Thi vào 10 Hà Nội: Bốn ‘chiến thuật’ làm bài thi Toán trong 90 phút
Trước những điều chỉnh của kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội, thầy Trần Mạnh Tùng ( giáo viên dạy Toán của Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) đã chia sẻ cách phân bổ thời gian làm bài thi môn Toán trong thời gian 90 phút.
Theo thầy Tùng, một trong những điều mà các học sinh đặc biệt lưu ý ở năm nay là lịch thi, thời gian làm bài thì ở kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 có nhiều thay đổi. Cụ thể, thời gian làm bài môn Toán đã rút ngắn từ 120 phút xuống còn 90 phút.
Trong giai đoạn này, các học sinh nên chú ý kế hoạch ôn thi hợp lý, rà soát lại theo các nội dung chính để tìm ra phần mình còn yếu, còn thiếu để “lấp chỗ trống”. Các em cũng không nên sa đà vào các dạng toán quá khó, mất thì giờ và tạo căng thẳng không cần thiết. Nếu vẫn còn các khó khăn, các em có thể trao đổi thêm với bạn bè, thầy cô giáo hoặc tham khảo thêm trên internet.
Học sinh cũng cần nắm vững lịch thi, quy chế thi và có sự chuẩn bị tốt nhất cho những ngày thi sắp tới.
Thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên dạy Toán của Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội).
Để giúp các học sinh vững tâm và có cách làm bài môn Toán phù hợp và hiệu quả, thầy Trần Mạnh Tùng đưa ra 4 chiến thuật:
Chiến thuật “Dễ làm khó bỏ”
Tức là ưu tiên những câu dễ làm trước, các câu khó hơn làm sau. Học sinh có 5 phút để đọc đề. Khi đọc đề các em cần đọc kĩ để xác định được các câu hỏi thuộc 3 mức độ:
Mức 1: Các câu dễ, có thể làm ngay mà không cần nháp hoặc chỉ nháp nhẹ nhàng thẳng vào đề để tiết kiệm thời gian.
Mức 2: Các câu trung bình, cần phải nháp. Các câu này sẽ chiếm chủ yếu trong đề nên các thí sinh không được vội vàng, cần làm một cách tuần tự và chắc chắn.
Mức 3: Các câu khó. Khi đọc đề có thể chưa tìm được ngay phương pháp làm bài. Các em cứ đánh dấu vào để xử lý sau cùng.
“Theo kinh nghiệm, thứ tự thường được phân dạng từ dễ đến khó là: Câu a, b của bài rút gọn; Bài toán giải phương trình, hệ phương trình, hàm số; Giải toán bằng cách lập phương trình; Câu a, b của bài hình; Các câu còn lại.
Video đang HOT
Sau khi đã đánh dấu các mức độ thì học sinh lên chiến lược làm bài theo thứ tự từ dễ đến khó. Cần tránh sa đà vào câu khó trước, bởi vừa mất thời gian lại có thể gây mất tinh thần”, thầy Tùng khuyên.
“Gạch chân từ khóa và kiểm tra”
Theo thầy Tùng, các thí sinh nên chú ý gạch chân từ chìa khóa trong đề và kiểm tra đáp số.
Ngay khi đọc đề bài, các em luôn cầm bút và đánh dấu vào các từ, các ý quan trọng, thậm chí có thể ghi các lưu ý vào bên cạnh (ví dụ như ghi điều kiện xác định, ghi các phương pháp, các ý tưởng,…).
Một trong những lỗi phổ biến của học sinh lớp 9 là lỗi tính toán. Để khắc phục điều này, chúng ta sử dụng kĩ thuật kiểm tra, rà soát liên tục: Kiểm tra mỗi bước biến đổi (làm 2 lần: khai triển rồi thì khai triển lại, chuyển vế xong thì chuyển vế lại,…).
Làm xong một bài thi không nên vội vàng chuyển ngay sang bài khác mà nên dành 1, 2 phút để kiểm tra bài vừa làm: Kiểm tra tính phù hợp của đáp số với các điều kiện, với thực tế nếu có. “Chẳng hạn, khi các em giải một bài toán ra vận tốc xe máy là 300km/h thì cũng vô lý. Với các bài tham số, có thể thay lại kết quả để kiểm tra xem có đáp ứng được yêu cầu của đề bài hay không”, thầy Tùng lưu ý.
Vì thi tự luận nên theo thầy Tùng, học sinh cũng cần kiểm tra từ ý nhỏ xem có bị thiếu, bị tắt hay không, tránh trường hợp bị trừ những 0.25 điểm đánh tiếc.
“Các em hãy rèn luyện chiến thuật này trong mỗi bài tập mà mình làm hàng ngày để hình thành một thói quen”.
Chiến thuật “Tư duy ngược”
Với các bài toán ở mức 2, 3, học sinh có thể chưa tìm được ngay phương pháp giải quyết. Khi đó, phương pháp phân tích, tư duy ngược rất có tác dụng.
Ví dụ: Để chứng minh đẳng thức MH.OM = MC.MD tức là phải chứng minh MH/MD = MC/MO, tức là phải chứng minh hai tam giác MHC, MDO đồng dạng. Từ đó ta đi tìm các dấu hiệu để hai tam giác này đồng dạng (như g.g, c.g.c….).
Một cách tổng quát, chúng ta thường xuất phát từ yêu cầu của bài toán rồi lập luận ngược lại để dẫn đến các yêu cầu quen hơn, dễ xử lí hơn, sau đó trình bài lời giải xuôi.
Chiến thuật “phân bổ thời gian”
Thầy Tùng cho hay, thời gian luôn là yếu tố quan trọng đối với mỗi bài thi. Vì thế, học sinh nhất định phải mang đồng hồ khi đi thi. Nên đeo loại đồng hồ có kim, các em sẽ dễ ước lượng thời gian hơn loại điện tử nhấp nháy.
“Chúng ta phân bổ 90 phút ứng với 10 điểm, như thế mỗi điểm sẽ tương ứng với khoảng 9 phút. Do thời gian cho mỗi điểm ít đi nên độ khó, độ dài của câu hỏi cũng giảm đi. Tuy nhiên, với 9 phút/1 điểm thì các em cần tiết kiệm thời gian, tránh các việc làm không cần thiết: Đã có phương pháp thì không cần nháp, tăng cường tính nhẩm, sử dụng máy tính hợp lí,… Dựa vào số điểm số của mỗi câu, chúng ta sẽ biết phân bổ thời gian phù hợp cho câu đó”, thầy Tùng phân tích.
Theo thầy Tùng, học sinh cần trành tình trạng đầu tư quá mức vào một câu nào đó, như thế sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm các câu khác.
Sử dụng chiến thuật “dễ làm khó bỏ” ở trên, chúng ta đã lên được thứ tự làm các bài và học sinh cũng có thể ghi vào đề thời gian cần thiết để làm mỗi bài đó. Làm được như vậy các em sẽ không bị cuống và làm bài sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
“Các em cần tận dụng hết thời gian, hãy chiến đấu dù là đến phút 89. Không nên ngồi chơi hay ra khỏi phòng thi trước khi hết giờ làm bài”, thầy Tùng đưa lời khuyên để thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển được đúng nguyện vọng yêu thích.
Các trường chuyên ở Hà Nội điều chỉnh lịch thi lớp 10
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, một số trường chuyên tại Hà Nội thông báo điều chỉnh lịch thi vào lớp 10.
Ngày 4/6, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông báo thay đổi thời gian tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 của trường THPT Chuyên Ngoại ngữ năm 2021.
Kỳ thi sẽ tổ chức vào ngày 15/6, thời gian thi từ 7h đến 11h45. Cụ thể, thí sinh sẽ thi môn Đánh giá năng lực Ngoại ngữ vào 7h30, 9h20 bắt đầu thi môn Đánh giá năng lực Toán và Khoa học Tự nhiên, 10h50 là thời gian thi môn Đánh giá năng lực Văn và Khoa học Xã hội.
Nhà trường lưu ý thí sinh cần đo thân nhiệt ở nhà và khai báo y tế đầy đủ trước khi đến điểm thi. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ốm, ho, sốt hoặc khó thở, thí sinh phải báo cho Hội đồng tuyển sinh để xử lý kịp thời.
Ngoài ra, nhà trường sẽ triển khai đo thân nhiệt cho thí sinh trước khi vào điểm thi. Thí sinh phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đeo khẩu trang đúng cách khi đến điểm thi, trên đường từ điểm thi về nhà và nơi tập trung thí sinh, tránh tụ tập đông người trước và sau khi thi, đảm bảo giãn cách.
Trước khi vào phòng thi, thí sinh phải gỡ khẩu trang để cán bộ coi thi kiểm tra, sau đó đeo khẩu trang vào phòng thi và trong suốt thời gian làm bài thi.
Các thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 hoặc ở trong khu vực phong tỏa, cách ly không tham dự thi ngày 15/6 cần liên hệ với Hội đồng tuyển sinh để được hỗ trợ giải quyết.
Các trường chuyên ở Hà Nội điều chỉnh lịch thi lớp 10. Ảnh: Việt Linh.
Cùng ngày, trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội thông báo điều chỉnh lịch thi lớp 10 năm 2021. Qua đó, kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 17/6.
Buổi sáng, thí sinh làm bài thi môn Toán và Ngữ văn, thời gian làm bài là 90 phút. Buổi chiều, thí sinh làm bài thi môn chuyên, thời gian thi là 120 phút.
Học sinh có thể tra số báo danh, phòng thi, điểm thi và các thông tin liên quan trên trang web của trường kể từ ngày 10/6.
Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng có thông báo điều chỉnh lịch thi lớp 10 vào trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên . Thí sinh sẽ làm bài thi vào hai ngày 15 và 16/6. Ngoài ra, trường điều chỉnh thời gian làm bài đối với hai môn, cụ thể: Ngữ văn (75 phút) và Toán vòng 1 (90 phút). Cả hai môn sẽ được bố trí thi trong buổi sáng ngày 15/6.
Sáng 16/6, thí sinh đăng ký chuyên Toán, Tin sẽ làm bài thi môn Toán vòng 2, thí sinh đăng ký chuyên Sinh sẽ làm bài thi môn Sinh học.
Chiều 16/6, học sinh đăng ký chuyên Lý và chuyên Hóa sẽ làm bài thi chuyên tương ứng là Vật lý và Hóa học.
Từ ngày 9/6, thí sinh có thể tra cứu số báo danh, phòng thi, điểm thi và các thông tin liên quan trên trang web của trường. Vào ngày thi, thí sinh cần khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Ngày 3/6, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông báo kỳ thi lớp 10 của trường THPT Khoa học Giáo dục năm 2021 sẽ diễn ra vào ngày 17/6.
Thí sinh, cán bộ coi thi được yêu cầu tuân thủ quy định phòng, chống dịch, thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế và phải đeo khẩu trang khi đến trường thi và trong suốt thời gian làm bài thi.
Thí sinh có thể tra cứu số báo danh, phòng thi, điểm thi và các thông tin liên quan trên trang web của trường kể từ ngày 10/6.
Hà Nội lấy ý kiến điều chỉnh thời gian làm bài thi vào lớp 10 Ngày 1/6, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội có thông tin gửi các trường THCS trên địa bàn thăm dò ý kiến về phương án điều chỉnh thời gian làm bài thi vào lớp 10 năm học 2021-2022. Theo đó, để có căn cứ quyết đinh lựa chọn thời gian làm bài cho học sinh thi vào lớp 10 THPT...