‘Thi trắc nghiệm Lịch sử sẽ tạo ra thảm họa’
Theo thạc sĩ Trần Trung Hiếu, trong dự thảo thi THPT quốc gia 2017, môn Lịch sử bị xé nát và rút gọn. Cách thi trắc nghiệm sẽ tạo ra thảm họa “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Mới đây, Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ về đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2017. Thông tin khiến dư luận quan tâm là Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp một số môn thi thành bài tổ hợp trắc nghiệm.
Trong đó, có hai bài thi tự chọn theo hình thức trắc nghiệm là Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Như vậy, môn Lịch sử sẽ được gộp cùng hai môn khác trong tổng thời gian thi 60 phút. Điều này nhận được nhiều ý kiến băn khoăn của thí sinh và phụ huynh.
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An chia sẻ với Zing.vn về vấn đề này.
- Ngoài Toán học, Lịch sử cũng là môn có sự thay đổi lớn trong kỳ thi THPT quốc gia khi thi theo hình thức trắc nghiệm. Ông đánh giá như thế nào về môn Lịch sử nói riêng trong tổng thể dự thảo nói chung?
- Trước tiên, với tư cách giáo viên phổ thông, với trách nhiệm và lương tâm của một nhà giáo, tôi xin khẳng định luôn ủng hộ chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện của ngành để từng bước cải thiện và nâng chất lượng. Chúng ta muốn thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển bền vững thì cần đổi mới và mạnh dạn đổi mới.
Tuy nhiên, dự thảo phương án thi 2017 còn tồn tại nhiều sự bất ổn, ra đời quá vội vàng, lại không có sự tham vấn. Mới ra đời, dự thảo đã nhận được nhiều quan điểm phản biện trái chiều.
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu (bên phải) cùng GS Phan Huy Lê.
Là giáo viên trực tiếp dạy học sinh THPT, tôi cho rằng dự thảo đã tác động trực tiếp tới 3 đối tượng: Học sinh hoang hoang mang, phụ huynh lo lắng và giáo viên chán nản, thất vọng.
Ngoài môn Ngữ văn, tất cả các môn khác đều thi theo hình thức trắc nghiệm, nhất là Lịch sử là không hợp lý. Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện đổi mới dạy học theo hướng đánh giá năng lực và phát triển năng lực, tư duy của học sinh nhưng chính việc thực hiện cấu trúc môn thi, bài thi đã đi ngược hai yếu tố là “đánh giá năng lực” và “phát triển năng lực”.
- Từ trước đến nay trong thi tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, Lịch sử chưa từng thi trắc nghiệm. Ông hình dung thế nào về bài thi trắc nghiệm trong tương lai?
Video đang HOT
- Có thể thấy nhiều năm qua việc dạy và học Lịch sử ở nước ta còn tồn tại nhiều hiểu biết ngây ngô, nhận thức lệch lạc. Mỗi kỳ thi có hàng nghìn thí sinh bị điểm 0 với những bài thi dở khóc, cười. Những sân chơi truyền hình, những clip phỏng vấn với nhiều câu trả lời đã đánh lên hồi chuông báo động.
Vậy, có thể tưởng tượng những đề thi trắc nghiệm sẽ còn tạo ra nhiều… thảm họa hơn. Với các đáp án khoanh tròn giữa A, B, C, D, kiến thức Lịch sử dễ “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu (áo trắng ở giữa) trong lễ khai giảng trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An.
Lịch sử từ bài thi tự luận 180 phút trở thành bài thi dạng tổ hợp với 20 câu hỏi trắc nghiệm thời gian 30 phút. Định dạng này là cách xé nát và rút gọn môn Sử. Mặc dù chưa thi nhưng tôi chắc chắn rằng nếu Lịch sử là môn thi trắc nghiệm, học sinh sẽ ít chọn hơn. Nếu có chọn, các em chỉ học để thi, ngay sau khi ra khỏi phòng sẽ quên ngay.
“Nguyên tắc vàng” của khoa học Lịch sử là tái hiện quá khứ với bộ mặt vốn có của nó. Học Lịch sử thế giới để hiểu hơn về lịch sử dân tộc, học xưa để hiểu nay và rút ra những bài học cho hiện tại và cả tương lai.
Thế hệ trẻ cần hiểu, để có một giang sơn gấm vóc làm nên hồn thiêng núi sông, để có được hòa bình, độc lập của đất nước hình chữ S ngày nay, dân tộc ta đã phải trả giá quá đắt trước nhiều kẻ thống trị ngoại bang và cả những áp bức cường quyền.
- Là giáo viên Lịch sử, trước dự thảo này, ông trăn trở nhất điều gì?
- Kiến thức môn Lịch sử không phải học và thi theo kiểu võ đoán, may rủi. Chỉ có thể là hình thức thi tự luận cùng cấu trúc đề thi hợp lý về thời gian làm bài, lưu lượng kiến thức mới có thể đánh giá được đầy đủ, đa diện và chính xác tư duy, trí tuệ của học sinh.
- Nếu dự thảo được thông qua, ông dự định sẽ chuyển đổi hướng dạy và học như thế nào?
- Dù cấu trúc đề thi, hình thức thi như thế nào cũng phải bám vào nội dung, chương trình sách giáo khoa trọng tâm khối 12 hiện hành. Nắm vững kiến thức cơ bản, trọng tâm và xâu chuỗi kiến thức các vấn đề Lịch sử, từ đó rút ra những nhận xét, đánh giá theo mối quan hệ biện chứng, sự tương tác giữa các kiến thức môn học.
Tôi không muốn tin đây là quyết định chính thức, chỉ mong nó đang còn là dự thảo. Và khi đang ở trong giai đoạn “chế độ chờ” trước khi quyết định chính thức, việc trước mắt của giáo viên là động viên, nhắc nhở học sinh không nên quá lo lắng. Các em có thể học những kiến thức cơ bản, từ đó rèn luyện kỹ năng làm bài kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm.
- Nếu được đề xuất cho phương án thi Lịch sử, ông sẽ chọn phương án nào?
- Tôi bảo lưu quan điểm thi tự luận và phản đối hình thức thi trắc nghiệm 100% môn Lịch sử. Nếu có sự “thỏa hiệp” để chọn phương án tối ưu, tôi đề xuất tỷ lệ: Tự luận 70%, trắc nghiệm 30%. Có như vậy mới phân hóa và đánh giá chính xác năng lực của học sinh ở nhiều cấp độ.
- Tháng 8/2015, Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, làm dư luận xã hội và giới sử học dậy sóng khi “xóa tên” môn Lịch sử. Thành quả cuối cùng của cuộc đấu tranh đó là Bộ GD&ĐT đã phải “khai tử” tên môn học Công dân với Tổ quốc. Tuy nhiên, đến dự thảo này, ông đánh giá như thế nào về vị thế của môn Sử?
- Sau sự đấu tranh cho Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử, giáo viên dạy Sử phần nào được củng cố chút hy vọng sau nhiều thất vọng. Tuy nhiên, đến khi dự thảo thi 2017 xuất hiện, tôi và nhiều đồng nghiệp khác lại tiếp tục thất vọng.
Thực ra, đọc kỹ bản dự thảo này về cấu trúc môn thi sẽ thấy rất rõ chủ trương tích hợp của Bộ GD&ĐT. Điều này đã được giới Sử học phản biện thẳng thắn và quyết liệt vào cuối năm 2015 về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Đổi mới giáo dục cần có lộ trình và có tầm chiến lược, có sự chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng, sự tham vấn của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục và giáo viên. Tôi cho rằng trong nhiều vấn đề đổi mới, từ sách giáo khoa, phương pháp học, cách kiểm tra, cách ra đề thi… suy cho cùng đổi mới phương pháp thi là yếu tố cuối cùng nhưng quyết định đến tương lai trong việc lựa chọn định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Việc có “đổi” nhưng chưa thấy “mới” sẽ tạo ra hệ lụy của vòng luẩn quẩn là những “mẻ chuột bạch” ra đời.
Tôi mong trước khi quyết định Bộ GD&ĐT hãy “vi hành” các trường THPT, trực tiếp gặp gỡ thầy cô và học sinh sẽ rõ, vào Facebook của giáo viên và học sinh sẽ hiểu sự thất vọng xen lẫn tâm trạng lo lắng, hoang mang, lúng túng.
Cuối năm 2015, thạc sĩ Trần Trung Hiếu chủ động kết nối nhiều giáo viên và những người quan tâm Lịch sử qua điện thoại, email, Facebook. Sau khi nêu quan điểm trên các phương tiện truyền thông, thầy giáo trường Phan Bội Châu quyết định viết tâm thư gửi lãnh đạo Bộ GD&ĐT, đề xuất Lịch sử phải là môn học bắt buộc và thi THPT quốc gia.
Sau khi ý kiến cá nhân của thầy Trần Trung Hiếu được đăng tải trên báo chí, cùng sự phản ứng của nhiều chuyên gia, ngày 3/11, Bộ GD&ĐT làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng đại diện Ban Tuyên giáo TƯ và một số tổ chức liên quan về Dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông, trong đó chủ đề chính là môn Lịch sử.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Ban xây dựng chương trình nhận thiếu sót đã trình bày chưa rõ trong văn bản dự thảo, gây hiểu nhầm và từ một vài người phát biểu không chính xác dẫn đến xôn xao dư luận.
Theo Zing
Bộ GD&ĐT lên tiếng về đề trắc nghiệm Toán truyền trên mạng
Trước băn khoăn của dư luận về việc hiện nay trên mạng xã hội lan truyền nhiều bộ đề thi trắc nghiệm môn Toán, Bộ GD&ĐT khẳng định đây không phải đề thi minh họa chính thức.
Bộ GD&ĐT cho biết đầu tháng 10 sắp tới sẽ chính thức công bố đề thi minh họa trên website. Thời gian này, để có bộ đề thi trắc nghiệm và chuẩn hóa với yêu cầu đánh giá và phân loại học sinh, Bộ cần thời gian chuẩn bị, sử dụng thử và điều chỉnh.
Bộ GD&ĐT đang phối hợp ĐH Quốc gia Hà Nội rà soát, đánh giá, chuẩn bị đề thi cho phù hợp mục đích của kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời bổ sung ngân hàng câu hỏi để xây dựng đề thi minh họa cho kỳ thi năm tới.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, hình thức câu hỏi trắc nghiệm hay tự luận không ảnh hưởng cách dạy và học. Dù thi theo hình thức nào, học sinh cũng phải nắm vững kiến thức, kỹ năng mới tìm hay chọn được đáp án đúng và nhanh nhất.
Gần 10 năm nay, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đều thi theo hình thức trắc nghiệm, giáo viên và học sinh vẫn sử dụng SGK hiện hành để dạy và học, cho kết quả tốt. Từ đó, Bộ GD&ĐT cho rằng chương trình SGK hiện hành không ảnh hưởng việc thi theo hình thức trắc nghiệm hay tự luận.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn.
Bộ GD&ĐT đánh giá việc thi Toán bằng hình thức trắc nghiệm có thể mới với Việt Nam nhưng nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng từ lâu.
Ví dụ, ở các bài thi SAT hay ACT của Hoa Kỳ, mỗi bài thi có khoảng trên 50 câu hỏi Toán bằng hình thức trắc nghiệm. Hàng năm, mỗi bài thi này thu hút hàng triệu lượt thí sinh tham gia dự thi để ứng tuyển vào khoảng 1.800 trường đại học của Hoa Kỳ.
Bộ GD&ĐT khẳng định hình thức thi trắc nghiệm hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sáng tạo của học sinh. Các chuyên gia đã tính toán thí sinh phải trải qua bao nhiêu bước mới giải được đề? Thí sinh mất tối thiểu bao nhiêu thời gian? Nếu có những cách giải sáng tạo để thu ngắn các bước tư duy và thời gian, thí sinh có thực sự có năng lực bậc cao không?
Trước đó, Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2017, với 3 điểm khác biệt lớn so với năm 2016.
Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia 2017 dự kiến giao về các Sở GD&ĐT chủ trì, cả nước sẽ chỉ còn một cụm thi ở các tỉnh. Các trường đại học, cao đẳng cử người về hỗ trợ coi thi và có trách nhiệm giám sát. Từ năm 2020 trở đi, vai trò giám sát của các trường đại học, cao đẳng không còn.
Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp một số môn thành bài thi tổng hợp trắc nghiệm. Tất cả chỉ còn 5 bài thi là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trừ Ngữ Văn vẫn thi bằng hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Bộ GD&ĐT cũng dự kiến từ năm 2017, các trường đại học, cao đẳng xét tuyển theo một phương thức hoặc kết hợp các phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT, kết quả các bài thi THPT quốc gia, sơ tuyển kết hợp thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, xét tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực chuyên biệt của trường (hoặc nhóm trường) khác.
Theo Zing
GS Ngô Bảo Châu: 'Thi trắc nghiệm môn Toán hơi dở' GS Ngô Bảo Châu cho rằng thi trắc nghiệm môn Toán "hơi dở". Trong khi đó, PGS.TSKH Vũ Đình Hòa nhận định trắc nghiệm Toán sẽ bỏ sót người giỏi. Theo dự thảo Bộ GD&ĐT công bố, phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 sẽ gồm 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ,...