Thiết kế Thời trang Mỹ thuật: ngành hot bây giờ
Muốn trở thành nhà thiết kế thời trang hoặc học ngành Mỹ thuật, bạn có thể luyện vẽ ở đâu? Ngoài ĐH Kiến trúc, ĐH Mỹ thuật, có thể học thiết kế thời trang ở trường nào? Học những môn gì và có cơ hội việc làm ra sao?
Tố chất gì để thành công trong ngành thiết kế thời trang?
Trong một xã hội hiện đại khi nhu cầu và trình độ văn hóa, nghệ thuật – thẩm mỹ ngày càng tăng cao thì nghề thiết kế thời trang ( fashion design) đang được xem như một trong những nghề thời thượng được nhiều bạn trẻ chọn lựa. Lý do cũng chính bởi sức hấp dẫn của nó ở tính năng động, khả năng sáng tạo tối đa và cả ánh hào quang trong mắt công chúng của nghề này. Tuy vậy, con đường đi đến thành công không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng.
Thiết kế thời trang được xem như một môn nghệ thuật ứng dụng đòi hỏi nhà thiết kế phải có tài năng và óc sáng tạo không ngừng nghỉ. Các sáng tạo của họ không chỉ đơn thuần là về kiểu dáng trang phục mà còn bao gồm các phụ kiện sao cho phù hợp với văn hóa, xã hội và thời đại. Tuy nhiên, khái niệm về nghề thiết kế thời trang được hiểu khá rộng. Người thiết kế có thể là người trực tiếp đứng ra thiết kế hoặc cũng có thể là người quản lý một đội ngũ thiết kế ở một công ty thời trang, thể thao hay tự gây dựng một nhãn hiệu riêng. Đây là ngành học phù hợp với các bạn trẻ yêu thích mỹ thuật, thời trang và có năng khiếu trong những lĩnh vực này.
Nhà thiết kế thời trang là những người sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời những tác phẩm thời trang giúp làm đẹp cho con người, cho cuộc sống. Những tác phẩm thời trang được chia làm 2 hướng riêng biệt: hướng trình diễn nghệ thuật và hướng ứng dụng thực tế.
Ngành thiết kế thời trang đào tạo một số chuyên ngành như: Thiết kế thời trang, xã hội học thời trang, vật liệu dệt may, tạo mẫu, thiết kế dựng hình tổng hợp, trang điểm, thẩm mỹ học, vẽ mỹ thuật, thiết kế thời trang trên máy tính, Corel draw…
Để đáp ứng cho nhu cầu đó, hiện đang có rất nhiều trường học, trung tâm tiến hành đào tạo các nhà thiết kế thời trang. Tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang, các bạn có thể đảm nhiệm các công việc tại doanh nghiệp may, công ty thiết kế thời trang, viện nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực này hoặc những cơ sở sản xuất về may mặc…
Riêng một số trường đào tạo ngành Mỹ thuật như: ĐH Kiến trúc, ĐH Mỹ thuật, ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH dân lập Hồng Bàng, CĐ Văn hóa nghệ thuật TP HCM, ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TP HCM… đều có yêu cầu sơ tuyển khi tuyển sinh.
Những thí sinh dự thi vào các trường ĐH này (dự tuyển theo các khối V, H) phải thi hai môn năng khiếu là vẽ trang trí và vẽ hình họa.
- Ngành Hội họa, Đồ họa, Mỹ thuật ứng dụng, Sư phạm Mỹ thuật (hệ chính quy) và Mỹ thuật (hệ tại chức): Khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi thí sinh phải nộp thêm 2 bài sơ tuyển là hình họa vẽ người trên khổ giấy 40 x 60 cm và bố cục vẽ màu (phong cảnh, tĩnh vật) trên giấy 30 x 40 cm.
- Ngành Thiết kế trang phục nghệ thuật và Thiết kế mỹ thuật (trường ĐH SKĐA): Sơ tuyển vẽ hình họa đen trắng theo mẫu…(Những trung tâm hướng nghiệp của các trường tuyển sinh ngành Hội họa – Mỹ thật đều có tổ chức luyện vẽ cho học sinh có nhu cầu).
Ngoại trừ ngành thiết kế thời trang của các trường tuyển sinh theo khối A, B như trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và tuyển sinh theo khối A như ĐH Công nghiệp TP.HCM thì theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT.
Video đang HOT
Học thiết kế thời trang ở đâu?
- Khoa Đồ họa – ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội
Địa chỉ: 360 – La Thành – Q.Đống Đa – Hà Nội.
- Ngành Mỹ thuật Công nghiệp – Viện Đại học Mở Hà Nội
Địa chỉ: Nhà B101 – Nguyễn Hiền – Q.Hai Bà Trưng – Hà Nội
- Khoa May và Thời trang – ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
Địa chỉ: Dân Tiến – Khoái Châu – Hưng Yên
- Khoa CN May và Thời trang – ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
Địa chỉ: 01 Võ Văn Ngân – Q. Thủ Đức -TP.HCM
- Khoa Mỹ thuật Công nghiệp – ĐH Bán công Tôn Đức Thắng
Địa chỉ: 8 Ngô Tất Tố, P.19, Q. Bình Thạnh, TP.HCM
- Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Hiện đại đa truyền thông, Khoa Dệt may – Thời trang – ĐH Hồng Bàng
Địa chỉ: Văn phòng Trường ĐH Hồng Bàng: Số 3 Hoàng Việt, P.4 ,Q.Tân Bình
- Khoa thiết kế thời trang – Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai
Địa chỉ: 368 Quốc lộ I, P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa, Đồng Nai
Và một số trường đào tạo ngành Thiết kế Mỹ thuật:
Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội
Đại học Kiến Trúc Thành phố Hồ Chí Minh
Đại học Công nghệ Sài Gòn
Đại học Dân lập Văn Lang
Đại học Dân lập Hồng Bàng
Đại học Mở Hà Nội
Đại học Nghệ Thuật Huế
Đại học Tôn Đức Thắng
Đại học Kiến trúc Hà Nội
Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai
Cao đẳng Văn Hoá và Nghệ Thuật.
Sức hấp dẫn của nghề
Sự giàu có và nổi tiếng có thể coi là sức hấp dẫn số một của nghề này. Trên sân khấu lớn, dưới ánh đèn sáng rực rỡ bên cạnh những người mẫu trẻ trung xinh đẹp khoác trên mình những bộ trang phục lộng lẫy, bạn xuất hiện, cúi chào khán giả trong những tràng pháo tay giòn giã, tán thưởng dành cho bộ sưu tập mà bạn mang tới. Và hơn thế nữa, bạn cũng có thể nhìn thấy những mẫu thiết kế của mình được mọi người sử dụng ở khắp nơi, được lên những trang tạp chí đắt tiền. Bạn thậm chí còn được các diễn viên, ca sĩ nổi tiếng đặt hàng những trang phục để họ đi dự các liên hoan lớn. Tên tuổi cùng với thương hiệu của bạn sẽ được nhiều người biết đến chưa kể đến những lợi nhuận về tài chính mà công việc có thể mang lại.
Những khó khăn phải đối mặt
Khó khăn đầu tiên của nghề chính là từ những hạn chế của lĩnh vực thời trang trong nước. Một thực tế không thể phủ nhận đó là thời trang Việt Nam so với thế giới cũng giống như chàng tý hon đứng cạnh những gã khổng lồ. Nói cách khác, ngành thời trang Việt Nam chưa phát triển vì không có “công nghệ về thời trang” với quy trình đào tạo chuyên nghiệp… Tuy nhiên, với xu thế phát triển hiện nay, ngành thời trang đang có nhiều cơ hội lớn và trông chờ vào một đội ngũ trẻ chuyên nghiệp đang được đào tạo một cách bài bản trong tương lai.
Tiếp đó, sự giàu có và nổi tiếng cũng không phải là điều dễ dàng bởi để được mọi người công nhận tài năng bạn cần phải học để lấy được tấm bằng thiết kế thời trang cũng như kiến thức về may đo, xu hướng thời trang theo từng giai đoạn thay đổi như thế nào nhằm phục vụ cho công việc. Một điều cũng cần lưu ý đó là sự cạnh tranh khốc liệt cũng như khó khăn để có thể thành công của nghề này. Ngoài ra, nghề thiết kế không chỉ đòi hỏi những kiến thức qua đào tạo, trường lớp mà còn đòi hỏi bạn phải học thêm nhiều trong thực tế. Như một thiết kế viên của công ty may Việt Tiến cho biết công ty anh đã từng nhận đến bốn thiết kế viên được đào tạo chuyên ngành đàng hoàng, thậm chí có người từng đỗ thủ khoa của ngành, nhưng… lại “không sử dụng được”.
Phải nói thêm rằng để có thể trở thành một nhà thiết kế với những mẫu sáng tạo có giá trị thực tiễn là một quá trình lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ. Để có thể đứng trên sân khấu, nhận lấy những tràng vỗ tay tán thưởng dành cho thành quả của mình, những nhà thiết kế thực sự phải nỗ lực rất nhiều. Đó là hàng giờ trăn trở bên giá vẽ, trong xưởng may để có thể cho ra đời một mẫu thiết kế tâm đắc và được mọi người đón nhận. Hầu hết những nhà thiết kế có danh tiếng đều bắt đầu sự nghiệp với những công việc hết sức khổ cực và đây cũng chính là một phần của nghề thiết kế hay ít nhất trong một vài năm đầu của nghề.
Theo Học mãi
Khóc, cười vì ngành... "hot"
Chọn nghề "hot", nghề thời thượng... đang trở thành "căn bệnh" của nhiều học sinh trung học trước ngưỡng cửa đại học. Do không được định hướng kỹ, nhiều bạn không hiểu gì về ngành mình đã chọn và rơi vào tình thế dở khóc dở cười khi ra trường.
Nguyễn Ngọc Thảo, nhớ lại hồi làm hồ sơ thi đại học (ĐH), thấy bạn bè kháo nhau ngành Kinh doanh Quốc tế đang "hot", vậy là lao vào khoa Kinh doanh Quốc tế của ĐH Tài chính - Marketing, chỉ vì "mình thấy các bạn bảo ngành này đang là sự lựa chọn hàng đầu của giới trẻ, môi trường làm việc năng động và cá tính".
Ảo tưởng nghề
Cũng giống như Thảo, nghe ti vi, báo đài thấy ngành PR đang là một xu hướng lựa chọn mới của những người trẻ muốn thả sức sáng tạo, Quỳnh Anh gấp gáp đăng ký vào Khoa báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM dù cô chẳng hiểu thực sự PR là cái gì và cô có khả năng theo đuổi ngành học đó hay không? Lúc ra trường sẽ làm gì?
May mắn đến với Thảo khi đỗ vào ngành mình đăng ký, thế nhưng niềm vui đỗ đạt nhanh chóng vụt tắt bởi ngành nghề mà Thảo đeo đuổi chẳng thích hợp với tố chất chút nào. Những ngày lên lớp dần trở thành trách nhiệm. Thảo chán học, than thở với bạn bè thì nhận được những câu nói: "Ai vào ĐH mà chẳng kêu chán, cố lấy tấm bằng ra trường, cũng có mấy ai làm đúng ngành nghề đào tạo đâu".
Cũng chẳng khác gì Thảo, chán chường vì nghề PR hóa ra khó khăn và nhiều thử thách ngoài suy nghĩ ban đầu, vậy là Quỳnh Anh đi học lớp văn bằng 2 của ĐH Kinh tế TP HCM để chuyển nghề.
Trong giới trẻ đang hình thành trào lưu chọn nghề "hot" và chạy theo ảo tưởng nghề. Họ chọn nghề theo đam mê nhất thời và bằng sự hiểu biết mù mờ về nghề để lúc cầm bằng ra trường mới "dở khóc, dở cười" đi xin việc, hoặc mau chóng chán nản, bỏ nghề.
Cần định hướng nghề rõ ràng
"Tiêu chí để đánh giá nghề "hot" là cơ hội việc làm lớn, nhu cầu của xã hội nhiều và triển vọng phát triển nhưng không phải với bất cứ ai lao vào nghề thời thượng cũng thành công như mong muốn. Học sinh (HS) hiện nay rất thiếu định hướng đầy đủ và hoàn thiện cho sự lựa chọn nghề nghiệp của mình", ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, chia sẻ. Tại hầu hết các trường THPT hiện nay, HS lớp 12 được nhà trường tạo mọi điều kiện để tốt nghiệp, còn khâu hướng nghiệp thì không phải trường nào cũng quan tâm. Đến lúc đặt chân vào giảng đường, các bạn trẻ mới được tiếp cận với những hoạt động giúp sinh viên nhìn nhận, làm quen với công việc thực tế.
Hiện nay, sự gắn kết giữa các trường cao đẳng, ĐH với các trường THPT trong việc tư vấn chọn ngành, chọn nghề giúp HS hết sức lỏng lẻo. Thông tin về các khoa, trường đào tạo các lĩnh vực đến tai, tới mắt HS THPT thường rất chung chung. Có những thí sinh thi đại học, thậm chí kể cả sinh viên đang theo học tại các trường cũng chưa hề hình dung được về công việc thực tế mà mình sẽ làm sau khi ra trường, chỉ tới khi đi thực tập, nhiều bạn trẻ mới "vỡ mộng"... hoá ra chuyên ngành mình học và sau này sẽ làm công việc như vậy.
Chia sẻ về việc định hướng nghề nghiệp cho HS, ông Đỗ Việt Hà, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn Nhân lực, Bộ GD-ĐT, cho biết: "Để định hướng nghề nghiệp cho HS, chúng ta phải biết 50 năm nữa ở đất nước ta cần phát triển nhân lực trong những ngành nghề gì, phân bố nhân lực ra sao. Việc hướng nghiệp cho HS có thể thực hiện từ lớp 8 để xác định rõ nghề nghiệp cho mình. Trong chương trình đào tạo hiện nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường lồng ghép việc hướng nghiệp cho HS vào các môn học. Bên cạnh đó, nhà trường cần mở những buổi ngoại khóa, những cuộc thi tìm hiểu về nghề nghiệp dành cho HS".
Theo Đất Việt
Trang phục "độc" của Lady Gaga đều là "hàng dùng lại"! Nếu như bạn là một trong số rất nhiều người từng trầm trồ thán phục trước khả năng sáng tạo và cả lòng dũng cảm của Lady Gaga với hàng loạt bộ trang phục cực-kỳ-quái, thì ắt là bạn cũng sẽ bất ngờ với loạt hình sau đây. Dường như không phải tất cả những bộ đồ từng diện đều là hàng "độc"...