‘Thiên đường săn mây’ ở Sìn Hồ
Sìn Hồ ( Lai Châu) được mệnh danh thiên đường săn mây, điểm đến của các phượt thủ ưa mạo hiểm và giới trẻ thích khám phá.
Cao nguyên Sìn Hồ được xem là “ Sa Pa thứ hai của Việt Nam” với độ cao trung bình trên 1.500 m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình trong năm chỉ vào khoảng 18 độ C cùng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng.
Sìn Hồ hoang sơ, hùng vĩ đắm mình trong miển mây bồng bềnh ảo diệu. Ảnh: Lê Hồng Hà
Từ Điện Biên ta có thể đến Sìn Hồ theo quốc lộ 12 lên Mường Lay, đến ngã ba Chăn Nưa rồi rẽ vào Tỉnh lộ 128 để đi dọc theo dòng sông Đà hùng vĩ, chinh phục hai đoạn đèo Ma Thì Hồ (Mường Lay) và Chăn Nưa (Sìn Hồ) quanh năm mây phủ.
Dù đi theo đường nào, du khách cũng có thể tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ cùng cảm giác mạo hiểm khi uốn lượn theo cung đường lên xuống dốc khá hiểm trở.
Bình Minh ở Sìn Hồ. Ảnh: Pháp luật Việt Nam
Dọc hai bên đường, du khách sẽ bắt gặp nhiều thác nước, suối nước nhỏ với những dòng nước trong vắt, mát lạnh xen giữa màu lan rừng tím ngắt hay trắng muốt. Xa xa là đồi núi được phủ kín bởi mây mờ lung linh, huyền ảo.
Con đường để tới Sìn Hồ như một dải lụa ngoằn ngoèo xuyên qua đại ngàn và những dãy núi đá cao ngất trời.
Sìn Hồ cuốn hút bước chân lữ khách bởi biển mây bồng bềnh và sự hoang sơ của núi rừng vùng cao. Đây là một trong những địa điểm “săn mây” được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Bất kỳ ai đến với Sìn Hồ đều cảm thấy như đang lạc vào trong thế giới hư hư thực thực, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Ẩn hiện trong những vầng mây là những ngôi nhà sàn thấp thoáng, bập bùng ánh lửa… Mây huyền ảo vấn vít quanh người, tưởng như chỉ cần giang rộng vòng tay là có thể ôm cả biển mây vào lòng.
Khung cảnh khiến bất cứ ai đến Sìn Hồ đều mê đắm. Ảnh: Lê Hồng Hà
Video đang HOT
Ở Sìn Hồ quanh năm mây phủ nên du khách có thể đến các địa điểm như Cổng Trời, Tả Ngảo, núi Tiên Ông, núi Ông Đá để được chiêm ngưỡng mây. Nếu đến vào buổi chiều, du khách sẽ được nhìn thấy một biển mây khoác trên mình màu hoàng hôn ảo diệu.
Thời điểm săn mây đẹp nhất trong năm là từ tháng 3 đến tháng 4.
“Thiên đường săn mây” ở Sìn Hồ. Ảnh: Pháp luật Việt Nam
Bên cạnh săn mây, Sìn Hồ còn nổi tiếng với những bài thuốc tắm bí truyền.
Từ trước đến nay, đồng bào dân tộc Dao ở thị trấn Sìn Hồ coi tắm lá thuốc là phương pháp chữa bệnh bằng đông y. Cách thu thập các loại lá cây rừng – nguyên liệu cho nồi nước thuốc được truyền loại qua nhiều đời.
Được biết, nguyên liệu có từ 15 – 20 loại lá rừng, có thể kể đến cù anh đéng, cù tẩy hây, hoàng đìu nheo, lùng ngải… Hiện nay, trong vùng đồng bào dân tộc Dao ở thị trấn còn rất ít người biết các loại lá này. Do vậy, lấy đủ nguyên liệu bà con phải vào rừng sâu, đi mất cả ngày đường.
Hiện nay, dịch vụ tắm lá thuốc của đồng bào dân tộc Dao là một trong những điểm nhấn của du lịch cao nguyên Sìn Hồ.
Người phụ nữ này đang giới thiệu thảo mộc làm thuốc tắm. Ảnh: Dân Việt.
Chợ phiên cũng là một điểm nhấn đặc sắc của du lịch Sìn Hồ. Chợ chỉ họp vào 2 ngày cuối tuần nên rất sôi nổi, không chỉ có người dân địa phương mà còn có những người dân từ thôn bản khác đổ về tham gia.
Chợ phiên này chủ yếu buôn bán những mặt hàng do bà con tự làm ra. Vào ngày này, chị em phụ nữ người dân tộc sặc sỡ trong những bộ váy thổ cẩm, gương mặt rạng rỡ, tiếng cười giòn tan tạo nên một không khí mang đậm chất văn hóa, một bức tranh vô cùng sống động.
Đến với phiên chợ Sìn Hồ, bạn sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản xứ núi và được hòa mình vào những điệu khèn lá du dương, điệu múa mềm mại của những chàng trai, cô gái trẻ…
Một góc chợ phiên Sìn Hồ.
Để khám phá Sìn Hồ, du khách có thể tham khảo một số kinh nghiệm dưới đây:
Từ Hà Nội đi Sìn Hồ
Từ Hà Nội các bạn có 2 lựa chọn để đi đến Lai Châu. Phương án thứ nhất đi qua đường 32 đi Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải, Than Uyên rồi đến Lai Châu. Hãy lựa chọn phương án này nếu các bạn có kế hoạch khám phá Nghĩa Lộ hay ngắm mùa lúa chín ở Mù Cang Chải. Lựa chọn phương án này quãng đường sẽ xa hơn (khoảng 420km) và thời gian sẽ lâu hơn.
Phương án thứ hai là sử dụng tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, sau đó lên Sa Pa và qua đèo Ô Quy Hồ để sang Lai Châu. Phương án thứ hai này quãng đường di chuyển sẽ giảm khoảng 40-50km, thời gian giảm khoảng 4 tiếng do chặng Hà Nội – Lào Cai đi hoàn toàn trên cao tốc.
Từ Lai Châu đi Sìn Hồ
Nếu sử dụng phương tiện công cộng, các bạn có thể bắt các tuyến xe giường nằm đi Lai Châu từ Mỹ Đình (Hà Nội) để đến trung tâm TP Lai Châu. Từ đây các bạn có thể sử dụng các tuyến xe đi các huyện để tới Sìn Hồ. Mỗi ngày thường có 2 chuyến xe khách xuất phát từ bến xe trung tâm Lai Châu đi huyện vùng cao này vào lúc 6h và 13h30.
Lưu trú ở Sìn Hồ
Ngay trung tâm huyện Sìn Hồ cũng có sẵn một số khách sạn, nhà nghỉ với chất lượng tương đối để các bạn lựa chọn. Các khách sạn này có đủ các tiện nghi tối thiểu, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của khách du lịch.
Nếu không thích ở khách sạn, các bạn có thể lựa chọn homestay tại bản, làng. Chủ homestay khá hiếu khách và giúp bạn trải nghiệm cuộc sống dân dã của bà con ở bản với giá cả hợp lý.
Kết hợp với các địa điểm khác
Để đến được Sìn Hồ, các bạn sẽ đi qua TP Lai Châu và huyện Tam Đường, đây cũng đều là những nơi có rất nhiều thắng cảnh đẹp như Cọn nước Nà Khương, Đồi chè Bản Bo, bản Nà Luồng… mà các bạn không nên bỏ lỡ. Hãy kết hợp những địa điểm này lại để sắp xếp thành một cung hoàn chỉnh nhé.
Ruộng bậc thang Sìn Hồ. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Lai Châu.
Ấn tượng chợ phiên Sìn Hồ
Chợ phiên Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) thu hút du khách bởi vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ vỹ và những tập quán lâu đời hình thành nên bản sắc văn hóa của người dân nơi đây.
Từ cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng ở biên giới Việt - Trung, đồng hành cùng anh bạn người bản địa, theo con đường uốn lượn bên sườn núi sương giăng mây phủ, đi khoảng 30 km rẽ lên những vạt núi ở độ cao gần 1.500 m là tới chợ phiên Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Nơi đây, người ta có cảm giác lạnh giá, lẻ loi lại vừa cảm nhận được sức sống từ những thung lũng rạng rỡ bừng lên trong nắng.
Sau những cơn mưa dài hôm trước, nắng đã kịp hong khô một vài chỗ trên con đường vào chợ, nhưng cứ có sức nặng đè lên là hai bánh xe lại trơn trượt, ngoặt nghẹo, khi chúng tôi tới nơi mặt trời đã ngang đỉnh đầu. Chợ phiên Sìn Hồ họp vào ngày Chủ Nhật, thu hút rất đông đồng bào dân tộc Dao, H'Mông, Lự, Phù Lá ở trong vùng, tạo nên một chợ phiên vùng cao xôn xao, ngập tràn muôn màu sóng hoa văn thổ cẩm.
Các chàng trai, cô gái dân tộc Lự trang phục đẹp từ khắp các làng bản vùng cao rộn rã tới chợ từ mờ sáng. Họ mang theo những sản vật kiếm được từ núi rừng hay các sản phẩm thủ công. Thổ cẩm của người H'Mông, người Lự ở đây có thể bán hay dùng để trao đổi hàng hóa. Những tấm lanh của người H'Mông tự tay làm rất đẹp và bền.
Sìn Hồ - cái tên được người dân nơi đây đặt tên và chọn làm nơi họp chợ từ xa xưa nay vẫn thế, khác chăng là những mặt hàng bán đã phong phú hơn trước rất nhiều. Xưa chợ chủ yếu bán các mặt hàng cuốc, thuổng, dao quắm hay các hàng thiết yếu do đồng bào tự làm, tự bán, nay chợ bán đủ thứ, chẳng thiếu gì từ cái kim, sợi chỉ đến những mặt hàng công nghiệp, đồ trang sức bằng bạc, đồng hay lâm thổ sản của vùng Tây Bắc. Quần áo từ Trung Quốc cũng góp mặt nhưng khó tiêu thụ.
Bằng chất giọng lơ lớ của người H'Mông, anh Chảo Kim My ở Tả Phìn, huyện Sìn Hồ vui vẻ cho hay: "Mình tới chợ buôn bán thắm thoắt vậy mà đã hơn 10 năm. Bà con ở đây ưa thích dùng hàng hóa, đồ nhựa, xà phòng sản xuất trong nước, nhờ vậy việc đánh hàng dưới xuôi lên bán cũng thuận lợi, khấm khá".
Các gian hàng bán rất nhiều váy hoa thêu tay và khâu tay, giá từ 400.000 - 1.000.000 đồng/chiếc. Khăn thêu tay giá chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng túi đựng bạc, vòng bạc, trang sức thủ công giá lại không hề rẻ.
Những cô gái H'Mông xuống chợ, có người tới chỉ để bán một con gà 200.000 đồng rồi mua muối, dầu ăn hay vài thứ vật dụng khác. Trong khi đó, các cô gái người Giáy trong trang phục áo thân dài nhẹ nhàng, mầu đỏ, xanh tím làm nổi bật lên những gam mầu đa sắc.
Độc đáo nhất ở đây là bán rất nhiều hoa lan, từ địa lan, lan đuôi công, lan trắng, lan tím, đến lan rừng. Phong lan, địa lan 5 mầu bán chỉ 100.000 đồng/nhành. Những giò hoa lan mang sắc hương miền sơn cước có sức sống, dáng vẻ phô diễn vẻ đẹp rực rỡ đến khác lạ khiến Sìn Hồ như một rừng hoa lan.
Anh Tô Hồng Long, Giám đốc Công ty Đông Phương Travel cho biết: "Người H'Mông ở đây bảo nhau trồng thật nhiều địa lan, phong lan để vừa làm du lịch vừa phát triển kinh tế gia đình. Thăm các bản làng trồng lan ở Sìn Hồ đang được xem là một sản phẩm du lịch thu hút du khách đến với huyện vùng cao biên giới này".
Đồng bào tới chợ phiên Sìn Hồ không chỉ để giao thương mà còn để gặp gỡ, để hẹn hò, để làm duyên hay say cái men say của núi rừng Tây Bắc. Qua những lần gặp gỡ, những tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng kèn môi, kèn lá, những bát rượu Mông Kê ướp men lá rừng, qua chén trà xanh hương thơm ngào ngạt... đã giúp nhiều người trong số họ thành vợ thành chồng.
Chị Nguyễn Thu Huyền (Hà Nội) chia sẻ: "Lần đầu đến chợ Sìn Hồ, thời tiết trong lành, mát mẻ. Người dân ở đây thân thiện, mến khách đem lại cảm giác thật tuyệt! Cảnh chợ phiên nhộn nhịp, đồng bào trong trang phục truyền thống rực rỡ, thưởng thức ẩm thực vùng cao đã cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi còn mua được hạt dổi và cải rừng về làm quà. Phiên chợ thật đậm đà bản sắc, mộc mạc như người dân nơi đây".
Những chợ phiên mờ trong sương ở Sìn Hồ góp phần tạo nên sức thu hút của một Tây Bắc đẹp kỳ vĩ, nguyên sơ. Đi qua những cung đường chữ S, những thảm hoa cúc, những dãy hoa đào, hoa mai trải dài trên những con đường dẫn về bản nhỏ, là đã đủ nhớ mãi về Sìn Hồ./.
Choáng ngợp trước cảnh đẹp tựa chốn thiên đường ở nước Nga Thả mình vào những phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ở nước Nga dưới đây chắc hẳn sẽ mang lại những giây phút thư giãn thoải mái cho du khách. Cảnh đẹp tựa chốn thiên đường ở nước Nga này được chụp ở đồi Kushtau thuộc Ishimbaysky, gần thành phố Sterlitamak ở vùng Bashkortostan. (Nguồn ảnh: Sputnik) Cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp trên...