Thi THPT quốc gia mùa dịch: Nên giảm tải kiến thức tránh áp lực
Nhiều Hiệu trưởng các trường THPT cho rằng, trong bối cảnh học sinh phải nghỉ dài ngày, kỳ thi THPT quốc gia nên giảm bớt kiến thức để tránh áp lực.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, hầu hết các địa phương trên cả nước đã đều thông báo cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn, phòng tránh dịch. Nhiều trường, địa phương áp dụng phương pháp học trên truyền hình, học online, song vẫn không thể đảm bảo 100% học sinh đều có thể tiếp cận phương pháp học này.
Trước thực tế trên, ngày 13/3, Bộ GD-ĐT đã có văn bản hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc điều chỉnh khung chương trình năm học, trong đó có thời gian thi THPT quốc gia.
Theo đó, kỳ thi này sẽ được lùi đến ngày 11/8.
Hiệu trưởng các trường kiến nghị giảm nhẹ nội dung thi THPT quốc gia. (Ảnh minh họa)
Nên giảm nhẹ kiến thức
Với việc điều chỉnh thời gian năm học như trên, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, nếu học sinh nghỉ hết tháng 3, thì vẫn kịp thi THPT quốc gia vào tháng 8, nhưng nếu thời gian nghỉ học kéo dài hơn nữa, thì Bộ GD-ĐT sẽ hết “đường lùi”.
Video đang HOT
“Dịch Covid-19 chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy và học của cả hệ thống giáo dục từ đại học, trường nghề đến bậc phổ thông. Chúng ta phải chấp nhận điều này. Để khắc phục, Bộ GD- ĐT cũng đã chỉ đạo các địa phương, nhà trường giúp học sinh trong thời gian nghỉ vẫn tiếp tục duy trì việc học, thói quen, nền nếp học cũ, để sẵn sàng khi đi học lại, thầy cô có thể dạy đẩy nhanh tiến độ. Nhưng nếu nói việc học này có đảm bảo chất lượng không, thì khẳng định là rất khó đảm bảo. Bộ cũng đã có chỉ đạo tinh giản bớt nội dung kiến thức cho học sinh để đáp ứng cho thời gian học còn lại. Nhưng tôi cho rằng Bộ cũng nên điều chỉnh là nội dung thi THPT quốc gia để phù hợp với kiến thức của các em trong khi thời gian bị hạn chế quá nhiều”, thầy Bình nhấn mạnh.
Nói thêm về vấn đề này, thầy Bình cho biết, như hiện nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hà Nội thông báo kế hoạch đi học theo từng tuần, do đó các trường có sự bị động nhất định. Tại trường THPT Lê Quý Đôn, các thầy cô giáo vẫn yêu cầu học sinh tự hệ thống hóa kiến thức, tự thực hiện các dự án. Từ tuần nghỉ thứ 2, trường dạy kiến thức qua hình thức trực tuyến cho học sinh. Tuy nhiên, thầy Bình cho rằng, theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, việc học online không thay thế việc học chính trên lớp. Tức học sinh vẫn sẽ phải học bình thường khi đi học lại, do đó rất ít trường có thể đồng bộ việc trực tuyến cho tất cả học sinh.
“Có những phụ huynh chủ trương cho con về quê tránh dịch, có những gia đình lại không tin tưởng cho con dùng máy tính, có những em cũng không thích học trong thời gian nghỉ. Việc học online chưa có sự đồng bộ từ nhà trường, giáo viên đến sự tham gia của học sinh và phụ huynh”, thầy Bình cho hay.
Bên cạnh đó, việc học trực tuyến, hay học trên truyền hình cũng không thể đảm bảo tất cả học sinh đều được học theo phương pháp này, đặc biệt là những em ở khu vực vùng sâu vùng xa, phương tiện hạn chế.
“Đây là vấn đề lớn cần quan tâm, chúng ta vẫn chưa có sự đồng bộ giữa nông thôn và thành thị, giữa những khu vực đồng bằng và miền núi. Những giải pháp đưa ra hiện nay vẫn chỉ tập trung vào khu vực thành thị, còn các em ở khu vực miền núi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Bộ mới có điều chỉnh về thời gian thi THPT quốc gia, còn nội dung cụ thể vẫn cần có sự điều chỉnh. Chúng ta khó đề xuất hoãn thi thêm nữa, nếu dịch kéo dài thì hoãn đến bao giờ?
Hiện nay Bộ đang lùi đến tháng 8 đã là kịch kim, để đảm bảo mùng 5/9 khai giảng, do đó không thể lùi thêm nữa. Trong luật cũng đã quy định rõ về kỳ thi THPT quốc gia, do đó phải xác định rõ hình thức kiểm tra, đánh giá sao cho phù hợp”, thầy Bình nêu ý kiến.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) đề xuất, đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, Bộ GD-ĐT có thể xem xét và quyết định chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Nội dung đề thi năm nay cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Năm nay khi chưa xảy ra dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương không công bố đề minh hoạ kỳ thi quốc gia.
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp khiến học sinh tiếp tục phải nghỉ học như hiện nay, thầy Khang cho rằng, Bộ cần cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh hoạ các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học “đặc biệt” này.
Nên chuyển sang xét tuyển thay thi tuyển?
TS Nguyễn Tùng Lâm, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng, việc điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia sang tháng 8 của Bộ GD-ĐT phù hợp nếu học sinh nghỉ hết tháng 3. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, thì việc lùi thời gian thi không còn khả thi.
Theo thầy Lâm, nếu kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào tháng 8, việc chấm thi mất khoảng 1 tháng để hoàn thành. Như vậy, việc công bố kết quả thi và xét tuyển CĐ, ĐH sẽ phải kéo dài đến giữa tháng 9, trong đó mùng 5/9 đã khai giảng năm học mới.
“Chúng ta có thể lùi, nhưng để chuẩn bị một kịch bản xấu hơn, thì các cần chủ động. Hiện nay, chúng ta vẫn đang điều chỉnh theo kiểu chạy theo. Để tránh những áp lực, quá tải cho thầy và trò, Bộ GD-ĐT cần tránh việc học và thi tràn lan như hiện nay, thầy và trò phải học từ đầu đến cuối sách giáo khoa là không hợp lý. Việc học nên có những trọng tâm kiến thức, rèn luyện tư duy, câu hỏi thi cũng nên khác đi, hiện nay thi vẫn nặng về kiểm tra học sinh có nhớ kiến thức không, chứ không phải vận dụng ra sao”, thầy Lâm nói.
Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng đề xuất Bộ GD- ĐT nên xem xét việc xét tuyển thay vì thi THPT quốc gia. Việc xét tuyển ĐH sẽ giao về cho các trường xét học bạ hoặc có những cách đánh giá khác cho phù hợp./.
Theo vov.vn
Quảng Nam: Tổ chức dạy học qua truyền hình cho học sinh lớp 12
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, bắt đầu từ hôm nay 16/3, Sở sẽ phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam (QRT) tổ chức dạy học qua truyền hình cho học sinh khối 12.
Theo đó, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam sẽ dạy học qua truyền hình 9 môn học gồm Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Anh văn và Giáo dục công dân.
Học sinh khối 12 của tỉnh Quảng Nam sẽ được học qua truyền hình (ảnh minh họa)
Thời gian dạy học vào buổi sáng từ 9h-10h; buổi chiều từ 15h-16h, từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần. Mỗi buổi có 2 tiết và mỗi tiết có thời lượng 25 - 30 phút. Giáo viên tham gia giảng dạy do Sở GD&ĐT chọn từ các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Chương trình được phát sóng từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần trên kênh QRT và trực tuyến tại địa chỉ www.qrt.vn, bắt đầu từ thứ Hai, ngày 16/3/2020. Học sinh có thể theo dõi trực tiếp hoặc truy cập website của QRT để xem lại những chương trình đã phát sóng.
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cho rằng, đây là chương trình hữu ích nhằm tạo điều kiện giúp học sinh duy trì việc học tập trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch Covid-19.
Công Bính ( dantri.com.vn)
Cần suy nghĩ nghiêm túc về dạy học từ xa Trong hoàn cảnh việc nghỉ học dài ngày hiện nay cộng với việc còn những tồn tại trong nhà trường, đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc về việc học online. Mọi người vẫn xem việc đến trường là con đường tốt nhất để tiếp thu kiến thức mới và rèn luyện kỹ năng đạo đức, lối sống. Tuy nhiên,...