Thiết kế áo dài “Hương sắc miền Tây”
Nếu nói đến nhà thơ Huệ Thi, người trong văn giới biết tiếng chị qua 6 tập thơ đã xuất bản. Với lĩnh vực thiết kế thời trang, Huệ Thi là một “lính mới”, bước đầu được nhắc đến là một nhà thiết kế áo dài chuyên nghiệp vùng sông nước Cửu Long.
Huệ Thi là người phụ nữ đa tài, lĩnh vực nào cũng để lại dấu ấn. Phải chăng nhờ khí chất người xứ Quảng vừa sáng tạo, đôn hậu, lại vừa quyết đoán, dấn thân mà chị kinh doanh, quản lý giỏi và sáng tạo nghệ thuật thăng hoa bay bổng? Ít ai biết nữ sĩ có tiếng này lại theo học bài bản chuyên ngành… xây dựng cầu đường. Làm trong ngành giao thông một thời gian, chị chuyển sang làm Giám đốc chi nhánh Cần Thơ của Công ty Cổ phần chứng nhận và giám định VinaCert trong 7 năm. Khi chuyện “cơm áo gạo tiền” hết làm khó “khách thơ”, Huệ Thi quyết thử sức với đam mê thời trang từ thơ ấu, nhất là với áo dài truyền thống của dân tộc.
Mới bước vào nghề thiết kế nhưng Huệ Thi đã sớm tạo được chú ý với các bộ sưu tập giá trị. Đó là lý do để chị được mời tham gia vào chương trình “Festival áo dài Việt Nam” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trên nhiều địa phương trong suốt năm 2020.
Nhà thiết kế thời trang Huệ Thi trong một mẫu thời trang “Hương sắc miền Tây”. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Từ tình cảm với miền đất lập nghiệp 20 năm qua, Huệ Thi quyết định thiết kế bộ sưu tập đặc sắc mang đậm dấu ấn Tây Nam Bộ. Nhưng từ ý tưởng đến khi hoàn thiện lại chẳng hề dễ dàng. Nhiều đêm chị trăn trở chọn chất liệu để truyền tải văn hóa miền Tây, thể hiện cá tính con người phóng khoáng, lãng mạn. Huệ Thi tham khảo đồng nghiệp đi trước, tìm hiểu về lịch sử đất và người miền Tây và cuối cùng chị đã quyết định chọn lãnh Mỹ A làm chất liệu chủ đạo cho bộ sưu tập với cái tên rất gợi “Hương sắc miền Tây”.
Lãnh Mỹ A được khôi phục bởi những người dệt lụa Tân Châu (An Giang) và trở nên nổi tiếng bởi những nhà thiết kế thời trang thổi hồn vào thứ lụa “sang chảnh”. Lãnh Mỹ A đắt giá, thường phải đặt trước hàng tháng trời bởi 100% được dệt từ tơ tằm với kỹ thuật cao, nhất là màu đen huyền bí được nhuộm thủ công từ trái mặc nưa. Chọn dòng lãnh Mỹ A, Huệ Thi muốn chuyển tải thông điệp “Phát huy giá trị một sản phẩm đặc trưng của miền Tây, một sản phẩm mà nhắc đến là khơi dậy bao ký ức của thế hệ những người dệt lụa và từng mang trên người lụa quý”. Nhắc đến miền Tây là nhắc tới chiếc khăn rằn choàng cổ. Huệ Thi chọn chất liệu khăn rằn từ xứ sở sen hồng Đồng Tháp sáng tạo khéo léo để làm nổi bật thêm nét đài các vốn có của lãnh Mỹ A, đồng thời cân bằng với mộc mạc từ khăn rằn, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng, không gồng mình, không xa cách.
Video đang HOT
Bộ sưu tập bỗng có sức hút, đẹp nền nã, thể hiện sự dịu dàng của người phụ nữ sông nước miền Tây. Đó là lý do có thể tin bộ sưu tập “Hương sắc miền Tây” của Huệ Thi sẽ chinh phục người yêu thích áo dài.
COVID-19, "đi đường quyền" xuất hiện trong trang phục dân tộc của Miss Universe 2020
Sau hơn một tháng khởi động, cuộc thi "Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2020" đã thu hút đông đảo thí sinh tham gia, trong đó nhiều bài thi thể hiện sự sáng tạo, độc đáo đến mức... khó hiểu.
Với chủ đề khá khó nhằn Việt Nam - Tuyệt Tác Đường Cong và giới hạn trên chất liệu áo dài nhưng các thí sinh năm nay vô cùng sáng tạo, đặc biệt nhiều bài thi chú trọng đến yếu tố độc đáo và kỹ năng trình diễn trên sân khấu, tạo sự bất ngờ đến choáng váng cho khán giả.
Lấy ý tưởng từ đại dịch toàn cầu COVID-19, bài thi Việt Nam Kiên Cường của thí sinh Cao Văn Tường hướng đến tính trình diễn, bày tỏ lòng biết ơn với các bác sĩ trên toàn thế giới. Trang phục gồm lớp khoác bên ngoài là bộ đồ bảo vệ bên trong là tà áo dài trắng, khi đến giữa sân khấu mở cúc áo bảo hộ, xoay một vòng lộ ra chiếc áo dài trắng. Áo bảo hộ bên ngoài thiết kế để dễ tháo ra khi trình diễn. Sau lưng là chiếc bình xịt sát khuẩn, gắn trên lưng như một chiếc ba lô, dính liền với áo bảo hộ.
Mang tên Thịnh Vượng, bài thi của thí sinh Lý Thái chứa nhiều ý nghĩa. Đầu tiên ý nghĩa về vàng - trang sức được nhiều người dân Nam Bộ yêu thích. Việc đeo trang sức vàng như là một phần thưởng sau những tháng ngày vất vả của người dân. Hình ảnh Phật Di Lặc đặc biệt mang đến sự hạnh phúc và may mắn trong cả đời thường lẫn đời sống tâm linh. Hơn hết, câu chuyện truyền năng lượng tích cực của nhân vật tạo ảnh hưởng lớn trong cộng đồng LGBTQ chính là nguồn cảm hứng chính cho bộ trang phục này, cô Minh Hiếu "7 miếng đất". Qua đó, hướng đến cuộc đời đầy lạc quan và lối sống tích cực.
Áo Dài Tung Lưới của thí sinh Nguyễn Thái Cường lấy ý tưởng từ văn hóa bắt cá mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ. Bộ trang phục được thiết kế với phần trung tâm là cô gái mặc áo dài trắng, phần chân của người mặc giấu dưới chiếc váy hình cuộn nước bên dưới. Khi trình diễn, người mặc sẽ thể hiện động tác văng lưới, thể hiện hình ảnh hùng vĩ của thiên nhiên và con người.
Lạc Vân của thí sinh Võ Thanh Can sử dụng hình tượng loài chim nước quen thuộc, sải cánh bay trên trống đồng Đông Sơn. Thiết kế vẫn giữ nguyên phom dáng áo dài của Việt Nam, điểm nhấn chính từ nhiều chất liệu lông trắng khác nhau và hiệu ứng đính kết pha lê thủ công. Đôi cánh cách điệu được bắt chéo, cùng hình ảnh chim lạc được chế tác thủ công đính kèm ở sau, thay cho khăn mấn và trâm cài truyền thống.
Đi Đường Quyền của thí sinh Nguyễn Duy Gun là một bài thi thú vị bắt theo trend hiện nay của giới trẻ. Vàng đeo trên tay, trên cổ thể hiện sự giàu có, đẹp đẽ, và đúng chất miền Tây Việt Nam. Đồng thời hình ảnh 7 quyển sổ đất là thành quả của con người cần cù có được. Tà sau là hình ảnh cô Minh Hiếu được nhiều bạn trẻ yêu mến.
Bộ trang phục Hồ Gươm của thí sinh Vũ Quốc Việt lấy ý tưởng từ sự tích Hồ Gươm, với hình ảnh nổi bật của rùa vàng và Hồ Gươm, cùng với những họa tiết màu sắc không đối xứng với nhau, bộ trang phục đề cao yếu tố văn hóa lịch sử.
Ấn tượng với nền văn hóa cổ phong đậm chất Huế, thí sinh Phạm Hoài Nam đã sáng tạo nên bài thi Nàng Lam Xứ Huế. Vẻ đẹp hòa quyện cổ kính và hiện đại được thể hiện bằng hiệu ứng trình diễn trên sân khấu, tạo sự bất ngờ cho khán giả.
Tết Việt của thí sinh Nguyễn Phúc Hậu sử dụng ý tưởng độc đáo về ngày Tết cổ truyền Việt Nam, với bánh chưng, bánh tét, hoa mai, hoa đào, câu đối đỏ, ông đồ già... Màu sắc chính của Tết Việt là màu vàng và đỏ, cũng là hai màu chủ đạo của Quốc kỳ Việt Nam.
Một bài thi khác của thí sinh Cao Văn Tường, Đất Võ Trời Văn lấy ý tưởng từ võ thuật lâu đời Tây Sơn và hát Bội của Bình Định. Điểm nhấn là khi đi ra sân khấu, người mặc sẽ đi roi (quyền) mạnh mẽ, dứt khoát.
I Am Vân của thí sinh Nguyễn Văn Điền lấy ý tưởng từ những bức tranh vẽ về Sài Gòn, nhằm giới thiệu về một thành phố năng động, hiếu khách và đó cũng là quê hương của Hoa hậu Khánh Vân. Với chiếc mấn được lấy ý tưởng từ biểu tượng của Miss Universe, gắn ngôi sao mong muốn Khánh Vân sẽ thực hiện trọn vẹn hành trình chinh phục vương miện của mình bằng một trái tim thật dũng cảm.
Trang phục ngày hè ở Trung Quốc cổ đại: Có nhiều loại quần áo mà người xưa can đảm mặc vào hơn con cháu thời hiện đại Người xưa đối phó với cái nóng bằng trang phục thế nào vẫn luôn là một dấu chấm hỏi lớn của thế hệ con cháu ngày nay. Hiện nay, chúng ta có thể mặc áo tay ngắn, quần short, váy ngắn vào thời điểm nắng gay gắt nhưng với người xưa, họ thường mặc những trang phục thế nào trong ngày hè nóng...