Thi THPT quốc gia: Nên tách môn trong phiếu trả lời trắc nghiệm
Nên tách riêng từng phiếu trả lời trắc nghiệm cho từng phân môn trong bài thi tổ hợp, làm phách cho bài làm thi trắc nghiệm… là những góp ý của lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo về tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia (Ảnh: TTXVN)
Tách phiếu trả lời trắc nghiệm bài thi tổ hợp
Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, ở hai bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân) và Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học), mỗi bài thi gồm ba môn thi thành phần với ba đề thi khác nhau nhưng lại chung một phiếu trả lời trắc nghiệm. Theo quy định, sau khi kết thúc mỗi môn thi, giám thị sẽ thu lại đề thi của môn thi trước và phát đề của môn thi tiếp theo. Khoảng cách thời gian giữa hai môn thi là 10 phút.
Theo ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, nên tách ra mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp là một phiếu trả lời trắc nghiệm.
“Điều này sẽ thuận giúp người làm công tác coi thi có thể quản lý phiếu trả lời trắc nghiệm tốt hơn. Bên cạnh đó, cũng tránh việc thí sinh sau giờ nghỉ giữa hai môn thi có thể hỏi các bạn và về điều chỉnh,” ông Quốc phân tích.
Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng. Ông Vĩnh cho rằng, phiếu trả lời trắc nghiệm có thể không nhất thiết phải đưa tất cả các môn tổ hợp vào một phiếu.
[Sai phạm trong kỳ thi THPT tại Sơn La: Khởi tố thêm một đối tượng]
“Thực tiễn làm công tác thi, chúng tôi thấy phần này gây phiền toái cho giám thị giám sát. Đây cũng là kẽ hở cho thí sinh tận dụng thời gian sau khi thi hết môn có thể hỏi các bạn có trình độ khá hơn, để vào môn thi thứ hai, các em tiếp tục chỉnh sửa đáp án và giám thị không giám sát được vì phiếu trả lời là chung của các môn thi,” ông Vĩnh nói.
Theo đó, vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho rằng với mỗi môn thi có thể tách riêng thành một phiếu trả lời trắc nghiệm. Sau mỗi môn thi, giám thị sẽ thu lại phiếu trả lời trắc nghiệm của môn đó và tiếp tục môn thi khác. “Cách làm này sẽ tạo sự thoải mái hơn cho giám thị và tạo nên tính nghiêm túc cho kỳ thi,” ông Vĩnh nhận định.
Đồng quan điểm này, ông Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, dù theo quy định, sau khi kết thúc mỗi môn thi thành phần, thí sinh sẽ phải nộp lại đề thi, nhưng các em sẽ vẫn nhớ đề bài của những câu hỏi khó mà mình chưa làm được.
“Kể cả không hỏi bài các bạn thì các em vẫn có thể dùng thời gian đáng ra làm bài thi của môn thứ hai để tiếp tục suy nghĩ, tìm câu trả lời cho câu hỏi của môn thi trước và điền vào phiếu trả lời. Điều này là chắc chắn xảy ra vì đa số thí sinh đều sẽ tập trung thời gian để làm bài môn mà mình sẽ dùng để xét tuyển đại học. Khi đó, sẽ không đảm bảo được sự công bằng giữa các thí sinh về thời gian làm bài,” ông Dỵ nói.
Video đang HOT
Thí sinh xem lại bài trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: TTXVN)
Làm phách các bài thi
Cũng liên quan đến phiếu trả lời trắc nghiệm, lãnh đạo một số sở giáo dục và đào tạo cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên làm phách cho phiếu trả lời các bài thi trắc nghiệm.
“Khi đó, người chấm sẽ không biết bài nào của thí sinh nào, từ đó, độ bảo mật của bài thi sẽ cao hơn, hạn chế được tình trạng không có phách như hiện nay khiến người làm công tác chấm thi dễ dàng tìm được bài của một thí sinh cụ thể,” Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam Hà Thanh Quốc nói.
Đây cũng là quan điểm của bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa. Theo bà Hằng, phiếu trả lời trắc nghiệm nên nghiên cứu mã hóa về phách, để cán bộ chấm thi không thể biết được bài đó là bài thi của học sinh nào. Hội đồng làm phách trắc nghiệm và tự luận nên cách ly triệt để đến khi chấm xong.
“Khâu chấm quan trọng nhưng dù thế nào cũng là do con người nên điều quan trọng nhất là trước khi kỳ thi diễn ra, chúng ta phải quán triệt các quy định, quy chế, đặc biệt cho cán bộ làm thi, để làm sao không có sự tiêu cực ở trong mỗi khâu,” bà Hằng chia sẻ.
Kiến nghị điều chỉnh về khâu kỹ thuật nhưng lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo cũng cho rằng kỳ thi nên được giữ ổn định về cách tổ chức như hiện nay cho đến năm 2020, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Tôi đề nghị, về mặt kỹ thuật, quy chế, quy định nên có bàn bạc kỹ lưỡng, có điều chỉnh sao cho kỹ thi diễn ra như mong muốn là nghiêm túc, khách quan, công bằng,” ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam nói./.
Theo vietnamplus.vn
Sau lùm xùm gian lận thi cử 2018, hướng thi THPT quốc gia 2019 sẽ thế nào?
Sáng 17/9, Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được duy trì đến hết năm 2020, tất nhiên kèm theo điều chỉnh về kĩ thuật.
Duy trì kỳ thi THPT quốc gia đến 2020
Theo ông Mai Văn Trinh, các đại biểu tham dự cuộc họp sáng 17/9 đồng tình cao một số đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trước hết, các địa phương đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị có trách nhiệm cao để tổ chức kỳ thi một cách tốt nhất có thể. Công tác phối hợp nhìn chung thuận lợi, hiệu quả hơn các năm trước đây. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 cơ bản đáp ứng được mục tiêu đổi mới thi và tuyển sinh.
Những kết quả đạt được của kỳ thi là quan trọng, cần được ghi nhận. Tuy nhiên, tiêu cực, sai phạm xảy ra ở một số địa phương là cá biệt nhưng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, tổn thương đến đội ngũ nhà giáo và đối với những nhà quản lý giáo dục ở các địa phương.
Các đại biểu dự họp đồng tình với cách xử lý quyết liệt của Bộ, đúng người, đúng việc, bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh và bảo vệ danh dự cho đông đảo đội ngũ nhà giáo. Đồng thời đây là dịp để xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, rút ra bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục hoàn thiện phương thức tổ chức Kỳ thi THPTQG những năm tới.
Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được duy trì đến năm 2020. (Ảnh: Mỹ Hà).
Tuy nhiên, để kì thi được an toàn hơn, ông Trinh cho biết, qua thảo luận nghiêm túc, đồng thời nhìn lại 4 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia bám sát yêu cầu Nghị quyết 29, các đại biểu dự họp thống nhất: Kỳ thi THPTQG được tổ chức như hiện nay là phù hợp với điều kiện dạy học, kinh tế - xã hội các địa phương, đảm bảo gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho thí sinh.
Vì vậy, nên tiếp tục duy trì ổn định kỳ thi THPT quốc gia đến hết năm 2020, tất nhiên là kèm theo điều chỉnh về kĩ thuật, hoàn thiện về mặt tổ chức để làm sao kỳ thi được tổ chức ngày càng nhẹ nhàng, hoàn thiện hơn, độ tin cậy cao hơn. Cụ thể, có đề xuất một số phương hướng cho năm 2019 và năm 2020 như sau:
Thứ nhất, rà soát toàn bộ quy trình tổ chức thi, hoàn thiện Quy chế thi và hướng dẫn theo hướng cụ thể, chi tiết hơn; xác định rõ trách nhiệm của những người tham gia Kỳ thi; cụ thể hóa hơn nữa các chế tài xử lý với các sai phạm trong Kỳ thi.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi, cải tiến quy trình ra đề thi để nâng cao chất lượng đề thi đảm bảo phù hợp hơn với thời gian làm bài của thí sinh, đáp ứng tốt hơn mục tiêu của Kỳ thi THPTQG.
Thứ ba, cải tiến, điều chỉnh các khâu về kỹ thuật trong tổ chức thi; nhất là hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật và hỗ trợ tốt cho việc phát hiện, phòng ngừa các sai phạm trong chấm thi để hạn chế gian lận, tiêu cực.
Kỳ thi sẽ được điều chỉnh về kĩ thuật, hoàn thiện về mặt tổ chức để làm sao kỳ thi được tổ chức ngày càng nhẹ nhàng, hoàn thiện hơn, độ tin cậy cao hơn. (Ảnh: Mỹ Hà).
Thứ tư, cải tiến phương thức tổ chức coi thi, chấm thi theo hướng tăng cường khách quan, nghiêm túc ở tất cả các khâu của Kỳ thi; tăng cường ứng dụng công nghệ trong chấm thi; xem xét tổ chức chấm thi đảm bảo nguyên tắc giáo viên không chấm bài thi học sinh tỉnh mình (chẳng hạn tổ chức chấm thi theo cụm).
Thứ năm, chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của Kỳ thi, nhất là các khâu trọng yếu như công tác đề thi, coi thi, chấm thi. Đồng thời, tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi, cán bộ thanh tra, giám sát;
Thứ sáu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát tại các Hội đồng thi.
"Với các giải pháp đồng bộ như vậy, chúng tôi sẽ cụ thể hóa trong quy chế và trong hướng dẫn để làm sao việc triển khai thuận lợi và nhuần nhuyễn trong những năm tới" - ông Trinh nhấn mạnh.
Điều chỉnh kĩ thuật với người tổ chức thi
Trả lời câu hỏi, việc chấm chéo giữa các địa phương không mới và đã từng xảy ra câu chuyện 11 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long bắt tay nhau trong điều chỉnh kết quả chấm thi. Có ý kiến cho rằng, có lẽ nên để Bộ GD&ĐT tổ chức chấm thi tập trung ngay tại Bộ GD&ĐT.
Ông Mai Văn Trinh cho biết: "Những năm trước đây chúng ta đã tổ chức chấm chéo, nhưng bối cảnh tổ chức kỳ thi của những năm trước khác giờ nhiều. Nay chúng ta có thuận lợi về công nghệ.
Với những giải pháp công nghệ, đặc biệt là CNTT và các giải pháp kèm theo nữa, thì giả sử vẫn là chấm chéo nhưng có thể cách thức tổ chức cụ thể sẽ khác. Chúng tôi sẽ cân nhắc một cách thận trọng.
Và chắc chắn những bài học kinh nghiệm, những gì diễn ra trong quá khứ sẽ được cân nhắc cụ thể để làm sao kế thừa, chắt lọc những tinh hoa, thuận lợi, nhưng phải áp dụng cụ thể với điều kiện hiện nay.
Thay đổi chủ yếu liên quan đến các vấn đề kỹ thuật. Những điều chỉnh nếu có chỉ tập trung vào người tổ chức thi, còn phía học sinh thì căn bản là ổn định, không thay đổi. Nên các em yên tâm học tập. (Ảnh: Mỹ Hà).
Đặc biệt là tăng cường các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ để bảo đảm việc chấm thi khách quan. Làm sao người ta muốn gian lận cũng không gian lận được, hoặc nếu giả sử gian lận thì chắc chắn sẽ được phát hiện".
Về thời gian "chốt" phương án tổ chức coi thi, chấm thi cuối cùng cho kỳ thi năm sau, ông Trinh cho hay, cuộc họp sáng nay đã bàn kỹ vấn đề này. "Chúng tôi có lời nhắn đến các học sinh lớp 12 năm nay: Các thay đổi, điều chỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 và những năm tới đây đều hướng tới bảo đảm cho kỳ thi thực chất, công bằng hơn, hướng tới thuận lợi cho thí sinh.
Thay đổi chủ yếu liên quan đến các vấn đề kỹ thuật. Những điều chỉnh nếu có chỉ tập trung vào người tổ chức thi, còn phía học sinh thì căn bản là ổn định, không thay đổi. Nên các em yên tâm học tập", ông Trinh nói.
Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng: "Chúng tôi sẽ ban hành quy chế, hướng dẫn trong thời gian sớm nhất. Thời gian thi cố gắng giữ ổn định để các Sở GD&ĐT chủ động trong kế hoạch năm học. Bộ đề nghị các Sở GD&ĐT chủ động triển khai kế hoạch năm học theo hướng dẫn để bảo đảm, thi không phải là mục tiêu cuối cùng mà quan trọng hơn là tổ chức giảng dạy để học sinh có kiến thức, kĩ năng tốt nhất bước vào kỳ thi này cũng như có thể sẵn sàng bước vào cuộc sống".
Mỹ Hà
Theo Dân trí
"Sẽ tính toán để đổi mới thi cử không bị sốc" Tọa đàm trực tuyến "đổi mới thi cử" do báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 13/9 đã xới xáo lại những vấn đề của kỳ thi THPT quốc gia 2018 và đặt định hướng cho năm 2019. Ảnh: Thanh Hùng. Tại tọa đàm, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho rằng, trong lộ trình...