Thi THPT quốc gia: Ráo riết học ôn trực tuyến
Dù nghỉ học tránh dịch COVID-19 nhưng các trường vẫn triển khai dạy học trực tuyến để bổ sung kiến thức cho các em. Đặc biệt sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa, việc ôn tập cho học sinh (HS) lớp 12 trở nên khẩn trương hơn.
Học trực tuyến là phương pháp được nhiều trường sử dụng trong mùa dịch COVID-19
Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi minh họa THPT quốc gia. Đề thi phù hợp với việc tinh giản chương trình do HS phải nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh.
Thời khóa biểu rõ ràng
Nghỉ hơn hai tháng phòng COVID-19, Lê Anh Hào, lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 không dám sao nhãng việc học vì phải chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
“Dù học ở nhà nhưng em có một thời gian biểu rõ ràng. 9 giờ sáng mỗi ngày em sẽ làm bài tập các thầy cô giao, đọc thêm sách và nghiên cứu đề cương. 2 giờ chiều thứ Hai, Tư, Sáu em sẽ học môn toán với giáo viên đến 4 giờ. Sau đó đến 18 giờ em sẽ học tiếp môn tiếng Anh đến 20 giờ” – Hào nói.
Hào cho biết phương pháp này khó có thể bằng việc học trực tiếp với thầy cô. Thế nhưng việc học trực tuyến đã phần nào giúp em nắm kiến thức, trao đổi với thầy cô, bạn bè dù chỉ qua màn hình.
Học sinh Trường THCS – THPT Đào Duy Anh, quận 6 đang học bài tại nhà. Ảnh: NTCC
“Hiện em cũng khá lo lắng vì dù học online nhưng lượng kiến thức khó có thể bằng với việc em đến trường. Em đã xem qua đề minh họa của bộ. Với đề thi môn toán em có thể làm được khoảng 90% trong thời gian ngắn nhưng liệu đề thi thật có như vậy không. Em chỉ sợ bộ sẽ ra những nội dung kiến thức mà tụi em chưa được ôn tập kỹ”.
“Em mong đề thi sắp tới có thể giảm bớt một số kiến thức không cần thiết. Và Bộ cũng nên tổ chức một số kỳ thi thử để đánh giá năng lực của học sinh” – Hào bày tỏ.
Tương tự, thời gian này Ngọc Hân, lớp 12 Trường THCS – THPT Đào Duy Anh, quận 6 cũng chuyển sang hình thức học online với các m ôn thi THPT quốc gia.
Trường cũng đã chia ra thời khóa biểu cho các tổ hợp. Nếu bạn nào đăng ký tổ hợp KHTN thì thời gian học những môn này sẽ nhiều hơn các môn khác và ngược lại.
“Em học đều các môn nhưng vẫn thích nhất môn văn vì cách dạy ấn tượng của cô. Ngoài việc học trực tuyến với cô, tụi em còn xem những bài giảng cô đã ghi hình đăng trên YouTube để bổ sung thêm kiến thức. Đặc biệt cô thường xuyên ra đề yêu cầu chúng em làm. Những bạn nào làm tốt sẽ nhận được phần thưởng là một cuốn sách hay một móc khóa. Chính điều đó đã khuyến khích chúng em học nhiều hơn” – Hân nói.
Hân chia sẻ thêm, dường như lo lắng cho kỳ thi sắp tới nên hiện tại các bạn đều tham gia học rất đông đủ. Thế nhưng việc học vẫn gặp khó khăn như mạng yếu, khó có sự tương tác cao. “Do đó, em mong sao dịch COVID sớm được đẩy lùi để chúng em sớm được trở lại trường” – Hân nói thêm.
Video đang HOT
Khẩn trương lên kế hoạch ôn tập
Bà Trần Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ten Lơ Man, quận 1 cho hay ngay sau khi Bộ công bố đề thi tham khảo, trường đã triển khai kế hoạch cho các tổ. Hiện các tổ đang căn cứ vào đề thi để soạn đề cũng như tổ chức các chuyên đề ôn tập phù hợp với tình hình.
Cùng với nhà trường, các thầy cô lại có cách làm riêng để HS đạt được kết quả cao nhất.
Cô Ái Linh, giáo viên Trường THCS – THPT Đào Duy Anh, quận 6 đang dạy học trực tuyến. Ảnh: NVCC
Khi có đề minh họa, thầy Bùi Xuân Long, giáo viên Trường THPT Ten Lơ Man đã bắt tay vào nghiên cứu và soạn những bộ đề tương tự.
“Đối với các em theo tổ hợp KHXH tôi tập trung đến 35 câu đầu tiên, còn những em theo ban tự nhiên, tôi cố gắng đến câu 45. Bởi với HS trường tôi, khả năng các em có thể làm được đến câu 50 là rất hiếm”.
“Do tình hình dịch, các em không thể đến trường nên tôi tăng cường dạy online. Tôi soạn file word để chia sẻ với các em, còn file powerpoint tôi sẽ trình chiếu qua zoom. Hiện tôi đã mua bản quyền zoom để thời gian dạy lâu hơn, có nhiều tính năng giúp việc dạy hiệu quả hơn. Tuy nhiên việc học muốn có kết quả phụ thuộc vào sự tự giác của HS. Lớp tôi dạy là lớp chọn có đến 50 em nhưng chỉ có 30 em tương tác thôi” – thầy Long bày tỏ.
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 tiến hành phân tích, lên ma trận đề thi để xem nội dung thi tập trung những phần nào.
Bên cạnh việc dạy trực tuyến cho HS, sắp tới thầy sẽ thực hiện những chuyên đề phù hợp với nội dung Bộ đã giảm tại cũng như nội dung đề đã công bố để các em nắm thêm.
“Ban đầu mới triển khai học trực tuyến, các em còn lơ là. Mặt khác, mạng yếu cũng là một rào cản khiến việc học chưa hiệu quả. Để khắc phục, ngoài việc tương tác trực tiếp, tôi còn tự quay các video gửi qua các group để các em tự nghiên cứu. Đến thời điểm này, các em đã chăm chú học hơn. Nhiều em sợ hổng kiến thức không đáp ứng được kỳ thi đã chủ động nhắn tin hỏi tôi về chuyện bài vở”.
“Nếu dịch kéo dài, kỳ thi vẫn sẽ diễn ra, tôi mong Sở cũng như Bộ sẽ cung cấp một hệ thống phần mềm thống nhất dạy trực tuyến cho giáo viên. Bởi hiện nay các thầy cô đang mạnh ai nấy làm. Hơn nưa, tôi cũng mong ban ra đề sẽ cho một đề thi phù hợp với tình hình thực tế để các em không quá áp lực. Bởi đây là một năm học đầy khó khăn với thầy trò vì không thể đến trường” – thầy Thịnh nói.
Để khuyến khích HS đến với những giờ dạy trực tuyến, cô Ái Linh Trường THCS – THPT Đào Duy Anh, quận 6, lại có bí quyết riêng.
Cô Linh thừa nhận nếu em nào siêng sẽ tự giác học, còn em nào không thích thì rất khó. Do đó để các em thích thú với việc học, cô thường đầu tư vào bài giảng và thường có những phần thưởng nếu HS làm bài tốt.
“Với đề thi minh họa của bộ, tôi thấy nhẹ nhàng hơn so với các năm khác. Nhưng không vì thế mà tôi chủ quan khi ôn tập cho các em. Với đề thi, tôi có thể khoanh vùng hệ thống tác phẩm ôn tập, đặc biệt bộ đưa ra chương trình tinh giản nên hệ thống các tác phẩm trở nên nhẹ nhàng hơn. Do đó, tôi cũng có thể dễ dàng xoáy vào các nội dung trọng tâm. Hiện nay tôi vừa dạy chương trình mới vừa ra đề để các em làm quen. Bởi chỉ qua các bài viết tôi mới có thể đánh giá được khả năng của từng em để điều chỉnh” – cô Linh nói.
Ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức cho rằng để học hiệu quả, học sinh cần chủ động đọc trước kiến thức trọng SGK, tài liệu tham khảo để có thể tăng sự tương tác với GV. Bên cạnh đó, các em cần tham khảo các đề thi, các dạng câu hỏi, tăng cường trao đổi và hỏi thêm gv ngoài giờ học.
Dự kiến kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 8-8
Chiều 13-3, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hỏa tốc về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020.
Bộ GD&ĐT điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học như sau:
- Kết thúc năm học trước ngày 15-7-2020.
- Thi THPT quốc gia từ ngày 8 đến 11-8-2020.
NGUYỄN QUYÊN
Đưa trường học đến thí sinh 2020: Nỗ lực cho mùa thi nhiều thay đổi
Nhiều thay đổi trong mùa thi 2020 đòi hỏi thí sinh phải hết sức tập trung ôn thi; tìm hiểu thông tin chính xác về các hình thức xét tuyển; tránh lơ là, chủ quan vì kỳ nghỉ kéo dài
Ngày 9-4, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" lần thứ 19 - 2020 do Báo Người Lao Động tổ chức, Đài Truyền hình TP HCM (HTV) phối hợp ghi hình và phát sóng, đã chính thức diễn ra với chủ đề "Chuẩn bị gì cho mùa thi năm nay?". Chương trình được tường thuật trực tuyến trên Báo Người Lao Động điện tử, sẽ được phát sóng trên kênh HTV Key vào lúc 11-12 giờ thứ bảy (11-4), phát lại vào 9-10 giờ chủ nhật (12-4).
Hàng loạt thay đổi tác động đến thí sinh
Với việc Báo Người Lao Động thay đổi hình thức tư vấn từ trực tiếp qua trực tuyến - truyền hình để phát rộng rãi đến học sinh (HS) trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các khách mời tham dự chương trình tỏ ra rất hào hứng và nhiệt tình giải đáp tất cả những thắc mắc, băn khoăn được đặt ra, trong đó không ít các câu hỏi khó từ học HS, phụ huynh.
Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử ngành giáo dục, HS lại nghỉ dài ngày như vậy. Với việc HS chưa thể đến trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2020 với nhiều nội dung giản lược. Trước đó, bộ cũng đã điều chỉnh thời gian học kỳ 2 kết thúc trước 15-7, kỳ thi THPT quốc gia 2020 dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 8 đến 11-8. Các trường ĐH cũng lùi thời gian xét tuyển so với dự kiến. Hiện nay, HS lớp 12 đang phải nỗ lực ôn thi trực tuyến - điều chưa từng xảy ra với các lứa sĩ tử trước đây.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa (bìa phải) nhận định về mùa thi năm nay, tại chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2020", tổ chức sáng 9-4 Ảnh: QUANG LIÊM
Trước câu hỏi những thay đổi trên tác động gì đến thí sinh năm nay, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng những điều chỉnh trên là bất khả kháng do dịch bệnh, gây ra những xáo trộn rất lớn không chỉ với HS mà còn với các trường THPT, trường ĐH. Việc điều chỉnh thi THPT quốc gia có ảnh hưởng rất lớn đến thời gian tuyển sinh ĐH.
Ở góc độ cơ sở giáo dục phổ thông, cô Vũ Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM), cho biết đề thi mẫu do Bộ GD-ĐT vừa công bố có tới 70% câu hỏi thuộc phần nhận biết cơ bản, 20% vận dụng, 10% vận dụng cao, như vậy đã giảm độ khó hơn năm trước. Qua 3 tháng dạy trực tuyến, dù thầy cô dạy nhiều hơn, kỹ hơn nhưng vẫn không bằng trên lớp, do đó HS cần phải cố gắng nhiều hơn.
Với kinh nghiệm của một trường ĐH đã và đang tổ chức đào tạo từ xa, ThS Nguyễn Quỳnh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ để việc học trực tuyến có hiệu quả, HS cần phải có máy tính có đường truyền internet tốt; theo dõi tài liệu trước để tiếp cận bài học dễ dàng hơn; cần sắp xếp thời gian hợp lý và tập trung cao độ trong giờ học.
Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2020 cũng có những tranh cãi khi yêu cầu ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của chương trình chất lượng cao phải cao hơn đại trà. Theo PGS-TS Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế - Trường ĐH Tài chính Marketing, các chương trình chất lượng cao luôn có đội ngũ giảng viên chất lượng, bài giảng chất lượng. Việc yêu cầu ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của chương trình chất lượng cao phải cao hơn đại trà là không hợp lý, điều này có thể khiến hồ sơ đăng ký xét tuyển vào chương này có khả năng giảm nhiều so với năm trước.
"Dễ thở" nhờ nhiều phương thức xét tuyển
TS Nguyễn Đức Nghĩa thông tin với phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT đã lùi thời gian kỳ thi về tháng 8, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM cũng như của các trường ĐH đã lùi lại nên thời điểm này nhiều trường đã đẩy mạnh xét tuyển học bạ, điều chỉnh từ xét kết quả 6 học kỳ xuống còn 5 học kỳ (bỏ qua học kỳ 2 lớp 12), nhiều trường cũng bắt đầu xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế...
Trước câu hỏi hiện nay "dù chưa thi THPT quốc gia nhưng một số trường ĐH đã thông báo xét tuyển từ kết quả học tập của 5 học kỳ, điều này có ảnh hưởng gì tới việc học của học kỳ 2 hay không?", cô Vũ Ngọc Dung cho biết trước đây đã có trường ĐH xét 5 học kỳ, năm nay thì có nhiều trường xét tuyển theo cách này hơn.
Điều này có thiệt thòi cho các em muốn tăng tốc trong học kỳ 2 để đạt kết quả cao, cải thiện thành tích học tập. Tuy nhiên, có nhiều phương thức xét tuyển, như xét bằng điểm thi THPT quốc gia và thi đánh giá năng lực nên các em phải nỗ lực ngay bây giờ vì không còn nhiều thời gian, phải tự giác cao phần ôn tập học kỳ I, nội dung bài lớp 11, không thể lơ là, chủ quan. Ngoài ra, để có kết quả thi và xét tuyển đạt được mong muốn, HS cần tập trung học tốt học kỳ 2 lớp 12.
"Thí sinh tham gia xét tuyển không nên lo lắng vì Covid-19 ảnh hưởng đến việc học vì ngoài phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, còn có các phương thức xét tuyển khác nhau" - PGS-TS Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư trấn an thêm.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, HS đăng ký xét tuyển thì mong muốn trúng tuyển. Trong nhiều phương thức xét tuyển của các trường thì ưu tiên tuyển thẳng và tuyển thẳng yêu cầu thí sinh phải có kết quả học tập cao. Với các phương thức còn lại, thí sinh nên đồng thời xét tuyển cùng nhiều phương thức để cơ hội trúng tuyển cao.
Bộ GD-ĐT xây dựng phương án thi THPT quốc gia 2020
Bộ GD-ĐT ngày 9-4 cho biết đang xây dựng phương án thi THPT quốc gia theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi được hoàn thiện, Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ phương án này trong thời gian tới.
Theo điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 lần 2 của Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 8 đến ngày 11-8-2020. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng - Bộ GD-ĐT, cho hay việc xây dựng đề thi tham khảo và công bố như vừa qua là đang thực hiện theo đúng "kịch bản" về phương án thi THPT quốc gia mà bộ đưa ra. Với kịch bản ấy, việc xây dựng đề thi tham khảo là cần thiết, phù hợp và hỗ trợ tốt cho giáo viên và HS. Hiện nay, trong khi bộ chưa công bố phương án nào khác, nhà trường và HS căn cứ đề tham khảo vừa công bố để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi.
Y.Anh
Đừng căng thẳng!
ThS tâm lý Phan Trịnh Hoàng Dạ Thy cho rằng hiện rất nhiều thí sinh lo lắng trước những thay đổi về thi, tuyển sinh. Nhưng nếu lo lắng quá thì sẽ dễ bị căng thẳng, không tốt cho quá trình ôn tập, cũng như việc học trực tuyến... Điều các em cần làm là xác lập một quá trình chuẩn bị, khi có một tâm thế vững vàng, quá trình ôn tập chu đáo thì bước vào kỳ thi các em sẽ cảm thấy tự tin hơn nhiều. Bất kỳ thời khắc nào trong quá trình ôn tập tại gia đình, nếu em cảm thấy mệt thì hãy tạm thời... buông, dừng. Hãy giữ một tinh thần thoải mái khi học, nếu có điều gì không hiểu, các em có thể mạnh dạn trao đổi với thầy cô, bạn bè.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Bí quyết ôn thi THPT quốc gia đạt điểm cao môn lý: Trọng tâm lớp 11 Vào lúc 19 giờ hôm nay 9.4, Báo Thanh Niên phát sóng chương trình Bí quyết ôn thi THPT quốc gia đạt điểm cao năm 2020 môn lý tại địa chỉ thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên. Chương trình Bí quyết ôn thi THPT quốc gia đạt điểm cao năm 2020 hôm nay sẽ phát sóng chuyên đề 10 của môn lý do...