Thiếu 62 giáo viên mầm non và tiểu học, Lộc Hà “hóa giải” bài toán này ra sao?
Năm học này, tình trạng thiếu giáo viên ở bậc tiểu học và mầm non ở Lộc Hà ( Hà Tĩnh) tiếp tục “ nóng” lên buộc các nhà trường phải dồn lớp và tăng sĩ số học sinh để sớm ổn định việc dạy học…
Trường Tiểu học Thạch Kim từ nhiều năm nay luôn trong tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp nên buộc phải thực hiện giải pháp dồn lớp.
Nhiều năm nay, Trường Tiểu học Thạch Kim luôn trong tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp. Nếu theo quy chuẩn sĩ số học sinh của Bộ GD&ĐT thì với 913 học sinh, năm nay, Trường Tiểu học xã Thạch Kim phải có đến 35 lớp và 41 giáo viên. Song trên thực tế, hiện nay, trường chỉ có 27 giáo viên dạy văn hóa, thiếu đến 14 người.
Thầy Lê Ý – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Kim cho biết: “Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, chúng tôi tiến hành thực hiện phương án dồn học sinh để giảm xuống còn 27 lớp. Giải pháp mang tính bắt buộc này tuy có dẫn đến việc sĩ số học sinh ở các lớp tăng lên, nhất là đối với khối 4 và khối 5 (40 – 41 em/lớp) nhưng nhà trường sẽ cố gắng trong chuyên môn và đảm bảo các điều kiện dạy học khác để không ảnh hưởng đến chất lượng”.
Cùng với việc dồn lớp, hiện Lộc Hà đang thực hiện việc điều động giáo viên để đảm bảo dạy tốt, học tốt.
Trường Mầm non xã Thạch Mỹ hiện cũng đang thiếu 7 giáo viên và đang khắc phục tình trạng này bằng cách tăng sĩ số, bố trí giáo viên quản lí tham gia đứng lớp.
Được biết, năm học 2019-2020, trường mầm non này đã tiếp nhận 258 cháu ở độ tuổi từ 36 đến 72 tháng vào học, biên chế vào 8 lớp. Với các giải pháp trước mắt của nhà trường đã phần nào khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên, xử lý được 68 cháu từ 3 tuổi trở lên được đến trường…
Không chỉ 2 trường nêu trên mà tình trạng thiếu giáo viên ở bậc tiểu học và mầm non ở Lộc Hà đang diễn ra khá phổ biến.
Video đang HOT
Trường Mầm non xã Thạch Mỹ nỗ lực để đảm bảo chất lượng dạy học…
Theo khảo sát, để đảm bảo cơ cấu đứng lớp có 1,11 giáo viên văn hóa/lớp ở bậc tiểu học, 2 giáo viên/lớp với bậc học mầm non và đảm bảo sỹ số đúng theo quy định thì năm học này, huyện Lộc Hà phải có 254 giáo viên tiểu học, 330 giáo viên mầm non. Nhưng thực tế, hiện toàn huyện chỉ có 242 giáo viên tiểu học, 280 giáo viên mầm non, chỉ đủ để cơ cấu 242 lớp tiểu học và 140 lớp mầm non.
Ông Lê Quang Huệ – Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết: “Nhằm giảm áp lực cho các trường, hạn chế tình trạng thừa thiếu cục bộ ở các cấp học, UBND huyện Lộc Hà đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT phối hợp với chính quyền các xã rà soát lại thực tế, đưa ra giải pháp tạm thời như điều động một số giáo viên đi biệt phái có thời hạn từ vùng thừa sang vùng thiếu; thực hiện chủ trương dồn lớp, tăng sĩ số, đồng thời bố trí thêm giáo viên quản lí tham gia đứng lớp để đảm bảo giờ dạy, lịch dạy theo đúng chương trình.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tích cực chuẩn bị để tuyển dụng thêm 34 giáo viên tiểu học theo chỉ tiêu UBND tỉnh”.
Huyện Lộc Hà phát triển các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ tư nhân để phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội
Ông Lê Thanh Dân – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà thông tin thêm: “Ngoài việc thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của UBND huyện và động viên cán bộ, giáo viên trong toàn ngành khắc phục khó khăn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thi đua dạy tốt, học tốt thì chúng tôi cũng đã chỉ đạo, nhắc nhở các trường cố gắng đảm bảo các điều kiện phục vụ học tập, giảng dạy khi dồn lớp, tăng sỹ số.
Chúng tôi còn khuyến khích đẩy mạnh phong trào xã hội hóa giáo dục, phát triển các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ tư nhân để phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội, giúp các trẻ từ 18-36 tháng tuổi được đến trường và giảm thiểu áp lực thiếu giáo viên như hiện nay”.
Theo baohatinh
Trường mầm non công lập ở Bà Rịa-Vũng Tàu loay hoay tìm giáo viên
Do không có nguồn để tuyển dụng, nhiều trường mầm non công lập ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang thiếu hụt hàng trăm giáo viên.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do chế độ, chính sách dành cho giáo viên mầm non các trường công lập chưa hấp dẫn, trong khi giáo viên phải chịu khá nhiều áp lực.
Không chỉ ở năm học 2019-2020 mà từ nhiều năm qua tại một số địa phương của Bà Rịa-Vũng Tàu như: huyện Xuyên Mộc, huyện Châu Đức, thị xã Phú Mỹ tình trạng thiếu giáo viên mầm non đang xảy diễn ra ở nhiều trường. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng chủ yếu vẫn là do thu nhập và áp lực về thời gian.
Nhiều trường mầm non công lập ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang thiếu hụt hàng trăm giáo viên.
Theo bà Trần Thị Thu Hồng, hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, năm học 2019-2020 nhà trường tăng thêm 3 lớp, với 220 cháu từ độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo. Hiện nay, trường đang thiếu 8 giáo viên ở các lớp. Có những ngày giáo viên bị ốm hay bận việc gia đình phải xin nghỉ, nhà trường buộc vận động nhân viên văn phòng, kế toán kể cả bản thân hiệu trưởng cũng tham gia giữ lớp.
Bà Hồng còn cho biết, nhu cầu gửi trẻ trong dân còn nhiều nhưng không dám nhận vì nhà trường thiếu giáo viên: "Học trò thì quá tải nhưng giáo viên không có, nên nhà trường không dám nhận thêm học sinh. Nhà trường cũng vừa động viên các cô vừa điều động thêm giáo viên từ Ban Giám hiệu xuống giữ lớp, hay như nhân viên văn phòng, kế toán, văn thư vẫn phải xuống phụ với các cô".
Ông Mai Sỹ Hải, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức cho biết, địa bàn hiện có 20 trường mầm non công lập, năm học 2019-2020 toàn huyện thiếu khoảng 90 giáo viên, thế nhưng lượng hồ sơ đăng ký thi tuyển chỉ có 23 trường hợp. Phân tích về nguyên nhân trên, ông Hải cho rằng, do mức lương khởi điểm của giáo viên công lập chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, thấp hơn cả thu nhập của một số ngành nghề lao động phổ thông, nhưng công việc thì áp lực, nặng nề, vì ngoài đứng lớp còn phải kiêm nhiệm thêm cả dọn vệ sinh, soạn giáo án, làm đồ chơi, sinh hoạt chuyên môn...
Ông Hải nói: "Mức lương thì thấp mà áp lực công việc nhiều, thời gian thì bị khống chế từ 6h sáng đến 5h30 chiều, kể cả buổi trưa cũng phải làm việc. Giáo viên phải dọn sân trường vì không có tạp vụ. Trên địa bàn có nhà máy xí nghiệp nhiều, giáo viên có bằng sư phạm mầm non nhưng không đi dạy mà đi làm công nhân xí nghiệp. Kế đó là cơ sở mầm non tư thục nhiều trường trả lương cao, còn hỗ trợ tiền ăn trưa, lễ Tết và có bảo hiểm xã hội".
Trường mầm non Hoa Hồng ở huyện Châu Đức một giáo viên phải trong giữ hơn 20 cháu.
Tại TP Vũng Tàu tình trạng thiếu giáo viên mầm non thì ít nghiêm trọng hơn nơi khác, năm học 2019-2020 trên địa bàn có 15 trường mầm non thì chỉ thiếu 25 giáo viên. Để giải quyết việc này, nhiều trường chủ động đề xuất với ủy ban thành phố hợp đồng với giáo viên bên ngoài tham gia công tác với nhà trường.
Có những trường từ năm 2021 sẽ tiến đến tự chủ tài chính nên từ năm 2018 họ đã xây dựng được đội ngũ giáo viên, không để thừa và thiếu giáo viên. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, hiệu trưởng Trường mầm non Châu Thành, TP Vũng Tàu nói: "TP Vũng Tàu thiếu giáo viên nhưng trường Châu Thành không thiếu, vì chúng tôi chuẩn bị tinh thần chuẩn bị tự chủ. Chúng tôi cố gắng giữ đội ngũ giáo viên được ổn định, trừ những trường hợp chuyển công tác. Thí dụ trường 12 lớp phải giữ 24 giáo viên, sang năm tự chủ thì năm nay tự chủ trước".
Trường cao đẳng Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện nay tình trạng sinh viên bậc học mầm non học tập tại trường rất ít, trong đợt tuyển sinh năm 2019 vừa qua, nhà trường đã xét tuyển bằng hình thức học bạ và điểm thi THPT quốc gia, có 328/525 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào trường, riêng bậc học mầm non, nhà trường được giao 130 chỉ tiêu, nhưng đến nay chỉ có 8 thí sinh làm thủ tục nhập học.
Mạnh dạn để các trường tự chủ tài chính sẽ chủ động được nguồn nhân lực mầm non.
Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên mầm non, trước mắt huyện sẽ đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh tăng thêm phụ cấp cho giáo viên mầm non, bên cạnh đó huyện sẽ liên hệ với các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh hỗ trợ đưa giáo viên về địa phương giảng dạy.
"Giáo viên mầm non thấp quá nên các em bỏ đi nơi khác hết. Về lâu dài huyện Châu Đức sẽ xin chủ trương xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, trong đó có giáo viên để họ về đây có thể yên tâm công tác và có thể mua nhà xã hội, ổn định cuộc sống", ông Bản nói.
Tăng cường đãi ngộ, tăng mức trợ cấp mà các địa phương của Bà Rịa-Vũng Tàu đang hướng tới để thu hút giáo viên mầm non. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non, về lâu dài tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần mạnh dạn để các trường tự chủ tài chính, có như thế họ mới chủ động được nguồn nhân lực./.
Theo Lưu Sơn/VOV-TPHCM
Đắk Nông: Thiếu giáo viên, nhiều nơi không dám gọi hết trẻ đến trường Nhiều năm liên tục, tại huyện Đắk G'Long (tỉnh Đắk Nông) xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non. Để khắc phục tình trạng này, nhiều trường học phải huy động cả cán bộ quản lý xuống đứng lớp, trong khi đó, nhiều nơi không dám gọi học sinh đến trường cũng vì không đủ giáo viên....