“Thiên mệnh anh hùng” chưa công chiếu đã… lãnh đủ!
Theo lẽ thường, ít có bộ phim Việt nào lại không bị đem ra săm soi, so sánh, nhất là các tác phẩm được chuyển thể từ kịch bản nước ngoài và phim cổ trang. Thiên mệnh anh hùng không phải ngoại lệ. Ngay sau khi tung trailer hoành tráng thu hút kha khá sự quan tâm của khán giả nước nhà thì bộ phim này đã bị đem ra phân tích, mổ xẻ. Cùng xem khán giả “kết tội” gì Thiên mệnh anh hùng nhé.
Kịch bản không tôn trọng lịch sử
Thiên mệnh anh hùng là bộ phim võ hiệp được sản xuất dựa trên tiểu thuyết Bức huyết thư của nhà văn Bùi Anh Tấn. Tác phẩm kể lại vụ án Lệ Chi Viên khiến Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Gia đình ông chỉ còn đứa cháu nội sống sót. 20 năm sau, anh ta tìm cách minh oan cho gia đình. Bức huyết thư dựa trên một phần lịch sử, đồng thời sử dụng phương pháp hư cấu văn học tạo nên cốt truyện hấp dẫn.
Bối cảnh phim cực đẹp
Chính yếu tố hư cấu này đã khiến nhiều khán giả thất vọng vì Thiên mệnh anh hùng làm sai sử. Thứ nhất, trong phim sau khi thoát chết lúc tròn 5 tuổi, 16 năm sau (tức lúc này anh ta 21 tuổi) Trần Nguyên Vũ (cháu nội Nguyễn Trãi) đã xuống núi, tìm cách minh oan cho gia tộc. Khán giả cho rằng trên thực tế, dựa vào thảm án Lệ Chi Viên (1442) và thời điểm Nguyên Vũ đi trả thù (khoảng 1470 – 1475), anh ta phải tầm 28 – 33 tuổi.
Thứ hai, việc phóng tác hậu duệ của Nguyễn Trãi đi trả thù cho gia tộc khiến hình ảnh kiên trung của ông và sự công minh của vua Lê Thánh Tông bị ảnh hưởng. Phim lịch sử thì phải giữ đúng lịch sử, không cho phép sự hư cấu, tưởng tượng.
Trần Nguyên Vũ
Nhưng Thiên mệnh anh hùng không phải là phim tài liệu lịch sử. Ngay từ đầu, nhà sản xuất đã khai thác một hướng đi hoàn toàn khác với câu chuyện có thật. Đạo diễn Victor Vũ cho biết: Thiên mệnh anh hùng đi theo phong cách võ hiệp – hành động – trinh thám. Thế nên, phim có những yếu tố hư cấu để làm tăng tính hấp dẫn, không thể vì vậy mà quy kết là không tôn trọng lịch sử.
Mặt khác, văn học Việt Nam từ xưa đến nay vốn không thiếu những truyện võ hiệp – kỳ tình. Bức huyết thư chỉ là một trong số đó. Hơn nữa, Bức huyết thư chỉ kể lại quá trình Nguyên Vũ minh oan cho dòng tộc chứ thực chất không kể chuyện anh ta báo thù.
Nguyên Vũ và nữ hiệp Hoa Xuân
Khán giả Việt có cái hay ở chỗ: Nếu là phim hiện đại, kịch bản lãng mạn một chút thì đem so sánh với Hàn Quốc, còn phim cổ trang thì lấy ngay Trung Quốc ra làm thước đo. Đã đem so sánh với Trung Quốc thì chúng ta cũng cần phải nhớ, rất nhiều phim dã sử của họ không hề bị khán giả quay lưng vì hư cấu (các phim nổi tiếng Hoàng Kim Giáp, Võ Tắc Thiên, Dương Quý Phi, Thủy Hử, Bao Thanh Thiên…). Nếu chỉ làm một bộ phim lịch sử thuần túy, chắc chắn sẽ không được cả khán giả Trung Quốc và Việt Nam yêu thích như vậy.
Trang phục “bắt chước” Trung Quốc
Video đang HOT
Trang phục trong phim bị cho là giống với trang phục của Trung Quốc cổ xưa. Bị đem ra so sánh nhiều nhất chính là phục trang của Tuyên từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh. Nhiều khán giả cho rằng: nó rất giống trang phục của nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc như Võ Tắc Thiên, Phượng Ớt (Hồng Lâu Mộng)… Hoàng thái hậu của họ vấn tóc chim công, chim phượng thì Thái hậu Nguyễn Thị Anh cũng y chang.
Thái hậu Nguyễn Thị Anh…
…bị so sánh với một nhân vật trong phim Trung Quốc
Theo lịch sử ghi chép, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh là người đàn bà xinh đẹp, đầy mưu mô và xảo trá, bị nghi ngờ là chủ mưu sát hại vua Lê Thái Tông trong vụ án Lệ Chi Viên. Là người đàn bà nham hiểm và quyền lực – bậc mẫu nghi thiên hạ, Tuyên từ Thái hậu không thể ăn mặc xuề xòa, áo yếm, váy nâu, trùm khăn mỏ quạ được.
Hơn nữa không thể phủ nhận văn hóa Việt Nam có ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa Trung Hoa do bị Bắc thuộc nhiều năm, Thái hậu vấn tóc phượng có gì là lạ. Thiên mệnh anh hùng dựng lại giai đoạn lịch sử thời Lê sơ – Mạc. Đây là thời kỳ Việt Nam bị ảnh hưởng Nho giáo sâu sắc cho nên một bà hoàng hậu mặc trang phục “gần giống” Trung Quốc không phải điều đáng lên án.
Ai nói giống Trung Hoa?
Nói trang phục không “thuần Việt” thì hơi oan cho Thiên mệnh anh hùng. Bởi trang phục của nữ hiệp Hoa Xuân (Midu đóng) đúng chất Việt Nam, khi luyện võ hay trong cuộc sống đời thường đều rất giản dị. Nguyên Vũ – người duy nhất trong gia đình Nguyễn Trãi thoát nạn tru di cũng diện quần áo nâu, đầu chít khăn nâu. Hoa Hạ (Kim Hiền đóng) để mái giữa, tóc dài buộc chẳng có một chút Trung Hoa nào trong đó.
Đừng nên quá khắt khe với điện ảnh nước nhà
Những phim cổ trang ngày trước như Lục Vân Tiên bối cảnh sơ sài, phục trang đơn giản, võ nghệ ngô nghê đến tức cười. Khán giả chê và lại đem ra so sánh với Trung Quốc, rằng phim của họ hoành tráng, có đầu tư, xem phim biết nhiều về lịch sử đất nước Trung Hoa. Đến khi nước mình làm một bộ phim kiếm hiệp, xem trailer đã thấy thích mắt với những cảnh quay ấn tượng thì ngay lập tức, khán giả đã săm soi xem tác phẩm ấy giống… phim Trung Quốc đến bao nhiêu phần trăm.
Cảnh thiên nhiên Việt Nam hùng vĩ chẳng kém nước ngoài.
Trước đây, cứ nói đến phim cổ trang Việt Nam là nhiều khán giả lại e ngại, đơn giản bởi vì những bộ phim đó nội dung quá sơ sài, cách thể hiện cũ mèm. Thiên mệnh anh hùng là bộ phim hiếm hoi mà khi vừa tung trailer đã khiến nhiều khán giả trầm trồ vì… đẹp quá. Thiên nhiên Việt Nam lên phim cực đẹp và ấn tượng, nhiều khán giả lầm tưởng là phim cổ trang Trung Quốc.
Nhưng thực tế điều này có gì sai khi chúng ta học hỏi cách làm của một nền điện ảnh xuất sắc trên thế giới? Đừng nói đó là copy bởi các cảnh quay hoàn toàn được thực hiện ở Việt Nam. Đoàn làm phim đã phải đi khắp nơi trên Tổ quốc để tìm được những bối cảnh đẹp như vậy.
Kết
Với một tác phẩm điện ảnh cổ trang hoành tráng như Thiên mệnh anh hùng, hy vọng khán giả đừng quá khắt khe. Đây là bộ phim hoàn toàn “made in Việt Nam” vì thế rất mong người xem hãy mở lòng đón nhận. Phải như thế, các nhà làm phim mới có động lực để làm nhiều bộ phim chất lượng tiếp theo. Chúng mình hãy cùng ủng hộ Thiên mệnh anh hùng và cùng tự hào về phim cổ trang kiếm hiệp không hề thua kém nước ngoài của Việt Nam nhé.
Theo PLXH
"Sốt sình sịch" siêu phẩm võ thuật Việt
Siêu phẩm võ thuật này được sánh ngang những tác phẩm đình đám thế giới.
Từ tháng 5/2011, những thông tin đầu tiên về phim đã được gửi tới báo giới, khi đó dự án còn mang tên Bức Huyết Thư - theo tên của tiểu thuyết gốc của nhà văn Bùi Anh Tấn. Cùng với những thay đổi cần thiết về nội dung, nay bộ phim chính thức mang tên Thiên mệnh anh hùng.
Với sự chỉ đạo của đạo diễn hành động Johnny Trí Nguyễn, bộ phim sẽ có những cảnh quay võ thuật đẹp mắt
Thiên mệnh anh hùng sẽ là một bộ phim võ hiệp đầy chất Việt Nam với nguồn gốc câu chuyện không xa lạ nhưng lại bất ngờ bởi những hư cấu dã sử đan xen trong một bối cảnh có những nhân vật có thật.
Teaser trailer của Thiên mệnh anh hùng vừa được ra mắt
Theo đạo diễn Victor Vũ, anh đã bị lôi cuốn ngay khi bắt đầu đọc những trang đầu của tiểu thuyết Bức huyết thư. Bản thân anh, đã từ lâu mong muốn được tham gia một bộ phim võ hiệp tại Việt Nam. Câu chuyện về những bí mật cung đình được thể hiện theo phong cách Kim Dung này đã cung cấp gần như đầy đủ những chất liệu cho một bộ phim hấp dẫn. Từ bối cảnh lịch sử, nhân vật và tính cách của họ, các tình tiết xung đột gay cấn và cả một mối tình lãng mạn kiểu hiệp khách giang hồ, tất cả đều hứa hẹn cuốn hút người xem.
Trần Tổng Quản do Khương Ngọc đảm nhiệm
Bùi Anh Tấn rất ủng hộ việc chuyển thể cuốn sách của anh thành phim. Nhà văn này chia sẻ, khi viết truyện, anh đã có sẵn trong đầu những hình dung về diện mạo nhân vật, bối cảnh... Vì thế, anh rất mong mỏi những gì mình ấp ủ sẽ được đưa lên màn ảnh trung thực nhưng vẫn đầy sáng tạo. "Tôi tôn trọng sự sáng tạo của các nhà làm phim. Vào lúc này, làm phim đã trở thành một thương vụ tốn kém, nhưng tôi tin vào tiềm lực của các nhà sản xuất, tin rằng Victor Vũ với kinh nghiệm và đam mê của mình, sẽ làm được một bộ phim võ hiệp đúng nghĩa".
Thiên mệnh anh hùng kể về một giai đoạn lịch sử sau thảm họa Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam:
Sau vụ thảm án Lệ Chi Viên, gia tộc Nguyễn Trãi chỉ có một người may mắn sống sót. Đó là một đứa bé 5 tuổi, cháu nội Nguyễn Trãi, được một gia tướng đem đi trốn thật xa để tránh sự truy sát của phe đảng Tuyên Từ Hoàng thái hậu.
Tuyên Từ Hoàng thái hậu do Vân Trang thủ vai với tạo hình rất ấn tượng
Vua Lê Nhân Tông lên ngôi lúc mới 2 tuổi. Tất cả mọi việc trong triều đều do Tuyên Từ Hoàng thái hậu nắm quyền nhiếp chính.
16 năm sau, đứa bé năm xưa may mắn thoát chết, nay đã là một thanh niên 21 tuổi khôi ngô, cường tráng và tinh thông võ nghệ mang tên mới là Trần Nguyên Vũ. Sau khi được ân sư cho biết thân thế thật sự, Nguyên Vũ đã xuống núi và bắt đầu cuộc phiêu lưu hấp dẫn và nguy hiểm. Đó là vào sâu trong triều đình với quyết tâm trả thù kẻ đã hại gia đình và minh oan cho dòng tộc.
Càng dấn sâu vào chốn quan trường, Nguyên Vũ càng hiểu rõ những chuyện cơ mật, những mưu toan tranh giành quyền lực giữa các thế lực, phe phái trong triều đình... Tuy nhiên, các phe đều dè chừng lẫn nhau vì lời đồn đại về sự tồn tại của một bức huyết thư cho biết sự thật đằng sau vụ án Lệ Chi Viên.
Trong phim cũng không thiếu những cảnh tình tứ đầy lãng mạn
Trong không gian đầy thù địch ấy, Nguyên Vũ gặp Hoa Xuân, một nữ hiệp xinh đẹp có cùng một mối thâm thù và cùng chí hướng với mình. Định mệnh đưa họ đến với nhau trên con đường truy tìm bức huyết thư. Cùng nhau họ trải qua bao nhiêu âm mưu nguy hiểm của các phe phái, những cuộc tàn sát, những trận đối đầu nảy lửa giữa các sát thủ và các hiệp khách.
Bức huyết thư tiết lộ điều gì? Nếu có được nó trong tay, người ta có thể đảo lộn thời cuộc như lời đồn đại hay không? Nguyên Vũ và Hoa Xuân sẽ làm thế nào thoát khỏi trùng vây những mưu đồ và những cuộc truy sát để có thể góp phần minh oan cho tiền nhân? Tình yêu của họ sẽ ra sao khi bao quanh bởi các toan tính hận thù?
Minh Thuận với vai 1 nhà sư hứa hẹn đầy ấn tượng
Thiên mệnh anh hùng hứa hẹn sẽ không chỉ là một phim hấp dẫn cho mùa phim Tết 2012 mà hy vọng sẽ là một bước tiến của điện ảnh Việt Nam cả về góc độ kỹ thuật và nghệ thuật theo ý nghĩa mở rộng phạm vi thể loại, phong cách cho phim Việt Nam. Hiện Thiên mệnh anh hùng đang nhận được sự quan tâm theo dõi đặc biệt của khán giả.
Theo BĐVN
Midu hóa mỹ nữ cổ trang trong "Thiên Mệnh Anh Hùng" Thiên Mệnh Anh Hùng là dự án mới nhất trong "gia tài" phim cổ trang hiếm hoi của làng điện ảnh Việt. Tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết dã sử Bức Huyết Thư của nhà văn Bùi Anh Tấn. "Nữ hiệp" Midu luyện kiếm giữa rừng Thiên Mệnh Anh Hùng tái dựng lại câu chuyện về những nhân vật sau vụ...