Thi vào lớp 1 khó hơn thi cao học?
Để vào học lớp 1, nhiều trẻ mẫu giáo phải oằn mình luyện viết trong các lò luyện, trong khi không ít sinh viên mới tốt nghiệp ĐH, công chức chỉ cần ung dung nộp tiền, học ôn là chắc chắn đỗ cao học.
Trẻ gò mình luyện thi
Trước đây, sau khi học xong mẫu giáo, phụ huynh chỉ cần nộp hồ sơ cho con vào học lớp 1 tại các trường công lập. Thế nhưng hiện nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhiều phụ huynh lại lựa chọn cho con vào học ở các trường tư thục, bán công, trường quốc tế. Học phí của các trường này cao ngất ngưởng, nhưng vẫn thu hút rất đông học sinh, thậm chí số lượng học sinh đăng ký cao gấp nhiều lần chỉ tiêu của trường. Vì thế, cuộc đua vào lớp 1 trở nên hết sức “ nóng bỏng”.
Theo đó để được học lớp 1 ở các trường có tên tuổi như Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn…, ngay từ khi học xong lớp 4 tuổi, các bé đã phải gò mình học ôn tại các lò luyện để làm quen với chữ cái, đánh vần, ghép vần hay thậm chí là học cộng, trừ các số trong phạm vi 10.
Để vào được trường điểm, các bé phải dùi mài trong các lò luyện nhiều tháng ròng (Ảnh: Thanh Niên)
Là một trường khá nổi ở Hà Nội, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 của trường tiểu học DL Đoàn Thị Điểm chỉ 400, nhưng hồ sơ đăng ký đã vượt qua con số 1.300. Như vậy, tỷ lệ chọi của trường là 1:3. Năm ngoái, trường chỉ tuyển 500 chỉ tiêu nhưng cũng có tới 1.600 hồ sơ đăng ký.
Trường tiểu học Thực nghiệm năm 2011 có chỉ tiêu là 180 học sinh nhưng ngay trong ngày đầu đã bán hết 600 đơn, đồng nghĩa với việc có ít nhất 420 học sinh bị loại. Hay tại trường tiểu học Lê Quý Đôn, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 là 360 nhưng số lượng đăng ký dự thi cao hơn nhiều so với dự kiến.
Video đang HOT
Không chỉ tỷ lệ chọi cao mà đề thi tuyển sinh vào lớp 1 cũng rất hóc búa. Khi đề thi vượt vũ môn vào lớp 1 của trường Đoàn Thị Điểm năm nay được đăng tải trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh vô cùng bức xúc, phụ huynh có tên Quốc Huy cho rằng: “Đề này quá khó. So với các câu hỏi của cuộc thi đường Olympia thì đề này còn khó hơn. Đến phụ huynh còn thấy khó hiểu, thì làm sao trẻ con làm được”.
Câu hỏi số 3 trong đề thi thử vào lớp 1 của trường Tiểu học DL Đoàn Thị Điểm có độ khó ngang với các câu hỏi trong cuộc thi đường lên đỉnh Olympia. Đề thi yêu cầu học sinh gạch một hình khác với các hình còn lại
“Em rất choáng váng! Ngày em 5 tuổi, em chưa biết số 10 là gì, vào lớp 1 mới bắt đầu học những chữ cái đầu tiên nhưng 12 năm liền em vẫn là học sinh giỏi. Vậy mà trẻ con bây giờ 3 tuổi đã biết đếm từ 1 đến 100, 5 tuổi thì biết hết chữ cái, biết ghép vần, biết làm tính. Chúng ta định đào tạo thiên tài chăng?”, mẹ Trường Giang chia sẻ.
Đề thi tuyển vào lớp 1 của Trường Nguyễn Siêu năm nay yêu cầu học sinh đếm số chân các con vật trong hình và nối kết quả với các đáp án cho sẵn. Với đề thi này, nhiều học sinh bị trượt vì đáp án không trùng khớp với tư duy con trẻ. Đề yêu cầu học sinh đếm số chân từng loại con vật và phải biết cộng số chân đó theo số lượng con vật in trong hình trong khi hầu hết các trẻ vẫn luôn mặc định rằng gà có 2 chân, cá sấu có 4 chân.
Ở độ tuổi chuẩn bị vào lớp 1, đáng ra trẻ phải được phát triển tự nhiên, chơi mà học, học mà chơi, chưa phải lo việc ôn luyện, thi cử thì tâm lý sính trường “top trên” của phụ huynh đã vô tình làm con mất đi những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ.
Cao học – cứ thi là đậu
Trái ngược với các bé 5- 6 tuổi phải căng sức học trong các lò luyện thi thì chuyện thi cao học lại dễ dàng đến không ngờ.
Nếu trước kia, điều kiện để thi cao học là phải có hai năm kinh nghiệm làm việc hoặc phải có bằng giỏi thì bây giờ sinh viên tốt nghiệp có thể dự thi cao học ngay sau khi ra trường. Theo quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành năm 2011, thí sinh chỉ cần có bằng tốt nghiệp đúng ngành hoặc phù hợp với ngành dự tuyển, không cần có thâm niên công tác là có thể dự tuyển.
Các trường thường tổ chức hai đợt tuyển sinh cao học vào tháng 3 và tháng 8 hàng năm, kể cả khi số lượng thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Sau khi bán hồ sơ dự tuyển, các trường tổ chức lớp học ôn trong khoảng 1-2 tháng. Bạn Nguyễn Thị H., học viên cao học ngành Lịch sử Việt Nam, K20, trường ĐH Sư Phạm Hà Nội cho biết: “Học ôn trong khoảng 20 buổi cho cả 3 môn và chỉ điểm qua kiến thức cơ bản. Cái chính là các thầy cho giới hạn và phạm vi đề để tập trung ôn luyện. Hầu hết những người đi học ôn đều đỗ cả, nếu trượt thì có thể là vì điểm ngoại ngữ quá kém”.
Trong khi trẻ em phải nhoài người tập viết, tập tính nhiều tháng ròng chỉ để được vào lớp 1 thì quá trình thi và học để có được bằng thạc sĩ lại quá dễ dàng
Qua tìm hiểu của PV, ở một số trường đại học hiện nay, sinh viên dễ dàng thi đỗ cao học một phần do tỷ lệ chọi rất thấp. Thậm chí có những ngành, số học viên đăng kí dự thi thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Do đó, nhiều trường hợp, chỉ cần đóng tiền, nộp hồ sơ và tham gia học bồi dưỡng vài buổi là cơ hội đỗ tới 90%.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, năm 2010, có 729 hồ sơ dự thi cao học vào 12 ngành đào tạo nhưng số lượng trúng tuyển lên đến 607 thí sinh, tương ứng tỉ lệ đỗ là 83%. Ngành báo chí học, được xem là ngành “hot” nhất của trường cũng chỉ có 186 hồ sơ dự thi, trong đó số lượng trúng tuyển là 88 (tỉ lệ chọi 1:2). Một số ngành còn lại, rơi vào tình cảnh ảm đạm hơn nhiều khi số lượng hồ sơ nộp vào quá ít, điển hình như ngành Quản lý xã hội, năm 2010 lấy 10/14 hồ sơ dự thi, ngành Xuất bản lấy 19/25, Lịch sử Đảng lấy 21/34 …
Năm 2010, hệ đào tạo sau đại học của ĐH Sư phạm Hà Nội với gần 50 chuyên ngành có tỉ lệ chọi cũng rất thấp. Cụ thể, trong tổng số 2.870 hồ sơ dự thi thì có tới 1.476 thí sinh trúng tuyển, tương ứng tỉ lệ chọi 1:2.
Thí sinh dự thi trình độ thạc sĩ sẽ thi 3 môn bao gồm: Ngoại ngữ, môn cơ bản và môn cơ sở của ngành hoặc chuyên ngành đào tạo. Thí sinh trúng tuyển chỉ phải đạt điểm 5 trở lên theo thang điểm 10 ở các môn thi cơ bản, môn thi cơ sở, còn môn ngoại ngữ đạt yêu cầu theo quy định của từng trường. Các số liệu thống kê cho thấy, số điểm một thí sinh đỗ cao học rơi vào khoảng từ 11-14 điểm cho 2 môn thi. Do đó, đối với các thí sinh thuộc diện ưu tiên, chỉ cần đạt tối thiểu mỗi môn 5 điểm là đã có thể ung dung đỗ cao học.
Không ai phủ nhận việc học cao học là cần thiết, nhưng với quá trình thi cử quá dễ dàng, liệu sau vài năm học, những học viên đó có thành những thạc sĩ ưu tú hay sẽ thành những tiến sĩ giấy? Trong khi đó những bé 5-6 tuổi đang tuổi ăn tuổi chơi thì lại phải “dùi mài kinh sử” nhiều tháng ròng trong các lò luyện và trải qua kỳ thi sát hạch khắt khe chỉ để được vào lớp 1.
Theo VNN
Chuyện bất thường: Phải luyện thi mới đậu cao học (?!)
"Không thể tưởng tượng nổi, trong một kỳ thi cao học mà 44,5% số câu hỏi trong đề thi môn tiếng Anh được copy từ tài liệu ôn tập. Còn gì là công bằng nữa?"...
Làm đề thi bằng copy paste: bình thường (!?)
Kỳ thi cao học nêu trên diễn ra vào các ngày 24, 25 và 27/9 vừa qua. Có 747 thí sinh (TS) dự thi vào 20 chuyên ngành đào tạo, với khoảng 400 TS dự thi môn ngoại ngư, trong đó, 250 TS đăng ký ôn thi tiếng Anh. Trước khi kỳ thi diễn ra, vào ngày 11/5/2010, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có thông báo 366/ĐHSP - SĐH 2010 nêu rõ kế hoạch ôn tập: các môn cơ bản và cơ sở ôn 45 tiết/môn, học phí 600.000đ/môn; môn tiếng Anh ôn 100 tiết, học phí 800.000đ. Khóa ôn tập được khai giảng vào các ngày 5, 6 và 8/6/2010. Riêng môn tiếng Anh, nội dung ôn tập nằm trọn vẹn trong tài liệu photocopy có tên "Đề cương ôn tập tuyển sinh sau ĐH môn Anh văn trình độ B" (gọi tắt là "Đề cương ôn tập").
44,5% nội dung đề thi môn tiếng Anh kỳ thi tuyển sinh cao học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vào tháng chín vừa qua được sao chép nguyên xi từ tài liệu ôn tập này.
Sau khi kiểm tra và đối chiếu nội dung đề thi với tài liệu ôn thi vừa nêu, chúng tôi thật sự choáng khi thấy có rất nhiều câu hỏi của đề thi được copy "nguyên xi" các bài tập trong "Đề cương ôn tập". Cụ thể: đề thi gồm hai phần đọc và viết (tổng số điểm đạt được tối đa là 100) với tổng cộng sáu bài (mỗi bài có nhiều câu hỏi nhỏ) thì bài số 3 (10 điểm) của phần đọc nằm trọn trong bài tập reading 3 của "Đề cương ôn tập" (trang 21); 3/4 nội dung bài 2 (30 điểm) gồm text 1, text 2 và text 3, lần lượt là các bài tập reading 8, 9 và 10 (trang 25, 26 và 27).
Ở phần viết: bài 1 (15 điểm) có 4/10 câu hỏi nhỏ cũng được chép từ các bài tập ở các trang 56, 84, 85 và 98 của "Đề cương ôn tập"; bài 2 (dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt) cũng có 4/10 câu hỏi nhỏ được trích từ các bài tập trong "Đề cương ôn tập", trong đó câu 60 còn được trích lại nội dung của text 3 đã ra ở câu trên(!?).
Tổng số điểm của các câu hỏi "sao chép nguyên xi" là 44,5 điểm.
Chuyện ra đề thi CH theo kiểu "copy paste" của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khiến nhiều TS dự thi rât bức xúc. Nhiều giảng viên tại khoa tiếng Anh của trường cũng ngỡ ngàng trước "sự kiện" này. Một giảng viên chua chat: "Chẳng ai lại ra đề theo kiểu "dạy cái gì cho thi cái ấy" cả! Thi cử như thế thi ngày càng xuống cấp!". Và, chúng tôi cũng cảm thấy rất rõ rệt sự "xuống cấp" khi nghe tiến sĩ Trịnh Thanh Sơn - Trưởng phòng Sau ĐH, UV Thường trực Hội đồng tuyển sinh sau ĐH của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đánh giá về cách ra đề thi như trên là: "hoàn toàn bình thường!". Lý lẽ để biện minh cho sự "hoàn toàn bình thường" của ông Sơn là: việc tổ chức lớp ôn tập được thông báo công khai, đề cương ôn tập cũng công bố công khai. Tuy nhiên, thông báo 366/ĐHSP - SĐH 2010 ngày 11/5 của trường nêu rõ: "Đề cương các môn cơ bản và cơ sơ, TS có thể tải về từ website http://khcn-sdh.hcmup.edu.vn/sdh/tuyensinh (một website của trường), nhưng tài liệu các môn ngoại ngữ (tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung) TS mua tại phòng Sau ĐH của trường, phòng C712".
Còn đâu công bằng?
Một TS cho biết: sau khi thi xong môn tiếng Anh, nhiều TS đã túm tụm lại để lật quyển "Đề cương ôn tập" ra xem, rồi nhảy cẫng lên khi thấy mình làm đúng. Một TS khác bực tức: "Ra đề theo kiểu "ôn cái gì thi cái nấy" thì muốn dễ đậu bắt buộc phải luyện thi".
Theo tìm hiểu, đề thi CH được làm theo quy trình gồm các bước: Hội đồng tuyển sinh trường mời ba cán bộ có chuyên môn giỏi để xây dựng ba đề thi độc lập; đến ngày thi, Hội đồng sẽ bốc thăm chọn một đề, đề được duyệt lần cuối rồi đem in sao và sử dụng. Ba cán bộ được mời làm đề thi môn tiếng Anh kỳ tuyển sinh CH tại ĐH Sư phạm vừa qua đều là trưởng khoa, phó trưởng khoa và cán bộ giảng dạy tại Khoa Tiếng Anh của trường. Học sinh đều được cung cấp "Đề cương ôn tập" để làm căn cứ ra đề cho sát với mức độ yêu cầu. Cho nên, sao chép "nguyên xi" những bài tập trong "Đề cương ôn tập" để làm đề thi là cách làm quá dễ dãi, cẩu thả. Cách làm này sẽ khuyến khích luyện thi, khuyến khích phong trào "thi ở đâu - luyện ở đó", "có luyện thi mới đậu", khiến thi cử không còn thực chất và mất đi sự công bằng! Đây là những nội dung mà ngành GD-ĐT đang nỗ lực triệt tiêu trong nhiều năm qua. Đáng nói là 5 năm về trước, trường ĐH Sư phạm TP.HCM từng mắc phải lỗi này.
TS Nguyễn Hội Nghĩa - Trưởng ban Đào tạo ĐH và Sau ĐH, nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và kiểm định chất lượng, ĐHQG TP.HCM - cho rằng: "Ra đề thi kiểu sao chép nguyên xi tài liệu ôn tập là rất dở, nó sẽ không đánh giá được khả năng thực sự của người dự thi, trong khi yêu cầu này phải là số 1".
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng - Phó hiệu trưởng, Phó chủ tịch Hội đồng tuyển sinh Sau ĐH Trường ĐH Sư phạm, thừa nhận: "Cách ra đề như trên sẽ làm giảm đi sự tin tưởng của TS vào kỳ thi, vì những TS có học ôn sẽ thuận lợi hơn những TS không học ôn". Ông Hồng cho biết, sẽ tổ chức họp Hội đồng tuyển sinh của trường để xem xét đánh giá mức độ "sao chép" của đề thi và có biện pháp xử lý.
Theo Phụ nữ Online
Du học Nhật bản tuyển sinh đợt 1 tháng 4/2012. Được chấp nhận cả đối với những bạn đã từng là tu nghiệp sinh tại Nhật Bản!Được chấp nhận cả với những bạn đã từng bị Cục Quản lý Nhập cảnh Nhật Bản từ chối cấp Giấy phép nhập cảnh. (Từ 01 đến 02 lần). TUYỂN SINH DU HỌC NHẬT BẢN ĐỢT THÁNG 01 & THÁNG 04/2012 -Được chấp nhận cả đối với...