Thi tốt nghiệp THPT: Tăng tiết, ráo riết dò bài
Xác định việc tự học của học sinh rất quan trọng nên Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các trường THPT liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để theo dõi sát sao việc học của con.
“Quan điểm của sở là không nhồi nhét kiến thức mà tập trung hướng dẫn học sinh học ngay từ đầu năm, tổ chức ôn thi hiệu quả và tránh gây áp lực cho học sinh”- ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho phóng viên biết như vậy.
Ôn đúng đối tượng, đúng trình độ
Ông Nguyễn Tánh, Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn), cho biết ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố các m ôn thi tốt nghiệp, nhà trường đã chủ động tăng 1 tiết/tuần đối với các môn thi. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên ôn tập đúng đối tượng, đúng trình độ. Từng lớp sẽ có các chương trình ôn tập khác nhau, do giáo viên chủ nhiệm phối hợp với các giáo viên bộ môn linh hoạt xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể.
Theo ông Phan Khôi, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang), do trường tuyển sinh đầu vào thấp lại nằm ở địa bàn kinh tế khó khăn nên nhà trường thường xuyên theo dõi sát sao học sinh lớp 12. Sau khi biết cụ thể các môn thi, nhà trường đã tăng cường phụ đạo mỗi tuần một buổi cho học sinh. Ngoài ra, trường còn tổ chức ôn tập vào ban đêm cho học sinh nội trú. Một biện pháp nữa mà ông Khôi chia sẻ là tăng cường dò bài vào đầu mỗi tiết học nhằm giúp học sinh ý thức việc tự học ở nhà, nắm vững kiến thức của bài học.
Tại Trường THPT Ngô Quyền (quận Sơn Trà), trường có đầu vào thấp nhất TP Đà Nẵng, nhà trường cũng lên kế hoạch ôn thi cho học sinh rất kỹ. Ông Nguyễn Thanh Phương, hiệu trưởng, cho biết từ tuần thứ 32, trường bắt đầu ôn thi và mỗi lớp tăng từ 10-13 tiết tùy theo phân ban. Trong khi ôn, trường cũng chỉ đạo giáo viên tăng cường dò bài ở các môn văn, sử, địa và giải bài tập ở các môn tự nhiên. Ban giám hiệu cũng như các tổ trưởng có môn thi tổ chức dự giờ thường xuyên để kiểm tra việc giảng dạy của giáo viên.
Video đang HOT
Khuyến khích tự học
Theo ông Nguyễn Minh Hùng, năm học 2010-2011, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của TP Đà Nẵng là 96,7%. Năm nay, xác định việc tự học của học sinh rất quan trọng nên sở đã chỉ đạo các trường THPT liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để theo dõi sát sao việc học của con.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Quyền (TP Đà Nẵng) trong giờ ôn tập tại trường
Cụ thể, Trường THPT Ngũ Hành Sơn đã tổ chức họp phụ huynh học sinh ngay sau khi công bố môn thi. Trong cuộc họp, nhà trường cung cấp lịch học cho phụ huynh, đồng thời kêu gọi hợp tác với nhà trường thường xuyên kiểm tra việc học của con. Đối với những học sinh bỏ học ôn thi, trường sẽ báo cho phụ huynh để có biện pháp kịp thời.
Ở các trường THPT Ngô Quyền, Phạm Phú Thứ cũng chủ động cho giáo viên liên hệ thường xuyên với phụ huynh. Theo lãnh đạo nhiều trường, biện pháp này vừa giúp nhà trường nhẹ gánh hơn trong việc quản lý học sinh vừa có thể theo dõi kỹ từng trường hợp. Trường THPT Ngô Quyền trong cuộc họp với phụ huynh cũng đưa ra kế hoạch ôn thi, đề cương ôn thi để phụ huynh nắm và nhắc nhở học sinh tự học. Mô hình “đôi bạn cùng tiến” cũng được nhiều trường áp dụng.
Ông Nguyễn Tánh chia sẻ rằng trong quá trình ôn thi, giáo viên sẽ phân nhóm học sinh. Mỗi nhóm thường gồm 4 học sinh, trong đó có 2 học sinh khá trở lên kèm cặp 2 học sinh học lực yếu, dưới sự hỗ trợ của giáo viên. Mô hình nhóm này vừa chủ động được việc học tập ngay tại lớp và cả ngoài giờ học. “Các em cũng tự dò bài cho nhau và trao đổi bài, giúp đỡ nhau để cùng có được kết quả thi tốt nhất” – ông Tánh cho hay.
Theo người lao động
Ôn thi tốt nghiệp: Quá oải vì tăng tiết
Mặc dù thông báo mới nhất của Bộ GDĐT về việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 đã yêu cầu các trường chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh, tập trung bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT trong đó chú trọng kiến thức lớp 12 và triển khai dạy học sao cho phù hợp với từng nhóm đối tượng HS để nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp nhà trường.
Song, với công bố các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp đều "nặng" lý thuyết, HS phải "gạo" bài. Và đây chính là lý do khiến hầu hết các trường, HS đều rơi vào tình trạng "quá oải" với việc tăng tiết...
Ghi nhận tại trường Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình) cho thấy, dù đã được tăng tiết từ đầu năm, song sau công bố của bộ về những môn thi tốt nghiệp, HS và cả GV của trường lại tiếp tục "tăng tốc" thêm một lần nữa. Ghi nhận thời gian biểu của HS tại trường "căng như dây đàn", trung bình HS nội trú đầu tư cho việc học xấp xỉ 14 tiếng mỗi ngày. Cụ thể, việc học chính thức bắt đầu lúc 6h30 phút sáng và nếu hoàn thành tốt việc học, trả bài thì việc học mới kết thúc sau 22h.
HS lớp 12 Trường THPT Đa Phước trong một tiết học sử
Trong đó, việc ôn thi những môn học phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp và thi ĐH, ngoài số giờ đã được tăng tiết trong thời gian biểu chính khóa, lại được tăng cường thêm một lần nữa vào 18h và kéo dài trong khoảng 2 tiếng mỗi ngày. Tương tự, tại trường dân lập Ng.S (quận Bình Tân), do kết quả thi thử tại trường cho thấy tỉ lệ HS có trình độ trung bình và yếu còn khá cao, xấp xỉ 20% nên thầy và trò đều phải "tăng tốc". Theo đó, cả giáo viên chủ nhiệm lẫn giáo viên bộ môn đều phải vào cuộc, GV cùng học và đôn đốc kiểm tra bài cho HS yếu, trung bình, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư thêm cho các môn thi.
Lý giải cho tình trạng "quá tải", hiệu trưởng của một trường dân lập tại quận 3 cho rằng: Nếu như áp lực tại các trường công lập là một thì ở các trường ngoài công lập (dân lập, tư thục) là 5. Biết là tăng khiến HS quá tải sẽ bị dư luận phê phán. Song, nếu con em mà không tốt nghiệp THPT nổi thì phụ huynh còn phê phán dữ hơn và uy tín của trường cũng bị giảm sút... Đường nào thì GV và nhà trường cũng bị phê phán nên các trường đành phải chọn phương án an toàn và hiệu quả hơn để thực hiện. Và thiết nghĩ với cơ chế học - thi cử như hiện nay thì khó lòng không bị quá tải. Có chăng, ở tầm vĩ mô các cấp lãnh đạo ngành nên cải tiến kỳ thi tốt nghiệp cho nhẹ nhàng hơn, mục tiêu của giáo dục phổ thông chỉ là cung cấp kiến thức cơ bản cho HS tốt nghiệp THPT.
Không quá nặng nề như tình hình tại các trường ngoài công lập, song những trường trong hệ thống công lập cũng đã triển khai tăng tiết cho HS ngay từ đầu năm hoặc chậm lắm là ngay đầu học kỳ II, để đạt mục tiêu hoàn thành chương trình học trước tháng tư, sau đó thời gian còn lại đầu tư cho các môn thi. Có thể nói, đến thời điểm hiện tại hầu hết các trường đã đạt được mục tiêu trên. Và từ tháng 4 trở đi đầu tư mạnh cho 6 môn thi tốt nghiệp với dự kiến tăng thêm 10 - 13 tiết mỗi tuần (cho cả 6 môn thi) và những môn này sẽ được học vào buổi sáng.
Ghi nhận cụ thể tại Trường THPT Củ Chi, tất cả 6 môn thi tốt nghiệp đều được tăng tốc, với 3-4 tiết/môn/tuần. Có như thế, mới có thể đạt được kết quả tốt. Tương tự, tại trường Nguyễn Thị Diệu (quận 3), thời khóa biểu của 6 môn thi tốt nghiệp cũng đã chính thức tăng tiết vào đầu tháng 4 này. Kỳ thi tốt nghiệp là kết quả của cả 12 năm học phổ thông, phải cố gắng để đạt được kết quả tốt nhất có thể, dù có phải tăng tốc và vất vả hơn những niên học trước thì HS và cả GV cũng nên cố gắng - thầy Nguyễn Văn Tấn - trường Nguyễn Thị Diệu cho biết quan điểm.
Theo Lao động
Hậu đổi giờ, trường học ở Hà Nội ra sao? Lãnh đạo một số trường, phụ huynh và học sinh phấn khởi vì giờ học được điều chỉnh. Sinh hoạt của cô, trò đã dần vào nếp. Nhưng đường vẫn tắc và âu lo còn nhiều. Phấn khởi Một tháng sau khi Hà Nội tiến hành đổi giờ học giờ làm, lãnh đạo nhiều trường từ Tiểu học, THCS, THPT đều chia sẻ...