Thi THPT quốc gia: Tăng tốc ôn thi, bồi dưỡng chống điểm “liệt”
Bước vào giai đoạn nước rút, chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia 2019, các trường THPT tăng tốc ôn thi, mở lớp bồi dưỡng, chống điểm “liệt”.
Ôn thi “nước rút”
Ghi nhận của PV Dân trí tại Trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình), học sinh lớp 12 đang bước vào giai đoạn ôn thi nước rút.
Em Nguyễn Quang Minh, học sinh lớp 12D cho biết, năm nay mình lựa chọn các m ôn thi khối A. Hiện nhà trường đang cho học sinh ôn thi “nước rút”. Bản thân em cũng ôn tập “hòm hòm”.
Em Nguyễn Thị Kim Liên, học sinh lớp 12N chia sẻ, qua tham khảo đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, em thấy kiến thức bao quát cả khối 11 và chủ yếu là lớp 12. Nếu đề thi ra tương tự thế này, em nghĩ mình có thể làm được. Tuy nhiên, riêng đề thi tham khảo môn Anh, Kim Liên thấy khá khó.
Cũng theo Kim Liên, một tuần các em được ôn thi cả hai buổi/ngày và học luân phiên các môn. “Chúng em đã được thi thử nhiều lần trong năm, có thể tự tin đủ điểm tốt nghiệp nhưng em vẫn khá lo lắng”, học sinh này nói.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình) ôn thi “nước rút”. (Ảnh: M. Hà)
Ông Lê Văn Thuyết, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Khánh A (Ninh Bình) chia sẻ, hết tháng 5, học sinh hoàn thành chương trình tuy nhiên trường vẫn tiếp tục ôn tập. Học sinh chỉ được nghỉ cách kỳ thi khoảng 10 ngày, nếu không kiến thức sẽ rơi rụng.
Theo hiệu trưởng, thời điểm này nhà trường đang tăng tốc ôn thi cho học sinh lớp 12 và rất tự tin vì kết quả thi thử của học sinh điểm rất khả quan.
Với tình hình thực tế như vậy, kỳ thi năm nay Bộ GD&ĐT ra đề giữ nguyên cấu trúc như đề minh họa không có những câu hỏi quá khó thì trường hoàn toàn tự tin.
Để đạt tỉ lệ đỗ ĐH, CĐ hàng năm trên 80% như các năm gần đầy, ngay từ đầu năm học, trường đã lên kế hoạch dạy học và bồi dưỡng học sinh cho kỳ thi THPT quốc gia để Sở GD&ĐT phê duyệt.
Trường xác định rõ hai mục tiêu, đạt tỉ lệ 100% học sinh tốt nghiệp và đạt điểm cao để có học sinh đỗ vào các trường ĐH, CĐ top đầu.
Video đang HOT
“Đối với học sinh lớp 12, trường ưu tiên chọn giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn là những người vững chuyên môn, biết cách quan tâm, chăm lo cho học sinh. Trong quá trình học, qua các bài kiểm tra, đánh giá, giáo viên phân loại học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng”, thầy Thuyết cho hay.
Trong quá trình học, qua các bài kiểm tra, đánh giá, giáo viên phân loại học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng (Ảnh: M. Hà).
Bồi dưỡng chống điểm “liệt”
Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia của Ninh Bình là 8.974 em. Trong đó, gần 8.700 thí sinh đang học lớp 12.
Lượng thí sinh đăng ký dự thi bài tổ hợp là 8.745 em. Trong đó, số đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên là gần 3.000 (chiếm 33,89%). Số thí sinh đăng ký bài Khoa học xã hội chiếm gần 66% và chỉ có 0,02% tổng số thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài tổ hợp.
Ông Thuyết cũng chia sẻ, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, thầy và trò áp lực hơn bởi cách tính điểm tốt nghiệp theo tỉ lệ 70-30 (70% điểm thi và 30% điểm học bạ) thay vì 50-50 như trước.
Với cách tính này, học sinh đỗ tốt nghiệp hay không, phụ thuộc khá nhiều vào điểm thi. Do đó, trong lần thi thử mới đây, trường có 13 học sinh trượt tốt nghiệp, trong khi năm trước, cũng thời điểm thi thử chỉ có 5 học sinh. Những con số này buộc trường không được chủ quan.
Ngoài ra, hiệu trưởng trường này cũng thừa nhận thực tế, học sinh khi đã đăng ký các tổ hợp thi, vẫn có hiện tượng học lệch, học tủ.
Ninh Bình từng có những học sinh trường chuyên có điểm xét tuyển đại học lên tới 24 nhưng do một môn bị điểm liệt mà trượt tốt nghiệp. Vì vậy, trường Yên Khánh A rút kinh nghiệm ngay từ trước khi kỳ thi năm nay diễn ra.
Để việc ôn tập có hiệu quả, theo Hiệu trưởng Thuyết, nhà trường thành lập nhiều CLB, tổ nhóm để học sinh ôn tập cùng nhau. Trên thư viện điện tử, giáo viên đưa nhiều dạng đề, cách giải để học sinh cùng ôn tập ở nhà.
Nhà trường thường xuyên tổ chức các kỳ thi, kiểm tra nhằm phân loại, sàng lọc. “Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức các lớp để bồi dưỡng những học sinh có nguy cơ bị điểm liệt”, ông Thuyết nhấn mạnh.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Thi THPT quốc gia 2019: Khó dễ là do lực học
Ngay trong tháng 12/2018, Bộ GDĐT đã sớm công bố đề thi minh họa (tham khảo) của kỳ thi THPT 2019 nhằm đáp ứng nhu cầu ôn thi của học sinh và giáo viên. Theo đó, số câu hỏi nằm trong phạm vi kiến thức lớp 12 tăng lên so với đề thi các năm trước (khoảng 85-90%).
Đánh giá của các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc đổi mới thi THPT quốc gia 2019, trong đó có đề thi sẽ góp phần phản ánh đúng thực lực của người học.
Yêu cầu vận dụng linh hoạt kiến thức
Cụ thể với môn Tiếng Anh, đề thi năm nay tương đối giống với đề thi THPT quốc gia năm 2018 về cấu trúc đề. Các câu hỏi khó nằm ở phần từ vựng, sự phân hóa nằm rõ rệt ở phần đọc hiểu. Với môn Ngữ văn, kiến thức nằm hoàn toàn trong lớp 12, mức độ khó hoàn toàn giống với đề thi năm 2018. Học sinh có thể gặp khó khăn trong việc ôn tập khi đề minh họa không xuất hiện kiến thức lớp 11.
Với môn Sinh học, các câu hỏi kiến thức lớp 10 không khó, chỉ ở mức nhận biết và thông hiểu. Ngược lại, câu hỏi kiến thức lớp 12 có đủ 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Số lượng câu hỏi đếm của đề minh họa cũng giảm nhiều so với đề thi THPT quốc gia 2018 (từ 17/40 chỉ còn 6/40). Môn Hóa học không có câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 và có đủ 4 mức kiến thức như môn Sinh học. Đề thi sắp xếp từ dễ đến khó và bắt đầu từ câu 73 tới 80 sẽ ở mức cực khó.
Ngoài ra, đề thi minh họa môn Hóa học có sự móc nối giữa kiến thức lớp 11 và 12. Môn Vật lý có sự thay đổi rõ rệt về tỉ lệ câu hỏi vật lý 12/11, năm nay chỉ có 10% câu hỏi kiến thức lớp 11. Câu hỏi khó tập trung về các chuyên đề: Dao động cơ, sóng cơ, điện xoay chiều. Học sinh nắm chắc kiến thức trong SGK Vật lý 11, 12 là có thể đạt 5 - 6 điểm. Môn Toán có đầy đủ 4 cấp độ từ đọc hiểu tới vận dụng cao. Tuy không có kiến thức lớp 10 trong câu hỏi nhưng học sinh phải biết vận dụng chương trình lớp 10 mới làm được bài.
Đáng lưu ý, môn Giáo dục công dân (GDCD) đưa yêu cầu vận dụng thông tin thực tế. Theo đánh giá, đề thi tham khảo năm 2019 có mức độ dễ hơn so với đề thi 2018. Số câu hỏi cực khó giảm xuống 1/3 lần so với đề thi năm 2018, mức độ phức tạp của câu hỏi cũng giảm bớt. Nếu như điểm số trung bình năm ngoái học sinh chỉ đạt được khoảng 6 điểm thì với đề thi thử minh hoạ này, học sinh có thể đạt 7,5 - 8 điểm. Đề thi đảm bảo 70% câu hỏi dễ và trung bình để học sinh xét tốt nghiệp.
Tương tự như đề năm 2018, nội dung đề thi minh họa năm 2019 bám sát nội dung 7/9 chuyên đề thuộc chương trình GDCD lớp 12 và 1/2 chuyên đề thuộc chương trình GDCD lớp 11. Số câu hỏi vận dụng thực tế đề thi tham khảo năm 2019 là 15 câu, có xu hướng giảm so với đề thi THPT quốc gia năm 2018 là 20 câu.
Các câu hỏi vận dụng tình huống thực tế đề cập các vấn đề thời sự "nóng" trong dư luận xã hội thời gian qua như: Hoạt động tổ chức đánh bạc, bảo kê, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, sử dụng bằng đại học giả, đe doạ tính mạng... Điển hình là câu 115, nội dung câu hỏi đề cập đến vấn đề "sử dụng máy chạy thận nhân tạo không đảm bảo chất lượng" tạo sự liên tưởng đến vụ việc tương tự xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình trong những tháng đầu năm 2018.
Có thể nhận thấy, sự điều chỉnh này tương đối hợp lý nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu của kỳ thi, giải quyết các vấn đề tồn đọng của kỳ thi các năm trước, chẳng hạn như năm 2017 đề thi được phản ánh là quá dễ dẫn đến tình trạng mưa điểm 10, còn đề thi năm 2018 lại quá khó đến mức nhiều chuyên gia cũng gặp khó khăn để giải. Ngoài ra, theo Bộ GDĐT, việc điều chỉnh về độ khó và cấu trúc đề thi như vậy cũng tạo thuận lợi hơn cho thí sinh trong việc xét công nhận tốt nghiệp theo quy chế mới. Với đề thi này, thí sinh học ở mức trung bình - khá không khó để có thể đạt 6 - 7 điểm/môn thi.
Nỗ lực giảm bệnh thành tích
Dẫu thế, những đổi thay trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 được Bộ GDĐT công bố mới đây - trong đó có việc sẽ tăng tỉ lệ kết quả thi lên 70% trong xét công nhận tốt nghiệp - đang khiến người học thấy băn khoăn. Liệu tỉ lệ này có ảnh hưởng đến tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của các trường, các địa phương hay không? Theo điều chỉnh, điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2019 gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).
Phân tích từ các giáo viên có kinh nghiệm lâu năm luyện thi tại Hà Nội cho thấy, với thay đổi trong phương án thi THPT quốc gia 2019 mà Bộ GDĐT vừa công bố, học sinh được 4 điểm/môn ở kỳ thi THPT quốc gia vẫn có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Thậm chí theo ước tính, nếu chỉ dùng 30% điểm học bạ để xét tốt nghiệp, thì tỉ lệ đạt tốt nghiệp THPT năm 2019 có thể sẽ giảm tới trên 10%. Do đó, không còn cách nào khác là học sinh phải nỗ lực ôn thi sao cho sát với trọng tâm, với yêu cầu vận dụng kiến thức trong chương trình THPT và những tình huống thực tiễn.
Trước thay đổi của phương án thi THPT quốc gia 2019 theo hướng tăng tỉ lệ kết quả thi lên 70% trong xét công nhận tốt nghiệp, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng, đây là sự điều chỉnh hợp lý. Việc siết cộng điểm học bạ sẽ giúp cho giảm bệnh thành tích và tăng tính khách quan của một kỳ thi quốc gia. Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan với tỉ lệ 30% điểm số từ học bạ. Bởi rất có thể sẽ có việc "chạy" học bạ để được cộng thêm điểm - dù ít, dù nhiều. Như thế, việc xét tuyển ĐH cũng bị ảnh hưởng, vì năm 2019 nhiều trường ĐH vẫn dùng điểm tốt nghiệp THPT quốc gia để tuyển sinh.
Được biết, mùa tuyển sinh năm 2019 nhiều trường ĐH cũng sẽ có phương án tuyển sinh riêng. Đơn cử như tuyển sinh bằng đánh giá năng lực. Nhận định về đề thi minh họa 2019, về tỉ lệ điểm thi để xét tốt nghiệp, TS Nguyễn Quốc Chính- Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng, ĐH Quốc gia TP HCM chia sẻ: Bản chất của kỳ thi THPT quốc gia từ trước đến nay chủ yếu vẫn để xét tốt nghiệp. Thí sinh giỏi dù thi bất cứ hình thức nào cũng có kết quả tốt. Nếu đề thi tốt sẽ giúp phân hóa tốt hơn và ngược lại. Vì vậy, ĐH Quốc gia TP HCM vẫn tiếp tục sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển cùng với các phương thức khác. Theo đó, trường vẫn sẽ có 4 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, ưu tiên xét tuyển theo quy định ĐH Quốc gia TP HCM, xét tuyển thẳng và xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực.
Cùng với đó, hiện nhiều trường ĐH cho biết đã và đang xây dựng kế hoạch, đề án tuyển sinh 2019 với một số điều chỉnh về phương thức, nhưng sẽ không gây xáo trộn nhiều, tránh ảnh hưởng đến thí sinh.
Kỳ vọng giảm tiêu cực thi cử
Trước những giải pháp đổi mới thi THPT quốc gia 2019, những đổi thay trong việc tính điểm xét tốt nghiệp THPT, hướng ra đề...vẫn còn đó những lo lắng về việc phòng chống gian lận thi cử, bệnh thành tích trong việc nâng tỉ lệ tốt nghiệp THPT của các địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hòa- Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, vấn đề là nếu chúng ta có đề thi tốt, phù hợp với trình độ học sinh thì sẽ hạn chế được tiêu cực. Do đó, phải bám vào chương trình chuẩn, dạy gì thi đó. Học đến mức độ nào thì thi mức độ đó. Hiện nay học sinh được đánh giá 70% là khá - giỏi, vậy khi thi phải ra kết quả đó. Chứ lúc học thì được 7-8 điểm, nhưng khi thi chỉ được 3-4 điểm thì rõ ràng thành tích không phù hợp với kết quả thi. Cùng với đó, theo ông Nguyễn Văn Hòa, nên đánh giá chất lượng giáo dục từ nhiều khía cạnh chứ không chỉ ở kỳ thi. Tuy nhiên từ đề thi tham khảo vừa qua, ông Hòa cho rằng Bộ GDĐT đã làm cho kỳ thi thực tế hơn, phù hợp hơn với học sinh, phù hợp với việc dạy và học.
Còn theo TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GDĐT), trong quá trình đổi mới thi cử, việc cần phải cải tổ đầu tiên là việc làm đề thi. Ngân hàng câu hỏi phải được xây dựng từ câu hỏi được thử nghiệm trên chính người học để phân biệt độ khó - dễ khác nhau, sau đó ma trận câu hỏi sẽ chọn đưa vào bài thi.
* Không nên chủ quan với tỉ lệ 30% điểm số từ học bạ. Bởi rất có thể sẽ có việc "chạy" học bạ để được cộng thêm điểm - dù ít, dù nhiều. Như thế, việc xét tuyển ĐH cũng bị ảnh hưởng, vì năm 2019 nhiều trường ĐH vẫn dùng điểm tốt nghiệp THPT quốc gia để tuyển sinh.
Triết Giang
Theo daidoanket
Kí túc xá mùa thi: Đời sống về đêm nhộn nhịp sáng rực không khác gì phố thị Sài Gòn Vào mỗi dịp thi, hình ảnh kí túc xá lại nhộn nhịp và sôi động trong tiếng râm ran ôn luyện của sĩ tử, vất vả mà đầy ắp kỉ niệm. Tháng 5 lại về với những tiếng ve kêu rộn ràng một góc trường. Mùa hè đến, mùa thi về, chỉ có học trò mới cảm nhận được không khí tấp nập...