Thi THPT quốc gia và tuyển sinh 2019: Để trường và thí sinh cùng gặp nhau
Thời điểm này các trường ĐH, CĐ đang tích cực tìm đến các trường phổ thông để trực tiếp gặp thí sinh nhằm tiếp thị ngành nghề đào tạo.
HS Trường THPT Hoàng Quốc Việt – Bắ c Ninh. Ảnh: Ngọc Dư
Nói như PGS.TS Lê Văn Thanh – chuyên gia tuyển sinh đến từ Trường Đại học Mở Hà Nội: Việc các trường ĐH tìm đến tư vấn tuyển sinh ở trường phổ thống giúp thí sinh và phụ huynh thuận lợi hơn, thay vì việc tìm kiếm thông tin trên mạng thì có thể đến để hỏi đáp trực tiếp với các đơn vị tuyển sinh. Hai con đường cùng một đích đến, mong muốn của trường ĐH là tuyển được người học, còn người học thì cũng mong cho mình chọn lựa được trường, ngành yêu thích.
Để người học hiểu về trường
Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh ĐH, CĐ, năm nào cũng vậy có một thực tế là các em học sinh cuối cấp dù có được các thầy cô tư vấn nhiều nhưng quả thật là còn nhiều em chưa có được sự hiểu biết về ngành nghề cũng như các nhà trường nên khi lựa chọn được các bạn đưa ra là cảm tính. Nếu như trước kia thí sinh dự thi đại học muốn tìm hiểu thông tin về trường thì ngoài cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh cũng không thể tìm thông tin về ngành, trường mình học ở đâu.
Còn những năm gần đây, vào mùa tuyển sinh các trường ĐH, CĐ đã tăng cường tiếp thị ngành học bằng cách đến trực tiếp các trường để giới thiệu. Cách làm này đã và đang đem lại hiệu quả cao, người học có thêm hiểu biết về trường, ngành. Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định – cho rằng: Đây là điều đáng mừng vì các nhà trường đã chủ động tìm đến người học, còn người học và phụ huynh thuận lợi hơn khi muốn tìm hiểu về ngành nghề đào tạo mà họ muốn con em mình theo học.
Quan trọng hơn nữa là, việc được nghe trực tiếp từ chính các nhà trường, được giải đáp thông tin về từng ngành nghề, những lợi thế đang đào tạo. Từ những thông tin đó, phụ huynh và học sinh cùng phân tích để thấy được những lợi thế, cũng như đánh giá được thuận lợi hay khó khăn khi theo học để đưa ra quyết định cuối cùng, nhất là với những học sinh khu vực nông thôn, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, dù là trường lớn nhưng những năm gần đây, trước mỗi mùa tuyển sinh trường đều tổ chức đoàn công tác xuống các trường THPT ở các địa phương để giới thiệu các ngành học của trường và thêm mong muốn tìm nguồn tuyển có chất lượng.
PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: Chủ động tìm đến với thí sinh không chỉ là mong muốn có nguồn tuyển tốt mà còn để giúp các bạn hiểu biết thêm về nhà trường, cũng như những đổi mới trong công tác tuyển sinh. Quan điểm của chúng tôi là hãy tìm đến người học trước khi họ tìm đến mình, hơn nữa nhà trường tìm đến người học cũng là thể hiện sự trân quý tài năng, để họ hiểu và thấy được Trường Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội là điểm đến đáng tin cậy.
Trong buổi tư vấn tuyển sinh Trường ĐH KHTN – ĐHQGHN
Trường và người học cùng có lợi
Chưa có con số thống kê nào nhưng thực tế cho thấy, việc các nhà trường chủ động tìm đến với thí sinh, để trường được tư vấn trực tiếp cho thí sinh, thí sinh cũng được nghe và giải đáp thắc mắc là cách làm hay và hiệu quả. Chính vì thế từ đại học lớn đến trường nhỏ, từ trường công đến trường tư đều tích cực tìm đến thí sinh.
Nói như chuyên gia tuyển sinh, PGS.TS Lê Văn Thanh của Trường Đại học Mở Hà Nội: Thí sinh và phụ huynh cũng thuận lợi hơn, thay vì việc tìm kiếm thông tin trên mạng thì có thể đến để hỏi đáp trực tiếp với các đơn vị tuyển sinh. Hai con đường cùng một đích đến, mong muốn của trường là tuyển được người học, còn người học thì cũng mong cho mình chọn lựa được trường, ngành yêu thích.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Tuấn Nghĩa – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bãi Cháy, TP Hạ Long, cho biết: Trường ở khu du lịch Bãi Cháy, có nhiều học sinh ở khá xa trường. Đô thị hoá, mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến nhà trường làm ảnh hưởng đến việc giáo dục học sinh. Một số cha mẹ học sinh thiếu quan tâm việc học tập và rèn luyện của con cái, hoàn toàn giao phó cho nhà trường.
Chính vì thế, việc các trường đại học đến tư vấn cho học sinh về ngành nghề đào tạo đã giúp các em có được nhiều hơn thông tin, phụ huynh cũng thấy được ý nghĩa quan trọng của việc cùng tham gia lựa chọn ngành nghề với con em mình. Nhiều năm nay, từ việc các trường đến tư vấn đã thực sự giúp học sinh và phụ huynh có được sự lựa chọn đúng đắn hơn, gần với năng lực học tập của mình.
Xem ra việc các trường đại học đang cùng với trường phổ thông tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, để cùng giúp các em xác định lực học đến đâu để đưa ra lựa chọn chính xác cho riêng mình là cách làm đúng hướng.
Làm sao để các em tùy theo nhu cầu của mình có thể học thi đỗ vào một trường nào đó là mong muốn của các thầy cô giáo đang đứng lớp vì hơn ai hết, các giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm nắm vững tâm tư tình cảm của từng học sinh đang học tập tại trường. Khi trường đại học và thí sinh trực tiếp gặp nhau, đây là con đường hiệu quả nhất để đạt được mục đích của cả 2 bên, trường có người học, thí sinh có thể chọn lựa ngành trường theo sở thích, nguyện vọng và năng lực cá nhân.
Có một cách đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực nhất đó là các trường đại học đến tiếp thị ngành nghề đào tạo trực tiếp ngay tại trường trung học phổ thông. Ở đây, họ được giới thiệu với người học về các ngành nghề đào tạo và phân tích lợi thế của trường nhằm tạo sự cuốn hút. Còn học sinh có thể hỏi và được nghe tư vấn về những vấn đề tuyển sinh liên quan. Hai con đường cùng đến một đích là tuyển sinh, thí sinh và nhà trường đều có lợi.
Hà An
Theo giaoducthoidai
Các trường đại học lên tiếng sau kết luận điều tra gian lận thi cử ở Hoà Bình
Lãnh đạo và chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH đã đưa ra giải pháp hạn chế tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, ngay sau khi có kết luận điều tra về những xảy ra sai phạm động trời xảy ra trong kỳ thi năm ngoái ở Hoà Bình.
Hàng chục ngàn học sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2019 tại Cần Thơ do báo Tuổi Trẻ tổ chức
Ngay sau khi Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an công bố bản kết luận điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình, lãnh đạo và chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH đã đưa ra giải pháp hạn chế tiêu cực trong kỳ thi năm nay.
* PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM:
Cần tăng cường thêm các giải pháp công nghệ
Cơ quan điều tra xác định trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình đã có 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh bị can thiệp tẩy xóa để nâng điểm, cho thấy việc giao cho địa phương chấm thi là chưa ổn.
Năm nay, Bộ GD-ĐT quyết định giao cho các trường đại học chấm thi trắc nghiệm là biện pháp đầu tiên để chống tiêu cực. Thứ hai, các trường sẽ sử dụng phần mềm chấm trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT cũng sẽ giải quyết khâu chỉnh sửa file scan.
Tôi cho rằng, với kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ GD-ĐT cần tăng cường các giải pháp công nghệ để hạn chế tiêu cực. Nếu lắp camera cho các điểm tập trung bài thi theo từng buổi thi và cả nơi chấm sẽ ngăn ngừa tiêu cực.
Ngoài ra, cần có thêm giải pháp dán niêm phong bài thi bằng keo trong khi nộp bài để chống tẩy sửa, rọc phách bài trắc nghiệm. Việc này cần quy định rõ trong quy chế thi.
* TS Trần Đình Lý - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM:
Tăng cường giám sát để không có cơ hội tiêu cực
Việc gian lận sửa điểm thi trong kỳ thi THPT năm 2018 ở Hoà Bình và một số địa phương khác bị phát hiện vừa qua chủ yếu phục vụ cho mục tiêu thứ hai là xét tuyển vào đại học. Theo tôi, về mặt quy chế thi không sai, cũng khá đầy đủ và bài bản. Tuy nhiên, khi con người cố tình can thiệp, thậm chí có tổ chức vào các con số cộng với sự chủ quan của cơ sở nên mới xảy ra chuyện không lường ban chỉ đạo thi các cấp.
Tôi được biết Bộ GD-ĐT đã có những tính toán về mặt chiến lược cho câu chuyện thi và xét tuyển sẽ theo hướng giao quyền tự chủ cho các trường đại học, nhưng cần phải có lộ trình nên năm nay, bộ có những điều chỉnh mới về kỳ thi, theo tôi là khá căn cơ.
Bộ GD-ĐT biết rõ nguyên nhân do đâu và đưa ra những hoạt động phòng ngừa hợp lý, tập huấn, khuyến cáo lựa chọn con người, đặc biệt giao trọng trách chấm trắc nghiệm cho các trường đại học hoặc trung tâm khảo thí lớn, có năng lực đảm nhiệm là hết sức hợp lý.
Tuyệt đối không chủ quan và tăng cường sự giám sát, đưa ra hoạt động phòng ngừa tiêu cực để cho con người không có cơ hội thực hiện tiêu cực. Hiện tại, với những thay đổi, điều chỉnh nhỏ là để tốt hơn trong ngắn hạn.
Bộ GD-ĐT đã có lộ trình để hướng đến điều tốt nhất theo lộ trình với hướng xuyên tâm là giao tự chủ cho cơ sở, tách việc thi xét tốt nghiệp và việc xét tuyển vào ĐH, CĐ.
* PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM:
Khâu giám sát kỳ thi có vấn đề
Tôi cho rằng các quy định, quy trình trong quy chế thi THPT quốc gia thông thường là chặt chẽ, tuy nhiên những người cố tình sai phạm vẫn có thể tiêu cực.
Thực tế, vụ tiêu cực tại Hoà Bình cho thấy những người trong tổ chấm trắc nghiệm đã có âm mưu thực hiện sai phạm tập thể rất nghiêm trọng. Nhưng điều tôi băn khoăn và không hiểu công tác giám sát trong kỳ thi được thực hiện ra sao để tiêu cực xảy ra như vậy.
Phòng lưu trữ bài thi, phiếu trả lời trắc nghiệm lẽ ra phải có cơ quan công an giám sát 24/24h. Sai phạm xảy ra như vậy cho thấy khâu giám sát có vấn đề. Có lẽ vì quá buông lỏng khâu giám sát nên những cán bộ này có thể dễ dàng lấy bài để sửa, niêm phong cũng không tốt, không đúng kỹ thuật.
Năm nay, Bộ GD-ĐT giao việc chấm thi trắc nghiệm cho các trường ĐH, tôi tin các trường sẽ làm tốt hơn việc này. Về đội ngũ, tính chuyên nghiệp của các trường ĐH đều tốt hơn các địa phương và quan trọng hơn các trường không bị sức ép từ cấp trên, lãnh đạo địa phương...
Tuy nhiên, tôi cho rằng việc trang bị thêm camera giám sát các phòng lưu trữ bài thi, phòng chấm thi, scan phiếu trả lời trắc nghiệm để hạn chế tối đa tiêu cực.
* T hS Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM:
Việc lựa chọn nhân sự tham gia công tác thi chưa tốt
Đây là một sự cố đau lòng trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 và hậu quả của nó đã làm mất niềm tin của xã hội vào kỳ thi này. Vấn đề này làm nảy sinh suy nghĩ về tác phong của nhà giáo cũng như những lỗ hổng trong công tác quản lý làm dẫn đến trường hợp sai phạm trên.
Sự việc này cho thấy việc chọn lựa nhân sự tham gia các công tác thi cử cấp quốc gia rõ ràng chưa được sâu sát nên những cá nhân không đàng hoàng đã len vào và trục lợi từ công việc của mình.
Về quy định tổ chức thi và chấm thi chưa lường hết những sai sót có thể xảy ra nên vẫn tạo lỗ hổng để các cá nhân này trục lợi.
Với sự cố trên thì năm 2019 Bộ GD-ĐT đã phải có nhiều cải tiến, sửa đổi quy chế thi mới để tránh tình trạng tương tự.
Hi vọng với bài học thương đau năm 2018 này công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được an toàn và công bằng. Và trong tương lai cần xem lại vai trò của các kỳ thi để phù hợp với định hướng phát triển giáo dục.
* ThS Phùng Quán - trưởng phòng thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM):
Tiêu cực do không giám sát, kiểm soát sự an toàn của bài thi
Do quy chế thi THPT quốc gia năm 2018 vẫn còn những lỗ hổng nên một số người lợi dụng lỗ hổng ấy để trục lợi, tiêu cực. Theo tôi, để thực hiện nghiêm túc quy chế cần chú trọng tăng cường ý thức trách nhiệm cho cán bộ làm công tác thi.
Năm nay Bộ GD-ĐT có quy định giảng viên đại học không coi thi, chấm thi tại địa phương mình là một trong những điều chỉnh hợp lý.
Trong kỳ thi THPT quốc gia, hầu hết các môn thi/ bài thi đều là thi trắc nghiệm, thí sinh thi trên giấy, thu về qua nhiều khâu sau đó mới qua máy quét bài gốc. Nhiều khâu như thế nên con người có thể can thiệp được và đã không giám sát, kiểm soát sự an toàn của bài thi.
Để chống gian lận, Bộ GD-ĐT cần thay đổi và tăng cường bảo mật, đảm bảo tính nghiêm túc trong công tác chấm thi, như lắp camera tại các khâu chấm thi, mã hóa bài thi, nâng cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm.
Hi vọng với những thay đổi trong quy chế thi như trong dự thảo sẽ tránh những sai sót, gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
TRẦN HUỲNH ghi
Theo tuoitre
Đi hiến máu tình nguyện được tặng gói xét nghiệm sức khỏe Ngày 9/1, Viện huyết học và truyền máu trung ương phối hợp với trường Đại học Mở Hà Nội triển khai gói quà tặng xét nghiệm cho người hiến máu. Ảnh minh họa Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết gói quà tặng xét nghiệm giúp người hiến máu biết được nhiều thông tin...