Thi THPT quốc gia: Đừng để thi thử ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh
Ôn tập là rèn luyện kỹ năng thi cho thí sinh cuối cấp
GD&TĐ – Những ngày qua, một số địa phương trên cả nước đã tổ chức thi thử nhằm mục đích chuẩn bị tâm lý cho thí sinh bước vào Kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên sẽ diễn ra vào đầu tháng tới.
Mục đích của thi thử là hết sức tốt đẹp, giúp các em làm quen với đề thi, tạo tâm lý thoải mái trước kỳ thi; tuy nhiên, kết quả chấm thi ở nhiều địa phương chưa cao, dẫn đến những lo lắng thái quá khi cho rằng với kết quả thi này sẽ dẫn đến tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT thấp.
Kết quả thi thử không phản ánh năng lực thí sinh
Không phải là thiếu căn cứ nếu cứ nhìn vào kết quả thi thử cho nhiều phụ huynh và học sinh của các trường THPT ở TPHCM mới đây thì quả là choáng khi tỷ lệ thí sinh làm được bài đủ để tốt nghiệp không quá 50%.
Như ở một trường THPT tại Củ Chi, tổng điểm 4 môn đủ để đậu tốt nghiệp chỉ đạt 30%. Còn hiệu trưởng một trường THPT tại quận Tân Bình thì cho biết có đến 45% học sinh rớt thi thử, điểm liệt cũng chiếm hơn 30%.
Video đang HOT
Đại diện Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2) có khoảng 40% học sinh không làm được 5 điểm ở môn Toán, điểm liệt có một số em.
Cũng như vậy, kỳ thi thử do Sở GD&ĐT Sóc Trăng tổ chức có kết quả ở một số trường tỉ lệ thí sinh đạt điểm “đỗ” khá thấp, có trường chỉ đạt khoảng 30%.
Theo kết quả công khai trên website của Trường THPT Trần Văn Bảy (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng), trường có 466 học sinh thì có khoảng 239 học sinh có kết quả “H” – tức là hỏng thi.
Trong số các môn thi, môn có số học sinh bị điểm liệt cao nhất là môn Toán với khoảng 170 em, có nhiều em bị điểm 0, số học sinh bị điểm 0,25 cũng khá nhiều.
Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cũng đã thông báo kết quả thi thử cho hơn 16.600 học sinh của tỉnh này, cũng có tới 60% không đủ điểm trung bình, chủ yếu rơi vào 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ. Như ở Trường THPT Tây Trà, trong số 138 HS lớp 12 dự thi.
Kết quả ở môn Toán HS có điểm cao nhất là 1,5 điểm, hơn 50% bị điểm 0. Trung tâm GDTX Tây Trà và Trường THPT Tây Trà có tỷ lệ đạt điểm trung bình là 0%.
Nhìn vào những con số được đưa ra về tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình nhiều như vậy, nhiều chuyên gia tuyển sinh, hiệu trưởng các nhà trường cho rằng đây không phải là căn cứ đủ để có thể đánh giá chất lượng học sinh hay độ khó dễ của đề.
Thực tế cho thấy là thời điểm này học sinh và các nhà trường đều đang hệ thống lại kiến thức, thêm nữa học sinh cũng không chuẩn bị tâm thế tốt nhất vì đây chỉ là một bài thi thử.
Dẫn chứng cho thấy, như ở Trường Phổ thông dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) một trường có nhiều học sinh khá giỏi, qua tổ chức 3 đợt thi thử cho học sinh lớp 12, nhưng cũng chỉ có trên 50% học sinh có điểm thi trên trung bình.
Đề thi tương tự như đề thi minh họa của Bộ mà dư luận xã hội đã đánh giá cao về việc bám sát chương trình phổ thông, có đủ độ dễ – khó để đảm bảo phân loại năng lực học tập của thí sinh, kết quả thi của Trường THPT Lương Thế Vinh chỉ có thể nói rằng, học sinh chưa làm thật với đề thi thử.
Hãy chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho thí sinh
Đây là quan điểm của nhiều Sở GD&ĐT cũng như các trường THPT khi cho rằng tổ chức thi thử là tốt, nhưng chỉ là để giúp các em có tâm lý ổn định, làm quen với đề thi trước khi bước vào kỳ thi thật, chứ không nên đưa ra đánh giá vì thực chất có đánh giá cũng không giải quyết được việc gì mà chỉ tạo thêm lo lắng cho thí sinh và phụ huynh khi kỳ thi đang đến gần.
Không còn nhiều thời gian là Kỳ thi THPT quốc gia bắt đầu. Ở thời điểm này, học sinh lớp 12, giáo viên các địa phương đang vào giai đoạn nước rút ôn tập, còn việc thi thử nhiều nơi cho rằng không nên nhìn vào điểm số mà cần hướng dẫn các em quen với đề thi, hệ thống hóa kiến thức cho học sinh.
Nhiều Sở GD&ĐT đã quán triệt tinh thần này tới các nhà trường nhằm tạo tâm thế tốt nhất để thí sinh bước vào kỳ thi. Thi thử chỉ nên giúp thí sinh làm quen với đề thi và kỳ thi chứ đừng để các em thêm lo lắng.
Như ở Nam Định, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Xuân Hùng, cho biết: Nam Định sẽ tổ chức thi thử từ ngày 4/6 – 7/6, quan điểm chỉ đạo của Sở là kỳ thi chỉ nhằm giúp các em làm quen với đề thi, kỹ năng làm bài thi.
Căn cứ vào kết quả thi các trường sẽ tiếp tục có những giải pháp trong việc tổ chức dạy – học trong thời gian còn lại trước khi thi thật. Nhìn vào đề thi minh họa đã được Bộ công bố sẽ thấy lượng kiến thức trải đều từ rất dễ đến rất khó, việc này không ngoài mục đích để học sinh làm được bài để tốt nghiệp, nhưng cũng giúp các trường ĐH, CĐ tuyển người học.
Tôi cho rằng, thời gian không còn nhiều, các nhà trường nên tập trung hệ thống hóa kiến thức và hãy chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho thí sinh – là những điều nên làm.
Còn ở Nghệ An, bà Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: Quan điểm của chúng tôi là hãy chuẩn bị tốt nhất cho thí sinh, tuyệt đối tránh những bất ổn về tâm lý.
Để thực hiện, Sở đã có công văn yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch ôn tập trong tháng 6 và thông báo cho học sinh biết để các em đăng ký.
Nghệ An không tổ chức thi thử cho học sinh, mà để các trường chủ động tiếp cận với đề thi minh họa của Bộ, trên cơ sở đó lên phương án ôn luyện và hệ thống kiến thức cho học sinh.
Thi thử lo lắng thật là những điều nhận thấy trên một số tờ báo phát hành thời gian qua. Nhưng đây là những lo lắng thiếu căn cứ khi cho rằng để xét tốt nghiệp cho học sinh chỉ dựa vào kết quả thi mà không biết rằng điều kiện xét tốt nghiệp cho học sinh không chỉ dựa vào điểm trung bình 4 môn thi mà còn tính cả điểm trung bình của học sinh trong năm lớp 12.
Ngoài ra, còn điểm khuyến khích theo đối tượng, theo khu vực. Đề thi phân hóa với độ dễ – khó, cùng với những đánh giá khác và chế độ ưu tiên khu vực, xem ra những lo lắng về kỳ thi như trên là hoàn toàn không có cơ sở.
Theo GD&TĐ