Thi tốt nghiệp không phải ba chung mà là… “một chung”
Giải pháp thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hóa cơ bản và hệ thống tuyển sinh “một chung” sẽ cho phép giải quyết ổn thỏa những bất cập trước mắt của ngành giáo dục.
Hôm qua (22/2), VPCP đã ra thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về đề xuất thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH. Trong đó nhấn mạnh việc phải hướng tới có một kỳ thi quốc gia đáp ứng yêu cầu cung cấp căn cứ tin cậy cho việc xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Dưới đây là một góc nhìn tham chiếu của tác giả Nguyễn Tấn Đại về đổi mới thi cử.
Trong một bài viết trước, tôi đã nêu ra giải pháp mới cho kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ-THCN với hai nguyên tắc chính: thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hóa cơ bản (bao gồm Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử và Ngoại ngữ); xây dựng hệ thống tuyển sinh “một chung” theo mô hình của nước Pháp. Lộ trình chuyển tiếp sẽ là 3 năm, kể từ năm học 2014-2015, tương thích hoàn toàn với những nội dung đổi mới khác về trung hạn và dài hạn của ngành giáo dục.
Điểm chủ yếu có thể gây phản ứng, đó là việc học sinh lớp 12 sẽ phải thi tất cả 8 môn trong 4 ngày liên tục, sợ rằng các em sẽ không chịu được áp lực vì quá căng thẳng. Nếu chỉ xét ở góc độ duy nhất một kì thi này, lí do đó hoàn toàn đúng! Nhưng thử làm một phép tính cộng từ thực tế nhiều năm nay: 3 ngày thi tốt nghiệp, 4 ngày thi đại học (2 đợt), 2 ngày thi cao đẳng (1 đợt). Tổng cộng các em phải trải qua 7-9 ngày thi, với 13-15 lượt làm bài thi trong vòng 7 tuần (từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7).
Với giải pháp mới, học sinh sẽ chỉ tập trung vào một đợt thi duy nhất, trong 4 ngày, với 8 lượt làm bài thi. Những em nào chọn ngành đặc thù thì chỉ cần thi thêm 1-2 môn năng khiếu. Tất cả các trường đào tạo sau trung học đều có một nguồn tuyển phong phú, dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp với điểm học bạ (trung bình chung hoặc từng môn theo ngành đào tạo), ngày càng đồng nhất, chất lượng ngày càng tăng khi kỉ cương thi cử ngày càng nâng cao, thắt chặt.
Ảnh minh họa: Văn Chung
Nhìn rộng hơn, cuộc đời của các em không chỉ dừng lại ở một cuộc thi, mà phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố: chất lượng nền giáo dục các em thụ hưởng được mà kì thi tốt nghiệp THPT là bằng chứng xác nhận khách quan; và chất lượng định hướng nghề nghiệp mà giải pháp thi cử trong quá trình chuyển tiếp trung học-đại học có thể mang lại cho các em.
Thực tế là do áp lực xã hội mà lâu nay chúng ta đã “nuông chiều” học sinh bằng cách cho kiểm tra thi cử dễ dãi, “đẩy bằng hết” các em ra khỏi trường phổ thông. Để rồi sau đó, do áp lực đảm bảo chất lượng đào tạo tối thiểu, các trường đại học, cao đẳng cần tổ chức một kì thi tuyển khách quan có tính chọn lọc cao hơn, nghiêm khắc hơn.
Hậu quả là mỗi năm hàng trăm ngàn học sinh rời khỏi trường phổ thông bị ách lại, loay hoay lựa chọn giữa học nghề (trung cấp, cao đẳng) và học chữ (đại học). Điểm sàn tuyển sinh mỗi năm đều dưới mức trung bình, một nghịch lí về giáo dục, nhưng các trường hay các ngành “chiếu dưới” đều phải chấp nhận vì không có cách nào khác đảm bảo nguồn tuyển cho đủ chỉ tiêu.
Giải pháp mới, nếu có một áp lực, đó chính là áp lực đưa mọi cuộc thi cử ở bậc phổ thông về đúng với giá trị của nó, phản ánh đúng năng lực và trình độ học sinh, tiết giảm số kì thi trong đời các em, tăng cơ hội định hướng và lựa chọn nghề nghiệp cho các em,… Đó chẳng phải là mục đích mà ngành giáo dục cũng như cả xã hội luôn mong muốn đạt được?
Với kì thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hoá cơ bản, ta sẽ không còn phải mất thời gian bàn cãi về việc thi hay không thi môn ngoại ngữ, không còn phải loay hoay làm sao tránh học lệch… Bởi đơn giản, đó là nền tảng văn hoá cơ bản, là hành trang tối thiểu cần có để vào đời.
Video đang HOT
Giải pháp mới, tưởng là gây áp lực cho học sinh nhưng thực chất lại là công cụ điều tiết tiến trình giáo dục, không chỉ ở phổ thông mà cả quá trình chuyển tiếp lên đại học. Thay vì chỉ tập trung ôn thi theo tinh thần “đối phó” trong vòng 1-2 tháng, giáo viên và học sinh sẽ rải đều quá trình chuẩn bị ra suốt 3 năm học cấp III.
Hiện nay, học sinh phải thi nhiều lần, nhiều đợt, mỗi lần thi xong không đạt thì kết quả cũ phải huỷ bỏ cả để làm lại từ đầu. Thi tốt nghiệp THPT cũng vậy mà thi tuyển sinh vào đại học hay cao đẳng cũng vậy. Đó là một sự lãng phí vô cùng lớn cho xã hội! Với giải pháp mới, vấn đề bảo lưu điểm thi năm trước và thi lại những môn không đạt trong những năm sau là khá dễ dàng. Điều kiện dự thi tốt nghiệp vẫn sẽ như hiện nay, đó là điểm trung bình tất cả các môn trong năm lớp 12 từ 5,0 trở lên, và không có môn nào dưới 3,5. Điều kiện tốt nghiệp sẽ là điểm trung bình 8 môn thi từ 5,0 trở lên, không có môn nào bị điểm liệt (hiện nay là 0 điểm).
Thậm chí, học sinh có điều kiện khó khăn hoàn toàn có thể chủ động “rải” thời gian thi tốt nghiệp: khi học sinh học xong lớp 12 thì nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn tất chương trình phổ thông; học sinh có thể đăng kí thi tốt nghiệp một số môn vào năm này để thuận tiện tập trung ôn bài, rồi sang năm sau thi một số môn khác.
Về hình thức, kì thi đó sẽ tương tự như cách thi tự chọn mà Bộ GD&ĐT đang muốn áp dụng, nhưng về bản chất là khác biệt: học sinh không được quyền chọn học lệch, thi cử đối phó, nhưng hoàn toàn được quyền chọn tăng thời gian đầu tư cho việc học hành, thi cử, sao cho đạt được chuẩn mực giáo dục quốc gia.
Như vậy, đối với một số đông học sinh trung bình yếu hiện nay, thay vì cho thi tốt nghiệp dễ dãi để các em ra trường, rồi lại tốn thời gian luyện thi đại học năm này qua năm khác, các em chỉ cần làm một việc duy nhất: tập trung ôn thi môn nào chưa đạt tốt nghiệp cho đến khi thành công. Bởi với sự thành công đó, cơ hội học tiếp ở các bậc cao hơn luôn mở ra dễ dàng cho các em thông qua cơ chế xét tuyển với quyền tự chủ tuyển sinh mà các cơ sở đào tạo có được, được điều phối nhịp nhàng qua hệ thống tuyển sinh “một chung”. Việc học sinh có nguyện vọng đổi ngành, đổi trường không còn là vấn đề nan giải vì tất cả các môn học đều đã có đầy đủ trong hồ sơ đăng kí.
Một cách ngắn gọn, giải pháp thi tốt nghiệp bắt buộc 8 môn văn hoá cơ bản và hệ thống tuyển sinh “một chung”sẽ cho phép giải quyết ổn thoả những bất cập trước mắt của ngành giáo dục, để có thể chuẩn bị những điều kiện thuận lợi hơn cho các chiến lược đổi mới lâu dài. Muốn điều chỉnh phương pháp dạy-học trong trường phổ thông, khi chưa làm được ngay việc tái cấu trúc hệ thống đào tạo giáo viên thì chỉ cần thay đổi cách ra đề và xây dựng đáp án thi tốt nghiệp.
Khi chưa tạo dựng được hệ thống kiểm tra đánh giá độc lập hoàn chỉnh và đồng bộ trong cả nước, chỉ cần điều tiết qua độ khó của đề thi và kiểm soát kỉ cương kì thi tốt nghiệp. Khi chưa làm được việc dài hạn là xây dựng chương trình giáo dục hay khung chuẩn mực kiến thức, kĩ năng ở tầm quốc gia, thì mọi sự thay đổi trung hạn về cơ cấu môn học hay sách giáo khoa cũng không gặp phải sự xáo trộn nào lớn vì đã áp dụng nguyên tắc “học gì thi nấy” ngay từ năm học tới…
Đi kèm với giải pháp mới, cần thay đổi quan niệm về thành tích giáo dục
Lâu nay ta chỉ quen nhìn vào “tỉ lệ thi đậu tốt nghiệp THPT” để đánh giá thành tích các trường hay địa phương. Ở Pháp, nơi vẫn duy trì kì thi tú tài và là nguồn gốc hình thành hệ thống giáo dục của ta hiện nay, đó chỉ là một trong ba tiêu chí đánh giá chất lượng của một cơ sở giáo dục. Hai tiêu chí còn lại được xem xét, đó là tỉ lệ học sinh có bằng tốt nghiệp đầu ra trên tổng số học sinh đầu vào (bất kể thời gian học trong trường của học sinh là bao lâu), và tỉ lệ học sinh tốt nghiệp ra trường trên tổng số học sinh rời khỏi trường (kể cả vì lí do nghỉ học, chuyển trường) mỗi năm.
Kết hợp cả ba tiêu chí đánh giá này, nước Pháp thể hiện đúng tinh thần bản chất của nền giáo dục phổ thông của các nước phương Tây. Đó là phải tạo mọi điều kiện để giữ tối đa số học sinh trong độ tuổi đi học ở trong nhà trường cho đến khi được chuẩn bị sẵn sàng để bước ra cuộc đời nghề nghiệp hoặc bước lên giáo dục đại học.
Áp dụng cách nhìn mới này, ta sẽ có thể kiểm soát được tình trạng “chạy thành tích” trên tổng thể. Các trường phổ thông sẽ không còn chịu áp lực thành tích, nâng điểm cho học sinh lên lớp (và “ngồi nhầm lớp”), chuyển học sinh yếu đi nơi khác để tăng tỉ lệ tốt nghiệp,… Học sinh lưu ban sẽ bớt mặc cảm và có cơ hội để sửa sai, rèn luyện trong nhà trường cho đến khi tốt nghiệp.
Theo TNO
Thi tốt nghiệp THPT 4 môn
Bộ GD-ĐT đã quyết định giảm số môn thi tốt nghiệp THPT từ 6 xuống còn 4 môn; bỏ điểm sàn trong tuyển sinh ĐH, CĐ ngay từ năm nay.
Học sinh lớp 12 tỉnh Lâm Đồng tham gia chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên - Ảnh: Nguyễn Tập
Đó là những thông tin được Bộ GD-ĐT công bố tại cuộc gặp gỡ báo chí vào cuối giờ chiều qua 24.2.
Ngoại ngữ thi tự chọn và thêm phần viết luận
4 môn thi bao gồm: 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn; 2 môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử và ngoại ngữ. Như vậy, môn ngoại ngữ đã được thay đổi thành môn tự chọn thay vì môn bắt buộc (như trước đây) và môn khuyến khích (như dự thảo đổi mới Bộ GD-ĐT công bố ban đầu).
Phương án tổ chức các môn thi Dự kiến phương án tổ chức thi các môn như sau: 8 môn sẽ tổ chức thi trong 2 ngày với 8 ca thi. Buổi 1: thi văn và hóa. Buổi 2: thi vật lý và lịch sử. Buổi 3: thi toán và ngoại ngữ. Buổi 4: thi sinh và địa lý.
Thanh Niên đặt vấn đề về việc có thay đổi cách thức thi ngoại ngữ hay không khi mà Bộ đang lo ngại về cách thi ngoại ngữ hiện nay không khuyến khích được cách học ngoại ngữ thực chất? Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết: "Ngoại ngữ năm nay sẽ có phần viết luận bên cạnh phần thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, thời gian thi vẫn không tăng lên so với năm trước, cụ thể môn ngoại ngữ vẫn là 60 phút". Mặc dù vậy, theo ông Trinh, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa xác định cụ thể bao nhiêu phần trăm là câu hỏi trắc nghiệm và bao nhiêu câu hỏi tự luận. Tuy nhiên, ông Trinh cho hay môn ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn giữ ổn định như hiện nay, tức chỉ thi trắc nghiệm.
Ông Trinh khẳng định vẫn giữ nguyên hình thức thi với các môn thi còn lại. Tuy nhiên, tất cả các môn thi sẽ tăng cường câu hỏi mở để tiệm cận dần với việc thi 4 môn thành 4 bài thi dự kiến sẽ áp dụng bắt đầu từ 2015.
Thi hai ca trong một buổi
Năm nay, mỗi thí sinh chỉ thi 4 môn nhưng do học sinh được tự chọn 2 môn nên Bộ sẽ phải tổ chức thi cả 8 môn vào 8 thời điểm khác nhau.
Ông Trinh cho biết cách thức tổ chức thi sẽ theo nguyên tắc mỗi học sinh có một số báo danh duy nhất trong suốt kỳ thi. Phòng thi sẽ được xếp theo môn, trong mỗi ca thi chỉ có 1 môn thi để tránh trường hợp thí sinh tự chọn 2 môn thi nhưng 2 môn đó lại diễn ra trong cùng một thời gian. Ông Trinh cho rằng Bộ cũng chủ định xếp một buổi thi có 2 ca thi với 2 môn thuộc lĩnh vực khác nhau, ví dụ văn là môn khoa học xã hội thì thi với hóa là môn thiên về khoa học tự nhiên... để tránh tối đa số thí sinh phải thi liền 2 ca trong một buổi thi.
Kết hợp điểm lớp 12 và kết quả thi tốt nghiệp
Về công nhận và xếp loại tốt nghiệp, theo Bộ GD-ĐT, năm nay sẽ kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (theo trọng số đánh giá là 50% 50%).
Về việc xét tuyển sẽ cụ thể hóa trong quy chế thi tốt nghiệp THPT trên nguyên tắc điểm xét tuyển và điểm thi đều có giá trị tương đương nhau. Kết quả xét học bạ lớp 12 của thí sinh được đưa vào cơ sở dữ liệu phần mềm thi trước khi kỳ thi diễn ra và khi chốt rồi thì sẽ không thể thay đổi hay sửa chữa gì nữa. Trao đổi với Thanh Niên cụ thể hơn về cách tính điểm xét học lực năm lớp 12 để xét thi tốt nghiệp, ông Trinh nêu ví dụ: "Nếu thí sinh đạt học lực trung bình cả năm lớp 12 là 6,5 thì sẽ được đổi sang điểm số là 6,5 điểm; điểm trung bình 4 bài thi cộng vào chia cho 4, được kết quả bao nhiêu thì sẽ lấy số đó cộng với điểm học lực lớp 12 và chia đôi".
Tìm tiêu chí khác thay cho điểm sàn
Tại cuộc họp báo, Bộ GD-ĐT cũng công bố tiêu chí duy nhất - điểm sàn - để đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ được áp dụng hơn chục năm qua sẽ được thay thế bằng các tiêu chí khác nhau để đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với yêu cầu tuyển sinh.
Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, lý giải: "Năm nay không xác định tiêu chí tuyển sinh bằng điểm sàn, thay thế bằng các tiêu chí khác để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Sẽ có một hội đồng tư vấn cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc này. Chúng tôi cũng sẽ mở các diễn đàn để xin ý kiến rộng rãi của các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý và đặc biệt là các cơ quan ngôn luận, trên cơ sở đó thì hội đồng tư vấn sẽ có một quyết định cụ thể".
Học sinh vui mừng
Trước phương án thi tốt nghiệp mà Bộ GD-ĐT vừa công bố chiều qua, học sinh và giáo viên đều tỏ ra vui mừng.
Trần Võ Thùy Nhi, học sinh lớp 12A10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), cho biết: "Em rất vui trước thông tin này. Từ 6 môn thi giảm xuống còn 4 môn, như vậy tụi em sẽ có cơ hội đậu tốt nghiệp nhiều hơn". Cùng tâm trạng, Nguyễn Ngọc Hoàn Mỹ, lớp 12A2 Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1), nói: "Giảm môn thi nghĩa là tụi em giảm được rất nhiều áp lực trong học tập lẫn thi cử. Theo đó, tụi em cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để ôn tập các môn cho thi ĐH. Như vậy, cơ hội vào ĐH của chúng em sẽ lớn hơn nhiều. Em sẽ chọn 2 môn hóa và sinh cho thi tốt nghiệp, vì em chọn thi ĐH khối B".
Lãnh đạo một trường THPT tại Q.3 nói: "Tôi rất hoan nghênh kỳ đổi mới này của Bộ GD-ĐT. Đây là đổi mới đáp ứng được nhiều kỳ vọng của xã hội. Giảm số môn thi cùng với việc cho học sinh được chọn 2 môn nghĩa là tăng cơ hội cho học sinh, học sinh là đối tượng trực tiếp hưởng lợi. Nhưng tôi đang băn khoăn: Nếu tự chọn môn thi, vậy chúng ta sẽ tổ chức hội đồng thi ra sao, một điểm thi tổ chức thi cùng lúc nhiều môn, hay quy tụ học sinh cùng chọn trùng môn thi sẽ thi ở một hội đồng thi. Mong là Bộ GD-ĐT tiếp tục thông tin sớm về vấn đề này, để nhà trường nắm và còn phổ biến cho học sinh".
Còn tiếp tục đổi mới
Dự kiến ban đầu của Bộ GD-ĐT là đổi mới thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ năm 2014 sẽ giữ ổn định cho tới khi có lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp THPT theo chương trình - sách giáo khoa mới (sau 2015). Tuy nhiên, công bố mới nhất của Bộ GD-ĐT lại cho thấy từ những năm tới, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới theo hướng: chuyển dần từ 4 môn thi thành 4 bài thi; nội dung của mỗi bài thi bao gồm phần cơ bản (để đánh giá đúng và toàn diện năng lực của học sinh, tạo động lực để học sinh học, phát triển toàn diện) và phần nâng cao (nhằm phân loại học sinh, là một căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh). Trên cơ sở đó hướng tới một kỳ thi đáp ứng cả yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ sớm đưa dự thảo phương án thi để xin ý kiến nhằm hoàn thiện để công bố trước khai giảng năm học 2014 - 2015.
Theo TNO
400 sinh viên khóc ròng vì không được cấp bằng tốt nghiệp Dù đã tốt nghiệp nhiều tháng nay, 428 sinh viên trường Trung cấp Y dược Văn Hiến (Thanh Hóa) chưa được cấp bằng, vì hiệu trưởng cũ bị cách chức. Theo phản ánh của những sinh viên trường Trung cấp Y dược Văn Hiến khóa 2011 - 2013, tốt nghiệp từ tháng 11/2013 nhưng họ vẫn chưa được cấp bằng. Lý do nhà...