Thi tốt nghiệp THPT: Sẽ triệt tiêu văn mẫu?
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ đưa văn bản ngoài sách giáo khoa và áp dụng cách kiểm tra của PISA vào đề thi môn văn ở phần đọc hiểu; giảm thời gian làm bài nhưng có cả 2 phần nghị luận xã hội và văn học.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) học nhóm môn văn chiều 10.4 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đó là những quyết định được Bộ GD-ĐT công bố tại hội thảo Đổi mới kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn ngữ văn ở trường phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm qua (10.4) tại Hà Nội.
Dữ liệu ngoài sách giáo khoa nhưng không đánh đố
Ngay tại hội thảo, vẫn còn có ý kiến băn khoăn và đề nghị Bộ GD-ĐT không nên lấy văn bản ngoài sách giáo khoa làm ngữ liệu cho phần đọc hiểu vì cho rằng thay đổi này là gấp gáp và quá bất ngờ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định: “Ngữ liệu trong phần đọc hiểu văn bản của đề thi chắc chắn sẽ không lấy trong sách giáo khoa. Văn bản đó không vượt quá năng lực nhận thức của học sinh (HS) tốt nghiệp THPT, không đánh đố HS. Văn bản được lựa chọn chắc chắn không có những kiểu câu quá phức tạp, nhiều từ ngữ địa phương khiến cho HS miền Bắc thì hiểu, miền Nam thì không…”. Ông Hiển nhấn mạnh: “Nhiều khi chúng ta cứ bó HS vào những văn bản có sẵn và bắt các em học thuộc thì chính là làm khó cho HS”.
Ông Hiển nói thêm: “Việc thiết kế câu hỏi của phần đọc hiểu sẽ theo cách làm của PISA”.
Phần viết chiếm tỷ lệ lớn hơn đọc – hiểu
Video đang HOT
PGS Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 cho biết đề thi tốt nghiệp THPT có 2 phần: đọc – hiểu và viết (tạo lập văn bản).
Phát biểu tại hội thảo, ông Thống cho biết: “Sẽ có cả phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Tuy nhiên, yêu cầu của đề thi tốt nghiệp sẽ thiết kế sao cho phù hợp với khả năng của HS và phù hợp với thời gian làm bài là 120 phút”. Do vậy, có thể có những phần chỉ yêu cầu HS thể hiện quan điểm ở một khung hoặc một đoạn viết nhất định chứ không nhất thiết phải trình bày trọn vẹn cả 2 bài luận.
Ông Thống phân tích: Phần đọc hiểu là kiểm tra kiến thức mang tính thông tin thuần túy. Phần viết kiểm tra kiến thức toàn diện hơn, trong đó đánh giá cả về chính tả, ngữ pháp; sự trong sáng về tiếng Việt; sự sáng tạo và cả quan điểm riêng… của HS.
Áp dụng với cả đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định cách ra đề môn ngữ văn với những yêu cầu mới sẽ áp dụng cả với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT chủ trương năm nay nhất định sẽ đổi mới và định hướng ngày càng có những yêu cầu cao hơn ở những năm sau.
Trao đổi bên lề với phóng viên Thanh Niên, ông Thống cho biết tuy chưa định rõ tỷ lệ giữa 2 phần này trong đề thi nhưng chắc chắn phần viết sẽ chiếm thời lượng và điểm số lớn hơn. “Nếu nắm vững kiến thức cơ bản, HS có thể sẽ chỉ làm phần đọc hiểu trong vòng 15 phút, còn lại dành cho phần viết”, ông Thống nói.
Chấm thi mở
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng nêu thực tế đổi mới cách ra đề thi không khó nhưng đổi mới cách chấm mới là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.
PGS Phan Trung Dũng (Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Vinh) đề nghị đáp án chấm thi môn văn phải rất linh hoạt, không gò bó và không nên đòi hỏi một đáp án chuẩn. Khi đề thi đã mở thì đáp án cần xây dựng cụ thể nhưng chỉ đưa ra như một gợi ý chứ không bắt buộc giám khảo chấm thi phải tuân thủ tuyệt đối. Bà Nguyễn Thị Thu Thanh (Sở GD-ĐT Hải Dương) cho rằng việc cần làm ngay là thay đổi nhận thức của các thầy cô giáo trong biên soạn đề theo hướng mở, chấm mở và trân trọng những cái mới của HS.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Cách xác định trong bài làm phải có bao nhiêu ý cũng phải được thay đổi. Quan trọng là xác định những yêu cầu, kỹ năng HS đạt được ở mức độ nào; cách thức giải quyết vấn đề của HS khi làm bài văn để cho điểm”. Ông Hiển cũng nói rõ với hướng ra đề thi và chấm thi như vậy thì chắc chắn là từ năm nay sẽ không để xảy ra việc HS học thuộc văn mẫu rồi mang vào chép vẫn đạt điểm cao.
Theo TNO
Thi tốt nghiệp THPT: Sẽ đưa văn bản ngoài SGK vào đề văn
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên hôm qua 8.4, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT đã nói rõ hơn về cách đổi mới ra đề môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Học sinh lớp 12 Trường trung học thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) ôn thi môn văn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Kiểm tra kỹ năng đọc hiểu và viết
Ông Mai Văn Trinh cho rằng đề thi những năm trước chưa giúp đánh giá được năng lực ngữ văn của học sinh (HS) cuối cấp THPT. Năm nay, các câu hỏi yêu cầu HS sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp, vốn sống và hiểu biết xã hội để trả lời chứ không phải máy móc theo khuôn mẫu có sẵn.
Ông Trinh khẳng định chủ trương đổi mới này cũng được đề xuất trên cơ sở thực tiễn dạy học môn ngữ văn trong nhà trường, kế thừa những ưu điểm của hình thức ra câu hỏi định dạng theo đánh giá PISA (chương trình đánh giá HS quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) đã được triển khai thành công ở nhiều trường THPT nước ta. Cũng theo ông Trinh, dạng câu hỏi mở cũng đã được sử dụng trong kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ trong mấy năm gần đây.
Đề thi sẽ nâng cao dần yêu cầu qua từng năm và tập trung vào kiểm tra đánh giá 2 kỹ năng quan trọng là đọc hiểu và viết. Ông Mai Văn Trinh lập luận HS đã được rèn luyện và kiểm tra đánh giá kỹ năng đọc hiểu từ bậc tiểu học. Ở THCS, THPT, đọc hiểu chiếm phần lớn lượng thời gian dạy học của môn ngữ văn. Vì vậy, việc kiểm tra đánh giá kỹ năng đọc hiểu trong kỳ thi tốt nghiệp là hoàn toàn bình thường và là yêu cầu bắt buộc.
Tích hợp kiến thức liên môn
Điểm mới đáng chú ý trong cách ra đề môn ngữ văn, theo ông Mai Văn Trinh là ở chỗ chuyển từ việc yêu cầu HS học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc những nội dung, văn bản có trong sách giáo khoa sang việc vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc đọc hiểu một hoặc một số văn bản không có trong sách giáo khoa nhưng có cùng đặc điểm về thể loại, đề tài/chủ đề... "Cách kiểm tra này sẽ đánh giá khách quan và chính xác hơn năng lực đọc hiểu của HS; tránh được hiện tượng học tủ, học vẹt", người đứng đầu Cục Khảo thí nêu mục tiêu.
Bên cạnh đó, ông Trinh cho rằng đề thi mới vẫn coi trọng kỹ năng viết. Đề thi sẽ đưa vào những câu hỏi theo hướng "mở" và tích hợp kiến thức liên môn chứ không phải câu hỏi "đóng" (và cả đáp án "đóng"), yêu cầu HS ghi nhớ kiến thức và làm bài theo những khuôn mẫu có sẵn như trước. "Với cấu trúc như trên, dung lượng đề thi năm nay sẽ giảm bớt để phù hợp với thời gian làm bài là 120 phút", ông Trinh khẳng định.
Trao đổi với Thanh Niên, GS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên của một số cuốn sách giáo khoa tiếng Việt, ngữ văn hiện hành, đánh giá chủ trương đổi mới cách ra đề thi môn văn mà Bộ GD-ĐT dự kiến áp dụng từ năm nay là tín hiệu đáng mừng, mặc dù những đổi mới đó cũng chỉ là bước đầu. GS Thuyết nhấn mạnh: "Việc tách phần đọc hiểu với phần làm văn trong đề thi là nên làm nhưng phải làm cho đúng, tránh lẫn lộn phần làm văn sang phần đọc hiểu và ngược lại, gây khó khăn cho HS trong quá trình làm bài".
Tuy nhiên, GS Thuyết cũng băn khoăn vì dù từ tiểu học đến THCS chương trình sách giáo khoa ngữ văn rất quan tâm đến kỹ năng đọc hiểu nhưng lên cấp THPT thì sách giáo khoa lại không quan tâm đến nội dung này. "Vậy việc ra đề chú trọng đến kỹ năng đọc hiểu trong kỳ thi tốt nghiệp liệu có mâu thuẫn với quy chế thi tốt nghiệp (đề thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành) hay không?", ông Thuyết đặt vấn đề.
Ngoại ngữ thêm phần thi "viết", không phải "viết luận"
Ông Mai Văn Trinh cũng giải thích rõ hơn về phần bổ sung trong đề thi môn ngoại ngữ. Theo đó, ngoài phần thi trắc nghiệm (chiếm tỷ lệ lớn), đề thi năm nay có thêm phần kiểm tra về kỹ năng viết của HS, chứ không phải là "viết luận" như thông tin mà Bộ công bố ban đầu.
Theo các chuyên gia ngoại ngữ, yêu cầu viết luận là khó hơn so với yêu cầu về "viết" nói chung trong một đề thi ngoại ngữ. Để kiểm tra kỹ năng viết, phần ra đề có thể đơn giản là đặt một câu hỏi và yêu cầu HS viết ra một câu trả lời đầy đủ, đúng ngữ pháp... Trong khi đó, nếu là "viết luận" thì HS sẽ phải trình bày có đầu có cuối, trọn vẹn về một vấn đề nào đó dựa vào quan điểm, suy nghĩ và hiểu biết của mình. Với một đề thi tốt nghiệp và thời gian làm bài có 60 phút thì viết luận là một yêu cầu quá mức.
Theo TNO
Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn tốt nghiệp sẽ có hai phần Trên tinh thần đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT 2014 dựa trên Công văn số 1656 về Hướng dẫn thi tốt nghiệp thì đề môn Ngữ văn sẽ có hai phần đọc hiểu và làm văn. Theo đó, các câu hỏi yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp, vốn sống và hiểu biết xã hội để giải...