Thiếu kỹ năng sư phạm, nhiều giáo viên hành xử chưa phù hợp
Chương trình đào tạo sinh viên ngành sư phạm hiện nay dành quá ít thời gian để dạy kỹ năng nghề nghiệp.
TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ bất cập trong việc đào tạo giáo viên hiện nay.
Tháng 3 và đầu tháng 4 liên tiếp xảy ra các sự vụ liên quan đến ứng xử giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh. Một cô giáo ở TP HCM 3 tháng không nói gì khi đứng lớp; một phụ huynh ở Long An bắt giáo viên quỳ xin lỗi vì phạt học sinh; thầy giáo ở Nghệ An tát học sinh rồi bị đánh dập sống mũi. Mới đây nhất là cô giáo trường tiểu học ở Hải Phòng ép học sinh uống nước giẻ lau bảng. Những câu chuyện khiến dư luận đặt câu hỏi: tại sao mối quan hệ giữa thầy – trò – phụ huynh lại xa cách? Giáo viên đã được đào tạo thế nào về nghiệp vụ sư phạm?
Công bằng mà nói, trẻ em ngày nay được chiều chuộng quá sức nên có không ít hành xử thiếu tôn trọng thầy cô. Nhiều cựu sinh viên của tôi từng than thở bị học sinh thách thức khi nhắc nhở các em: Cô làm thế em về mách bố, bố em đánh chết cô đấy; Cô phạt em thì mai em nghỉ học…
TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Công việc chuyên môn nhiều, chịu nhiều ràng buộc, khuôn phép khi luôn phải hành động theo chuẩn mực xã hội mặc định cho, việc dạy dỗ những đứa trẻ được nuông chiều ấy khiến giáo viên áp lực vô cùng. Họ không được thoải mái khi lên lớp mà phải thận trọng và khép mình. Nếu không, rất dễ dàng họ có thể trở thành đề tài bàn luận trên mạng xã hội, qua các video, chia sẻ mà phụ huynh, học sinh đăng tải. Khi không có chữ nhẫn, nhiều việc đau lòng sẽ xảy ra vì giáo viên không còn giữ nổi bình tĩnh trước áp lực.
Khi học sinh được nuông chiều, giáo viên chịu nhiều áp lực thì việc trang bị các kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm rất quan trọng, giúp nhà giáo khi đứng trước tình huống khó sẽ biết cách xử trí hợp lý. Tuy nhiên, chương trình đào tạo sinh viên ngành sư phạm hiện nay dành quá ít thời gian để dạy kỹ năng nghề nghiệp.
Như ở Đại học Sư phạm Hà Nội, năm nào sinh viên cũng được học môn Thực hành sư phạm với nửa kỳ lý thuyết, nửa kỳ thực hành, nhưng môn này chỉ nghiêng về xử lý các tình huống thường thấy trong lớp như: học sinh hỏi quá nhiều, các em nói chuyện riêng… Chương trình thiếu các nguyên tắc, chuyên đề cụ thể giúp giáo viên đánh giá trước hành động, suy nghĩ của học sinh để dự đoán biểu hiện cụ thể và tính toán cách giải quyết.
Video đang HOT
Việc ứng xử với phụ huynh được thể hiện ở mục Ứng phó với tình huống nhưng số lượng tình huống còn ít, thiếu ví dụ bất ngờ, hay liên quan đến phụ huynh cá biệt. Chương trình cũng không nêu thành chuẩn quy tắc thế nào là đúng đạo đức, thế nào cho an toàn… Ngoài ra, cũng không có bộ môn Đạo đức giáo viên hay dạy cách thưởng phạt cho học sinh trong trường sư phạm.
Ở nhiều quốc gia khác, việc đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cho nhà giáo được chú trọng, dành thời lượng lớn. Sinh viên sư phạm ở Đức được xem các video tình huống và phân tích, tìm cách giải quyết vấn đề. Sinh viên sư phạm ở Singapore từ năm nhất đại học đã được đến các trường học tìm hiểu về môi trường làm việc này và hỗ trợ một vài công việc trên lớp cho giáo viên chính.
Trong câu chuyện ứng xử không chuẩn mực của giáo viên, cũng cần xem xét trách nhiệm của địa phương trong việc tuyển dụng. Một giáo viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên ngành sư phạm sẽ khác hẳn một người tốt nghiệp chuyên ngành khác rồi học thêm văn bằng của trường sư phạm. Giáo viên được đào tạo bài bản ở trường sư phạm cũng đã yếu kỹ năng nghề nghiệp thì giáo viên không được đào tạo bài bản có thể đưa ra những ứng xử phản tác dụng, gây bất bình. Trường hợp cô giáo ở trường Tiểu học An Đồng (Hải Phòng) là một điển hình.
Để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc trong môi trường giáo dục, ngành giáo dục cần có thêm những quy định chặt chẽ hơn đối với học sinh, giáo viên và phụ huynh và nên văn bản hóa bằng các bản cam kết.
Ví dụ, để tránh tình trạng phụ huynh can thiệp, xúc phạm, đánh đập giáo viên…, trước khi con vào học, phụ huynh cần cam kết không xâm phạm vào trường học như vào lớp học trong giờ cô giáo giảng bài. Khi có việc cần, phụ huynh gặp giáo viên ở một phòng họp riêng, có lắp camera theo dõi. Nếu phụ huynh vào trường mà làm gì đó gây ảnh hưởng đến trường và học sinh, con của họ có thể không được học ở trường nữa.
Thầy cô giáo, nhà trường cũng cần cam kết là không được xâm phạm vào thân thể, làm ảnh hướng đến tâm lý, danh dự của học sinh. Nếu giáo viên vi phạm sẽ bị chấm dứt hợp đồng làm việc, đuổi khỏi ngành.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn để hướng dẫn cho cả giáo viên và phụ huynh xử lý các tình huống giáo dục trẻ. Công tác quản lý trong các nhà trường cũng cần thay đổi khi hiện nay những bài thi giáo viên dạy giỏi, thi văn nghệ thể thao, hệ thống sổ sách quá lớn… gây ra áp lực không nhỏ cho nhà giáo. Những kỳ nghỉ hè để phục hồi sức lao động, tâm lý làm việc của nhà giáo đôi khi cũng không được trọn vẹn.
Giáo dục không chỉ là công việc của giáo viên, nhà trường mà cần có sự chung tay hỗ trợ của phụ huynh, học sinh và toàn xã hội.
TS Vũ Thu Hương
Theo vnexpress.net
Chương trình các môn học mới có sự gia tăng kiến thức hợp lý
Việc mở rộng kiến thức cho phép học sinh có cái nhìn tổng quan hơn, dễ dàng so sánh giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
ảnh minh họa
TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) góp ý về dự thảo chương trình các môn học mới.
Khi vấn nạn quá tải học đường diễn ra, phụ huynh, giáo viên và nhà quản lý đều nhận ra tầm quan trọng của việc thiết kế lại chương trình sao cho phù hợp với sức trẻ, không gây áp lực kiến thức mà vẫn giáo dục hiệu quả. Dư luận vì thế đặc biệt quan tâm và đặt niềm tin các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giảm tải được cho học sinh.
TS Vũ Thu Hương, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Khi dự thảo chương trình các môn học được công bố ngày 19/1, đã có nhiều ý kiến cho rằng bản mới không hề giảm tải so với chương trình hiện nay. Cá nhân tôi đồng ý với ý kiến này. Tuy nhiên theo tôi, sự tăng tải kiến thức trong một số môn học ở chương trình mới là hợp lý, vì những lý do sau.
Thứ nhất, chương trình tăng tải theo hướng phổ rộng kiến thức, đưa thêm vào nội dung ở phạm vi thế giới thay vì bó hẹp trong biên giới đất nước như hiện nay. Ví dụ, môn Lịch sử, Địa lý ở cấp tiểu học trước không có nội dung về thế giới, nay có kiến thức lịch sử địa lý Đông Nam Á, các nền văn minh thế giới như Ai Cập, La Mã cổ đại... Toán học Xác xuất, Thống kê trước đây gần như không xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông thì nay được đưa vào dạy từ tiểu học.
Kiến thức mới được đưa vào chương trình môn học lần này đã gần và thiết thực hơn với đời sống của học sinh. Việc mở rộng kiến thức cho phép học sinh có cái nhìn tổng quan hơn, dễ dàng so sánh giữa Việt Nam và các nước trên thế giới để có những định hướng phù hợp với sự phát triển đất nước trong tương lai. Ở thế giới hội nhập bây giờ, kiến thức sâu rộng mang tính toàn cầu chắc chắn sẽ có giá trị vô cùng lớn với học sinh sau khi ra trường.
Ở một khía cạnh khác, tôi thậm chí cảm thấy sự mở rộng kiến thức với môn Ngữ văn dường như "chưa đủ". Rất nhiều kiệt tác của nhân loại như: Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú, Jen Ero, Những người khốn khổ, Nhà thờ đức bà Paris... vắng bóng trong chương trình lần này. Nội dung vở kịch Hồ Thiên Nga được giới phê bình đặc biệt coi trọng, cũng không được đề cập tới trong dự thảo môn Ngữ văn. Khi ra môi trường thế giới, học sinh Việt Nam sẽ trả lời thế nào khi được bạn bè quốc tế trao đổi về các kiệt tác của nhân loại này?
Thứ hai, việc tăng tải kiến thức khiến giáo viên và học sinh phải quan tâm đến nhiều mảng kiến thức hơn. Thầy cô không thể đề ra khối lượng bài tập khổng lồ hay lắt léo cho trẻ bởi chính họ sẽ quá tải trong việc chấm và trả bài. Như vậy, phổ kiến thức rộng sẽ tạo điều kiện cho lượng bài tập giảm sút, khiến việc học thêm dần trở nên không cần thiết với học sinh, tạo đà cho sự giảm tải diễn ra thực sự.
Thứ ba, khi kiến thức phổ rộng, chính giáo viên cũng cần trau dồi kiến thức và kỹ năng dạy học. Điều này khiến họ dễ dàng bắt nhịp với những thay đổi, tiếp nhận cái mới trong kiến thức, phương pháp giảng dạy. Giáo viên do đó sẽ dễ chấp nhận những ý kiến thông minh đôi khi vượt tầm bản thân họ của học sinh, bởi kiến thức rộng này các em có thể thu nhận từ các nguồn khác nhau ngoài nhà trường. Thế công bằng hơn trong trường học, những ngôi trường thật sự dân chủ, theo đó sẽ dần được hình thành.
Bên cạnh những nỗ lực giảm nặng nề về kiến thức cho học sinh, việc bắt trẻ học bán trú 2 buổi/ngày dường như là "lỗ hổng" trong chủ trương giảm tải của chương trình mới. Cá nhân tôi không đồng tình với lý thuyết cùng một khối lượng kiến thức nhưng tăng lên 2 buổi học/ngày sẽ giúp việc học tập nhẹ nhàng hơn. Những năm qua đã có rất nhiều nhà trường lợi dụng buổi học thứ hai để ép học sinh học thêm khiến trẻ và phụ huynh bức xúc. Điều gì có thể khẳng định thực tế khi áp dụng học 2 buổi/ngày cho chương trình giáo dục phổ thông mới, tình trạng này không diễn ra?
Việc học sinh phải ăn ngủ trưa trong điều kiện chật chội, thiếu an toàn về nhiều mặt ở trường, có thể tạo ra những hệ lụy khó lường. Tại sao chúng ta không tạo ra nhiều kiểu lớp học: bán trú, học một buổi... để các gia đình, học sinh lựa chọn phù hợp với điều kiện của họ? Ở Đức, Hungary... học sinh chỉ học một buổi một ngày, từ 9h đến 14h. Tại nhiều nền giáo dục tiên tiến khác, họ đa dạng mô hình trường học nội trú, bán trú hoặc trường có lớp bán trú... đề người học tự đăng ký.
Rõ ràng các tác giả của dự thảo chương trình môn học đã có nhiều cố gắng trong việc bố trí chương trình để giảm tải áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng chương trình mới sẽ hiệu quả hơn nữa trong mục tiêu giảm kiến thức và tôn trọng sự phát triển toàn diện của trẻ.
Theo VNE
ĐH Công nghiệp TP.HCM: Đào tạo chất lượng cao, học phí thấp Với mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng nghề nghiệp tiếp cận với thực tiễn, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM luôn đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy. ĐH Công nghiệp TP.HCM luôn đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy theo hướng hội nhập, đạt chuẩn khu vực...