Thi tốt nghiệp THPT 2020: Đề thi bớt khó hơn
Những thay đổi từ thi THPT quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT cho năm học 2019 – 2020 vẫn đang khiến thí sinh lo lắng khi không biết sẽ phải học và thi ra sao.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Hồ Thị Kỷ (Cà Mau) trở lại trường học từ tuần trước – ẢNH: GIA BÁCH
PGS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thanh Niên, giải đáp bước đầu những băn khoăn xung quanh thay đổi của kỳ thi năm nay.
Thưa ông, khi thay đổi tên gọi và mục đích của kỳ thi từ THPT quốc gia sang kỳ thi tốt nghiệp THPT, hướng ra đề thi sẽ thay đổi thế nào?
Đề thi sẽ bám sát chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông, đáp ứng mục tiêu tốt nghiệp THPT; phù hợp với tinh giản chương trình trong bối cảnh dịch Covid-19; không đánh đố học sinh; độ khó của đề thi, thời gian làm bài sẽ giảm nhẹ để phù hợp với mục đích của kỳ thi và điều kiện dạy – học; mức độ phân hóa của đề thi được điều chỉnh phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT.
PGS Mai Văn Trinh
Bài thi tự chọn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội được chấm chỉ với 1 đầu điểm (không có điểm các môn thành phần như đối với bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây). Việc sử dụng các bài thi bắt buộc và các bài thi tổng hợp tự chọn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sẽ đảm bảo nguyên tắc “học gì thi nấy”, hướng đến đánh giá toàn diện, hạn chế học lệch, học tủ. Tổ chức thi 3 môn bắt buộc và 1 môn tổng hợp tự chọn cũng là cách để giúp thí sinh tập trung thi những môn học đã được dành thời gian ôn tập kỹ hơn, phù hợp với định hướng lựa chọn nghề nghiệp của mình.
Học sinh không dự thi vẫn được cấp giấy hoàn thành chương trình THPT
Video đang HOT
PGS Mai Văn Trinh cho biết: Theo luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ 1.7.2020, học sinh học hết chương trình nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng trường THPT hoặc giám đốc trung tâm GDTX cấp “Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT”.
Cán bộ các trường ĐH tham gia thanh tra thi
Bộ sẽ có giải pháp nào để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, minh bạch, công bằng, không như những gì đã từng xảy ra các năm trước?
Tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng là yêu cầu đầu tiên, cao nhất đối với kỳ thi. Để thực hiện được cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết, việc giao quyền tổ chức kỳ thi về cho địa phương đồng nghĩa với việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương cũng như trách nhiệm của người phụ trách các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi.
Cùng với đó, Bộ tiếp tục chịu trách nhiệm ra đề thi, xây dựng những giải pháp kỹ thuật nhằm giám sát chất lượng, tính trung thực của kỳ thi như thực hiện đối với bài thi trắc nghiệm thì mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; áp dụng thiết bị giám sát và công nghệ thông tin để quản lý chặt chẽ đề thi, bài thi.
Tiếp tục tổ chức thi trắc nghiệm để hạn chế tối đa sự can thiệp của con người vào các khâu coi thi và chấm thi; sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi, cùng với đó là các chế tài nghiêm khắc để xử lý các gian lận nếu có.
Theo đó, năm nay ngoài các đoàn thanh tra của Bộ (trong đó có thành phần là cán bộ các trường ĐH), của sở GD-ĐT thì sẽ có đoàn thanh tra của tỉnh, giám sát các khâu của kỳ thi địa phương mình.
Năm nay việc chấm thi lại giao cho các địa phương. Lấy gì để đảm bảo sai phạm không tiếp tục xảy ra, thưa ông?
Dù giao địa phương chủ trì công tác chấm thi nhưng Bộ sẽ xây dựng quy chế quy định chặt chẽ công tác tổ chức kỳ thi.
Thêm nữa, với việc chấm trắc nghiệm, bên cạnh quy trình chấm chặt chẽ như năm 2019, giám sát con người và thiết bị giám sát, Bộ tiếp tục sử dụng phần mềm chấm thi với chức năng bảo mật cao để chấm điểm nghiêm túc. Dữ liệu chấm thi, kể cả dữ liệu gốc hay trung gian, đều được mã hóa và gửi về Bộ. Bộ sẽ sử dụng để chấm xác suất hoặc đối sánh trong trường hợp cần thiết. Sử dụng biện pháp kỹ thuật, đặc biệt các thiết bị giám sát cho các khâu quan trọng như bảo quản đề thi, bài thi, chấm thi.
Đặc biệt, năm nay, Bộ yêu cầu các tỉnh công khai phổ điểm thi, báo cáo toàn bộ điểm học bạ của các thí sinh qua hệ thống dữ liệu điện tử để Bộ làm căn cứ đối sánh, đánh giá kết quả thi.
Hôm nay (27.4), học sinh nhiều tỉnh, thành đi học trở lại
Phần lớn địa phương sẽ cho học sinh bắt đầu trở lại trường từ hôm nay (27.4) và thường bắt đầu cho học sinh THCS và THPT, hoặc học sinh lớp 9, lớp 12 đi học trước để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT. Các cấp học nhỏ hơn bắt đầu sau đó 1 – 2 tuần hoặc còn tạm bỏ ngỏ lịch trở lại trường của khối mầm non.
Với 2 TP lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM, lịch học của học sinh mới đang dự kiến từ tháng 5.
Sớm công bố đề minh họa và quy chế thi mới
Khi nào Bộ ban hành quy chế và hướng dẫn công tác thi tốt nghiệp để các địa phương và nhà trường hình dung rõ hơn về kỳ thi này, thưa ông?
Bộ đang tích cực triển khai các công việc cụ thể để chuẩn bị tổ chức tốt nhất kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Chúng tôi đã hoàn thiện dự thảo Quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT với quy trình rút gọn, ban hành sớm để phù hợp với thời gian tổ chức kỳ thi. Ngay sau đó, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn công tác tổ chức kỳ thi đến các địa phương.
Hiện nay nhiều học sinh lớp 12 vẫn đang lo lắng khi phương án thi có sự thay đổi bất ngờ. Bộ có hướng dẫn gì về việc ôn tập cho các em? Ông có lời khuyên gì cho các em trong bối cảnh dịch bệnh vốn đã khó khăn này?
Tôi hiểu và chia sẻ với những băn khoăn, lo lắng của học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, học sinh cũng không nên quá lo lắng, căng thẳng. Kỳ thi được tổ chức ngay tại địa phương; đề thi sẽ bám sát chương trình và tính toán đến tác động của dịch Covid-19; không đánh đố thí sinh; có độ phân hóa phù hợp. Tới đây, trong thời gian sớm nhất có thể, Bộ sẽ công bố đề thi minh họa cho kỳ thi này để giáo viên và học sinh có định hướng trong dạy học và ôn tập.
Thời điểm này rất nhiều địa phương đã công bố lịch trở lại trường của học sinh, trong đó ưu tiên học sinh lớp 12 đi học trước để chuẩn bị cho kỳ thi. Tôi chúc các em khỏe mạnh, sẵn sàng quay trở lại trường học tập bình thường; thời gian còn đủ để các em chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.
Giải đáp thắc mắc về cách tính một đầu điểm bài thi tổ hợp
Ông Mai Văn Trinh giải thích thắc mắc của thí sinh về bài thi tổ hợp năm nay so với các năm trước: Việc từ năm 2017 đưa vào bài thi tổ hợp chính là việc hướng tới đánh giá toàn diện theo chương trình phổ thông hiện hành. Tuy nhiên, kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2019 về trước, cấu trúc bài thi tổ hợp có nhiều câu hỏi hơn, thời gian làm bài nhiều hơn. Chẳng hạn, năm trước, bài thi tổ hợp 3 môn, mỗi môn gồm 40 câu hỏi, thời gian làm bài 150 phút. Thời gian làm bài mỗi môn là 50 phút. Còn kỳ thi năm nay sẽ khác ở chỗ, số lượng câu hỏi mỗi phân môn giảm, thời gian làm bài giảm, đạt độ phân hóa phù hợp với mục tiêu tốt nghiệp.
Bài thi tự chọn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội vẫn có những câu hỏi của 3 môn thành phần như các năm trước, chủ yếu là các câu hỏi ở mức cơ bản và một số lượng hợp lý các câu hỏi để phân hóa trình độ thí sinh. Do vậy, mặc dù tính 1 đầu điểm nhưng nếu các em chuẩn bị kỹ, nắm vững kiến thức kỹ năng của môn học nào đó trong bài thi tổ hợp thì vẫn có lợi thế về kết quả thi của các bài thi này.
Tuệ Nguyễn
Với mục đích xét tốt nghiệp, đề thi nên như thế nào?
Do kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 chỉ để xét tốt nghiệp nên Bộ GD-ĐT sẽ công bố đề thi minh họa lần 2 trong năm nay, thay thế cho đề thi minh họa vừa công bố mới đây.
Thí sinh tại TP.HCM tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 - NGỌC DƯƠNG
Lãnh đạo Bộ cũng cho biết đề thi lần này sẽ rút ngắn thời gian làm bài, giảm số câu hỏi, giảm độ khó, nhưng vẫn phân loại được thí sinh...
Chúng tôi thấy hơi băn khoăn vì khi độ khó của đề giảm xuống, thời gian và số lượng câu hỏi giảm xuống, có thật dễ dàng phân loại thí sinh? Hơn nữa, đối với môn thi tổ hợp (tích hợp 3 môn trong một bài làm, lấy 1 đầu điểm) thì với cách giảm trên, sẽ rất khó đánh giá được kiến thức một cách cơ bản của các môn (tự nhiên, xã hội) tích hợp trong đó. Vì vậy, Bộ nên cân nhắc để hài hòa những điểm này.
Đối với môn ngữ văn, chúng tôi kiến nghị Bộ nên xây dựng đề minh họa theo hướng sau: Về thời gian làm bài, đề thi nên giữ nguyên 120 phút như cũ, tương đương thời gian đề thi tốt nghiệp năm 2014. Về cấu trúc, đề thi nên giảm câu 1 (viết đoạn văn ngắn, khoảng 200 chữ) của phần làm văn. Đưa yêu cầu câu này lên thành câu hỏi 4 của phần đọc hiểu văn bản.
Theo đó, cấu trúc đề thi nên như sau: Phần một, đọc hiểu văn bản (4 điểm), gồm 4 câu hỏi. Từ câu 1 đến câu 3 (3 điểm) nhằm đánh giá kỹ năng đọc hiểu như đề thi cũ. Câu 4 viết đoạn văn ngắn bày tỏ cảm nhận/suy nghĩ theo một yêu cầu nhất định. Ở phần hai, nghị luận văn học (6 điểm), câu hỏi nên có 2 vế: Vế đầu yêu cầu cơ bản (5 điểm); vế sau là phần nâng cao (1 điểm), câu hỏi này nhằm phân loại thí sinh, tạo hứng thú cho thí sinh khi làm bài.
Trần Ngọc Tuấn
Không thi quốc gia sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông khi người học có nhu cầu. Theo Khoản 3, Điều 34, Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 quy định rõ: Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều...