho dữ liệu lại khớp với một thanh niên họ Ngô đến từ Chiết Giang. Người này rất trẻ, cũng không có tiền án tiền sự. Mẫu ADN của Ngô được lưu giữ trong kho dữ liệu vì cảnh sát từng thu thập tóc của Ngô khi điều tra một vụ án khác tại Chiết Giang.
Việc điều tra tiếp theo rất thuận lợi, camera giám sát tại chỗ ở và chỗ làm việc của Ngô cho thấy Ngô rất có thể là hung thủ. Hơn nữa vài ngày nay nghi phạm lại đột nhiên bỏ việc ở Côn Sơn để về quê. Sau khi bị bắt, Ngô đã khai nhận hành vi giết người của mình cũng như nơi giấu hung khí.
Theo lời khai, Ngô là tính hướng nội, sống cô độc, không thích giao tiếp với người khác. Sở thích duy nhất là thám hiểm nên anh ta mua rất nhiều dụng cụ thám hiểm như dây bảo hiểm, dao, la bàn, túi cứu thương và cả rìu cứu hộ. Trong một lần đi dạo công viên, hắn phát hiện tấm tôn chắn cầu vào công trường bị hở nên coi công trường bỏ hoang và tòa nhà đang xây dựng dở dang này là khu thám hiểm của mình.
Hơn 18h ngày 11/5, Ngô lại đeo ba lô đựng dụng cụ thám hiểm chui qua rào chắn vào công trường. Sau mấy tiếng leo trèo trong nhà, hơn 21h hắn thu dọn đồ đạc chuẩn bị đi về. Lần này hắn lại không chui ra qua đường cũ mà lựa chọn đi thẳng ra cổng, vừa mới mở cổng định ra ngoài thì lại bị ông bảo vệ phát hiện.
Đúng lúc này lại nghe thấy ngoài cổng dường như có tiếng dừng xe, khi đó chính hắn cũng cảm thấy mình rất đáng nghi. Cho rằng có giải thích thế nào cũng không rõ, lại sợ người ngoài cổng nghe thấy tiếng tranh cãi bên trong, Ngô rút chiếc rìu cứu hộ trong balô ra và sát hại ông bảo vệ
Vụ án đã phá, nhưng động cơ gây án khiến cơ quan điều tra cũng cảm thấy rất khó tin. Đây vốn là việc hết sức bình thường, lẽ ra khi ông Lâm quát hỏi, Ngô chỉ cần giải thích vài câu là xong, vì hắn cũng không trộm cắp gì.
Theo nhà chức trách, Ngô có lẽ không có ý định giết người, chỉ vì đã quen cô độc, tính tình hướng nội, ít giao tiếp nên lựa chọn phương án giải quyết tồi tệ nhất.
Theo Khang Diệp (VNE)
Mẹ làm điều kinh hoàng với con và bi kịch đau lòng đằng sau Nếu như mắc những bệnh liên quan đến tinh thần, nhất định phải uống thuốc định kỳ, bởi vì chỉ cần một sơ sẩy, cũng có thể tạo thành bi kịch.. Cách đây không lâu, tại nước Anh xảy ra câu chuyện đau lòng, khiến dư luận bàng hoàng. Vào thời điểm xảy ra bi kịch rùng rợn, cậu bé Tyler Warmington ở...