Thiếu GV nhưng nhiều trường ở Hậu Giang quyết không dạy ghép lớp, vì sao?
Năm học 2022 – 2023, toàn ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang thiếu 846 giáo viên, trong đó, thiếu 301 giáo viên mầm non và thiếu 545 giáo viên phổ thông.
Đối mặt với bài toán thiếu giáo viên trầm trọng, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang còn đẩy mạnh triển khai chính sách thu hút nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn khi khan hiếm nguồn tuyển giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Trường học chờ đợi phân bổ giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Tới, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Minh Quang (tỉnh Hậu Giang) cho biết, chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng cho học sinh lớp 10 có hai môn mới là Mỹ thuật và Âm nhạc nhưng trường không tuyển được giáo viên nên sẽ không tổ chức dạy trong năm nay.
“Hiện tại, nhà trường chưa có đội ngũ giáo viên hai môn Âm nhạc, Mỹ thuật do khan hiếm nguồn tuyển. Trong quá trình tư vấn, nhà trường ấn định và thông báo đến tất cả học sinh, phụ huynh về việc không triển khai môn Âm nhạc, Mỹ thuật để các em không thực hiện đăng ký.
Trường rất muốn tổ chức dạy Âm nhạc, Mỹ thuật theo đúng kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với lớp 10, nhưng do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thiếu đội ngũ giáo viên nên không đảm bảo hoạt động giảng dạy.
Trước đó, trường cũng đã tham mưu đẩy mạnh công tác tuyển dụng nhưng rất khó vì nguồn tuyển giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp trung học phổ thông hiện đang rất thiếu”, Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Tới chia sẻ.
Cũng theo Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Tới, năm học 2022-2023, dù thiếu giáo viên nhưng nhà trường cũng không xây dựng phương án cho giáo viên dạy liên trường, ghép lớp hay tổ chức cho học sinh học gửi. Bởi, đây là việc khó triển khai, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình giảng dạy, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học trò.
Cùng chung cảnh thiếu giáo viên, thầy Phạm Tấn Lợi, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tân Phú (tỉnh Hậu Giang) chia sẻ: “Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đang là thách thức lớn đối với các trường, nhất là trường ở miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới. Căn cứ vào cơ cấu tổ chức giáo viên, cơ sở vật chất tương ứng, nhà trường chưa thể giảng dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Một tiết học của thầy và trò Trường Trung học phổ thông Tân Phú (tỉnh Hậu Giang). Ảnh: website nhà trường
Nói về khó khăn này, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tân Phú cho biết, theo kết quả tổng hợp báo cáo thông qua quá trình khảo sát việc chọn môn thực tế của học sinh lớp 10, trường nhận thấy, học sinh chỉ tập trung đăng ký các môn truyền thống, không có nguyện vọng học môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Điều này không có dấu hiệu bất thường vì các em đều lựa chọn môn học dựa vào năng lực, thế mạnh bản thân, xác định học theo mục tiêu nghề nghiệp.
Phía nhà trường hiện cũng không có sẵn đội ngũ giáo viên các môn học này. Do đó, trường không tổ chức dạy Âm nhạc, Mỹ thuật trong năm học 2022-2023.
“Hiện tại, nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đều đang trong tình trạng chờ đợi được phân bổ, bố trí giáo viên các môn còn thiếu, nhất là ưu tiên biên chế cho giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật.
Trong cuộc họp giao ban mới đây, trường cũng tham mưu tỉnh sớm kiện toàn các phòng học chung, các phòng học đặc thù, chuyên biệt để nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả giáo dục, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo”, thầy Phạm Tấn Lợi thông tin thêm.
Video đang HOT
Giải quyết tình trạng thiếu giáo viên bằng chính sách thu hút
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Hồng Đào, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cho biết, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, 7, 10, nguồn tuyển giáo viên đối với các môn tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học rất khó khăn.
“Cụ thể tỉnh thiếu 52 giáo viên Tin học, 86 giáo viên tiếng Anh; cấp trung học phổ thông thiếu 23 giáo viên Âm nhạc và 23 giáo viên Mỹ thuật. Do vậy, năm học này, các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh không có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, còn cấp trường tiểu học cũng khó có đủ giáo viên tiếng Anh, Tin học”. Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang chia sẻ.
Đầu tháng 7/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND Quy định chính sách thu hút giáo viên giảng dạy các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Theo đó, giáo viên được tuyển dụng hoặc chuyển công tác về Hậu Giang sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng và cam kết giảng dạy có thời hạn 5 năm. Nếu không sẽ phải hoàn trả kinh phí đã nhận.
Kỳ vọng về chính sách này, Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Tới chia sẻ: “Chương trình giáo dục phổ thông mới mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành sư phạm, đặc biệt là với những ngành: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học… Nhưng thực tế, từ khâu tuyển sinh đào tạo của các trường sư phạm đến việc tuyển dụng giáo viên không dễ.
Cũng vì không có nguồn tuyển nên nhiều trường không tổ chức dạy học các môn này. Chính vì vậy, thực hiện chính sách thu hút giáo viên là chủ trương đúng với thời điểm hiện tại, đáp ứng bước đầu nhu cầu tuyển dụng tăng cao như hiện nay”.
Ủng hộ chính sách nhưng một số lãnh đạo trường trung học phổ thông của tỉnh Hậu Giang bày tỏ quan ngại rằng, mức hỗ trợ 50 triệu đồng/giáo viên không nhiều nên vẫn rất khó thu hút giáo viên về công tác, nhất là với vùng cao, giao thông đi lại khó khăn.
Cùng bàn về vấn đề này, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cho hay: “Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút giáo viên giảng dạy các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là một chính sách hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Nghị quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút sinh viên các ngành tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật tham gia tuyển dụng giáo viên ở Hậu Giang, góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang sẽ có kế hoạch tuyển dụng giáo viên phù hợp, phát huy tối đa hiệu quả của chính sách thu hút”.
Cũng theo cô Lê Hồng Đào, trong khi chờ tuyển giáo viên theo chính sách thu hút, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường có thể hợp đồng, thỉnh giảng (giáo viên có trình độ đại học môn Âm nhạc và Mỹ thuật đang giảng dạy các trường trung học cơ sở trong tỉnh) hoặc phân công giảng dạy trực tiếp (nếu trường có 2 cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông và có sẵn lực lượng giáo viên) để đáp ứng tốt nguyện vọng đăng ký học của học sinh.
Đối với môn tiếng Anh, Tin học, ngành chỉ đạo thực hiện phân công giáo viên dạy liên trường hoặc hợp đồng khoán giáo viên theo tinh thần Nghị quyết 15/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 của tỉnh.
“Song, để có giải pháp khắc phục triệt để bài toán thiếu giáo viên, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ giáo viên đào tạo văn bằng 2 để giảng dạy các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, lãnh đạo các cấp tiếp tục bổ sung biên chế cho ngành giáo dục và phân bổ kinh phí đầu tư về cơ sở vật chất để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới”, cô Lê Hồng Đào, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang nhận định.
Dạy THPT phải có bằng đại học, Hải Phòng gặp khó trong lựa chọn GV Nghệ thuật
Sở GD&ĐT Hải Phòng đưa ra giải pháp, tùy theo điều kiện và số lượng học sinh đăng ký có thể liên kết thành nhóm trường để tổ chức dạy môn Nghệ thuật.
Khó khăn trong tuyển dụng giáo viên môn Nghệ thuật
Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 bậc trung học phổ thông.
Trong đó, cấp học này có môn học mới hoàn toàn là Nghệ thuật (gồm 2 phân môn Âm nhạc và Mỹ thuật) được đưa vào môn học lựa chọn.
Môn Lịch sử cũng được thay đổi từ môn lựa chọn thành môn học có phần bắt buộc với 52 tiết/năm học.
Trước những thay đổi trên, nhiều địa phương gặp khó khi xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên môn Lịch sử và các môn thuộc nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật).
Thông tin về tình trạng thừa, thiếu giáo viên của cấp trung học phổ thông khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, trước sự thay đổi môn Lịch sử thành môn học bắt buộc với số tiết 52 tiết/năm, số tiết này đúng bằng số tiết khi học chương trình 2006, nên nếu trường nào có lớp chọn học một chuyên đề nâng cao là Lịch sử thì sẽ thiếu giáo viên.
Tuy nhiên, năm nay là năm đầu tiên triển khai dạy môn Lịch sử của chương trình giáo dục phổ thông mới với chỉ một khối lớp 10 nên hiện tại các trường vẫn có đủ giáo viên để đáp ứng được yêu cầu thay đổi trên.
Các trường trung học phổ thông ở Hải Phòng gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng giáo viên môn Nghệ thuật (Ảnh minh họa: Phạm Linh)
Đối với môn Công nghệ theo chương trình mới gồm 2 nội dung đó là Nông nghiệp trồng trọt; Thiết kế và công nghệ nên giáo viên hiện đang dạy 2 môn theo chương trình 2006 có thể đáp ứng đủ chương trình mới.
Có một số bộ môn giáo viên chưa đủ số tiết quy định, sẽ được nhà trường phân công giảng dạy đúng chuyên môn theo chủ đề ở Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Giáo dục địa phương.
Khó khăn nhất ở thời điểm hiện tại chính là việc sắp xếp, giảng dạy môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) khi các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố đều chưa có giáo viên bộ môn này.
Lý giải tình trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, giáo viên dạy trung học phổ thông phải có bằng đại học, nên việc lựa chọn giáo viên dạy môn Âm nhạc và Mỹ thuật là khó khăn.
Bên cạnh đó, do chưa được giao biên chế nên đến hiện tại tất cả trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố đều chưa thể tuyển dụng giáo viên giảng dạy môn Nghệ thuật.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đưa ra giải pháp gì?
Trong thời gian tới, sau khi được giao bổ sung biên chế, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng sẽ phân bổ kịp thời số người làm việc cho các trường trung học phổ thông nhằm đáp ứng số lượng giáo viên và nhu cầu học tập của học sinh năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo tuyển dụng, sử dụng giáo viên cho phù hợp.
Bên cạnh đó, Sở đã hướng dẫn các trường, trước mắt xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn phù hợp với đội ngũ hiện có.
Nếu học sinh lựa chọn những môn học mà trường chưa có giáo viên thì cần tuyên truyền, định hướng để các em lựa chọn môn học khác phù hợp.
Sau khi có kết quả tổng hợp từ các trường, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục định hướng điều chuyển giáo viên sao cho phù hợp, không riêng 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật mà cho tất cả môn học để đảm bảo có lớp phải có giáo viên, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn thành phố.
Có thể tổ chức dạy trực tiếp tại trường hoặc liên kết thành nhóm trường để tổ chức dạy học môn Nghệ thuật (Ảnh minh họa: Phạm Linh)
Để khắc phục tạm thời khó khăn chung của các trường trung học phổ thông trên địa bàn khi không có giáo viên giảng dạy môn Nghệ thuật, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, môn học này là lựa chọn nên học sinh có thể chọn hoặc không.
Do đó, Sở đưa ra giải pháp, tùy theo điều kiện của từng trường và tùy vào số lượng học sinh đăng ký (tự chọn) có thể tổ chức dạy trực tiếp tại trường hoặc liên kết thành nhóm trường để tổ chức dạy học các môn tự chọn này.
Như vậy, có thể vận dụng một giáo viên Âm nhạc, hay Mỹ thuật dạy theo cụm trường để bảo đảm thuận lợi, phù hợp, chất lượng, hiệu quả.
Số liệu thống kê đội ngũ giáo viên của Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, hiện cấp trung học cơ sở ở Hải Phòng có 162 giáo viên môn Âm nhạc và 112 giáo viên môn Mỹ thuật có trình độ đại học.
Theo đó, Sở đã chỉ đạo các trường trung học phổ thông chủ động hợp đồng với một số giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật đang dạy trung học cơ sở trên địa bàn, nếu đủ điều kiện.
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tiếp tục giao bổ sung chỉ tiêu biên chế, đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy học để từng bước nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao và đa dạng của học sinh.
Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hiện tại các nhà trường còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đặc biệt về thiết bị dạy và học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình.
Hiện, Sở đã hướng dẫn các nhà trường đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tiếp nhận mọi nguồn lực tài trợ của các tổ chức, cá nhân để nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nhà trường bảo đảm rõ mục đích tài trợ và sử dụng các nguồn tài trợ đúng mục đích, công khai, minh bạch đúng quy định.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu các nhà trường sử dụng tối đa cơ sở vật chất bảo đảm chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình; phát triển kho video bài dạy minh họa, kho học liệu điện tử; xây dựng tài liệu dạy học điện tử để hỗ trợ giáo viên tổ chức dạy học bảo đảm chất lượng.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho cấp trung học phổ thông và hỗ trợ phần mềm soạn bài giảng, tài liệu điện tử cho 100% các nhà trường.
Tp.HCM: Chủ động sáng tạo dạy và học theo tổ hợp môn cho lớp 10 Các trường THPT tại Tp.HCM hoàn tất việc điều chỉnh lại tổ hợp môn học, sắp xếp giáo viên giảng dạy theo chương trình mới tùy theo điều kiện của từng đơn vị. Ngày 22/8, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Tấn Tài, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm, Tp.Thủ Đức, Tp.HCM cho biết, 589 học sinh lớp 10 tuyển vào...