Thi tốt nghiệp THPT: Những sai lầm thường gặp của học sinh khi ôn theo đề thi tham khảo
Giáo viên cho rằng học sinh thường có tâm lý ôn theo đúng dạng bài đã xuất hiện trong đề tham khảo, hoặc loại trừ những bài đã gặp. Điều này khiến các em tự thu hẹp và giới hạn kiến thức của bản thân.
Bộ GD-ĐT vừa công bố đề thi tham khảo các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Đề tham khảo được công bố nhằm giúp học sinh ôn tập hiệu quả hơn, nắm được cấu trúc đề trước khi bước vào kỳ thi chính thức.
Thầy Lê Bá Trần Phương, giáo viên môn Toán tại Hà Nội cho rằng, những thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 không chỉ chịu tác động của dịch Covid-19 của năm nay, mà còn phải học online dài ngày, ngừng đến trường năm học lớp 11. Do đó, tâm lý chung của nhiều thí sinh trên cả nước là đều mong ngóng đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT.
Theo thầy Phương, việc công bố đề tham khảo vô cùng cần thiết, phù hợp trong hoàn cảnh dạy và học hiện nay, giúp giáo viên và học sinh nắm được những phông kiến thức cơ bản, tham chiếu vào hệ thống kiến thức để có cách ôn luyện phù hợp.
So sánh giữa đề thi tham khảo các năm gần đây và đề thi chính thức, thầy Lê Bá Trần Phương cho rằng, trên thực tế, có những năm đề thi chính thức khó hơn đề thi tham khảo, cũng có những năm lại theo chiều hướng ngược lại.
“Có những câu trong đề thi chính thức có, nhưng trong đề thi tham khảo lại không có. Tuy nhiên, những nội dung trong đề chính thức vẫn sẽ nằm trong phông kiến thức của đề tham khảo. Do đó, học sinh cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trên thực tế, nhiều em hay dựa vào đề thi tham khảo để loại bỏ những kiến thức không có trong đề, tức không học những nội dung mà đề tham khảo không hỏi tới. Đây là điều các em cần tránh. Bởi có rất nhiều câu hỏi không có trong đề tham khảo nhưng khi thi thật vẫn gặp phải. Để có kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh phải ôn luyện một cách đầy đủ và toàn diện”, thầy Phương lưu ý.
Cũng theo thầy Lê Bá Trần Phương, đề thi tốt nghiệp THPT về cơ bản sẽ phủ kín kiến thức trong chương trình lớp 12, nên thí sinh cần ôn rất chắc những nội dung này.
Ngoài ra, riêng với môn Toán, sẽ có một phần kiến thức lớp 11. “Các em chỉ cần ôn theo phông kiến thức mà đề thi minh họa của Bộ đã công bố. Nhưng cần lưu ý đây là phông kiến thức chung, nhưng lại có nhiều góc độ khác nhau, do đó học sinh cần chú ý học toàn diện”, thầy Phương nhấn mạnh.
Còn theo cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội, đề thi tham khảo sẽ giúp học sinh yên tâm hơn trước khi bước vào các kỳ thi. Nếu hiểu đúng đề tham khảo chỉ để tham khảo, thì mỗi đề sẽ là cơ hội để học sinh và giáo viên ôn luyện hữu ích nhất. Tuy nhiên, hiện nay, do cách hiểu và vận dụng sai, nên nhiều học sinh, giáo viên đã tự giới hạn hẹp lại các kiến thức, kỹ năng cần ôn luyện sau khi Bộ công bố đề thi tham khảo.
Với môn Ngữ văn, cô Tuyết đơn cử ở câu nghị luận văn học, thay vì luyện cho học sinh nhiều kỹ năng khác nhau như phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh… nhưng với tâm lý đề tham khảo là khuôn mẫu, nên nhiều giáo viên ở một số nơi tập trung ôn cho học sinh dạng đề như trong đề tham khảo. Như vậy, vô hình chung, kiến thức của học trò bị thu hẹp lại trong nửa năm còn lại của học kỳ 2 lớp 12.
Ngoài ra, cô Tuyết cũng cho rằng, đề thi tham khảo môn Ngữ văn, mỗi câu đều ứng với một tác phẩm văn học. Trong chương trình lớp 12 chỉ có hơn 10 tác phẩm. Do đó, sau khi có đề thi tham khảo, nhiều người có tâm lý mặc định thi gì học nấy, dạy rất nhẹ nhàng hoặc nhiều khi bỏ qua những bài, tác phẩm đã xuất hiện trong đề tham khảo, cùng những bài đã xuất hiện trong đề thi chính thức của năm trước. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu giáo dục toàn diện.
“Một quan niệm sai lầm khác là đề thi tham khảo là khuôn mẫu. Nhưng rõ ràng không có khuôn mẫu nào có thể tạo ra sự hứng thú, vì tất cả đều biết trước. Việc ôn luyện môn Ngữ văn theo những khuôn mẫu có sẵn là cách học khổ ải, nhàm chán, khiến chính các em học sinh mất đi hứng thú khi làm bài”, cô Tuyết lưu ý./.
Đề tham khảo thi THPT: Hơn 70% nội dung ở mức độ 'dễ thở'
Đề tham khảo kỳ thi THPT năm nay do Bộ GD-ĐT vừa công bố được nhiều giáo viên có chung nhận xét: cấu trúc đề thi quen thuộc, mức độ vận dụng và vận dụng thấp chiếm tới trên 70% ở hầu hết các môn thi.
Giáo viên và học sinh lớp 12 đã tiếp cận với đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Đề môn văn có cấu trúc quen thuộc
Bà Nguyễn Thị Dịu, giáo viên ngữ văn, Trường THPT chuyên Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), cho rằng: đề thi tham khảo vẫn giữ nguyên cấu trúc của đề thi THPT năm 2020 với 2 phần đọc hiểu và làm văn, giúp cho thí sinh (TS) có định hướng ôn tập rõ ràng, ổn định tâm lý chuẩn bị cho bài thi.
Giáo viên hướng dẫn học sinh ôn tập, giải đề thi tham khảo ngay trong ngày 1.4 - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Về nội dung, đề tham khảo không chỉ kiểm tra kiến thức văn học mà còn đề cập đến các vấn đề thời sự. Hệ thống câu hỏi ở phần đọc hiểu dẫn dắt học sinh (HS) tìm hiểu về mảnh đất và con người miền Trung, vùng đất vừa trải qua thiên tai. Chủ đề của đoạn văn nghị luận xã hội là sức mạnh của tình người trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách. Đây là vấn đề giàu nghĩa, có tính giáo dục cao. Bằng chính trải nghiệm cuộc sống, đặc biệt là những hiểu biết, trải nghiệm về tình người trong hoàn cảnh dịch bệnh, thiên tai vừa qua, HS có thể bàn luận sâu sắc về vấn đề này.
Cũng theo bà Dịu, câu 2 của phần làm văn chiếm tỷ lệ điểm cao nhất trong bài thi (5,0 điểm) yêu cầu: phân tích hình tượng sông Hương trong một đoạn trích của tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông và nhận xét về tính trữ tình của bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đây là tác giả, tác phẩm mà HS được học trong chương trình ngữ văn lớp 12, tập 1. Như vậy, phạm vi kiến thức của đề thi bám sát kiến thức lớp 12, không đánh đố HS. Tính phân hóa của đề thi tham khảo thể hiện ở yêu cầu nhận xét về tính trữ tình của bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Câu hỏi môn toán dễ và vừa chiếm tỷ trọng lớn
Ông Lê Xuân Sơn, giáo viên Trường THPT chuyên ĐH Vinh, nhận xét: "Đề tham khảo môn toán khá "mềm", số câu hỏi dễ và vừa chiếm tỷ trọng lớn, mặc dù có một số câu hỏi phân loại cao". Số câu hỏi ở 2 mức độ nhận biết và thông hiểu khoảng 76% tương đương so với các năm 2019 và 2020 và đều tập trung vào kiến thức rất cơ bản, quen thuộc; HS chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa là có thể chọn ngay được đáp án đúng. Các em HS khá có thể đạt ngay 7 điểm ở phần này của bài thi. Các câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao không đánh đố, có thể phân loại được HS khá giỏi. Trong đó, hầu hết các câu hỏi quen thuộc và có 1 - 2 câu đòi hỏi tư duy sâu sắc.
Môn tiếng Anh: Có vẻ "an toàn" quá?
Với môn tiếng Anh, bà Liên Hương, giáo viên Trường Marie Curie Hà Nội, cho rằng: với 50 câu hỏi trắc nghiệm, đề minh họa không xuất hiện các dạng câu hỏi mới so với năm trước. Có tới 75% nội dung đề thi ở mức độ kiến thức cơ bản, nhận biết thông hiểu, 25% lượng câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao (trong đó cụ thể có khoảng 7 câu vận dụng cao). Đề thi có tính phân hóa.
Trong khi đó, bà Am Thùy Linh, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), tỏ ra khá băn khoăn khi đề thi môn tiếng Anh không có gì khác biệt so với năm trước, đề có vẻ nhạt nhòa, "an toàn quá". "Mong nội dung đề thi môn này có gì mới mẻ, có một số câu phân loại tốt hơn để kích thích được HS có năng lực học tiếng Anh", bà Linh nói.
Lịch sử: Phân loại khá rõ; địa lý: Không nên học tủ
Bà Thu Huyền, giáo viên Trường Marie Curie Hà Nội, nhận định: Nội dung đề thi cơ bản, kiến thức trọng tâm, vừa sức với HS. Kiến thức chủ yếu ở chương trình lớp 12 với 36 câu (chiếm khoảng 90%), lớp 11 chỉ có 4 câu (10%). Câu hỏi ở dạng nhận biết và thông hiểu chiếm tới 75%, nằm trong nội dung sách giáo khoa hiện hành. 25% câu hỏi ở dạng vận dụng thấp, vận dụng cao để phân loại HS (trong đó có 4 câu hỏi khó dành cho HS giỏi, nắm rất chắc kiến thức mới làm được).
Còn bà Phùng Thị Ngọc Bích, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc), cho rằng: đề thi tham khảo năm 2021 có khả năng phân hóa tốt hơn, cung cấp một kết quả tin cậy để các trường ĐH và CĐ có thể sử dụng làm cơ sở để xét tuyển sinh.
Điểm mới của đề thi so với các năm trước, theo bà Ngọc Bích là có 1 câu về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn 1975 - 1980.
Với môn địa lý, theo cô Bạch Tuyết, Trường Marie Curie Hà Nội, cấu trúc đề gồm có 40 câu, chủ yếu thuộc chương trình lớp 12 (chiếm 95%), lớp 11 (chỉ chiếm 5%). Phần lý thuyết bao quát toàn bộ chương trình 12, đề cập đến những kiến thức nhỏ lẻ, đòi hỏi HS phải học toàn bộ kiến thức, không được chủ quan học tủ. HS chỉ cần chăm chỉ nắm kiến thức cơ bản là có thể đạt 7 - 8 điểm.
Đề thi được xây dựng ra sao?
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết việc xây dựng đề tham khảo này nhằm hỗ trợ giáo viên và HS có định hướng dạy học và ôn tập, chuẩn bị một tâm thế tốt nhất cho kỳ thi, tránh những áp lực và lo lắng không cần thiết đối với HS và giáo viên. Mức độ của đề thi cũng đã có sự tính toán để phù hợp với điều kiện học của HS cả nước trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh 2 năm liền, trong đó tính đến một mặt bằng chung để đảm bảo không gây sự bất bình đẳng, lo lắng cho HS và giáo viên.
Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định việc biên soạn đề tham khảo được làm đúng theo quy trình ra đề thi chính thức đã được quy định trong quy chế thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ năm 2021. Theo đó, quy trình ra đề như sau: Tổ ra đề thi soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; riêng với môn thi tự luận có thêm hướng dẫn chấm thi (đối với đề thi chính thức và đề thi dự bị). Đối với đề thi trắc nghiệm, thư ký sử dụng phần mềm rút ngẫu nhiên các câu trắc nghiệm từ ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa được xây dựng theo quy định của Bộ GD-ĐT, chuyển cho các tổ trưởng ra đề thi (có sự chứng kiến của chủ tịch hội đồng ra đề thi và các tổ trưởng ra đề thi) làm nguồn tham khảo để soạn thảo đề thi.
Quy chế cũng quy định phải có khâu phản biện đề. Người phản biện có trách nhiệm đọc, giải và đánh giá đề thi theo các yêu cầu quy định và đề xuất phương án chỉnh lý, sửa chữa đề thi nếu thấy cần thiết. Ý kiến đánh giá của người phản biện đề thi được báo cáo chủ tịch hội đồng ra đề, làm căn cứ để tham khảo trong quá trình duyệt đề thi...
Môn giáo dục công dân đầy tính thời sự
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giáo viên Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), cho rằng: đề tham khảo môn giáo dục công dân năm 2021 đề cập đến những vấn đề mang tính thời sự đang được xã hội quan tâm như: nhập cảnh trái phép, ý thức phòng, chống dịch bệnh; việc thử nghiệm vắc xin...
Các câu hỏi trong đề thi không đơn thuần chỉ là việc kiểm tra kiến thức mà còn mang ý nghĩa giáo dục trong việc định hướng và hình thành các kỹ năng cần thiết đối với HS, mang tính giáo dục về ý thức đạo đức và thái độ tôn trọng pháp luật cho người học. Từ đó giúp các em hoàn thiện kỹ năng nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với yêu cầu, lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Những tình huống pháp luật mang hơi thở cuộc sống nên cũng tạo được sự hứng thú cho HS trong quá trình làm bài.
Môn lý, hóa, sinh: Cấu trúc và độ khó giống đề chính thức năm ngoái
Giáo viên Võ Thanh Bình, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, nhận xét nội dung đề tham khảo môn sinh nằm trong nội dung giảm tải năm nay. Cấu trúc và độ khó giống đề chính thức năm ngoái.
Qua đề minh họa môn hóa, thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Tân Phú, TP.HCM, nhận xét nhìn chung đề thi minh họa với kiến thức đảm bảo mục đích của kỳ thi 2 trong 1: Tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển vào các trường ĐH. Đa số kiến thức trọng tâm phân bố ở chương trình hóa học lớp 12, có khoảng 2 câu thuộc lớp 11 (phần Phân bón hóa học và Đại cương hữu cơ).
Về môn vật lý, cô Lệ Thanh, Trường Marie Curie Hà Nội, cho rằng cấu trúc đề tham khảo không thay đổi so với năm trước: có 4 câu thuộc chương trình lớp 11 (10%) phần còn lại (36 câu) thuộc chương trình lớp 12. Đề cũng có tính phân hóa, số đông HS dễ đạt từ 6 đến 8 điểm.
Bích Thanh - Tuệ Nguyễn
Từ đề tham khảo, giáo viên sẽ dạy thế nào? Trang bị thật tốt lý thuyết nền tảng, tập trung kiến thức cơ bản nhất cho học sinh là những lưu ý mà giáo viên sẽ giảng dạy cho học sinh từ đề tham khảo. Học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM thực hiện giải đề thi tham khảo môn vật lý ngày 1.4 - ẢNH: Đ.N.THẠCH Qua đề tham...