Thi và tuyển sinh 2021: Thích ứng với tình hình dịch
Dịch bệnh diễn biến phức tạp ngay lúc mà các kỳ thi, tuyển sinh quan trọng nhất sắp diễn ra khiến phụ huynh và học sinh lo lắng. Chưa kể, năm học này, học sinh phải học trực tuyến đến 2-3 đợt, nhiều khoảng trống kiến thức chưa kịp củng cố đã cận kề ngày thi.
Chưa đầy một tháng nữa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười trung học phổ thông (THPT) công lập tại nhiều tỉnh, thành sẽ diễn ra. Sau đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 cũng chính thức khởi động. Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến 23 tỉnh, thành phải cho học sinh tạm dừng đến trường để bảo đảm an toàn. Điều này làm cho hầu hết phụ huynh, học sinh đều căng thẳng vì chưa chuẩn bị cho việc phải ôn tập từ xa. Nhất là trong năm học này, học sinh ở nhiều nơi phải học trực tuyến đến ba đợt, nhiều kiến thức hổng chưa kịp được lắp đầy.
Rối bời chuẩn bị thi cử
Trưa 9/5, cô Trần Thị Ngọc (Q.Gò Vấp, TP.HCM) gọi cho đường dây nóng Báo Phụ Nữ TP.HCM chia sẻ: “Cháu tôi đang học lớp Chín, mới nghỉ học hôm 7/5. Ngày 8/5, nhà trường gửi thư yêu cầu phụ huynh xin tự nguyện đăng ký theo hai hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Tôi băn khoăn lắm, cái này phải do nhà trường có đủ hiểu biết và chuyên môn để quyết nên tổ chức ôn tập thế nào chứ đưa cho phụ huynh chọn rất khó”.
Chị Linh Lan, phụ huynh lớp Chín Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), lo lắng nói: “Chỉ còn một tháng nữa là thi tuyển sinh vào lớp Mười nhưng thầy cô cho biết, tạm thời chỉ có thể học qua internet, chờ xem tình hình rồi mới tính tiếp. Kỳ thi vào lớp Mười rất khó, cạnh tranh cao nên việc ôn thi qua internet không thể đáp ứng nhu cầu”.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Lý Thái Tổ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) ôn tập trước ngày tạm dừng đến trường
Còn chị Thùy Dương, phụ huynh lớp 12 Trung tâm Giáo dục thường xuyên tại Q.1 lại rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Chị kể: “Sáng 9/5, trong cuộc họp phụ huynh học sinh cuối cấp, trường con tôi trưng cầu ý kiến phụ huynh về hình thức ôn thi tuyển sinh bắt đầu từ 24/5 đến 27/6. Hầu hết cha mẹ đều khó xử không biết nên chọn hình thức ôn tập nào cho hiệu quả mà an toàn. Thầy cô và học sinh muốn ôn trực tiếp cho hiệu quả. Còn phụ huynh thì sợ dịch nên chỉ muốn con học trực tuyến”.
Trước băn khoăn của phụ huynh, nhà trường cũng không có cách giải quyết nào khác trong tình huống này, chỉ trông chờ vào sự điều chỉnh ở các kỳ thi cho phù hợp tình hình thực tế. Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) vẫn phải dạy và ôn tập trực tuyến cho học sinh khối 12 từ ngày 10/5 đến 22/5. Tuy nhiên, theo các giáo viên, việc ôn thi trực tuyến không hiệu quả như mong đợi, vẫn còn nhiều hạn chế. Nên nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đồng thời đảm bảo đầy đủ nguyên tắc 5K, nhà trường sẽ xin Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM cho dạy trực tiếp đối với học sinh lớp 12.
Theo Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM), nhà trường đã lên hai phương án để ôn tập trực tiếp cho học sinh khối 12. Một là tách lớp, hai là vẫn để học sinh học theo lớp cũ nhưng cách phòng. Trường sẽ ưu tiên chọn phương án hai vì không bị động về giáo viên đứng lớp.
Tuyển sinh lớp Mười: chưa có phương án thay thế thi trực tiếp
Tại tỉnh Hải Dương, kỳ thi tuyển sinh lớp Mười sẽ diễn ra trong hai ngày 6 và 7/6. Học sinh sẽ thực hiện ba bài thi độc lập: ngữ văn, toán và tiếng Anh. Đến thời điểm này vẫn chưa có phương án khác. Bà Nguyễn Thị Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương, cho biết: còn gần một tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười mới diễn ra nên hiện chưa có thêm phương án nào. Sở GD-ĐT cần theo dõi thêm tình hình dịch bệnh mới có phương án báo cáo UBND tỉnh. Hiện nay, ngoài phương án tổ chức thi trực tiếp cũng không còn phương án nào khác vì thi trực tuyến lo không đảm bảo về cơ sở vật chất cũng như tính khách quan.
Theo bà Tiến, về cơ bản, đề thi vẫn nằm trong chương trình lớp Chín trên tinh thần vừa sức với học sinh. Đặc thù của kỳ thi lớp Mười là lấy thí sinh điểm từ cao xuống thấp nên học sinh cứ yên tâm ôn tập kỹ những kiến thức đã được học.
Tương tự, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định: chưa có kế hoạch thay đổi kỳ thi tuyển sinh lớp Mười. Hiện vẫn dự kiến tổ chức kỳ thi theo kế hoạch đã ban hành.
Video đang HOT
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) học trong mùa dịch
Còn tại tỉnh Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: Hiện tại, tình hình dịch bệnh phức tạp, ngành giáo dục Quảng Ninh đang tập trung tổ chức thi khảo sát kết thúc học kỳ II ở các cấp học. Nếu dịch bệnh quá căng thẳng, sở sẽ đề xuất lùi kỳ thi tuyển sinh lớp Mười vì an toàn của học sinh. Ngoài phương thức thi trực tiếp thì cũng có những phương thức khác để tuyển sinh.
Theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường THCS, THPT nên đa dạng hóa hình thức ôn tập cho học sinh. Tạm thời, chưa thể ôn trực tiếp thì ôn từ xa bằng cách dạy online, giao bài tập, giải đáp thắc mắc qua mạng… Về kỳ thi tuyển sinh lớp Mười sẽ giữ sự ổn định về cấu trúc, định dạng đề thi. Khi biên soạn đề sẽ cân nhắc về số lượng câu hỏi thuộc dạng vận dụng cao, câu hỏi phân loại… sẽ có độ khó phù hợp với tình hình dạy và học thực tế.
Thí sinh diện f1, f2, f3 có phương án thi riêng
Phó giáo sư – tiến sĩ Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, cho hay: dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, bộ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để có các phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021 với phương châm an toàn, khách quan. Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT vẫn sẽ theo nguyên tắc tổ chức thi đối với các địa phương an toàn, không bị giãn cách xã hội. Các thí sinh diện F1, F2, F3 cũng sẽ có phương án thi riêng. Bộ cũng đã tính toán, nếu dịch bệnh quá căng thẳng, nhiều địa phương giãn cách xã hội thì có thể tổ chức thêm đợt thi hay lùi thời gian. Hiện, bộ đã xây dựng ngân hàng câu hỏi đáp ứng số lượng, chất lượng có thể thi nhiều đợt.
Theo Bộ GD-ĐT, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 chắc chắn không được đưa vào đề thi. Đề thi gồm phần lớn các câu hỏi ở mức độ cơ bản và có số lượng hợp lý các câu hỏi khó để phân hóa kết quả của thí sinh. Các câu hỏi trong đề thi được sắp xếp từ dễ đến khó để tạo thuận lợi cho thí sinh làm bài.
Liên quan ý kiến từ các trường đại học cho rằng, nên tăng độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT để thuận tiện cho công tác xét tuyển, ông Trinh khẳng định, đề thi trước hết phục vụ xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục các địa phương. Nếu kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy thì các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể yên tâm sử dụng làm cơ sở để tuyển sinh cùng với các phương thức khác. Cùng với các câu hỏi ở mức độ cơ bản, đề thi còn có số lượng phù hợp các câu hỏi khó để phân hóa. Với cấu trúc như vậy, kết quả thi không những giúp phân hóa tốt các nhóm thí sinh, đánh giá đúng chất lượng học tập của học sinh mà còn làm cơ sở để phần lớn các trường sử dụng trong tuyển sinh.
Bình Thuận đề xuất thuê máy bay chở đề thi ra đảo
Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận vừa có đề xuất lên Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT 2021 phê duyệt phương án thuê máy bay chở đề thi ra đảo Phú Quý để phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trước đây, tỉnh này có 26 điểm thi. Năm nay, sở đề xuất thêm một điểm mới thi tại đảo Phú Quý, đặt tại Trường THPT Ngô Quyền, với 252 học sinh lớp 12. Theo sở này, giá thuê máy bay chở đề thi ra đảo dự kiến tối thiểu là 300 triệu đồng/lượt bay. Máy bay có nhiệm vụ chở đề thi cùng trưởng điểm thi đến đảo rồi trở về đất liền. Sau đó, máy bay sẽ quay trở lại và chở bài thi của học sinh về đất liền. Cán bộ coi thi vẫn sẽ di chuyển bằng tàu ra đảo trước ngày thi để chuẩn bị.
Hằng năm, học sinh ở đảo Phú Quý phải đi tàu vào đất liền dự thi, gây nhiều bất tiện, chẳng hạn tàu có thể bị cấm ra khơi vì biển động, dễ dẫn đến nguy cơ thí sinh không thể tham gia kỳ thi.
Trong những năm gần đây, Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang cũng sử dụng máy bay chở đề thi và cán bộ coi thi ra điểm thi tốt nghiệp THPT tại Côn Đảo và Phú Quốc, vì cạnh các điểm thi này có sân bay nên có thể sử dụng máy bay thương mại để vận chuyển. Quy trình bảo mật đề thi của Bộ GD-ĐT yêu cầu nhiều tiêu chí cần phải đảm bảo, do đó, đề thi phải được in tại một điểm in của tỉnh, sau đó vận chuyển đến điểm thi.
Cấu trúc đề thi môn Toán vào 10 công lập ở Hà Nội
Cô Vũ Thị Chung, trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, phân tích cấu trúc đề thi, giúp học sinh luyện các dạng bám sát cấu trúc đề.
Bài 1: Thường chiếm khoảng 2 điểm
Nội dung kiến thức:
Bài toán gồm 3 ý liên quan đến biểu thức chứa căn bậc hai.
- Rút gọn biểu thức (chú ý điều kiện xác định).
- Tính giá trị biểu thức.
- Giải phương trình, bất phương trình, tìm giá trị của x để thỏa mãn yêu cầu bài toán... Nội dung này thuộc phần kiến thức nâng cao, thường chiếm khoảng 0,5 điểm.
Bài 2: Giải bài toán bằng cách lập phương trình hoặc hệ phương trình (khoảng 2 điểm)
Nội dung kiến thức:
- Các bài toán thực tế: Chuyển động, công việc, lãi suất...
- Các bài có liên quan đến hình học: Ứng dụng thực tế của hệ thức lượng; hình học không gian...
- Các bài toán tích hợp liên môn: Liên quan đến phần Vật lý, Hóa học...
Thời gian gần đây, bài này thường có 2 ý. Ý thứ nhất thuộc phần thông hiểu, buộc học sinh phải nắm vững kiến thức mới có thể giải quyết được. Ý thứ hai thuộc phần vận dụng thấp, không quá khó khi các em đọc kỹ đề và học cẩn thận nội dung kiến thức trên.
Cô Chung có kinh nghiệm ôn thi vào 10 cho học sinh và năm ngoái có một số em đạt điểm 10 môn Toán. Ảnh: NVCC .
Bài 3: Bài này thường có nhiều ý , chiếm khoảng 2,5 điểm, liên quan đến nội dung sau:
- Giải hệ phương trình (quy về hệ phương trình bậc nhất hai ẩn, hai phương trình) hoặc giải phương trình (chứa căn, phương trình trùng phương).
- Bài toán về đường thẳng, hàm số bậc hai, phương trình bậc hai, đồ thị, hệ thức Vi-ét và ứng dụng. Phần này có một ý phân hóa ở mức độ vận dụng, thường chiếm khoảng 0,5 điểm.
Bài 4: Bài hình về đường tròn là chủ yếu , chiếm khoảng 3 điểm, gồm nội dung hay gặp:
- Chứng minh nhiều điểm cùng thuộc một đường tròn.
- Chứng minh tứ giác nội tiếp.
- Tính độ dài đoạn thẳng, tính góc, chứng minh hệ thức hình học và các biểu thức liên quan (thường dùng cả phần kiến thức về hệ thức lượng trong tam giác vuông và ứng dụng thực tế và tam giác đồng dạng).
- Tiếp tuyến của đường tròn và các bài toán liên quan đến tiếp tuyến.
- Chứng minh ba đường thẳng đồng quy, hai đường thẳng song song, vuông góc, điểm thuộc đường thẳng cố định, bài toán quỹ tích, cực trị hình học...
Bài thường có từ 3 đến 4 ý, phân hóa theo cấp độ, nâng dần độ khó. Ý phân hóa mạnh nhất ở cuối cùng, chỉ chiếm khoảng 0,5 điểm, các ý trên mỗi ý chiếm khoảng 1 điểm.
Đặc biệt trong bài hình, các em phải chú trọng đến hình vẽ, cần vẽ hình chính xác theo đúng yêu cầu bài toán. Không có hình vẽ, học sinh sẽ không có điểm toàn bộ câu này.
Bài 5: Phần nâng cao, dành cho học sinh khá, giỏi và thường chiếm 0,5 điểm, với nội dụng chọn một trong các phần sau:
- Chứng minh bất đẳng thức.
- Tìm giá trị lớn nhất (GTLN), tìm giá trị nhỏ nhất (GTNN).
- Giải hệ phương trình, phương trình nâng cao...
Đây thường là câu khó nhất trong đề thi, hay được gọi là "câu điểm 10".
Ngày 10-11/6, gần 91.000 học sinh Hà Nội sẽ tham dự kỳ thi vào lớp 10 công lập với 4 môn thi gồm Văn, Toán (mỗi môn 120 phút, thi tự luận); Ngoại ngữ, Lịch sử (mỗi môn 60 phút, thi trắc nghiệm).
Khoảng 62% được tuyển vào các trường THPT công lập, 22% vào trường ngoài công lập và trường THPT công lập tự chủ tài chính, 8% vào trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và 8% tham gia học nghề.
Ba chiến lược giành điểm cao bài thi Toán vào lớp 10 Cô Vũ Thị Chung, giáo viên Toán, trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, hướng dẫn cách làm bài thi Toán vào 10. Ảnh minh họa Đề thi vào lớp 10 môn Toán ở Hà Nội sẽ theo hình thức tự luận 5 bài, tính theo thang điểm 10, trong đó phần đại số chiếm 6-6,5 điểm; phần hình chiếm...