Thi THPT quốc gia: Không nên tiếp tục gọi là kỳ thi “2 trong 1″
“Cách nói kỳ thi “2 trong 1″ là cách nói nôm, tắt và không trọn ý nghĩa mục đích, bản chất của kỳ thi THPT quốc gia. Tôi không gọi kỳ thi “2 trong 1″ dù nói thế nó không sai nhưng chưa đủ và mong rằng sau này đừng nói là kỳ thi “2 trong 1″.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định như thế tại buổi trao đổi với báo chí do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.Vũng Tàu ngày 29/9.
Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức thi ĐH là vi phạm luật
Theo ông Mai Văn Trinh, kỳ thi THPT quốc gia được xây dựng trên cơ sở của Nghị quyết 29, trong đó nêu rõ “đổi mới thi xét tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém nhưng đảm bảo độ trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh. Lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT đồng thời làm cơ sở để tuyển sinh ĐH và giáo dục nghề nghiệp”.
“Tại sao để xét tốt nghiệp THPT bởi vì luật giáo dục quy định rằng học sinh học hết 12 năm phải dự một kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT. Còn luật giáo dục cũng nêu “các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh” nên Bộ đứng ra tổ chức một kỳ thi ĐH là không đúng luật.
Chúng tôi bám theo tinh thần trong Nghị quyết 29 và cụ thể hóa trong Nghị quyết 44 “tiến tới tổ chức kỳ thi chung lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh”. Cho nên việc sử dụng xét tốt nghiệp THPT là quy định trong luật giáo dục”, ông Trinh chia sẻ.
Còn việc tại sao xét tốt nghiệp THPT còn kết hợp kết quả điểm học bạ, thì điều này tiếp cận thông lệ quốc tế. Theo ông Trinh, trong Nghị quyết 29 cũng nói rõ là “kết hợp việc đánh giá trong quá trình cuối kỳ, cuối năm học”. “Nếu phân tích sâu thì sẽ thấy rất hay, ở chỗ để làm sao kết quả học tập của học sinh là một quá trình liên tục chứ không phải thong thả chơi đến lúc thi mới lo tập trung học rồi sau khi thi xong lại quên hết kiến thức. Chúng tôi lấy kết quả đấy để thấy rằng đó là quá trình cố gắng liên tục.
Điểm thứ 2 cũng rất nhân văn ở chỗ chẳng hạn bình thường học sinh học rất giỏi nhưng chẳng may trong quá trình thi thì bị bệnh nên kết quả thi kém, nếu chỉ lấy điểm thi thì sẽ thiệt thòi cho thí sinh. Do đó, việc lấy kết quả học bạ để thấy rằng đó là một quá trình “chạy” liên tục từ lúc xuất phát đến lúc về đích”, ông Trinh nói.
Ông Trinh cũng cho rằng, để làm căn cứ tuyển sinh ĐH,CĐ thì rõ ràng kỳ thi này còn đủ bảo đảm độ tin cậy, vẫn phân hóa được thì hơn 300 trường ĐH và các trường CĐ có thể sử dụng trong tuyển sinh. Hiện nay việc sử dụng kết quả này rất đa dạng, có trường dùng để xét tuyển trực tiếp nhưng cũng có trường dùng để sơ tuyển, kết hợp cả kiểm tra, phỏng vấn năng lực. Như vậy, điều đó hoàn toàn đúng như nội dung nghị quyết nêu.
Tuy nhiên mục đích kỳ thi này vẫn chưa dừng lại ở đó mà điều quan trọng chính là điều chỉnh lại quá trình dạy học. Do đó, không thể nào gọi kỳ thi này là “2 trong 1″ được.
Ông Trinh khẳng định: “nếu không thi như kỳ thi THPT Quốc gia thì tôi khẳng định chất lượng các môn Lịch sử và GDCD không được như các năm vừa rồi”. Đồng thời, ông nhấn mạnh kỳ thi này giúp điều chỉnh lại cả quá trình dạy học, giảm học tủ, học lệch và nhân văn hơn chính là không còn tình trạng môn chính, môn phụ.
Ông Mai Văn Trinh khẳng định vai trò của các trường ĐH tham gia trong tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 sẽ tăng lên
Video đang HOT
Vai trò của các trường ĐH trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ tăng lên
Về giải pháp thi THPT Quốc gia sắp tới, ông Trinh khẳng định sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm của trưởng ban chỉ đạo, của chủ tịch hội đồng, phó trưởng ban đến từ trường ĐH như thế nào và của thanh tra cụ thể rõ hơn nữa.
Đồng thời, quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa về phòng chứa đề thi, bài thi… hay phần mềm chấm thi sẽ có nhiều lớp bảo mật hơn. Chúng tôi sẽ nghiên cứu các kỹ thuật để mã hóa dữ liệu sau khi đã quét bài thi của thí sinh để muốn cũng không gian lận được…Hoặc về cách tổ chức thi theo cụm, thành lập hội đồng như thế nào, bao nhiêu cụm, ai chủ trì… nhưng tất nhiên vai trò của các trường ĐH sẽ tăng lên.
Kết quả thi THPT quốc gia để sử dụng xét tốt nghiệp THPT nên đề thi của kỳ thi này đáp ứng mục tiêu mức độ học vấn THPT là cơ bản, nó không phải là đề thi tuyển sinh ĐH, càng không phải là kỳ thi học sinh giỏi. Do đó một trong những điều được đánh giá kỳ thi năm 2018 chưa được chính là đề thi có một số câu hỏi quá khó, không phù hợp với sứ mệnh lịch sử của kỳ thi. Năm 2019 sẽ điều chỉnh điều này.
Các ĐH phải tham gia kỳ thi này và vai trò mỗi năm đều có điều chỉnh. Chẳng hạn như lần đầu tiên năm 2018 đưa vào quy định “niêm phong túi đựng bài thi phải sử dụng tem mỏng dễ rách dùng 1 lần, trên đó ngoài chữ ký của hai cán bộ coi thi phải có chữ ký họ tên của phó trưởng điểm thi đến từ trường ĐH”. Ông Trinh bật mí rằng chính nhờ quy định đó mà Bộ đã xử lý vấn đề ở các địa phương có xảy ra tiêu cực. Kỳ thi này là trách nhiệm chung của toàn hệ thống giáo dục, nên các trường ĐH không đứng ngoài cuộc được.
Cục trưởng Cục quản lý chất lượng của Bộ GD-ĐT cũng khẳng định rằng “không thể vì sai phạm của một vài cá nhân cá biệt ở một vài địa phương mà nghi ngờ các địa phương. Tuy nhiên, sự vào cuộc sâu hơn của các trường ĐH là cần thiết, ít nhất là tăng cường vai trò giám sát. Một số khâu cũng sẽ quy định rõ hơn vai trò đến từ trường ĐH so với năm 2017, 2018 để phân rõ trách nhiệm.
Bộ đang trong quá trình hoạch định, sửa đổi quy chế để cố gắng sớm hơn. Tuy nhiên cũng nhấn mạnh kỳ thi THPT Quốc gia 2019, 2020 căn bản vẫn ổn định như năm 2018, không ảnh hưởng đến thí sinh. Nếu có thay đổi chỉ là sẽ vất vả hơn cho các thầy cô để kỳ thi nghiêm túc, an toàn hơn”.
Lê Phương
Theo Dân trí
THPT quốc gia không phải là kỳ thi '2 trong 1'
Ông Mai Văn Trinh khẳng định kỳ thi THPT quốc gia mục đích chính, quan trọng nhất là dùng kết quả để xét tốt nghiệp THPT và là cơ sở cho các trường đại học tuyển sinh.
Tại buổi trao đổi với báo chí vào ngày 29/9 tại Vũng Tàu, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT - đã thông tin nhiều vấn đề về kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 với các điều chỉnh và giải pháp.
Không thể bỏ thi tốt nghiệp
Những năm qua, đã có nhiều ý kiến kêu gọi bỏ kỳ thi THPT quốc gia vì tỷ lệ tốt nghiệp mỗi năm đều gần đạt 100%, việc tổ chức kỳ thi để xét tốt nghiệp không mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, ông Trinh khẳng định không thể bỏ kỳ thi THPT quốc gia.
"Điều 31 của Luật giáo dục cũng nêu rõ học sinh học hết lớp 12 phải dự một kỳ thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT. Do đó, không thể bỏ kỳ thi THPT quốc gia được vì hai lý do chính: Thứ nhất là vi phạm luật giáo dục, thứ 2 là hiện nay khi kết thúc bậc tiểu học, kết thúc bậc THCS chúng ta không hề có kỳ thi nào, với đặc điểm văn hóa truyền thông của một số nước châu Á, đặc biệt là nước ta, nếu không thi thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của việc dạy và học", ông Trinh nói.
Do đó, việc tổ chức kỳ thi lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT vừa đáp ứng thực tiễn, vừa phù hợp với văn hóa truyền thống, đặc biệt là đúng quy định của Luật giáo dục.
Cục trưởng Mai Văn Trinh thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: M.N.
Theo ông Trinh, ngoài mục đích xét tốt nghiệp THPT và là cơ sở để các trường đại học tuyển sinh thì kỳ thi THPT quốc gia những năm qua đã điều chỉnh việc dạy và học theo hướng tích cực.
"Việc thí sinh lựa chọn bài thi khoa học xã hội ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước và việc đưa môn Giáo dục công dân vào tổ hợp các môn thi có ý nghĩa lớn trong việc giảm quan niệm môn chính, môn phụ. Nếu không thi thì chất lượng Giáo dục công dân và môn Lịch sử sẽ không thể được như năm vừa rồi", ông Trinh nói.
Hơn nữa, việc các trường đại học tự tổ chức một kỳ thi không đơn giản, rủi ro, ngân hàng đề thi, đội ngũ coi thi, việc tổ chức rất tốn kém. Do đó, Cục trưởng cho rằng khi nào kỳ thi THPT quốc gia còn chính xác, đảm bảo độ tin cậy thì các trường có thể yên tâm sử dụng kết quả để làm cơ sở tuyển sinh.
Không phải kỳ thi '2 trong 1'
Trước đó, tại phiên giải trình việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong cuộc họp do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng GD&T Phùng Xuân Nhạ cho biết vẫn duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng không phục vụ mục đích " 2 trong 1" mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông.
Nhiều người cho rằng đây là thay đổi lớn của kỳ thi THPT quốc gia 2019. Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh khẳng định mục đích của kỳ thi vẫn không đổi.
Kỳ thi THPT quốc gia điều chỉnh việc dạy và học. Ảnh: Hải An.
"Tôi xin khẳng định cách nói kỳ thi '2 trong 1' là chưa đầy đủ, chưa trọn nghĩa, chưa đầy đủ sứ mệnh của kỳ thi THPT quốc gia. Đây chỉ là cách nói nôm na của nhiều người nhưng lại không đúng với bản chất của kỳ thi", ông Trinh nhấn mạnh.
Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia được xây dựng dựa trên cơ sở của Nghị quyết 29 và Nghị quyết 44. Cụ thể, Nghị quyết 29 quy định đổi mới hình thức thi xét tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém nhưng đảm bảo độ trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh, lấy kết quả đết xét tốt nghiệp THPT đồng thời làm cơ sở để tuyển sinh đại học và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp.
"Tại sao lại để xét tốt nghiệp THPT bởi vì luật giáo dục quy định rõ các em học sinh học suốt 12 năm phải dự một kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT. Còn luật giáo dục thì nói các trường đại học tự chủ trong tuyển sinh. Vì thế, nếu Bộ GD&ĐT đứng ra tổ chức kỳ thi đại học là phạm luật. Cho nên Bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi đại học", Cục trưởng giải thích.
Thêm vào đó, ông Trinh cũng lý giải rằng việc xét tốt nghiệp THPT lại sử dụng điểm học bạ của 3 năm học phổ thông nhằm đánh giá kết quả của học sinh trong một quá trình liên tục từ khi xuất phát đến khi về đích. Việc sử dụng điểm học bạ kết hợp với điểm thi sẽ đưa đến một kết quả chính xác, công bằng cho việc xét tốt nghiệp THPT.
Sẽ sớm công bố đề thi tham khảo
Ông Mai Văn Trinh cho hay kỳ thi THPT Quốc gia sẽ được duy trì ổn định nhưng điều chỉnh, bổ sung với 6 nhóm giải pháp được triển khai trong năm 2019. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng sẽ sớm công bố đề thi tham khảo để giáo viên yên tâm tổ chức hoạt động dạy học và sớm hoàn thiện ngân hàng đề thi.
- Rà soát tổng thể về toàn bộ quy chế, quy trình của kỳ thi để cụ thể hóa những quy định trong quy chế, hướng dẫn. Trong đó, vấn đề quan trọng là xác định rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan tham gia tổ chức kỳ thi và chế tài xử lý.
- Tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo chất lượng, đảm bảo các yêu cầu để đề thi chính thức phù hợp với tính chất kỳ thi, thời gian làm bài của thí sinh.
- Hoàn thiện, củng cố ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của kỳ thi, hoàn thiện phần mềm kỳ thi, tăng cường bảo mật, hỗ trợ phát hiện gian lận.
- Nghiên cứu, xem xét tổ chức về việc chấm thi. Bộ GD&ĐT đang xem xét theo hướng cán bộ chấm thi sẽ không chấm bài của thí sinh tỉnh mình và chấm thi theo cụm.
- Chú trọng khâu lựa chọn nhân sự tham gia vào công tác kỳ thi. Đồng thời, sẽ tập huấn kỹ hơn về công tác thi cho đội ngũ nhân sự.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh tra, giám sát tại các cụm thi, địa điểm thi và tất cả các phòng thi.
Theo Zing
Sẽ sớm công bố đề tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia 2019 Kỳ thi THPT Quốc gia sẽ tiếp tục được duy trì và năm 2019, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện 6 nhóm giải pháp để kỳ thi được hoàn thiện hơn. Trong đó, sẽ sớm có đề thi tham khảo để giáo viên và học sinh yên tâm dạy học. Thông tin được ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng,...