Thi viết ‘Tôi chọn nghề’ lần 2: Bỏ 2 trường ĐH, lén đi học nghề
Biết không thể thuyết phục được ba, tôi giấu nhà, gói ghém hành trang vào TP.HCM học nghề để từng bước xây dựng ước mơ mở nhà hàng trà – bánh ngọt.
Như Ý (trái) tại trung tâm học nghề bếp – Ảnh: TUYẾT TRÂM
Năm 2019, trong gần 900.000 thí sinh tham gia xét tuyển ĐH-CĐ, tôi trúng tuyển hai trường ĐH với mức điểm 22,5 đúng như ba mẹ mong đợi. Đứng giữa sự cân nhắc hai ngành kinh tế và quản trị nhà hàng, khách sạn tại hai trường ĐH có tiếng ở TP.HCM, tôi lại ngậm ngùi cất hồ sơ vào hộc bàn rồi quyết định tạo bước ngoặt: học nghề.
Biết không thể thuyết phục được ba, tôi giấu nhà, gói ghém hành trang vào TP.HCM học nghề để từng bước xây dựng ước mơ mở nhà hàng trà – bánh ngọt. Rồi ba cũng biết chuyện, ông giận tôi đến mức tuyên bố từ mặt con. Mẹ tôi nước mắt ngắn dài nói tuổi trẻ nhiều dại khờ, khuyên tôi suy nghĩ lại.
Phải lựa chọn giữa tình thân và niềm đam mê bất tận của bản thân, tôi có chút chùn lòng nhưng vẫn quyết định nén sự đau xót để đi theo con đường mình chọn dù có gặp phải khó khăn, vấp ngã gì.
Với số tiền ít ỏi còn lại, tôi thuê một phòng trọ nhỏ cùng một người bạn. Có định hướng và kế hoạch cụ thể, tôi học song song hai chương trình cả bánh và pha chế. Ban ngày đi học, buổi tối tôi xin làm thêm tại một quán cà phê, vừa để học cách người ta kinh doanh vừa để ứng dụng những bài học pha chế học được cho nhuần nhuyễn.
Mỗi ngày lên lớp, được chạm tay vào bột, đường làm thành những chiếc bánh nướng lên thơm nức mũi; được tự tay pha chế hàng chục loại thức uống đủ màu xanh đỏ tím vàng… tôi lại thấy đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của cuộc đời mình. Mọi vất vả, lo toan khi đó chỉ còn là con số 0.
Tôi luôn nghĩ học nghề không phải chỉ để ra làm thợ, mà bản thân còn có thể phát triển theo đúng lộ trình. Tôi được chạm tay vào thực tế, trau dồi kỹ năng chuyên môn, tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế để có kinh nghiệm.
Ở các trường dạy nghề, chương trình học không đòi hỏi quá nhiều lý thuyết mà yêu cầu cao hơn về “thực học – thực làm” nên phần lớn thời gian tôi đều được học và thực hành dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia.
Video đang HOT
Ngoài giờ học, tôi còn cố gắng đọc thêm tài liệu về kinh doanh, cách vận hành và quản lý cửa hàng, quản lý nhân viên, chiến lược quảng cáo… để tự tin hơn cho quyết định mở tiệm của mình.
Còn sớm để nói là mình thành công, nhưng tôi tự nhắc mình hãy thật sự cố gắng hết sức, chăm chỉ làm việc thì nhất định sẽ tới được cái đích mình mong muốn.
NGUYỄN THỊ NHƯ Ý (TP.HCM)
Thi viết 'Tôi chọn nghề' Lần 2: Khi thành công, gia đình sẽ thấu hiểu
LTS: Mất cha mẹ từ nhỏ, Đặng Đông Hải Duy (20 tuổi, Cần Thơ) phải bươn chải vừa học vừa làm, rồi táo bạo chọn ngã rẽ quyết định cho cuộc đời mình. Bức thư tay với nét chữ rất đẹp của Duy gửi đến báo Tuổi Trẻ khiến nhiều người xúc động.
Đặng Đông Hải Duy và bài thi viết tay gửi tới cuộc thi "Tôi chọn nghề" - Ảnh: THÁI TRINH
27-6 là ngày tôi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Trong gần một tháng chờ đợi kết quả, tôi trăn trở rất nhiều liệu mình có đậu vào ngôi trường ĐH hàng đầu, liệu rằng mình có thật sự đam mê với ngành học đã đăng ký hay lựa chọn chỉ do áp lực từ gia đình, dòng họ?
Rồi tôi cũng đã ghi tên mình vào danh sách lớp văn học của Trường ĐH Cần Thơ với số điểm khá cao khi đó là 20,25.
Những câu hỏi ám ảnh
Gia đình hai bên nội, ngoại đều tự hào, nhưng tôi vẫn có cảm giác hình như mình không thực sự đam mê với con đường đã chọn.
Mới tám tuổi, tôi đã mồ côi cha mẹ. Tôi sống với ông bà ngoại từ nhỏ và dựa vào những đồng tiền ít ỏi của anh hai tôi lao động chân tay, cho tôi ăn học tới hôm nay.
Năm đầu tiên trên giảng đường, tôi vất vả làm rất nhiều công việc, từ may gia công cho một xưởng nhỏ gần nơi ở đến chạy hàng chục cây số mỗi ngày giao hàng, rồi làm phục vụ cho một quán cà phê gần trường... chỉ để trang trải cho cuộc sống sinh viên khó khăn của mình.
Những ngày học ĐH, tôi lại bị ám ảnh những câu hỏi: Liệu rằng mình có đi đúng con đường, liệu rằng cố gắng của mình như thế có ý nghĩa gì? Tôi đã sụt mất 5kg cho việc học và làm mà không đem về thành tích nào nổi trội.
Chán nản từ từ, tôi lao vào đi làm thêm kiếm tiền cho gia đình mà không màng gì việc học. Rồi cái gì đến cũng đến, cuối học kỳ 2 năm nhất, tôi nợ 2 môn và điểm tổng kết chỉ nằm ở tốp trung bình. Tôi bắt đầu suy sụp: Nên tiếp tục hay dừng lại? Tương lai của mình rồi sẽ đi về đâu?
Ngã rẽ cuộc đời
Đến đầu tháng 7-2019, tôi quyết định táo bạo sẽ chuyển ngành, chuyển trường bởi không thể học khi không phù hợp đam mê. Đúng vào thời gian đó, Trường cao đẳng Du lịch Cần Thơ tuyển sinh, tôi đã không chần chừ mà nộp hồ sơ ứng tuyển ngay vào ngành quản trị nhà hàng khách sạn, bởi đây là ngành tôi thực sự yêu thích trước kia mà vì nhiều lý do tôi không thể lựa chọn.
Khi cân nhắc vào trường, tôi cũng thắc mắc rất nhiều: Vì sao mới năm đầu trường lại cho thẳng vào chuyên ngành? Tại sao trường lại có học phí khá thấp, liệu ra trường có việc làm không? Tại sao trường chỉ đào tạo trong vòng hai năm rưỡi?
Dần dần những câu hỏi trong tôi cũng được giải đáp, tôi đã hiểu rõ hơn về ngôi trường mà mình đang theo học và tin tưởng với đam mê của mình.
Cũng phải nói rằng tôi quyết định táo bạo khi chuyển ngành, chuyển trường mà chưa cho gia đình tôi biết. Tôi nghĩ đến khi tôi có được thành công, gia đình sẽ thật sự hiểu và thông cảm cho tôi.
Hiện tại, tôi đang từng ngày cố gắng chứng minh định kiến phải vào ĐH mọi giá mới thành công và có thể tạo ra nhiều tiền. Với tôi, thành công là dựa vào đam mê nghề nghiệp, vào thực lực cá nhân chứ không phải trên con đường ĐH mới có.
Tôi tự nhủ tôi không hẳn mong muốn sau này mình sẽ thành công rực rỡ, mà chỉ muốn khẳng định rằng đam mê nghề nghiệp - một đam mê không bao giờ bị dập tắt. Tôi không hẳn mong muốn sau này mình giàu sang, tôi chỉ muốn có cuộc sống an bình với những gì mình đã chọn, có một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc với những nghề mà mình có.
Và tôi mong gia đình thấu hiểu quyết định của tôi...
Một trường 66 bài thi
Tuần qua, ban tổ chức cuộc thi "Tôi chọn nghề" nhận được gói bưu phẩm chứa 66 bài viết của các học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (Đại Từ, Thái Nguyên). Cho đến hiện tại, đây là số lượng tham gia kỷ lục từ một đơn vị dự thi.
Cô Cao Thị Hiền - phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ - chia sẻ ngay khi biết thông tin về cuộc thi "Tôi chọn nghề", nhà trường nhanh chóng triển khai đến các giáo viên chủ nhiệm và các thầy cô trong bộ môn văn vận động các em tham gia.
Nhà trường đã chấm vòng sơ loại, rồi mới chọn ra các bài thi đặc sắc nhất và phù hợp với tiêu chí gửi về báo Tuổi Trẻ. "Trường cũng có riêng những giải thưởng để khuyến khích các em tham gia" - cô Hiền nói.
Cô Hiền cho biết thêm thầy cô trong trường luôn chú trọng vấn đề hướng nghiệp cho các em, đặc biệt là học sinh lớp 12. Do đó, các em luôn tự tin lựa chọn theo định hướng của mình vào đại học hoặc vào các trường nghề, tùy theo đam mê và năng lực.
TRỌNG NHÂN
Theo Tuổi trẻ
Bỏ đại học luật đi học nghề bếp Tôi luôn tự nhủ sẽ cố gắng học thật giỏi để trở thành một bác sĩ, một thầy giáo hay một luật sư, nhưng rồi tôi tự làm cú 'bẻ lái' cho cuộc đời: rời bỏ giảng đường trường luật ngoài Bắc để Nam tiến học nghề bếp. Hà Trọng Hiệp trong một giờ học bếp - Ảnh: TÂM HÀ Ở tuổi mười...