Thi tốt nghiệp THPT 2014: Bối rối tự chọn
Theo dự thảo điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014 của Bộ GD&ĐT, kỳ thi này sẽ có 4 môn trong đó hai môn bắt buộc và hai môn do thí sinh tự chọn. Lãnh đạo Sở GD&ĐT hiện có hai luồng ý kiến.
Ông Phạm Văn Hùng, GĐ Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế:
Học không tự chọn, sao thi tự chọn?
Theo tôi, đổi mới thi tốt nghiệp theo hướng tự chọn có gì đó hơi vội vì chúng ta tổ chức thi theo hình thức này trong khi chưa dạy học tự chọn. Chúng ta cứ thử hình dung, mỗi lớp sẽ chỉ có 5 – 7 em thi sử, từng đó em thi địa, thi lý… Ở trên cô giáo dạy, ở dưới học trò ngồi học với tâm thế mình chẳng thi môn này, vậy cô giáo sẽ dạy thế nào, sẽ chấm điểm thế nào, các em sẽ tham gia như thế nào trong quá trình xây dựng nội dung môn học? Nếu không cẩn thận thì học kỳ II này việc dạy học sẽ hết sức khó khăn.
Học sinh thi tốt nghiệp THPT 2013. ẢNH: Hồng vĩnh
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa:
Không nên để học sinh tự chọn môn thi
Chúng tôi cũng đồng tình việc tổ chức thi bốn môn, trong đó có hai môn bắt buộc hai môn tự chọn, nhưng ngoại ngữ cũng là một môn tự chọn chứ không phải môn khuyến khích nhưng phương án ban đầu của Bộ GD&ĐT.
Tôi cũng đề nghị, với các môn tự chọn, Bộ nên bốc thăm chứ không nên để học sinh tự chọn. Nếu để học sinh tự chọn thì rất khó khăn cho các Sở GD&ĐT trong khâu sao in đề. Đây là vấn đề khiến ở dưới Sở chúng tôi căng thẳng vô cùng trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp. Thanh Hóa, Hà Nội, Nghệ An là những tỉnh có số lượng thí sinh dự thi rất lớn.
Như Thanh Hoá chẳng hạn, mỗi năm trên 50.000 thí sinh dự thi. Hội đồng sao in đề của chúng tôi phải làm vào khu vực cách biệt khoảng 2 tuần nếu sao in đề sáu môn. Giờ học sinh tự chọn thì sẽ có tới tám môn thi. Việc nhầm lẫn trong sao in đề là điều khó tránh khỏi. Nếu như vì thế mà phải dừng lại cuộc thi của cả nước thì điều đó lại lãng phí, tốn kém vô cùng và hậu quả chưa biết thế nào.
Video đang HOT
Ông Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình:
Nên để cho các em tự chọn
Nhiều ý kiến cho rằng trong hai môn tự chọn phải là một môn tự nhiên, một môn xã hội. Tôi không đồng tình với đề xuất này. Tôi thấy rằng ta nên phân lập được từ hệ thống để hoàn thiện như một số nước phát triển. Hết bậc THCS các em đủ kiến thức căn bản, lên bậc THPT thì đã phân hóa là được rồi. Ở ta thì chưa phân hoá được từ dưới lên. Nhưng việc dạy học nên theo hướng đảm bảo để các em có điều kiện, có đủ năng lực tư duy để các em đi sâu vào các môn học, sau đó bước vào ĐH, như thếgiáo dục mới có chất lượng được. Vì thế tôi đề nghị giữ phương án của Bộ GD&ĐT là cho các em tự chọn, không bắt buộc các em tự chọn tự nhiên/ xã hội. Các em có thể chọn lĩnh vực tự nhiên hay lĩnh vực xã hội là tùy. Còn định hướng của chúng ta với các em sẽ làm trong quá trình giảng dạy.
Theo nguồn tin mà Tiền Phong nhận được, hiện Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ điều chỉnh phương án đổi mới thi – công nhận tốt nghiệp THPT 2014 theo hướng tiếp thu một số góp ý của dư luận.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 vẫn sẽ có bốn môn thi, trong đó hai môn thi bắt buộc hai môn thi tự chọn nhưng trong số các môn thi học sinh được chọn có môn ngoại ngữ (theo phương án ban đầu thì ngoại ngữ chỉ là môn thi khuyến khích).
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ không quy định miễn thi với tỷ lệ tối đa 20% cho những học sinh có kết quả học tập rèn luyện tốt nữa. Hầu hết học sinh đều phải thi tốt nghiệp, chỉ có một số rất ít được miễn thi theo quy chế hiện hành.
Chỉ nên thi 3 môn
“Theo tôi, về lâu dài, khoảng 4 – 5 năm nữa, khi điều kiện dạy học môn ngoại ngữ trong cả nước đồng đều, tốt lên rồi, thì kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ nên thi ba môn học công cụ Văn, Toán, Ngoại ngữ là đủ.
Nhiều người vẫn còn băn khoăn khi cho rằng số môn thi ít đi có thể sẽ kéo theo hệ quả là học sinh sẽ học lệch, chỉ chú trọng vào các môn thi tốt nghiệp và thi ĐH,CĐ mà sao nhãng, lơ là các môn học khác. Thực tế, một bộ phận học sinh có tư tưởng thực dụng đó. Nhưng từ góc độ người thầy ở cơ sở chúng tôi nhận thấy việc học sinh học lệch, thiếu toàn diện hay không phụ thuộc nhiều vào cách quản lý, đánh giá, kiểm tra của nhà trường, thầy cô giáo.
Là những người thầy cô đang trực tiếp quản lý, dạy học ở bậc THPT, chúng tôi rất mong mỏi Bộ GD&ĐT có phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT mang tính căn cơ, ổn định lâu dài, để nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh đỡ vất vả, lo lắng, phập phồng”.
Đỗ Tấn Ngọc, Phó Hiệu trưởng, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng- Sơn Tịnh – Quảng Ngãi
Theo TNO
Thi tốt nghiệp 4 môn: Có thực sự là giảm tải?
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT lấy ý kiến đóng góp về dự thảo thi tốt nghiệp THPT với 4 môn thay cho 6 môn như hiện nay, một số chuyên gia giáo dục cho rằng đây là động thái tích cực của Bộ để giảm tải khi kỳ thi đang được đánh giá là nặng nề, tốn kém. Tuy nhiên, phương án này liệu có thực sự giảm tải và kéo dài bao lâu, hay sau đó Bộ GD&ĐT lại có những thay đổi trong các kỳ thi kế tiếp?
Giảm tải không nhiều
Trong thời gian qua, nhất là sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo các phương án thi tốt nghiệp THPT, dù còn nhận được những đóng góp cần điều chỉnh cho phù hợp, song điều dễ thấy là phương án thi 4 môn đã nhận được sự đồng tình từ phía nhà trường và các bậc phụ huynh. Đầu tiên có thể dễ dàng nhận ra được, đó là thay vì phải "cày" tới tận 6 môn như trước đây, bây giờ học sinh chỉ phải học ôn 4 môn, trong đó 2 môn được lựa chọn theo ý thích. Hầu hết lãnh đạo các sở GD&ĐT trên cả nước đều đồng tình với phương án thi 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn) và đề xuất đưa môn Ngoại ngữ trở thành môn tự chọn.
Ủng hộ việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT, nhất là phương án rút lại chỉ còn 4 môn thi, PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, lần đổi mới thi cử này đã khác hẳn các năm trước. Số môn thi giảm đi, học sinh sẽ bớt căng thẳng hơn và có thời gian để tập trung ôn tập. Như vậy, chất lượng học ôn sẽ cao hơn.
Theo Bộ GD&ĐT, điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2014 được tính theo công thức: (điểm trung bình 4 bài thi điểm trung bình cả năm lớp 12)/2 tổng điểm khuyến khích (nếu có). Điểm xếp loại tốt nghiệp THPT được tính theo công thức: (điểm trung bình 4 bài thi điểm trung bình cả năm lớp 12)/2. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sẽ diễn ra trong 3 ngày: 2, 3 và 4/6. Các môn tự chọn thi buổi sáng: Địa lý, Hóa học (ngày 2/6), Lịch sử, Vật lý (ngày 3/6), Ngoại ngữ, Sinh học (ngày 4/6). Các môn bắt buộc thi buổi chiều: Ngữ văn (ngày 2/6), Toán (ngày 3/6).
Cần có kỳ thi ổn định và khoa học để học sinh và phụ huynh không lo lắng. Ảnh: L.Mỹ
Tuy nhiên, cũng theo PGS Văn Như Cương, trong các phương án mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, nếu tính kĩ, việc giảm tải này không được là bao. Chẳng hạn, ở phương án một, thí sinh thi 4 môn bao gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Thực chất phương án này, nhiều học sinh vẫn sẽ thi 5 môn do Ngoại ngữ không bắt buộc thi nhưng lại là môn cộng thêm điểm. Như thế, tâm lý học sinh sợ điểm thấp hoặc không đủ điểm tốt nghiệp nên cũng cố thi vì không mất gì mà vẫn được thêm điểm. Còn đối với phương án hai (thí sinh phải thi 5 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn), PGS Văn Như Cương cho rằng, phương án này không thay đổi nhiều so với trước đây vì chỉ giảm tải được một môn thi.
Băn khoăn cách làm
Nhận xét về những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Khoa học giáo dục Hà Nội cho rằng: "Đổi mới đã cho thấy việc thi cử nhẹ nhàng hơn, thiết thực hơn. Trước đây bắt học sinh phải học toàn diện nên rất mệt mỏi, căng thẳng. Nay học sinh thi ít môn hơn, lại được tự chọn môn thi, học sinh thích môn nào thì chọn môn đấy. Bộ GD&ĐT cũng đã sớm công bố phương án thi nên học sinh có thêm thời gian để ôn tập. Tuy nhiên, tôi thấy chưa có gì là cụ thể cả. Cách làm của Bộ vẫn chỉ là xoa dịu tình hình, vẫn "loay hoay" và chưa có một sự thay đổi theo hướng toàn diện".
"Cần đánh giá thực chất hơn đối với học sinh. Theo tôi, việc công nhận tốt nghiệp THPT nên trao cho các trường. Các trường tự đánh giá và cộng với tính điểm thi tập trung. Nếu làm công bằng, các trường ĐH sẽ lấy đây làm cơ sở để lựa chọn thí sinh. Đánh giá trung thực, khách quan của kỳ thi sẽ bỏ được thi "3 chung" vào đại học. Cũng nên bỏ miễn thi cho 20% số học sinh. Nếu thi mà học sinh được điểm 4-5 thực chất, vẫn hơn điểm 8-9 mà quay cóp, nhìn nhau. Bộ cũng nên chuẩn bị công tác đề thi sớm, đưa ra các dạng bài thi tránh các dạng bài học thuộc lòng như trước đây", TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm.
Cũng không đồng tình với phương án công nhận cho 20% học sinh miễn thi, PGS Văn Như Cương băn khoăn: "Đã là thi thì tất cả học sinh đều như nhau, nếu nói rằng giảm 20% học sinh là giảm tải thì tôi cho rằng chưa chính xác. Điều này còn gây rắc rối cho các trường, làm mất thời gian mà dễ nảy sinh tiêu cực như đã từng xảy ra trước đây khi miễn thi vào lớp 10 THPT. Bất cập nữa là, nếu như học sinh tự chọn thi trong các môn tự nhiên, xã hội thì khó có thể sắp xếp hay thi trong một buổi được. Nếu Bộ quy định ngoài 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn là một môn tự nhiên, một môn xã hội thì học sinh sẽ học đều hơn".
Hơn 3 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 sẽ diễn ra. Lúc này, cả học sinh, phụ huynh và các trường đang thấp thỏm chờ quyết định chính thức từ phía Bộ GD&ĐT. Được giảm tải là điều cần thiết, song mong muốn chung vẫn là phương án thi mới sẽ được "chốt" trong thời gian sớm nhất.
Ý kiến của các chuyên gia giáo dục
GS. VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: "Ủng hộ việc rút bớt môn thi"
"Tôi rất hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã tích cực thực hiện chỉ thị của Trung ương về đổi mới giáo dục. Đổi mới thi là việc rất quan trọng. Mặc dù trong cuộc họp mới đây của Bộ GD&ĐT với các lãnh đạo ngành giáo dục địa phương vẫn chưa "chốt" phương án nhưng tôi ủng hộ việc rút bớt môn thi, chỉ còn 2 môn thi chính và 2 môn thi phụ..
Vấn đề rất lớn hiện nay là thi hay không thi tốt nghiệp THPT? Sau phương án thi 4 môn này, học sinh sẽ thi thế nào vì cũng không thể thi 4 môn lâu dài được bởi học sinh sẽ học lệch. Đây là vấn đề rất lớn, không nên vội vàng, đừng để đưa ra khi chưa nghiên cứu cẩn thận và không có căn cứ thực tiễn, lý lẽ. Vì vậy, cần phải làm một đề án cẩn thận, có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia am hiểu vấn đề này.
Có thể đưa ra một đề án và thảo luận sơ bộ với các vùng miền, sau đó thảo luận toàn quốc. Trong đề án cần có 3 phần: Phần 1, kiểm điểm lại trong vài thập niên gần đây, chúng ta thi như thế nào, có điều gì tốt cần học tập và điều gì chưa được cần rút kinh nghiệm. Phần 2 nên theo một số nước trên thế giới như Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc... xem cách thi và phương pháp giáo dục của họ ra sao. Phần 3, từ cái hay của họ, chúng ta nhìn nhận lại trình độ và điều kiện kinh tế trong nước để học tập sao cho phù hợp. Thi cử và giáo dục rất quan trọng vì ảnh hưởng đến cuộc đời của cả một con người. Cần có đề án khoa học, không "nhất dạ bá kế" kẻo học sinh không biết đâu mà lần. Đùng một cái, tính đến bỏ thi như hiện nay, tôi thấy không được".
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội): "Nên thi Toán, Văn bắt buộc và thêm 2 môn tự chọn"
"Nếu thay đổi, nên thi Toán, Văn bắt buộc và thêm 2 môn tự chọn. Trong số 2 môn tự chọn này, bắt buộc phải là 2 môn khoa học tự nhiên (Lý- Hóa- Sinh) hoặc 2 môn khoa học xã hội (Sử- Địa- Ngoại ngữ). Làm như vậy có lợi là học sinh sẽ được thi cùng lúc. Hiện chúng ta vẫn nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT nhưng làm cho nhẹ nhàng hơn. Thay vì "cắt cơ học" 2 môn, có thể ra đề thi nhẹ nhàng để học sinh không quá áp lực bởi gánh nặng thi tốt nghiệp. Còn nếu "cắt" 2 môn thi như hiện nay, không hẳn là phương án tối ưu vì dẫn đến học lệch. Chẳng hạn, năm nay một học sinh vào THPT, đương nhiên ngay từ lớp 10, học sinh đó sẽ chỉ học 2 môn Toán, Văn cùng 2 môn tự chọn. Các môn còn lại, chỉ cần học để đủ điểm. Như vậy, dẫn đến việc học lệch toàn bộ.
Chúng ta cần tiến tới mô hình như một kỳ thi SAT ở Mỹ để giúp đánh giá toàn diện năng lực của học sinh. Theo đó, rất nhiều môn sẽ được làm trong một bài thi, mỗi môn một số câu. Hoặc nếu chưa đủ điều kiện để tổ chức một bài thi, chúng ta có thể làm 2 bài thi, trong đó bài thi tổng hợp gồm các môn khoa học tự nhiên và bài thi tổng hợp gồm các môn khoa học xã hội. Như vậy, học sinh sẽ học đều tất cả các môn để có kiến thức nền. Căn cứ vào kết quả này, nếu trường đại học nào cần phải tuyển sinh những ngành đặc biệt thì có thể thi vấn đáp, hoặc thi thêm môn chuyên ngành cho phù hợp".
Theo TTVN
Thi tốt nghiệp THPT bốn môn: khỏe mà lo! Thông tin Bộ GD-ĐT cho biết đa số ý kiến từ cuộc trưng cầu rộng rãi về dự thảo đổi mới thi và xét tốt nghiệp THPT đã ủng hộ việc thi tốt nghiệp THPT bốn môn ngay trong năm 2014 - đang thu hút nhiều ý kiến của bạn đọc. Thí sinh ôn bài trước khi vào phòng thi môn văn kỳ...