Thị trưởng Ecuador ví nCoV với ‘quả bom’
Cynthia Viteri, thị trưởng thành phố Guayaquil, gọi Covid-19 là “quả bom” bất ngờ giáng xuống, tàn phá đô thị gần 3 triệu dân của Ecuador.
Viteri, thị trưởng Guayaquil, thủ phủ tỉnh Guayas, hôm 13/4 cho biết thành phố đang quay cuồng đối phó Covid-19. Dịch bùng phát gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại thành phố cảng với gần 3 triệu dân ở miền trung Ecuador.
“Không còn chỗ cho cả người sống lẫn người chết. Điều đó cho thấy Covid-19 ở Guayaquil nghiêm trọng đến mức nào”, Viteri nói.
Thị trưởng Cynthia Viteri thăm khu phố Cisne 2 nằm dọc bờ sông Estero Salado hôm 14/4. Ảnh: AFP.
Nghĩa trang, nhà tang lễ, bệnh viện đều quá tải. Thị trưởng Viteri cho hay số người chết vì nCoV có thể cao gấp nhiều lần con số 369 được chính phủ báo cáo. Guayaquil là tâm dịch của Ecuador, số ca nhiễm chiếm hơn 70% trong tổng số 7.600 người nhiễm nCoV trên cả nước từ khi dịch bùng phát hôm 29/2.
Thị trưởng 54 tuổi thừa nhận thành phố “không sẵn sàng” cho cuộc tấn công dữ dội này, khi “người chết đầy đường”. Nhà chức trách dự báo số người chết trong thành phố lên đến mức trên 3.500 và có thể tăng trong những tháng tới.
Viteri cho rằng thành phố dễ bị tổn thương trước nCoV vì có nhiều tuyến hàng không kết nối với châu Âu. Ca nhiễm nCoV đầu tiên ở Ecuador, hay còn gọi là bệnh nhân số 0, là một phụ nữ Ecuador lớn tuổi từng đến Tây Ban Nha.
Video đang HOT
“Thành phố là nơi quả bom phát nổ, là nơi bệnh nhân số 0 đến và vì đó là thời gian nghỉ lễ nên người dân đi du lịch rất nhiều, người thì tới châu Âu, người tới Mỹ, người thì sống ở châu Âu quay về nước”, Viteri nói.
“Khi họ đến Guayaquil, không ai được kiểm tra y tế như đáng lẽ phải làm nếu chúng tôi biết trước dịch sẽ lan sang bằng đường hàng không. Và giờ Guayaquil đang tê liệt”, bà nói.
Dù chính quyền đã áp lệnh giới nghiêm mỗi ngày 15 tiếng và phong tỏa thành phố, mọi thứ dường như quá muộn, khi số lượng người chết không ngừng tăng lên, các thi thể nằm trong nhà, thậm chí bị bỏ mặc trên hè phố.
“Hệ thống y tế bị quá tải, nhà xác không còn chỗ chứa, nhà tang lễ cũng vậy”, bà nói.
“Chúng tôi là nạn nhân của một loại virus lây qua đường hàng không”, bà nói. “Một quả bom đã dội xuống đây. Những nơi khác chỉ bị sóng xung kích, nhưng hố bom sâu hoắm nằm tại Guayaquil”.
Viteri cho hay số ca tử vong vì nCoV trong thành phố cao hơn thống kê là do giới chức không thể xét nghiệm để xác định có bao nhiêu người nhiễm trong thành phố và trên cả nước.
“Thậm chí bệnh nhân chết rồi còn chưa được xét nghiệm. Không có chỗ, cũng không có thời gian hay nguồn lực để thực hiện các biện pháp xét nghiệm để kiểm tra xem họ chết vì nCoV hay không”, bà nói.
“Số người chết trong tháng 3 năm nay nhiều hơn 1.500 so với năm ngoái. Chúng ta chỉ biết được con số thực sau khi cơn ác mộng này kết thúc”, Viteri cho biết. Người dân tiếp tục “gục ngã trong nhà, trong bệnh viện, ở khắp nơi”, bởi ngành y tế đang quá tải.
“Vẫn còn phụ nữ cần sinh con, vẫn còn người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp”, bà nói. Tháng trước, đã có 100 người chết vì không thể lọc máu. “Tại sao? Bởi vì không có chỗ, bởi chúng tôi đang bị kéo giãn tới mức không chịu nổi, chính y bác sĩ cũng ngã bệnh”.
Bên trong bệnh viện dã chiến IESS Hospital Los Ceibos ở Guayaquil hôm 13/4. Ảnh: AFP.
Khoảng 50 nhân viên trong chính quyền thành phố cũng đã chết. Nhiệm vụ của Viteri bây giờ là huy động mọi nguồn lực tài chính mua kit xét nghiệm. Chính quyền đã phê duyệt ngân sách 12 triệu USD để phát hiện, cách ly và theo dõi các ca dương tính.
“Chúng tôi không còn cách nào khác”, bà nói. “Chúng tôi phải chăm lo cho người sống, chôn cất tử tế người chết. Chúng tôi đang trong thời chiến”.
Thành phố đã xây dựng hai nghĩa trang mới để chôn cất và giảm áp lực cho nhà xác. “Xác chết được thu thập hàng ngày”, Viteri nói. “Nhưng việc này cũng rất khó khăn, vì như thế đồng nghĩa với việc ngày nào cũng có nhiều đám ma ở Guayaquil”.
Hồng Hạnh
Cảnh sát Ecuador thu gần 800 thi thể từ tâm dịch Covid-19
Cảnh sát Ecuador đưa gần 800 thi thể từ nhà dân ở thành phố Guayaquil, nơi Covid-19 hoành hành khiến bệnh viện và nhà tang lễ quá tải.
"Số thi thể chúng tôi cùng nhóm chuyên trách thu thập được từ nhà dân vượt quá 700", Jorge Wated, người đứng đầu nhóm công tác đặc biệt chống Covid-19 gồm cảnh sát và quân đội do chính phủ Ecuador lập ra, hôm 12/4 cho biết.
Ông Wated sau đó cho biết trên Twitter rằng trong ba tuần hoạt động, nhóm chuyên trách đã thu thập 771 thi thể từ nhà dân và 631 thi thể từ các bệnh viện, nơi các nhà xác đã quá tải. Wated không nêu rõ nguyên nhân cái chết của các nạn nhân. 600 thi thể hiện đã được chính quyền chôn cất.
Ecuador hiện ghi nhận gần 7.500 ca nhiễm nCoV và hơn 330 ca tử vong. Tỉnh duyên hải Guayas chiếm hơn 70% ca nhiễm, trong đó khoảng 4.000 trường hợp được ghi nhận ở thành phố thủ phủ Guayaquil. Thành phố này cũng là tâm dịch Covid-19 ở Ecuador.
Công nhân đang chôn một quan tài tại nghĩa trang ở ngoại ô thành phố Guayaquil, Ecuador hôm 12/4. Ảnh: AFP.
Quân đội và cảnh sát bắt đầu được huy động để đưa thi thể ra khỏi nhà dân sau khi hệ thống nhà xác ở thành phố bị quá tải. Người dân thành phố Guayaquil đăng trên mạng xã hội nhiều video cho thấy các thi thể bị bỏ lại trên đường phố cùng thông điệp kêu gọi hỗ trợ chôn cất các thành viên trong gia đình họ.
Chính phủ Ecuador chịu trách nhiệm chôn cất các thi thể này do người thân của họ không có khả năng vì nhiều lý do, bao gồm vấn đề tài chính. "Thật không may, các chuyên gia y tế ước tính các ca tử vong liên quan Covid-19 trong tháng này sẽ đạt 2.500-3.500", Wated hồi đầu tháng cho biết.
Covid-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 1,8 triệu người nhiễm bệnh và hơn 114.000 người tử vong. Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Mỹ và nhiều nước châu Âu.
Huyền Lê
Khó tin: Cụ kị của cây cacao có tuổi đời 5.300 năm vẫn đang tồn tại Các nhà sinh học phát hiện giống cây thuỷ tổ cacao có niên đại 5.300 năm về trước. Hẻm Maranon của Peru, nơi sống sót của những cây Nacional thuần chủng cuối cùng. Chúng được xem là nguồn nguyên liệu chế tạo chocolate cổ nhất hành tinh. Cây Nacional của Peru và Ecuador là giống cacao thuần chủng có hạt màu trắng, dậy...