Thị trường di động 2018: 3 dấu ấn lớn từ một nhà tiên phong
Năm 2018 sắp khép lại đầy sôi động từ nhiều đại diện mới ở phân khúc cao cấp nhưng nếu để ý kỹ sẽ thấy một vài sự liên hệ thú vị tới nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.
Năm 2018 chứng kiến hàng loạt những sản phẩm hàng đầu trong phân khúc flagship phone. Điểm ấn tượng của các sản phẩm này nằm ở những nâng cấp, thay đổi mạnh mẽ bên trong: màn hình nay đã to đẹp hơn, hệ thống tản nhiệt nước tiên tiến đảm bảo hiệu năng cao luôn ổn định, khả năng xuất hình ảnh ra màn hình bên ngoài dễ dàng, … Không chỉ Samsung, Apple mà các hãng Trung Quốc cũng không chịu kém cạnh khi sở hữu các tính năng mới, giúp cuộc đua ở phân khúc cao cấp trở nên căng thẳng, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn vào 3 xu thế lớn đại diện cho làng smartphone năm 2018, chúng ta có thể thấy đâu là đại diện cho một dòng sản phẩm thuộc hạng “lão làng”, mỗi thế hệ mới là niềm cảm hứng cho thị trường di động phát triển.
Smartphone màn hình phải to, hiển thị đẹp, viền mỏng và tiết kiệm điện
Lật ngược thời gian, Galaxy Note là một trong những thiết bị đặt nền móng cho xu hướng màn hình kích thước lớn, gắn liền cái tên phablet. Thực sự nó mang vai trò cách mạng trong trải nghiệm nội dung trên loại thiết bị bỏ túi này: iPhone định hình smartphone với công nghệ cảm ứng điện dung và Galaxy Note định hướng phát triển màn hình kích thước lớn cho tới tận ngày hôm nay. Cuối năm 2018, ta thấy con số trên đường chéo màn hình đã tới 6,4 inch với Galaxy Note9.
Không chỉ lớn hơn, màn hình smartphone cao cấp đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang tấm nền OLED với nhiều ưu điểm vượt trội so với IPS LCD. Một lần nữa, Galaxy Note nói chung, Galaxy Note9 nói riêng với màn hình Super AMOLED (biến thể của OLED được Samsung phát triển riêng) cho thấy tầm nhìn xa rộng của hãng điện tử Hàn Quốc khi đã đưa vào sử dụng từ thế hệ Galaxy Note đầu tiên vào năm 2011.
Galaxy Note9 với màn hình Super AMOLED là một trong những thiết bị di động hiển thị đẹp nhất hiện nay theo DisplayMate
Khả năng tái tạo màu sắc có chiều sâu, màu đen gần như tuyệt đối cùng với đó là tiết kiệm năng lượng hơn những ưu điểm thấy rõ từ khi tấm nền OLED được giới thiệu. Không chỉ vậy xu hướng smartphone viền mỏng, tấm nền OLED lẫn Super AMOLED sở hữu đặc tính giúp các nhà sản xuất dễ dàng hơn trong sản xuất. Vì thế không ngạc nhiên khi Galaxy Note9 nằm trong top đầu những smartphone hiển thị tốt nhất hiện tại.
Điều thú vị là, dù cùng dùng tấm nền OLED nhưng chỉ có những tấm nền OLED tới từ Samsung mới được đánh giá cao. DisplayMate đánh giá Galaxy Note9 có màn hình hiển thị ấn tượng nhất tại thời điểm ra mắt. Và quan trọng hơn hết, tấm nền OLED của Samsung không hề gặp lỗi (chuyển màu hoặc burn-in).
Bút trên thiết bị di động không bao giờ là thừa
Sự thành công của Galaxy Note với trang bị S Pen độc đáo là minh chứng rõ ràng sự cần thiết của cây bút trong quá trình sử dụng hằng ngày của nhiều người. Ghi chú nhanh, nét vẽ điêu luyện hay trỏ chính xác trên màn hình điện thoại là những thao tác mà đầu ngón tay của chúng ta chưa đáp ứng được. Đó là khi S Pen cất cánh cùng Galaxy Note cách đây 7 năm, Apple của Steve Jobs từng nói “Ai lại cần một chiếc bút Stylus?” cũng phải thừa nhận lợi ích nó mang lại và ra mắt Apple Pencil năm 2015, mới đây nhất là Huawei Mate 20 X cũng đi kèm trang bị tương tự như một động thái cạnh tranh trực tiếp với Galaxy Note9.
S Pen là minh chứng cho cây bút trên thiết bị di động chưa bao giờ là thừa
Tuy nhiên, với Galaxy Note9, chỉ Samsung mới cho thấy cây bút stylus này còn làm được nhiều hơn một cây bút viết đơn thuần. Tích hợp kết nối bluetooth, S Pen mới cho phép người dùng tương tác từ xa với điện thoại như bấm chụp ảnh, mở khóa máy, khởi động nhanh ứng dụng, chuyển slide thuyết trình, … Nhưng điểm tạo nên tiện lợi nhiều nhất cho người dùng chính là khả năng sạc không dây cho cây bút khi không dùng đến. S Pen mới chỉ mất 40 giây để nạp đầy năng lượng. Đây là điều mà các sản phẩm bút Stylus khác trên thị trường chưa có được.
Smartphone có khả năng lưu trữ nhiều hơn bao giờ hết
Năm 2018 đánh dấu cột mốc mới dành cho smartphone trong bộ nhớ lưu trữ. Phiên bản Galaxy Note9 có bộ nhớ trong đạt tới 512 GB gây choáng ngợp với nhiều người tại thời điểm ra mắt. Nó nhiều, rất nhiều so với con số vài chục GB thường thấy trên smartphone/tablet, thậm chí còn hơn cả những mẫu laptop mỏng nhẹ hiện nay. Điều này rõ ràng là xu thế mới vì sau đó, Apple cũng tung phiên bản iPhone XS Max 512GB dung lượng bộ nhớ, sau Samsung 1 tháng.
Video đang HOT
Bộ nhớ lưu trữ lớn cho phép smartphone đa năng hơn trong quá trình sử dụng của người dùng khi có thể kiêm ổ cứng gắn ngoài thông thường
Ngoài việc là con số xứng đáng đi kèm trên phiên bản cao nhất của một sản phẩm công nghệ cao cấp, dung lượng lưu trữ lớn không bao giờ thừa với những người có nhu cầu thực sự. Các bộ phim bom tấn độ phân giải 4K hỗ trợ chuẩn HDR, âm thanh Dolby Atmos hay nhạc không nén được giới Audiophile ưa thích, hàng ngàn file ảnh của những ai yêu nhiếp ảnh, … Thậm chí nó còn có thể đóng vai trò của một chiếc ổ cứng di động thực tự nhờ không chỉ dung lượng lớn mà còn sở hữu nhiều kết nối đa dạng từ có dây tới không dây giúp truy cập dữ liệu dễ dàng hơn.
Galaxy Note9 và cuộc chơi của người đi đầu
Samsung với ngọn cờ đầu là dòng Galaxy Note nói chung, Note9 nói riêng đã tạo nên niềm cảm hứng, bảo chứng cho nhiều tính năng, công nghệ mới thực sự có ích với người dùng. Và đây cũng là khi các đối thủ cố gắng bắt kịp với tính năng, trải nghiệm tương tự, tạo áp lực lên hãng smartphone lớn nhất thế giới. Sau tất cả đó là động lực để Samsung cũng như các nhà sản xuất khác mang tới người dùng nhiều sản phẩm ngày càng tốt hơn.
Theo GenK
Nhớ ngày nào Google và OnePlus còn chế giễu iPhone không có jack cắm tai nghe, vậy mà giờ cả hai đều đã mù quáng chạy theo Apple
Jack cắm tai nghe chỉ là một phần, câu chuyện đằng sau nó còn cho thấy sự mất phương hướng và chiến lược sản phẩm mà hai công ty này đang gặp phải.
OnePlus vừa ra mắt chiếc flagship mới nhất của mình là OnePlus 6T, sở hữu một số nâng cấp so với OnePlus 6 như cảm biến vân tay dưới màn hình, màn hình giọt nước hay dung lượng pin lớn hơn. Tuy nhiên, OnePlus 6T lại có một điểm "cải lùi" so với tất cả những người tiền nhiệm của mình: OnePlus đã loại bỏ jack cắm tai nghe trên OnePlus 6T.
Chuyện các nhà sản xuất loại bỏ jack cắm tai nghe không còn là điều gì đó quá đỗi xa lạ: kể từ khi Apple làm điều này trên iPhone 7, chúng ta đã được thấy một làn sóng tương tự xảy ra ở thế giới Android khi các nhà sản xuất như HTC, Xiaomi, Huawei, Oppo, Sony... lần lượt "bắt chước". Vậy lần này với OnePlus thì mọi thứ có gì khác?
OnePlus (và Google) từng chế giễu Apple về việc loại bỏ jack cắm tai nghe, thế nhưng rồi...
Nếu như các nhà sản xuất khác cứ thế âm thầm loại bỏ jack cắm tai nghe trên sản phẩm của mình mà không đề cập quá nhiều đến nó (vì rõ ràng đây không phải là một thứ đáng để "khoe" với người dùng), thì OnePlus, với việc vẫn giữ jack cắm này trên các dòng sản phẩm trước, lại coi đó là một lợi thế của riêng mình.
Tròn 1 năm trước tại sự kiện ra mắt chiếc OnePlus 5, trong phần giới thiệu về thiết kế, kỹ sư Diego Heinz của OnePlus nói: "Ở cạnh dưới, các bạn có thể thấy rằng chúng tôi đã gỡ bỏ jack cắm tai nghe 3.5mm. Điều này giúp cho sự sang trọng trong thiết kế tổng thể được tăng cường. Và ai cần jack cắm tai nghe nữa? Đó là lý do mà Bluetooth tồn tại phải không?" kèm theo đó là hình ảnh cạnh dưới của OnePlus 5 thiếu vắng jack cắm tai nghe xuất hiện trên màn hình.
OnePlus khiến người dùng lo lắng trong ít giây khi tung ra hình ảnh chiếc OnePlus 5 không có jack cắm tai nghe
Tưởng rằng đến đây OnePlus 5 đã chính thức được xác nhận sẽ không có jack cắm tai nghe, thì anh này lại nói tiếp: "Đùa thôi. Đương nhiên là OnePlus 5 có jack cắm tai nghe." và jack cắm 3.5mm xuất hiện trở lại trên màn hình.
Nhưng đó chỉ là một trò đùa, và OnePlus 5 vẫn có jack cắm này
Hay đối với OnePlus 5T, CEO OnePlus Pete Lau cũng đăng tải một bài viết dài trên diễn đàn của mình nói về việc tại sao hãng sẽ không loại bỏ jack cắm tai nghe. Ông khẳng định: "Đôi khi, những trào lưu của ngành công nghệ đi ngược lại những giá trị cốt lõi của chúng tôi. Đây là những lúc mà chúng tôi nói không với cái gọi là "dũng cảm"". Giải thích thêm một chút, "dũng cảm" là từ được Apple sử dụng để giải thích cho việc loại bỏ jack cắm tai nghe trên iPhone 7 - và Pete đã sử dụng nó như một cách để chế giễu đối thủ của mình.
Cách đây 1 năm, CEO OnePlus Pete Lau từng giải thích lý do tại sao hãng không bỏ jack cắm tai nghe trên OnePlus 5T
Trên Twitter, một người đồng sáng lập khác của OnePlus là ông Carl Pei nhiều lần tạo ra bình chọn "Bạn có thích jack cắm tai nghe không?" để lắng nghe ý kiến của người dùng về sự cần thiết của cổng kết nối này khi mà trào lưu loại bỏ nó đang nở rộ.
Sở dĩ nói "nhiều lần" là vì kể từ khi Apple bỏ jack cắm tai nghe trên iPhone năm 2016, cứ mỗi năm trôi qua, Carl lại tạo một cuộc bình chọn tương tự. Với việc có đến gần 90% người được hỏi lựa chọn "Có" trong cả 3 lần bầu chọn, không khó để thấy đây lại là một cách để OnePlus chế giễu các đối thủ và quảng cáo cho sản phẩm mới. Lần cuối Carl tạo một cuộc bầu chọn như vậy là vào đầu tháng 3/2018, hai tháng trước khi OnePlus 6 ra mắt.
Mặc kệ người dùng nói rằng họ thích smartphone có jack cắm tai nghe, OnePlus vẫn loại bỏ nó trên OnePlus 6T
Mặc cho nhiều lần khẳng định sự quan trọng của jack cắm tai nghe, chế giễu các đối thủ cũng như cam kết sẽ không đi theo trào lưu, OnePlus vẫn quyết định loại bỏ jack cắm tai nghe trên OnePlus 6T.
OnePlus không phải là cái tên duy nhất từng mắc phải vấn đề này. Trên thế hệ Pixel đầu tiên ra mắt vào tháng 10/2016, Google vẫn trang bị cho chiếc máy này jack cắm tai nghe 3.5mm. Hãng có vẻ rất tự hào về điều này, đến độ cũng phải "đá xoáy" Apple trong quảng cáo của mình hệt như cách OnePlus đã làm. Nhưng rồi, chỉ 1 năm sau, Pixel 2 và Pixel 2 XL ra mắt mà không hề có jack cắm tai nghe. Và nay, Pixel 3 và Pixel 3 XL cũng như vậy.
Google từng coi có jack cắm tai nghe 3.5mm trên thế hệ Pixel đầu tiên là điểm mạnh so với iPhone
Người dùng cảm thấy thất vọng vì công ty mình tin tưởng không có
Quyết định này của OnePlus đã khiến rất nhiều người tỏ ra thất vọng. Trên các diễn đàn quốc tế, nhiều người khẳng định sẽ không mua OnePlus 6T mà thay vào đó là thế hệ OnePlus 6 trước đó hoặc sản phẩm đến từ đối thủ khác.
Lý do họ làm vậy không chỉ đơn thuần là vì OnePlus 6T không còn jack cắm tai nghe, mà còn là vì họ cảm thấy mất niềm tin vào OnePlus, hay nói một cách khác là "phản bội". Người dùng cảm thấy OnePlus (và cả Google) dường như không có tầm nhìn dài hạn về sản phẩm của mình.
Khi Apple gỡ bỏ jack cắm tai nghe, hãng đã chuẩn bị mọi thứ để quá trình chuyển đổi của người dùng, mặc dù đầy trở ngại, nhưng vẫn trở nên dễ dàng nhất có thể: chuyển sang sử dụng cổng kết nối Lightning trên EarPods, tặng kèm máy adapter chuyển sang cổng 3.5mm, và quan trọng nhất là ra mắt AirPods - chiếc tai nghe không dây được đánh giá cao bởi độ tiện dụng. Nhiều người dùng sau khi trải nghiệm AirPods đã phải thừa nhận rằng trải nghiệm không dây thật sự tuyệt vời, và việc Apple loại bỏ jack cắm tai nghe trên iPhone mặc dù không phải là điều tốt, nhưng hoàn toàn có cơ sở.
Bỏ cổng tai nghe trên iPhone, nhưng Apple gỡ gạc lại bằng cách cho ra mắt tai nghe không dây AirPods với trải nghiệm tốt
Trong khi đó, các nhà sản xuất Android thì không làm được điều này. Google ra mắt Pixel Buds cùng thế hệ Pixel 2, tuy nhiên nó nhận được nhiều lời chỉ trích từ giới công nghệ vì giá cao mà chất lượng lại không thể sánh bằng AirPods. OnePlus có phần khá khẩm hơn khi ra mắt tai nghe Bullets Wireless với giá chỉ 69 USD, nhưng nó cũng chỉ là một chiếc tai nghe bluetooth thông thường như bao gồm sản phẩm trước đó, không phải "true wireless" và cũng không kết nối dễ dàng với thiết bị như AirPods. Mọi thứ còn trở nên rắc rối hơn khi người dùng muốn sử dụng tai nghe chuẩn USB-C, khi đây là một chuẩn kết nối rắc rối và tạo ra nhiều vấn đề về tương thích. Như một bài viết trước đây, chúng tôi từng nói: "Bỏ cổng tai nghe trên iPhone thì không sao, nhưng với Android thì quả đúng là thảm họa."
Pixel Buds của Google nhận được nhiều đánh giá tiêu cực từ người dùng
Và khi không có một tầm nhìn dài hạn và chắc chắn, một nhà sản xuất sẽ liên tục bị "lung lay" bởi các xu thế trên thị trường mà không chắc chắn rằng nó có phù hợp với mình hay không. Ví dụ điển hình nhất chính là "thảm họa tai thỏ" trên Pixel 3 XL. Khởi đầu bằng việc "ăn theo trào lưu" gỡ bỏ jack cắm tai nghe với Pixel 2 năm 2017, chỉ 1 năm sau, Google đã quyết định copy thiết kế của iPhone với Pixel 3 XL. Tiếc rằng, Google không phải Apple. Cũng như Pixel Buds thua kém hoàn toàn so với AirPods, tai thỏ của Pixel 3 XL trông thật xấu xí đến mức thô thiển, trong khi không đem lại tính năng gì nổi trội - trái ngược hoàn toàn với iPhone.
"Thảm họa tai thỏ" Pixel 3 XL
Nếu như Google trong tình cảnh mông lung, chẳng biết phải làm gì và cuối cùng cũng chỉ biết chạy theo Apple, thì OnePlus lại bị chi phối bởi Oppo. Nếu như bạn chưa biết, OnePlus là một phần của Oppo và buộc phải theo phận "trên bảo gì, dưới nghe nấy". Đó cũng chính là lý do tại sao thiết kế của máy OnePlus rất giống với Oppo. Năm nay, khi mà Oppo quyết định loại bỏ jack cắm tai nghe khỏi chiếc R17 Pro, OnePlus cũng chẳng còn biết đường nào khác ngoài chấp nhận.
Oppo R17 và OnePlus 6T
Khi mà bạn biết rằng một công ty không thể tự quyết định được số phận của chính mình mà phải bám víu vào một công ty khác, có lẽ sức hút của các sản phẩm mà công ty đó tạo ra cũng không còn nữa. Liệu thế hệ Pixel 4 sẽ ra sao? Có lẽ sẽ trông rất giống iPhone. Còn OnePlus 7 thì sao? Chắc hẳn là lại "y xì đúc" như Oppo rồi.
Theo GenK
Concept iPhone 2019 với bút cảm ứng, tai thỏ lệch về bên trái và 5 camera Một chiếc iPhone với bút stylus sẽ là kẻ giết chết Galaxy Note của Samsung. Năm nay, Apple ra mắt iPhone Xs và Xs Max với thiết kế không thay đổi so với người tiền nhiệm iPhone X. Trong khi đó, các nhà sản xuất smartphone Android liên tục thay đổi với những thiết kế mới đột phá, từ màn hình waterdrop cho...