Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH trên thế giới khác Việt Nam như thế nào?
Việc đổi mới thi cử ở Việt Nam luôn chịu nhiều áp lực từ dư luận. Vậy, các nước trên thế giới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH như thế nào? Có áp lực không?
Tổ chức một kỳ thi quốc gia chung và trường THPT đánh giá và cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho học sinh. Tiêu biểu cho hai xu hướng này là Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc.
Việc đánh giá và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông tại các quốc gia ở Châu Á có hai xu hướng, gồm: tổ chức một kỳ thi quốc gia chung và trường THPT đánh giá và cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho học sinh. Tiêu biểu cho hai xu hướng này là Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc.
Trung Quốc
Tổ chức một kỳ thi thống nhất trong cả nước tại các tỉnh (diễn ra trong 2-3 ngày) do Bộ GD chủ trì (các tỉnh có thể tổ chức ra đề thi riêng căn cứ trên phạm vi nội dung do Bộ GD quy định).
Thi 3 môn thi bắt buộc, gồm: Toán, Trung văn, Anh văn và một môn lựa chọn là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội; hình thức thi: Trắc nghiệm kết hợp với tự luận; kết quả thi dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và được các trường ĐH, CĐ xem xét khi tuyển sinh.
Hàn Quốc
Học sinh không phải trải qua một kỳ thi quốc gia để tốt nghiệp THPT như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Các trường THPT cấp chứng chỉ xác nhận học sinh đã hoàn thành chương trình học THPT và được công nhận tốt nghiệp THPT.
Tổ chức kỳ thi quốc gia để tuyển sinh ĐH, CĐ mỗi năm 1 lần, thường vào tháng 11. Môn thi: Hàn ngữ, Toán học, Tiếng Anh, Ngoại ngữ và các môn khoa học (tối đa 4 môn), các môn xã hội (tối đa 4 môn). Bài thi gồm 180 câu hỏi chia làm 5 phần. Thời gian thi kéo dài 9 giờ trong 1 ngày.
Hình thức thi: Chủ yếu là trắc nghiệm. Thi cử hết sức nặng nề, việc dạy thêm, học thêm rất phổ biến. Hàng năm, phụ huynh phải chi đến 17,4 tỷ USD cho việc học thêm, 70% học sinh tham gia học thêm. Nhiều học sinh tự tử trong thời gian dự kỳ thi.
Thi cử ở Hàn Quốc hết sức nặng nề, việc dạy thêm, học thêm rất phổ biến.
Thái Lan
Học sinh lớp 12 phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với các đề thi quốc gia, các trường ĐH ở Thái Lan đều chấp nhận kết quả khi xét tuyển thí sinh vào ĐH.
Hằng năm, hầu hết các trường công lập và nhiều trường ĐH tư tham gia kỳ thi chung này để liên kết tuyển sinh ĐH. Sau kỳ thi, thí sinh gửi điểm thi của mình đến các trường xin dự tuyển.
Video đang HOT
Một số trường ĐH có thể tổ chức kiểm tra sức khoẻ, kiểm tra năng khiếu… tại trường, đối với những ngành nghề đặc biệt. Hiện Thái Lan đang cải tiến tổ chức kỳ thi tuyển sinh theo mô hình tương tự Hoa Kỳ, tức là lập trung tâm tuyển sinh để tổ chức dịch vụ thi nhiều lần trong năm.
Nhật Bản:
Ở Nhật Bản, không tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông, các học sinh muốn vào học ĐH phải tham gia một kỳ thi tuyển sinh toàn quốc gồm 6-7 bài kiểm tra theo các môn.
Điểm tổng của kỳ thi này sẽ xác định các cơ sở cụ thể mà thí sinh đủ điều kiện đăng ký; các cơ sở được chia thành các bậc, trong đó các cơ sở có uy tín sẽ đòi hỏi điểm số cao hơn.
Sau đó các thí sinh được yêu cầu tham gia một vòng tuyển sinh thứ hai, được tiến hành riêng bởi từng cơ sở giáo dục mà họ đăng ký. Quá trình tuyển sinh dựa trên cả điểm trong kỳ thi toàn quốc và của cơ sở, mỗi cơ sở sẽ tự xác định tỷ trọng tương đối của các điểm số này.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia ở Phần Lan được tổ chức 2 lần một năm, vào mùa xuân và mùa thu.
Một số quốc gia ở Châu Âu, có quy định về việc đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT. Học sinh sau khi hoàn thành chương trình học lớp 12 đều phải trải qua một kỳ thi để được công nhận tốt nghiệp (hoặc được nhận Chứng chỉ tốt nghiệp THPT).
Phần Lan
Ở Phần Lan, các học sinh tham dự kỳ thi ylioppilastutkinto để được nhận bằng tốt nghiệp trung học. Các trường ĐH cũng tự tổ chức các kỳ thi tuyển sinh của mình theo chương trình cụ thể.
Quá trình tuyển sinh thường dựa trên cả điểm thi tốt nghiệp trung học và điểm thi tuyển sinh, tuy nhiên tỷ lệ phần trăm cụ thể về chỉ tiêu của hầu hết các chương trình đào tạo dựa hoàn toàn vào điểm thi tuyển sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia được tổ chức 2 lần một năm, vào mùa xuân và mùa thu, cho học sinh lớp 12, được điều hành bởi EEC. Mục đích của thi tốt nghiệp THPT quốc gia là xác định xem học sinh đã đạt những kiến thức và kỹ năng theo yêu cầu của chương trình THPT hay không.
Học sinh vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp giáo dục trung học là đủ điều kiện nhập học CĐ và đủ điều kiện đăng ký vào ĐH. Những người muốn học ĐH còn phải vượt qua kỳ tuyển sinh riêng của trường. Mỗi trường ĐH tự quản lý kỳ tuyển sinh của họ, theo chương trình, tiêu chí cụ thể. Xét đủ điều kiện nhập học ĐH thường được dựa vào cả điểm thi tốt nghiệp giáo dục trung học và điểm thi tuyển sinh. Tuy nhiên, cũng có một số trường hoàn toàn chỉ dựa trên điểm thi tuyển sinh.
Hình thức phổ biến nhất cho thi tuyển sinh vào ĐH là một bài kiểm tra viết, nhưng với các lĩnh vực nghệ thuật, kịch hoặc âm nhạc thì còn đánh giá qua hồ sơ (portfolio) về năng khiếu, hoặc có thể được mời tham gia một buổi thử giọng.
Đối với các trường ĐH định hướng khoa học ứng dụng (Applied Sciences), các bài thi phần lớn được tổ chức tại trường, một số trường có dịch vụ tổ chức thi tuyển sinh ở nước ngoài hoặc qua mạng. Đối với các trường ĐH định hướng nghiên cứu (Academic), các bài thi được tổ chức tại trường. Ngoài ra, một số trường còn bổ sung thêm tiêu chí khác (ví dụ như SAT test).
Pháp:
Kỳ thi tốt nghiệp trung học được tổ chức trên toàn quốc, các học sinh đạt điểm đỗ (ít nhất là 50%) trong bài thi luận Baccalauresat (tú tài) đều có thể tham gia vào hầu hết các chương trình đại học.
Tuy nhiên, các trường ĐH danh tiếng ( Grandes Écoles) còn yêu cầu thêm các bài kiểm tra khác, các thí sinh cũng sẽ phải vượt qua kỳ thi tuyển sinh do chính cơ sở tổ chức. Những bài kiểm tra này đòi hỏi hai năm học tập căng thẳng ở các lớp học dự bị có tínhchọn lọc cao do các trường trung học tổ chức, hoặc bởi chính các Grandes Ecoles.
Kết quả kỳ thi SAT được sử dụng làm một trong những căn cứ quan trọng để xét tuyển vào các trường ĐH của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ:
Các dịch vụ thi như SAT (Scholastic Aptitute Test – Trắc nghiệm năng lực học tập) và ACT (American College Testing – Trắc nghiệm đại học Hoa Kỳ) được tiến hành nhiều lần trong một năm, thí sinh được chọn thời điểm thi thích hợp với mình; Học sinh tham dự kỳ thi SAT thường là học sinh hai năm cuối bậc THPT (học sinh lớp 11 hoặc lớp 12).
Kết quả kỳ thi SAT được sử dụng làm một trong những căn cứ quan trọng để xét tuyển vào các trường ĐH của Hoa Kỳ, cùng với với các tiêu chí khác như: hồ sơ thí sinh; kết quả các hoạt động ngoại khóa; thư giới thiệu; kết quả phỏng vấn. Thường SAT được tổ chức 6-7 lần trong 1 năm. SAT có 2 kỳ thi chính là SAT I và SAT II :
- Kỳ thi SAT I (Reasoning Testing): là điều kiện bắt buộc cho tất cả học sinh, khi học sinh có nguyện vọng xét tuyển vào học ở nhiều trường ĐH ở Hoa Kỳ.
SAT I thi 3 lĩnh vực: Toán, Đọc hiểu và Viết. Thời gian làm bài thi SAT kéo dài trong vòng 3 giờ 45 phút (bao gồm cả thời gian nghỉ, phát và thu đề). Bài thi SAT I gồm 3 phần chính thuộc 3 lĩnh vực Toán, Đọc hiểu và Viết. Mỗi phần chia ra 3 phần nhỏ, thành 9 phần, gồm trên 200 câu hỏi/bài thi.
- Kỳ thi SAT II (Subject Test): Không bắt buộc đối với tất cả học sinh phải thi, vì kết quả SAT II chỉ sử dụng khi học sinh có nguyện vọng nộp đơn xét tuyển vào học ở các trường ĐH hàng đầu, có tính cạnh tranh cao, như: Havard, Princeton, Yale, Columbia, Brown, Stanford,… hoặc để học sinh xin học bổng.
SAT II là phần thi riêng biệt theo từng môn. Tùy từng trường ĐH, theo yêu cầu và mục tiêu của từng ngành đào tạo, học sinh phải dự thi các môn phù hợp, thông thường thí sinh có thể tùy chọn 3 môn trong số các môn thi sau: Tiếng Anh(Văn học); Lịch sử (Lịch sử Mỹ, Lịch sử thế giới); Toán(Toán 1, Toán 2); Các môn khoa học thực nghiệm (Sinh, Hóa, Lý) và Ngoại ngữ(tiếng Trung, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hebrew (Do Thái) hiện đại, Ý, Latinh, Nhật, Hàn).
Tất cả các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm, trừ một số môn đặc thù như Sinh học (thi thực hành) hoặc các môn Ngoại ngữ (thi nghe nói) và Toán. Mỗi môn thi có thang điểm tối thiểu từ 200 điểm đến tối đa 800 điểm. Thời gian thi là 60 phút/môn.
Australia
Bao gồm 6 bang và hai lãnh thổ có những chương trình giáo dục phổ thông khác nhau, các chuẩn mực khác nhau với các hướng thi khác nhau phù hợp với hướng chọn của các đối tượng học sinh THPT.
Các kỳ thi tốt nghiệp THPT đều do trường THPT tổ chức thi và được gọi là “kỳ thi của trường” (School based Assessment). Một số trường học tư thục và trường công lập tại Bang Nam Úc sử dụng đề thi International Baccalaureate (IB).
Theo Dân trí
Thi tốt nghiệp THPT: Thay đổi thế nào từ năm 1970 đến nay?
Từ năm 1970 đến nay, nước ta đã có nhiều lần thực hiện đổi mới phương thức thi tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng. Nhìn chung phương án thi ngày càng gọn nhẹ, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.
Trước năm 1970: Thi tốt nghiệp THPT (cấp 3 hệ 10 năm): Bộ GD&ĐT ra đề thi, tỉnh, thành phố tổ chức thi, chấm thi. Tuyển sinh đại học: Chính quyền xét tuyển theo lý lịch, học bạ, ấn định trường học, phân công việc làm sau tốt nghiệp.
Năm 2019, Kỳ thi THPT quốc gia cơ bản đạt được mục tiêu đổi mới thi, tuyển sinh. Ảnh ĐH.
Từ năm 1970 đến năm 1990: Thi tốt nghiệp THPT (cấp 3): Bộ GD&ĐT ra đề thi, tỉnh, thành phố tổ chức thi, chấm thi. Thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ): Bộ ra đề, thi tại các cụm thi ở tỉnh. Trường ĐH, CĐ (gần 100 trường) cử giáo viên và sinh viên về coi thi.
Từ năm 1991 đến năm 2002: Thi tốt nghiệp THP do Bộ GD&ĐT ra đề, tỉnh, thành phố tổ chức thi, chấm thi. Từng trường ĐH, CĐ tự ra đề, tổ chức thi và xét tuyển theo nhiều đợt (theo khối thi) khác nhau.
Từ năm 2002 đến năm 2014: Thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT ra đề; tỉnh, thành phố tổ chức thi, chấm thi. Thi ĐH, CĐ "ba chung": chung đề, chung đợt thi, và sử dụng chung kết quả thi; tổ chức thành các cụm. Thi tại các trường ĐH, CĐ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, sau đó tổ chức thêm các cụm ở Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh, Hải Phòng.
Năm 2015: Lần đầu tiên tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia thi liên tỉnh hoặc tại tỉnh; các trường ĐH và sở GD&ĐT địa phương được Bộ GD&ĐT phân công chủ trì 2 loại cụm thi đó là: liên tỉnh và tỉnh (chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT). Các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh có thể lấy kết quả thi THPT hoặc học bạ hoặc tổ chức thi riêng để tuyển sinh.
Năm 2016: Tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia có điều chỉnh về cách thức tổ chức thi tại tỉnh; các trường ĐH và sở GD&ĐT địa phương được Bộ GD&ĐT phân công chủ trì 2 loại cụm thi là đại học và tốt nghiệp. Các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh có thể lấy kết quả thi THPT hoặc/và học bạ hoặc tổ chức thi riêng để tuyển sinh.
Năm 2017: Tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia có điều chỉnh cả về cách thức và phương thức. Về cách thức chỉ còn duy nhất 1 cụm thi tại mỗi tỉnh do sở GD&ĐT chủ trì, trường ĐH, CĐ được Bộ GD&ĐT phân công phối hợp. Về phương thức tổ chức thi theo bài, áp dụng thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ văn), mỗi thí sinh trong một phòng thi có 1 mã đề thi riêng.
Các trường ĐH có nhu cầu sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh tự nguyện thành lập theo nhóm trường để sử dụng chung một phần mềm xét tuyển.
Năm 2018: Tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, ổn định như năm 2017 cả về cách thức và phương thức.
Năm 2019: Giữ ổn định cơ bản như 2018; áp dụng một số giải pháp điều chỉnh nhằm khắc phục hạn chế, bất cập. Theo đó, Bộ GD&ĐT trực tiếp tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao các trường ĐH chủ trì; đồng thời quy định chặt chẽ hơn về kỹ thuật ở một số khâu trong quy trình tổ chức thi.
Nhìn chung, từ năm 2014 trở về trước, hàng năm có 2 kỳ thi là thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ có quy mô lớn, được tổ chức đồng loạt, liên tiếp, riêng rẽ, cách nhau một tháng với cùng nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 và số lượng thí sinh lớn. Việc này đã tạo ra áp lực thi cử cho thí sinh, gia đình trong thời gian khá dài và gây ra các hệ lụy xã hội khó khắc phục.
Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thực hiện theo lộ trình 2015- 2020 đã được triển khai từ năm 2015, được hoàn thiện qua từng năm, đến năm 2019 đã cơ bản đạt được mục tiêu đổi mới thi, tuyển sinh theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW của Trung ương.
Đỗ Hòa
Theo baohaiquan
Giáo dục công dân hãy là môn chính! Mặc dù được đưa vào thi tốt nghiệp THPT, môn giáo dục công dân vẫn là 'môn phụ nhất trong các môn phụ'. Đâu là nguyên nhân? Tranh về sự tử tế do học sinh lớp 9 Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM) cảm nhận và vẽ, được dán xung quanh trường để lan tỏa chứ không chấm điểm - Ảnh: học sinh Trường...