Thi vào lớp 10: Được – mất khi “ủn” con vào trường top
Mục tiêu trường chuyên, lớp chọn bao giờ cũng là điểm đến đáng mơ của rất nhiều phụ huynh khi có con chuẩn bị thi vào 10. Nhưng cái được và mất khi theo đuổi mục tiêu này thì không phải phụ huynh nào cũng lường hết được.
Khi chọn trường, kén lớp cũng là một áp lực
Mong muốn cho con học trường chuyên, lớp chọn vì môi trường và chất lượng giáo dục ở những nơi này sẽ đảm bảo hơn, tốt hơn là tâm lí chung của rất nhiều phụ huynh khi chọn trường, lớp cho con. Đây là một điều hoàn toàn dễ hiểu.
Bên cạnh đó sức hút mang tính thương hiệu từ những trường, lớp chất lượng cao cũng chính là cơ sở để khẳng định năng lực của học sinh vì chất lượng đầu vào bao giờ cũng cao hơn so với những trường nằm ở TOP dưới. Có cha mẹ nào lại không kỳ vọng, không tự hào và cảm thấy vẻ vang khi được “khoe” với người khác rằng con mình được vào trường chuyên, lớp chọn?.
Xuất phát từ những lí do trên mà đa số phụ huynh trong những kỳ thi chuyển cấp như thi vào 10 đều có tâm lí chọn trường, kén lớp cho con. Có những cha mẹ còn áp đặt con chọn theo ý mình mà không đánh giá đúng năng lực của con, thiếu sự định hướng đúng đắn cho con trong việc đưa ra mục tiêu và lựa chọn.
Thậm chí có những phụ huynh dù biết năng lực của con có hạn nhưng vẫn chọn cách “đi đường vòng” để con được vào trường chuyên, lớp chọn.
Cũng chính từ thực trạng này mà gây ra áp lực rất lớn cho học sinh, các em bị ép học, bị áp đặt từ chuyện học đến chuyện điểm số để có thể giành được tấm vé vào trường chuyên. Nhiều em phải học thêm tràn lan, từ học chính ở trường đến các lớp học thêm, rồi lại học gia sư tại nhà. Lịch học dày đặc kiến khiến các em không có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn nên căng thẳng càng gia tăng.
Còn với trường hợp những học sinh không có năng lực thật sự thì các em rất dễ bị đuối sức, mất phương hướng và tinh thần bị sa sút, thậm trí mắc phải trầm cảm trong cuộc chạy đua khốc liệt này, khi mà kỳ vọng của gia đình đặt lên vai các em là quá lớn và vượt quá sức.
Chia sẻ về vấn đề này, chị Hải Liên (Thanh Xuân) cho biết: “Mình từng có kinh nghiệm đồng hành cùng con trong kỳ thi vào 10 nên mình hiểu rất rõ thực trạng này. Theo mình việc chọn trường, kén lớp cho con bắt nguồn từ tâm lí “con gà ghét nhau tiếng gáy” của rất nhiều cha mẹ. Nhiều người mong con vào trường chuyên để được vẻ vang mà ép con học, gây áp lực rất lớn cho con.”
Nhìn nhận về thực trạng này, cô Nguyễn Thị Mai Hương – Phó chủ nhiệm khối song ngữ trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, giáo viên Tiếng Anh tại HOCMAI chia sẻ: Thực trạng chạy đua vào trường chuyên, lớp chọn, trường Top đầu gây nên sự căng thẳng, áp lực với phụ huynh, giáo viên, nhà trường, đặt gánh nặng lên vai học sinh. Thay vì đó, cha mẹ nên chọn trường, lớp phù hợp với năng lực của con, với sở thích của con.
Một thí sinh khóc sau khi làm bài thi không tốt trong kỳ thi vào lớp 10
Đừng để động lực thành áp lực
Video đang HOT
Xét một cách khách quan thì việc cha mẹ đặt mục tiêu trường chuyên, lớp chọn chính là cách để tạo động lực cho con phấn đấu vươn lên trong học tập. Nhưng mọi sự lựa chọn thì cần đặt trong thực tế và xuất phát từ hai chiều, nếu không sẽ hoàn toàn phản tác dụng, trở thành áp lực quá nặng nề cho các con.
Lan Hân, một học sinh ở quận Hai Bà Trưng, chuẩn bị thi vào 10 và hiện đang là “nạn nhân” của chính bố mẹ mình với mục tiêu trường chuyên, lớp chọn thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Em được bố mẹ định hướng vào trường chuyên. Mỗi ngày em phải rời khỏi nhà từ 6h30 sáng và trở về khi đã gần 10h đêm vì mẹ đăng ký cho em học ở nhiều nơi. Em đang cố gắng vì kỳ vọng của bố mẹ, nhưng thực sự rất áp lực và mệt vì lịch học và điểm số.!”.
Cùng chịu áp lực trong việc cạnh tranh tấm vé vào trường Top của Hà Nội, Mạnh Thắng – học sinh lớp 9 một trường ở quận Cầu Giấy chia sẻ: “Từ đầu em đặt mục tiêu là trường THPT Cầu Giấy. Tuy nhiên đến tầm này em cảm thấy mình thật sự đuối sức vì phải “chạy sô” học thêm quá nhiều nơi, quá nhiều thầy. Nhiều khi kiến thức nạp vào đầu bên này thì lại chạy ra bên kia, hoang mang, lo sợ, mà không dám nói với bố mẹ vì sợ mọi người thất vọng về mình”.
Đó cũng là tình trạng của không ít học sinh khác khi đang cố gắng vì kỳ vọng, mong muốn của gia đình.
Không chỉ là động lực hay thậm chí là áp lực, việc “ủn” con lao vào cuộc chiến trường top, trường chuyên đôi khi còn làm mất cơ hội vào các trường phù hợp với năng lực của con.
Đến giờ này, sau gần 1 năm, chị Hạnh (Ba Đình) vẫn không khỏi ân hận vì sự lựa chọn mà chị đã vừa động viên, vừa ép con vươn tới. Với sức học chỉ ở mức khá ở lớp, bản thân Huyền (con gái chị Hạnh) đã đưa ra lựa chọn thi vào trường Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, chị Hạnh cho rằng con lựa chọn mục tiêu dễ dàng là do lười học, không muốn cố gắng. Vì thế, chị đã ra sức thuyết phục con chọn trường Phan Đình Phùng và tiếp sức bằng cách cho con đi học thêm ở rất nhiều lớp.
Tuy nhiên, càng về những ngày cuối trước khi thi, con gái chị Hạnh càng rơi vào trạng thái đờ đẫn, đến lớp học thêm chỉ ngủ gật, gặp bài khó là sợ hãi, luống cuống. Tuy nhiên, Huyền không dám nói với mẹ để đổi nguyện vọng vì sợ bị mắng. Em vẫn hàng ngày đến lớp từ sáng đến tối, về nhà lại ngồi vào bàn học đến khuya nhưng đầu óc trống rỗng. Ngay khi thi xong, Huyền đóng cửa khóc, không chịu tiếp xúc với ai vì em biết, nguyện vọng để vào trường Phan Đình Phùng sẽ không thành hiện thực. Và, cuối cùng, chị Hạnh đã phải chạy đôn chạy đáo tìm cho con một trường tư thục.
“Tôi đã làm con mất đi cơ hội được vào một trường công phù hợp với năng lực của con chỉ vì tôi không tỉnh táo nhìn vào thực lực của con. Đấy là lỗi của tôi.” – chị Huyền chia sẻ.
Cô Phạm Thị Thúy Ngọc chia sẻ tại Hội thảo Cùng con chinh phục kỳ thi vào 10)
Cô Phạm Thị Thúy Ngọc, Hiệu trưởng trường THCS Trung Tú (Hà Nội) trong buổi Hội thảo “Cùng con chinh phục kỳ thi vào 10″ vừa được HOCMAI tổ chức tại Hà Nội đã chia sẻ: Việc kén chọn trường tốt cho con là điều dễ hiểu, thể hiện bố mẹ rất quan tâm tới việc học của con, mong muốn cho con có môi trường học tốt nhất. Tuy nhiên việc kén chọn cần hiểu và thực hiện đúng hướng hơn, thay vì chỉ nhắm vào các trường top đầu thì bố mẹ hãy nhắm cho con trường tốt nhất theo năng lực của con, tất nhiên có thể nhỉnh hơn chút để con có động lực vươn tới nhưng không nên quá sức. Để làm được điều đó, cô Ngọc cũng đã đưa ra 3 vấn đề phụ huynh cần nắm khi bố mẹ cùng con chọn trường:
Một là, hiểu được năng lực, nguyện vọng của con. Phụ huynh có thể trao đổi với con, với giáo viên dạy con trên lớp, xem qua kết quả học tập hàng ngày của con để xác định được năng lực của con.
Hai là, tìm hiểu các trường THPT phù hợp với con. Có thể là các trường chuyên, các trường phổ thông trong tuyến tuyển sinh. Tìm hiểu về điểm chuẩn, tỉ lệ chọi các năm gần đây, thông tin tuyển sinh năm nay cùng các vấn đề khác như cơ sở vật chất, các hoạt động… Từ đó lọc lại 2-3 trường mục tiêu.
Ba là, cùng con xác định mục tiêu và lên kế hoạch học tập.Từ 2-3 trường đã chọn, cùng con xác định mục tiêu cần hướng tới, mức điểm để có thể đậu nguyện vọng 1, trường xét nguyện vọng 2, điểm cho từng môn. Bố mẹ đồng hành, chia sẻ cùng con trong học tập, đảm bảo điều độ giữa học và các hoạt động khác. Xác định rõ ràng như vậy cũng giúp con giảm áp lực học tập, thi cử và đạt hiệu quả cao trong học tập.
Tóm lại, việc kén chọn trường cho con cần dựa vào năng lực và nguyện vọng của con, không nên vì kỳ vọng của bố mẹ mà vô hình chung tạo thêm áp lực cho con.
Hoàng Hải
Theo vnmedia
Cô dạy tôi 'Ai cũng chọn việc nhẹ, gian khổ dành phần ai?'
Tuổi học trò của mỗi người có lẽ ai cũng từng lưu trong tâm trí của mình ít nhất hình ảnh một thầy cô giáo. Riêng với tôi, gần 20 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ cô An - cô giáo dạy môn giáo dục công dân.
Minh họa: NGỌC NHI
Khoảng năm 1999, tôi đang là học sinh lớp 10. Tôi được vào lớp chọn của khối. Lớp chúng tôi đều là những học sinh khá giỏi, xuất sắc, có điểm thi chuyển cấp cao nhất trường. Vì là lớp chọn nên tốc độ học của chúng tôi cũng khá "chát".
Giáo viên vào dạy lớp tôi cũng dạy rất nhanh, toàn đưa những bài tập khó vì đây là lớp chọn của khối. Hầu như lúc nào chúng tôi cũng ghè đua nhau từng điểm dò bài miệng, từng điểm kiểm tra 15 phút đến cả khoản giơ tay phát biểu cũng "kèn cựa" nhau. Quả thật, lúc đó tôi vô cùng mệt mỏi.
Thời đó thi đại học chỉ có 4 khối A (toán, lý, hóa), B (toán, hóa, sinh), C (văn, sử, địa) và D (toán, văn, Anh). Cả lớp hầu như đứa nào cũng đã có dự định trong đầu mình theo thi khối nào và có xu hướng ưu tiên đầu tư vào các môn mình sẽ thi đại học.
Và cũng chính vì thế mà trong đầu của chúng tôi đứa nào cũng có ý nghĩ coi thường những "môn học bài", những môn không nằm trong danh sách các môn thi đại học ví dụ như môn địa lý hay môn giáo dục công dân.
Và cũng chính vì ý nghĩ "coi thường" đó mà chúng tôi học lệch. Nghĩa là các môn như Anh văn, toán, lý, hóa... chúng tôi đầu tư rất nhiều, đi học thêm... còn môn như giáo dục công dân, địa lý thì... học bài cho có lệ, cho đủ điểm.
Cũng vì suy nghĩ nông cạn đó mà ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, trong khi nhà các thầy cô giáo dạy các môn như toán, lý, hóa, Anh, văn... có rất đông học trò tới thăm, riêng nhà cô An thì cả đám chúng tôi bảo là "hết thời gian rồi".
Cô An dạy môn giáo dục công dân, cô cũng không là chủ nhiệm của lớp nào nên ngày 20-11 của cô thường không hoa, không quà, không có học trò tíu tít đến thăm.
Đến năm tôi học lớp 11. Dịp 20-11 năm đó, sau cả một ngày đi thăm các thầy cô toán, lý, Anh... cuối cùng chúng tôi vào nhà cô dạy hóa. Tầm 3h chiều, chúng tôi đã xong phần tiệc trà nước, tặng quà, lúc đó đứa nào đứa ấy bồn chồn muốn ra về.
Riêng tôi, tôi rủ một vài đứa bạn tách nhóm đi thăm cô An nhưng chẳng đứa nào đi. Vậy là một mình tôi cưỡi xe đạp tìm đường xuống nhà cô. Thực ra, tôi cũng muốn đến cảm ơn cô vì hôm kiểm tra 1 tiết của cô tôi bị tai nạn. Sau khi đi học lại, cô đã cho tôi làm bài kiểm tra lại trong khi các bạn vẫn học bình thường.
Sau khi hỏi thăm một hồi, tôi cũng tìm ra được nhà cô. Lần đầu tiên tôi đến nhà cô, một bên là đường bờ ruộng, có mương nước, một bên là bụi tre. Nhà cô nằm heo hút, phía đầu cổng nhà là một cây đa cổ thụ. Ngay chỗ cây đa có một cái cổng bằng lưới B40 đã rỉ sét.
Vào một đoạn nữa là một cổng bằng tre. Tôi nhìn vào nhà cô là một nhà tranh xiêu vẹo, kỹ cũ, dột nát. Lối đi vào cỏ mọc um tùm. Vào đến nơi, tôi mới biết cô sống với mẹ già, chỉ hai mẹ con sống trong ngôi nhà tranh đó.
Trong lúc nói chuyện tôi, tôi biết từ sáng đến giờ chưa có học trò nào đến thăm cô. Tôi đỡ lời cho cô đỡ buồn là "chắc do nhà cô khó tìm nên các bạn không đến". Nói vậy chứ tôi thấy cô hiểu lý do vì sao ngày ngày không có ai đến thăm cô. Tôi cũng thấy hối hận vì lúc đầu tôi cũng có cùng suy nghĩ như vậy.
Và rồi trong lúc nói chuyện, tôi buột miệng hỏi "cô ơi, sao hồi trước cô không dạy môn văn hay môn gì khác mà dạy môn giáo dục công dân vậy cô?". Cô cười bảo "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai. Nếu cô cũng chọn các môn đó thì ai dạy các em môn học này?".
Câu nói của cô làm tôi nhớ mãi. Tôi nhớ lại những bài học về lòng biết ơn, về sự trung thực, về lòng yêu nước... mà cô đã dạy cho chúng tôi những năm học cấp hai. Đó chẳng phải là những bài học quý giá để chúng tôi sau này bước vào đời hay sao?
Các năm sau này, tôi vẫn giữ thói quen đến thăm cô vào ngày 20-11. Sau khi vào đại học, tôi mưu sinh ở Sài Gòn, có dịp về quê là tôi lại vào thăm cô. Khi lấy chồng, cứ mùng 1 tết tôi lại dắt díu chồng con đến thăm cô.
Bây giờ cô đã nghỉ hưu, có dịp về thăm cô, cô trò lại nói chuyện nghề, chuyện đời. Giờ cô không dạy tôi những bài học của môn giáo dục công dân như hồi xưa mà dạy tôi một vài điều trong cách ứng xử với bạn bè, với đồng nghiệp, với gia đình nhà chồng...
Gần 20 năm trôi qua, lời dạy của cô tôi vẫn còn nhớ "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?". Nếu không có người lao công quét rác làm sao cả ngôi trường sạch đẹp? Nếu không có cô dạy môn giáo dục công dân thì lấy ai dạy cho các tâm hồn non nớt như chúng tôi bước vào đời với những bài học làm người?
Theo tuoitre
Đề xuất cho học sinh THCS học lên cao đẳng Thay vì học xong THCS phải qua trung cấp rồi lên cao đẳng, Thứ trưởng Lao động đề nghị cho học sinh nhảy cóc, bỏ qua giai đoạn trung cấp. Thảo luận dự án Luật Giáo dục sửa đổi sáng 15/11, đại biểu Lê Quân (Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, theo chỉ thị của Bộ Chính trị...