Thi tốt nghiệp THPT: Có thể đươc thay đổi môn thi tự chọn
Những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng kéo theo việc phải thay đổi hàng loạt các khâu trong quá trình ôn thi, tổ chức thi.
Sẽ có nhiều thay đổi về khâu tổ chức thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay – Ảnh: Ngọc Thắng
Thi theo… khối thi ĐH
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho hay: Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố quyết định chính thức, ngày 25.2 trường đã tổ chức cho học sinh (HS) đăng ký môn thi tự chọn để có thể “thăm dò” về hướng lựa chọn của HS.
Ông Cương cho biết dù chưa có kết quả cụ thể về lựa chọn của HS nhưng có thể thấy một xu hướng rất rõ và không nằm ngoài dự đoán là HS dự thi ĐH theo khối nào thì sẽ lựa chọn môn thi tự chọn tốt nghiệp THPT theo khối thi đó. PGS Cương cũng nêu thực tế: “Môn lịch sử có lẽ sẽ rất ít em lựa chọn”.
Ông Ngô Văn Hợi, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, cũng cho biết xu hướng lựa chọn môn thi có thể hình dung được khi nhìn vào lựa chọn khối thi ĐH và phân ban hiện nay. Hầu hết HS lựa chọn theo ban cơ bản và đăng ký học nâng cao theo ban A và ban D, rất hiếm người theo ban C.
Ghi nhận ban đầu của Thanh Niên cũng cho thấy, những môn HS ít lựa chọn đứng đầu là lịch sử, tiếp đến là sinh học…
Ôn theo môn tự chọn
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, thông tin: “Bắt đầu từ tuần sau trường sẽ cho HS đăng ký môn thi tự chọn đồng thời lên kế hoạch sắp xếp các lớp ôn tập cho HS ngoài giờ học chính khóa”. Ông Tùng Lâm dự kiến đầu tháng 4 sẽ tổ chức ôn thi theo đúng lựa chọn của HS và thi thử ít nhất 2 lần để HS làm quen với cách thi theo ca.
PGS Văn Như Cương cũng cho biết khi đã hoàn thành chương trình chính thức sẽ dựa vào nguyện vọng của HS để tổ chức ôn thi theo môn chứ không đồng loạt theo lớp học như trước đây.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho rằng khó khăn nhất năm nay có lẽ là công tác tổ chức ôn thi. “Có những môn rất đông HS lựa chọn và ngược lại nên việc bố trí phòng học, giáo viên sẽ là khó khăn cho nhiều trường. Nhưng có lẽ khó khăn nhất cho công tác quản lý từ nay đến kết thúc năm học là việc giữ nền nếp học tập đối với những môn mà HS không định thi”, ông Bình nói.
Video đang HOT
Đăng ký thi sớm hơn mọi năm
Việc cho phép HS đăng ký môn thi tự chọn và có thêm khâu tính điểm học lực lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT sẽ là những việc lớn phát sinh trong năm nay đối với các trường.
Một lãnh đạo Cục Khảo thí, Bộ GD-ĐT cho hay hiện nay Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo quy chế thi tốt nghiệp và sau đó sẽ có hướng dẫn tổ chức thi cụ thể để các địa phương căn cứ vào đó thực hiện. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ phải đẩy thời gian cho HS đăng ký dự thi (kèm theo đăng ký môn thi tự chọn) sớm hơn so với mọi năm.
Dự kiến, có thể Bộ GD-ĐT sẽ cho phép HS được thay đổi môn thi tự chọn (một lần) trong khoảng thời gian nhất định.
Các địa phương mong muốn Bộ có hướng dẫn càng sớm và càng cụ thể càng tốt để việc thực hiện thuận lợi nhất, tránh thiệt thòi cho thí sinh.
Về xét tốt nghiệp, các địa phương cũng sẽ trông chờ vào phần mềm quản lý dữ liệu điểm của Bộ. Theo Bộ GD-ĐT, trước kỳ thi tất cả dữ liệu về kết quả học tập lớp 12 của HS cả nước đã phải nhập về Bộ và không thể thay đổi được nữa.
Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng: “Hà Nội đã có nhiều năm kinh nghiệm vừa kết hợp thi và xét để tuyển sinh vào lớp 10 nên sẽ không khó trong việc xét tốt nghiệp trong năm nay. Việc quản lý để hạn chế “chạy” điểm được tiến hành chặt chẽ từ các quy định cụ thể”.
Theo TNO
Các phương án thi tốt nghiệp THPT: Xem xét ngoại ngữ là môn tự chọn
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Vinh Hiển (ảnh), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định đang và sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp về đề án thi tốt nghiệp THPT và chỉ quyết định khi thấy yên tâm về tính khả thi cũng như điều kiện thực hiện.
Học sinh lớp 12 đang chờ đợi quyết định cuối cùng của Bộ GD-ĐT về phương án thi tốt nghiệp năm nay - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết:
Hiện nay, do điều kiện khó khăn khách quan, nên việc dạy - học môn ngoại ngữ ở trường phổ thông rất khác nhau giữa các vùng miền. Do vậy, dự thảo đề xuất phương án đưa môn ngoại ngữ là môn thi khuyến khích. Qua các kênh thông tin khác nhau, chúng tôi nhận được đề xuất đưa môn ngoại ngữ là môn thi tự chọn (để nâng cao vị trí của môn học này và khuyến khích việc dạy và học môn ngoại ngữ). Chúng tôi sẽ thảo luận, cân nhắc vấn đề này một cách nghiêm túc và cầu thị. Bộ sẽ tiếp tục cân nhắc kỹ hơn vì dù quyết theo hướng nào cũng có hạn chế.
Cách thi và kiểm tra hiện nay chỉ thi theo hình thức trắc nghiệm, một triệu học sinh thi phổ thông trong một buổi thì rất khó đánh giá được năng lực toàn diện về ngoại ngữ, chỉ nặng về kiểm tra ngữ pháp trong khi nghe, nói chẳng đánh giá được. Cách thi ấy có thể cũng khuyến khích được tinh thần học hành nhưng khó đi được đến cái đích cuối cùng là học để sử dụng ngoại ngữ.
Sẽ không xảy ra hiện tượng miễn "oan"
* Về vấn đề mở rộng đối tượng miễn thi, Bộ nhận được ý kiến đồng tình hay phản đối nhiều hơn, thưa ông?
Nói chung là số đông vẫn đồng ý với miễn thi nhưng vẫn băn khoăn tại sao lại có tỷ lệ 20%. Chúng tôi lý giải thế này: Nói chung thi tốt nghiệp của mình đỗ rất nhiều, gần 100%, riêng số khá giỏi trên 20%. Số học sinh được xếp loại khá giỏi trong quá trình học tập cũng trên 20%, thậm chí có nơi gấp đôi số lượng này.
Tuy nhiên, nếu không khống chế tỷ lệ thì với cách thức thi kiểm tra đánh giá như hiện nay chưa phản ánh đúng chất lượng người học. Khi không bị khống chế thì sẽ chạy đua, nảy sinh những tiêu cực như xin thầy xin cô điểm thì được miễn thi. Việc khống chế tỷ lệ thì sẽ xảy ra chuyện "cạnh tranh" lành mạnh và nhờ vậy quá trình giám sát chặt chẽ hơn.
* Vậy Bộ có tính tới trường hợp các địa phương dù không đủ nhưng cũng cố để chọn tối đa 20% được miễn thi?
Dù tất cả các địa phương đều miễn thi 20% thì theo tính toán của chúng tôi như trên cũng không xảy ra hiện tượng miễn "oan" đâu. Khống chế tỷ lệ này thì chỉ có thể xảy ra trường hợp ở một số địa phương đáng lẽ được miễn thi thì không được miễn thôi.
Tạo cơ sở để trường ĐH tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT
* Cùng với đổi mới việc tổ chức thi, cách thức ra đề thi có thay đổi gì đáng kể không, thưa ông?
Phương án đổi mới thi nếu thực hiện được ngay trong năm nay thì sẽ giữ ổn định cho đến khi có học sinh lớp 12 học và thi theo chương trình sách giáo khoa mới. Nhưng ổn định ở đây về cách thức tổ chức và cách học sinh tham gia kỳ thi này. Còn để đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng của kỳ thi thì sẽ được chuyển biến theo từng năm theo hướng đánh giá năng lực của học sinh. Không chỉ trong thi mà cả trong kiểm tra và đánh giá cả quá trình học. Ví dụ, sẽ tập huấn ra câu hỏi, ra bài tập có ma trận để cho đề thi ngày càng nặng hơn về việc hiểu và vận dụng kiến thức kỹ năng học được. Như vậy kiến thức học thuộc máy móc sẽ giảm đi và kiến thức vận dụng tổng hợp nhiều môn sẽ được tăng lên.
Đối với các môn khoa học xã hội, học sinh sẽ được trình bày ý kiến của bản thân chứ không chỉ học thuộc học vẹt theo những bài văn mẫu, bài học mẫu.
Nếu thay đổi cách ra đề thi, kiểm tra như nói ở trên thì dần dần sẽ tăng tỷ lệ miễn thi theo từng năm và sẽ có tiêu chí được miễn thi.
* Có mối liên hệ nào giữa đổi mới thi tốt nghiệp THPT với đổi mới tuyển sinh vào ĐH, CĐ không, thưa ông?
Các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh được quyền lựa chọn phương thức tuyển sinh. Trong đó, có thể sử dụng kết quả học tập của học sinh ở THPT, kết quả thi tốt nghiệp THPT làm dữ liệu tuyển sinh cho trường. Như vậy, việc học sinh thi 2 môn bắt buộc (toán và ngữ văn) cùng với 2 môn tự chọn sẽ là cơ sở tốt để các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT vào tuyển sinh ĐH, CĐ mà vẫn bảo đảm đánh giá được năng lực, sở trường xu hướng nghề nghiệp của các em phù hợp với yêu cầu ngành nghề đào tạo của trường;
Như vậy, việc tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ linh hoạt, nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Trong những năm trước mắt, các cơ sở giáo dục ĐH có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở mức độ phù hợp, bên cạnh việc sử dụng với các hình thức khác như thi tuyển, phỏng vấn...
Giải pháp tránh học lệch, học tủ
* Các ý kiến vẫn tỏ ra lo ngại nếu thi ít môn thì sẽ tạo điều kiện cho học sinh học lệch, học tủ. Bộ lý giải thế nào về vấn đề này?
Việc xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp không chỉ sử dụng kết quả thi mà có cả kết quả đánh giá trong quá trình học tập; muốn có hồ sơ dự tuyển ĐH tốt thì học sinh không thể "học lệch" mà phải nỗ lực học tất cả các môn, nhất là ở lớp 12. Việc sử dụng kết quả đánh giá quá trình cũng có tác dụng giảm thiểu rủi ro đối với học sinh khi kết quả thi tốt nghiệp chỉ phụ thuộc kết quả các môn thi như trước đây. Mặt khác, để góp phần khắc phục tình trạng học lệch, học tủ, đề thi sẽ điều chỉnh theo hướng tăng cường câu hỏi mở đối với các môn tự luận nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết vấn đề theo quan điểm cá nhân.
* Xin ông cho biết khi nào Bộ sẽ công bố chính thức phương án thi tốt nghiệp THPT?
Bộ vẫn đang và sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp và chỉ quyết định khi thấy yên tâm về tính khả thi và điều kiện thực hiện. Quyết rồi mà không thực hiện thì không được. Ví dụ năm nay muộn quá không thể làm kịp thì phải để sang năm. Còn năm nay yên tâm, ổn định được, làm được, tính toán thấy không bị ảnh hưởng thì quyết ngay.
Theo TNO
Thi tốt nghiệp không phải ba chung mà là... "một chung" Giải pháp thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hóa cơ bản và hệ thống tuyển sinh "một chung" sẽ cho phép giải quyết ổn thỏa những bất cập trước mắt của ngành giáo dục. Hôm qua (22/2), VPCP đã ra thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về đề xuất thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT...